Không ít lần khi đọc một số quyển sách, lướt các bài đăng trên mạng xã hội, tôi bắt gặp câu nói: “Có đau khổ mới có trưởng thành”. Chẳng biết ai là cha đẻ của câu này mà nó sống dai dẳng đến thế, tuổi đời cụ thể là bao nhiêu thì tôi chưa biết nhưng trước mắt tôi biết nó đã trở thành câu châm ngôn quen thuộc với nhiều bạn trẻ, để rồi mỗi khi các bạn gặp một áp lực, trải qua một đau khổ thì các bạn chỉ chăm chăm gắng gượng tiến về phía trước mà không nhìn lại đằng sau, mình có bỏ quên cái gì hay không, đặc biệt là quên chính mình.
Hôm trước tôi vừa đọc được một nhận định khiến tôi cảm thấy khá khó chịu. Bình thường tôi chẳng lên tiếng mấy nhưng bữa đó có lẽ có một ai khác đã vô tình chạm vào ngưỡng chịu đựng của tôi, cho nên, tôi dễ cộc và cáu. Và cứ thế tôi tiến phăng phăng, nói sòng phẳng như một cô giao thư băng băng trên đường với khí thế hùng hục giữa chiến trường bom đạn.
Tôi đồng ý là mỗi người sẽ có một kiểu suy nghĩ, hà cớ gì tôi bắt bẻ người khác. Tuy nhiên, đây chẳng phải bắt bẻ mà chỉ đơn giản là nêu lên QUAN ĐIỂM của bản thân.
Đại khái có một người chị nói rằng: “Việc học đại học rất quan trọng, dù có khó khăn cỡ nào các em cũng phải cố gắng vượt qua vì áp lực thời đại học chẳng là cái gì so với áp lực sau này cả.
Nghe thì rất mượt tai và rất đúng, đúng không? Nhưng khi suy xét kỹ, chúng ta cần nhìn nhận xem liệu câu nói trên có hoàn toàn chính xác.
Dưới góc nhìn của tôi, tôi đồng ý với việc “học đại học thật sự rất áp lực”. Nhiều bạn bảo rằng thấy tôi đi học như đi chơi, vì đúng là tôi đi học như đi chơi thật. Nhưng đi chơi cũng áp lực chứ. Áp lực tiền bạc, áp lực liệu buổi hôm nay có vui, có kiến thức gì thú vị không??? Đặc biệt, tôi còn áp lực về chuyện giảng viên có điểm danh tiết này không vì cái nết của tôi thì chắc ai học chung đã quá rõ. Tôi còn nhiều việc phải lo hơn một số buổi học trên trường - đây chỉ là trường hợp của riêng tôi. Tôi không trách trường hay ai cả vì đó là áp lực do tôi tự tạo nên, do tôi lựa chọn, tự tôi nhìn nhận và thỏa hiệp với nó.
Đứng về phía một số bạn bè, tôi nhận thấy họ đang bị áp lực đồng trang lứa (peer pressure) khi học đại học rất nặng. Họ áp lực cái gì? Trong môn Nhân học đại cương 3 kỳ trước, tôi có cùng một nhóm sinh viên thực hiện một nghiên cứu về hiện tượng áp lực đồng trang lứa ở sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội), cụ thể qua hai trường hợp là K65 Văn học và K67 Nhân học. Chúng tôi đi đến kết luận rằng, các bạn sinh viên thường bị áp lực về một số vấn đề sau đây:
1. Đầu tiên là áp lực về mặt ĐIỂM SỐ. Điểm số ở đây bao gồm cả điểm GPA và Điểm rèn luyện. Có nhiều bạn tự hỏi là tại sao mình đã cố gắng học ngày học đêm, ôn lên ôn xuống mà điểm mình vẫn thấp so với một bạn nghỉ học môn đó mấy buổi, chẳng thấy phát biểu gì trên lớp? Tôi nghĩ nếu lướt xem một số group Facebook về học sinh, sinh viên như Group Đại học đừng học đại chẳng hạn thì không khó để các bạn bắt gặp những dòng tâm sự kiểu này. Ở dưới cũng sẽ có rất nhiều bình luận, nào là ăn may, nào là người ta thông minh hơn, sáng dạ hơn, nào là ABC, XYZ. Chẳng biết khi đọc xong các bạn đang áp lực sẽ nghĩ như thế nào nhưng tôi dám chắc rằng áp lực mà họ đương chịu đựng chẳng thể bị triệt tiêu hoàn toàn dù cho có những lời chia sẻ, những lời khuyên từ nhiều anh/chị đi trước.
