(cớ gì phải chịu thương đau một mình...)


Chẳng ai thích im lặng cả. Trong môi trường mà mình được sinh ra và lớn lên, im lặng là điều người ta hết sức muốn né tránh, người ta có xu hướng ‘điền vào chỗ trống trong cuộc hội thoại’. Nếu có lúc nào cả hai đột nhiên im lặng thì thiệt là ngại ngùng và kỳ cục hết sức. Vậy đó, mà cuối cùng chúng ta vẫn không thể nói ra những điều quan trọng.

Điều gì là quan trọng, và quan trọng như thế nào?
- Những điều ảnh hưởng đến cả hai bên trong một mối quan hệ (công việc lẫn cá nhân).
Bởi vì tụi mình đều là những người khác nhau, cho nên thi thoảng sự mâu thuẫn hay va chạm là không thể tránh khỏi. Điều này kéo theo những cảm xúc tiêu cực như khó chịu, bực dọc, thất vọng, mất mát niềm tin và chúng ta dễ dàng bị chi phối bởi những cảm xúc mạnh này. Thành ra chúng ta có xu hướng quên mất đây là mối quan hệ hai chiều. Tức là điều bạn cảm thấy cũng có ảnh hưởng đến người kia, và ngược lại. Cảm xúc và thái độ của chúng ta tác động qua lại lẫn nhau, điều này lý giải cho việc chúng ta khó mà ghét một người thích mình.
Chắc bạn cũng từng giận dỗi mà không nói ra, đợi người ta biết mình giận cái gì mà xin lỗi, mà dỗ. Và mình chắc là bạn cũng từng giận mà thậm chí người ta còn không biết là bạn giận. Vậy là hông biết làm gì ngoài up status bóng gió, trách người ta không hiểu được mình, buồn khổ, khó chịu trong lòng mà chẳng thể giải quyết. Và rồi cảnh khó chịu lại tiếp diễn.
Hoặc trong công việc, khi có vấn đề xảy ra thì luôn luôn có câu ‘em tưởng’ hoặc ‘em không biết’ hay ‘sao em không tự biết’. Có rất nhiều chuyện nếu rõ ràng ngay từ đầu thì đã có thể tránh được. Nỗi sợ chia sẻ làm chúng ta không dám lên tiếng khi chưa rõ, hoặc không dám thảo luận về những điều làm thất vọng hay chưa hài lòng trong môi trường làm việc.
Nói cùng nhau, tụi mình vẫn làm hằng ngày đó thôi. Nhưng vấn đề là tụi mình nói gì với nhau. Tụi mình có nói về cảm giác của mình và mình hy vọng điều gì. Tụi mình có bày tỏ sự thấu hiểu đối phương và mong muốn được đối phương thấu hiểu. Có nỗ lực để tìm phương hướng giải quyết vấn đề, lắng nghe vấn đề của đối phương và tìm thấy nguyên do và điểm chung.
Im lặng đáng sợ ở chỗ nó đồng nghĩa với việc bạn khép mình lại, không mở lòng, không chia sẻ. Nó đồng nghĩa với việc bạn biến những suy diễn, giả thuyết của mình là đúng, không cần sự xác nhận, giải thích của bên kia. Bên kia cũng không biết bạn mưu cầu điều gì trong mối quan hệ để có thể đáp ứng. Và đáng buồn (cười) ở chỗ là, trong lúc bạn khổ sở, buồn bã trong im lặng, thì bên kia cũng hoang mang và buồn bã không kém gì.
Nói cùng nhau, khó không? Khó. Bởi vì một phần văn hóa không cho phép mình nói thẳng những điều mình nghĩ, những cảm xúc tiêu cực như khó chịu hay buồn bã. Và vì … sợ hãi. Sợ sẽ làm người khác tổn thương, sợ làm người khác buồn, sợ nói ra những điều không hay và bị đánh giá. Sợ phải nhìn nhận lại cảm xúc của mình cách thẳng thắn, sợ cảm giác yếu đuối và dễ bị tổn thương khi chúng ta trải lòng. Nhưng khi nói ra, tức là mình đã thực sự trân trọng và tin tưởng đối phương, đã nỗ lực để làm cả hai cảm thấy tốt hơn. Nó cũng là sự chín chắn trong việc xử lý các mối quan hệ khi chúng ta thực sự mở lòng và lắng nghe trước khi đi đến kết luận.
Vậy làm sao để bắt đầu nói cùng nhau? Đơn giản thôi: nói ra. Khi tỏ bày với tất cả sự thành thật và hy vọng, thì ít nhất chúng mình sẽ không phải hối tiếc.
*
Ném lại một bài viết từ Today Vy learns, những ngày cuối năm cần được nhắc nhở để có thể nói với nhau nhiều hơn cho năm mới.