2. Nối đuôi áp lực điểm số là áp lực về mặt TÀI CHÍNH. Áp lực ở đây không phải vì nhà bạn giàu hơn nhà mình mà là áp lực vì bằng tuổi nhau, bạn có thể kiếm được cả chục triệu, thậm chí vài chục triệu hoặc trở thành một KOL, Influencer có tiếng trên một/nhiều mạng xã hội nào đó như Instagram, Tik Tok hay Facebook, còn mình thì, chẳng có cái khỉ gì cả.
Cái này tôi đã từng đề cập trong một vài bài viết khác (tôi sẽ đăng lên Spiderum sau), rằng chúng ta không thể kiểm tra xem liệu ai đó có mức thu nhập chính xác là bao nhiêu, nhưng, chính vì truyền thông vẫn còn đưa những thể loại tin kiểu: “Choáng ngợp trước cô gái vừa đẹp vừa tài kiếm được chục triệu một tháng dễ như chơi”, “Gặp gỡ X - cô nàng vừa giành được suất học bổng ngàn đô từ đại học Y nhưng vẫn kiếm được thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng”... thì thử hỏi sao mà không áp lực cho được?
Có người cho rằng việc đọc nhưng tin tức như thế sẽ giúp tạo động lực cho họ nhiều hơn, nhưng, liệu những tin tức ấy có thể tạo động lực trong bao lâu khi mà chúng xuất hiện với tần suất dày đặc? Cái gì nhiều quá thì rất dễ “lờn” và người ta sẽ chẳng còn lấy lại động lực như thuở ban đầu được nữa. Đó là trường hợp thứ nhất. Trường hợp thứ hai, các bạn vẫn có thể tìm được động lực từ những tin đó nhưng các bạn lại bị phụ thuộc vào nó, không tự tạo thêm NỘI LỰC cho riêng mình, thì khi ấy, nếu gặp sóng gió lớn hơn liệu bạn có đủ vững chãi để nhìn nhận mọi thứ xung quanh chỉ bằng việc đọc những tin, xem những video kiểu thế? Hay bạn sẽ xoay mòng mòng trong cái mớ bòng bong của thực tại?
Đấy là hai kiểu áp lực phổ biến mà các bạn phải đối mặt trong lúc học đại học. Qua nghiên cứu, chúng tôi còn thấy tồn tại một số kiểu áp lực khác như áp lực vì là người vùng miền, không giao tiếp được với thầy cô và bạn bè một cách tự nhiên. Hay áp lực vì bạn được đánh giá là đẹp hơn, xinh hơn mình, làm mình luôn tự ti khi đứng trước đám đông trong một dịp đặc biệt nào đó.
Từ kết luận của nghiên cứu, ý kiến: “học đại học thật sự áp lực” rất chuẩn xác. Tuy nhiên, cái vế sau đó mới là vấn đề mà tôi muốn bàn tới:
dù có khó khăn cỡ nào cũng phải cố gắng vượt qua vì áp lực thời đại học chẳng là cái gì so với áp lực sau này cả
Câu chuyện phải có đau khổ mới có trưởng thành chắc một phần cũng bắt đầu từ đây - từ việc so sánh áp lực giữa các giai đoạn phát triển của đời người rồi ép buộc con người phải luôn luôn tiến lên phía trước, vượt qua áp lực thực tại vì tương lai còn có những thứ áp lực hơn mà chúng ta phải đối diện???
Xem xem có nghịch lý không? Khi vượt qua một khó khăn, một thử thách, bạn sẽ muốn thấy gì ở phía tương lai? Phải là một niềm vui, một ánh sáng, một phần “hào quang rực rỡ” nào đó để làm tin, làm vui cho mình chứ? Tự nhiên lại vượt qua khó khăn, trải qua đau khổ chỉ vì phía trước có thứ còn khó khăn, đau khổ hơn???
Đúng là tương lai luôn có nhiều cạm bẫy đang chờ chúng ta bước vào và mắc kẹt ở đấy. Đúng là phía trước còn lắm chông gai và ta luôn là kẻ mù đường khi cứ mải mê tiến bước. Những cạm bẫy, những chông gai - về mặt lý thuyết đều là khó khăn, áp lực nhưng liệu chúng có còn là khó khăn, áp lực mà ta từng gặp trong quá khứ? Hay chúng đã có sự khác biệt nhất định nào đó? Đấy là chưa tính ta của khi đó cũng là ta rất khác với ta của thì quá khứ.
Khác đầu tiên về mặt số tuổi, thời đại học là 18-22 tuổi, còn sau đó là 25-30 tuổi, sau đó nữa là trên 30, trên 40, trên 50... Khác thứ hai là về mặt nhận thức. Lúc nhỏ thấy cái này hay cái này đẹp, nghe vui vui nhưng sau này thì chưa chắc. Lúc trước thì thấy mấy tác phẩm của Thạch Lam hay quá nhưng sau này lại thích văn phong của Nguyễn Huy Thiệp hơn chẳng hạn.
“Có tuổi”, mọi thứ đều biến thiên.
Nhắc đến vấn đề này làm tôi nhớ về câu chuyện của mình và chị mentor. Hôm trước, tôi có một cuộc nói chuyện với chị, nghĩ lại thôi tôi còn thấy ê ẩm cả người. Chị bảo tôi tập một cái gì đó đi, rồi cuối cùng chị quyết định giao nhiệm vụ cho tôi tập Pilates. Ôi thôi, nghe như sét đánh ngang tai! Vì ở độ tuổi 22 nhưng xương cốt 60 này thì với tôi, điều đó thật kinh khủng, kinh khủng còn hơn việc tôi phải đi học đầy đủ, không vắng buổi nào trong suốt một học kỳ. Tôi cũng có khóc thét với mentor chớ, nhưng mà khóc thì khóc thôi, vẫn phải lăn ra tập. Nhiều khi nằm một bãi vì đau nhưng cũng ráng mà luyện. Một phần vì đó là nhiệm vụ, nhưng phần lớn là vì câu nói của chị làm tôi nghiệm ra nhiều điều:
“Nếu chúng ta chỉ có chữa lành bên trong mãi thôi thì cũng không đủ, vì con người là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố cơ thể. Giờ thử tưởng tượng bên trong em thế này nhưng bên ngoài - tức cơ thể của em không đủ sức chứa thì mọi thứ có ra được kết quả cuối cùng không?”
Câu nói này làm tôi SÁNG RA gấp mấy lần tổng số sách self-help cộng với số bài báo tiếp thêm động lực mà tôi từng có "may mắn" đọc được.
Giờ, các bạn cứ xem cơ thể mỗi người là một chiếc bình, mỗi loại đều có một dung tích nhất định. Ở cái loại 100ml thì nó chỉ chứa được 100ml nước hoặc loại chất lỏng nào đấy cùng dung tích chứ chẳng thể chứa hơn bởi sức chứa của nó chỉ có thế. Nếu ta muốn nhồi nhét thêm cũng không được. Nói cách khác là khi đó, ta sẽ rơi vào hiện tượng burn-out, một hiện tượng mà nhiều người nhắc đến gần đây.
Thế thì, câu chuyện trên có liên quan gì đến vấn đề “dù có khó khăn cỡ nào cũng phải cố gắng vượt qua vì áp lực thời đại học chẳng là cái gì so với áp lực sau này cả”?
Ở mỗi độ tuổi, chúng ta sẽ là những cái bình có DUNG TÍCH khác nhau, hình dáng cũng có sự thay đổi, màu sắc hay các yếu tố khác cũng thế. Đó là vì, nói một cách nôm na là “chúng ta đã khác xưa”, về mặt nhận thức cũng không còn là nhận thức của ngày trước dẫu chúng ta, về mặt giấy tờ vẫn là Nguyễn Văn X, Hoàng Thị Y, Lâm Văn Z...
Bất cứ độ tuổi nào cũng sẽ phải đối mặt với những KHÓ KHĂN VÀ ÁP LỰC nhất định.
Và cái khó khăn áp lực đó, xét ở tên gọi, vẫn là thế nhưng có một số điểm khác biệt sau đây:
Thứ nhất, là bản thể hiện diện, cách tác động và khả năng tác động của nó
Bản thể hiện diện là kiểu: cùng được xem là khó khăn nhưng có cái được gọi là áp lực học tập, có cái thì gọi là áp lực tài chính, có cái thì gọi là áp lực vẻ bề ngoài, áp lực tiền nông, áp lực chưa có người yêu, áp lực vì phải gắng gượng mà trưởng thành... Chính vì bản thể hiện diện khác nên cách tác động cũng như khả năng tác động của nó cũng khác. Như với người A thì áp lực học tập luôn hiện hữu từng ngày, từng giờ, còn áp lực tài chính dường như không mảy may xuất hiện. Trong khi đó với người B thì hoàn toàn ngược lại.
Thứ hai, ở mỗi độ tuổi chúng ta sẽ có khả năng chịu đựng những loại áp lực khác nhau - RẤT KHÁC NHAU. Chưa bàn về nhận thức mà chỉ bàn về cơ thể cũng đủ để thấy điều này là chuẩn hay không. Trong trường hợp cùng là một lực tác động, bạn tát một cái lên mặt đứa trẻ 5 tuổi với một cái lên mặt người lớn 20 tuổi xem xem nó có khác nhau không. Ai cũng sẽ chịu đau cả nhưng cái đau của mỗi người không thể như nhau được. Đó là lý do vì sao mà người lớn hay bảo mỗi khi chúng ta giỡn với các em nhỏ là: “Nhẹ tay thôi, em nó còn nhỏ” Cơ thể nó chưa phát triển thì sao nó chịu nổi một cú tát trời giáng - đối với nó, trong khi đó chỉ là một cái đánh nhẹ với người bằng vai phải lứa với chúng ta?
Tương tự như vậy trong việc chịu đựng cái gọi là ĐAU KHỔ VÀ ÁP LỰC bên trong mỗi người. Có những thứ áp lực ngày nhỏ bạn thấy nó khó thở quá, sao người lớn có thể chịu được - ví dụ như áp lực tài chính. Nhưng đến độ tuổi đi làm bạn vẫn có khả năng chịu nó và đang cố gắng, đôi khi là gồng mình chịu được nó từ ngày này sang ngày khác. Đấy là trường hợp bạn có khả năng chứa được áp lực này chứ ngoài kia có biết bao người phải buông tay giữa chừng vì sức chứa của họ không đủ?
Thế thì, tại sao có thể nói và xem câu nói này là một châm ngôn: “dù có khó khăn cỡ nào cũng phải cố gắng vượt qua vì áp lực thời đại học chẳng là cái gì so với áp lực sau này cả”? Lấy căn cứ gì mà so hai loại áp lực này? Đi so sức chịu đựng của một đứa trẻ với sức chịu đựng của một người lớn trước một cái tát, nghe có nực cười không? Có hài hước không? Tương tự, ở tuổi còn nhỏ, tuổi ăn tuổi học thì tại sao cứ bắt ép các em phải chịu cái áp lực tài chính quá sớm vì đằng nào, đến một độ tuổi các em ấy cũng sẽ phải chịu??? “Những đứa trẻ chín ép” cũng ra đời từ đây, từ những câu nói phát triển bản thân nửa vời như thế.
Đây là bài viết dài tôi phản biện lại ý kiến của bất kỳ ai cứ mở mồm là ra rả câu “áp lực thời đại học chẳng là cái gì so với áp lực sau này cả
Trong một cuộc tranh luận không có đúng sai nhưng sẽ có ý kiến phù hợp hơn ý kiến còn lại. Tất cả phụ thuộc vào khả năng lý giải và bảo vệ quan điểm của mỗi người. Tôi không chỉ trích cá nhân, ý kiến nào tôi thấy không hợp thì tôi nói để mọi người có nhiều đường hướng mà lựa chọn thay vì nghĩ đó là ý kiến duy nhất và tốt nhất. Tôi cũng nói là tôi không khuyên ai, vì tôi ghét lời khuyên. Tôi chỉ nêu ý kiến bằng những sự trải nghiệm và trên hết là cách nhìn mọi thứ đang diễn ra xung quanh mình. Đặt trong bối cảnh hiện nay thì tôi lại càng muốn “nói” để mấy cái self-help nên được sàng lọc và tiếp thu kỹ càng trước khi trở thành một loại thuốc độc tiếp cái động lực nửa vời cho giới trẻ.
Nói tóm lại, bài viết có thể cô đọng trong một câu “TUỔI NÀO SỨC ĐÓ”. Điều này đúng không chỉ về mặt thể chất mà còn về mặt tinh thần.
Đừng bắt đứa trẻ 5 tuổi phải chịu cái tát trời giáng mà bạn tát vào vai con bạn thân đến mức đỏ rực cả một vùng da thịt, vì khi đó đứa trẻ ấy có khi ngất xỉu, nghiêm trọng hơn là hộc máu cũng nên.
Tương tự như vậy, đừng bắt một đứa bé đang trong tuổi ăn tuổi học phải xem thường cái áp lực hiện tại vì tương lai còn có những áp lực kinh khủng hơn. Vì chẳng có căn cứ nào đem so sánh hai loại áp lực này cả.
Những câu chuyện truyền cảm hứng chỉ là thứ động lực "sớm nở tối tàn".
Thay vì tin theo răm rắp và khăng khăng cho rằng nó đúng, ta cần nhìn nhận, đặt để các câu nói đó vào những trường hợp cụ thể.
Để soi chiếu, để trưởng thành với đúng số tuổi, đúng với giai đoạn phát triển của bản thân.
19.04.2024