Đôi lúc công việc quá bế tắc, các bên liên quan quá cứng đầu và ngày ngày vẫn còn nhiều lời soi xét của người khác lên sự phát triển nhanh chậm của mình, tôi thấy chỉ có mỗi tôi là đang dậm chân tại chỗ. Tất cả người khác đều tiến lên.
Vừa nghĩ những câu này, tôi vừa đứng băm hành tỏi.Từ hồi chuyển ra ở riêng, tôi chăm chỉ nấu ăn hơn. Dù rằng chưa đạt được thứ niềm vui say sưa khi được kết nối với thực phẩm, nhưng ít nhất được ăn ngon ăn no thì coi như ngày hôm đó không đến nỗi quá lãng phí. Tôi đang từ từ học cách để chăm sóc cho chính mình, thế có gọi là dậm chân không?
——
Ở công ty tôi có một ông đồng nghiệp khó ưa. Đơn giản là tôi không chịu nổi cách giao tiếp của ông ta, cứ cụt cụt và bế tắc kiểu gì, nên tôi không ưa. Tôi nói 10 câu, ông ta nghe 4 câu. Tôi với ông đồng ý 2 điều, thì ông làm 1 điều, điều còn lại thì “ủa, em với anh có ok point này à?”. Thiệt tức nghẹn ở cổ.
Có giai đoạn đỉnh điểm, buổi sáng ông ta nhắn tin cho tôi rằng “xin lỗi em vì anh có thiếu sót”. Đến buổi chiều thì tôi phải “dạ em xin lỗi anh vì em đã lỡ lời”. Hai bên cứ thay phiên nhau mà xin lỗi, nhưng cuối cùng thì sáng mai bình minh thức dậy, mọi chuyện vẫn cứ là như thế. Tôi sẽ gân cổ lên cãi chó cãi mèo, còn ông ta thì giở đòn giả câm giả điếc. Tôi cứ chửi rủa ông, như muốn giáng những đòn phủ đầu vào chuyên môn của người ta. Không ngừng ca cẩm về việc tại sao tôi lại phải khốn khổ đến mức vớ vào thứ đồng nghiệp như vậy. Tôi cứ bực cho sự may mắn ít ỏi của mình. Và cứ thế phát tiết với tất cả mọi vật.
Tôi cảm thấy mệt thật sự. Đến một ngày kia, lồng ngực căng đầy sự uất ức, cổ họng phát nghẹn nhói đau điếng, giọng nói vỡ vụn đi. Tôi sặc nước bọt và ho nhặc nhụa. Cái ho như kịp thời cản lại những lời cay nghiệt mà tôi sắp phang vào người ông ta.
Tự dưng, tôi trở thành người xấu lúc nào không hay. Và cú sặc nước bọt đó thật sự đau đến nhớ hoài.
Không thể cứ như vậy được.
Cứ cho là tôi cũng chả thèm quan tâm gì thằng cha đấy, nhưng ít nhất tôi cũng xót thương cho hồ nước tinh thần của mình đã bị sự giận dữ làm cho đục ngầu.
Tôi im lặng khoảng ba ngày.Đến ngày thứ tư, tôi lựa chọn một góc nhìn khác. Tôi nhìn ông ta như con mèo ở nhà. Mỗi ngày nó đá chậu cây hay hất đổ ly nước, tôi có chửi ra rả cũng chả có ích gì. Mèo thì không hiểu tôi, và nó cũng không cần hiểu. Nếu nó thấy có một người không cung phụng cho nó thì chỉ cần ngoảnh đuôi đi là được. Còn tôi mà có ôm cục tức lên một con mèo thì chỉ lão hóa thêm thôi, chứ vẫn phải đi dọn dẹp bãi chiến trường của nó kia mà. Tương tự như vậy, tôi chọn cách kiên nhẫn hơn với đồng nghiệp của mình - là anh ta. Thay vì ngay lập tức nhảy bổ vào để đôi co, tôi cố gắng hiểu rõ nguyên do đằng sau những câu hỏi của anh là gì. Để làm điều này thì cần phải gồng. Gồng lên để chống lại bản năng muốn nhảy vào miệng người khác. Gồng lên để chống lại cái đầu đang chực chờ phán xét. Gồng lên để chấp nhận sự xấu hổ khi nhận ra người ta không đến nỗi sai trái như mình thêu dệt.
Đợt đó, sau khi tôi đã cố gắng nhẹ giọng hơn, anh ta cũng không lơ tôi đi nữa. Anh cũng có cố gắng phản hồi lại tôi nhanh nhất có thể, và cũng cùng tôi làm cho xong việc trong ngày cuối tuần để kịp thời hạn vào đầu tuần tiếp theo.Tất cả đều có thể tốt lên. Trong khoảnh khắc đó, tôi không còn thấy mình chậm chạp. Tôi thấy sự tiến lên, dù rằng nhỏ bé, nhưng cũng đã là sự nỗ lực. Thế có gọi là đang dậm chân không?
Tôi ngồi thừ ở một góc bàn ăn. Có bốn người trên cái bàn này, tất thảy, và đã bao gồm tôi. Ba người còn lại tuy cảm thấy mệt mỏi nhưng vẫn thả cho nhau những miếng mồi đùa. Còn tôi thì khác. Tôi đã chìm vào trong một góc riêng của bộ não, nơi mà mọi lễ nghĩa đều là phù du. Vì vậy mà có là sếp hay tổng tài đang ngồi bên cạnh thì lời nói của họ cũng không quan trọng lắm.
Nước lẩu đang chậm chạp sôi. Một làn khói mỏng từ từ xuất hiện trên mặt nước lẩu. Nhẹ, dịu, thơm. Khói như đường chỉ bay là sà. Tôi vẫn căng mắt ra nhìn. Cái bụng đói khiến cho khoảnh khắc này như dài ra ngàn năm. Nhân viên của quán lẩu thân thiện cố gắng trấn an rằng nước đang ở mức nhiệt độ cao nhất rồi và sẽ sớm có đồ ăn khỏa lấp thôi. Trong lúc đó tôi lại thấy nụ cười của chị như tiếng ve kêu đều đều. Nghe ít thì vui, nghe nhiều đâm ra khó chịu.
Bong bóng nổi từng đàn và co thành từng cụm trên mặt nước lẩu. Tôi lại ngồi nhìn trong trống rỗng. Khói bốc ra nghi ngút, che lấp cả gương mặt của người đối diện. Các viên đồ ăn như đàn cá hết ngụp rồi lặn, thoắt ẩn thoắt hiện những món mà tôi yêu thích. Tôi chăm chú ngồi chờ cho đồ ăn chín. giọng nói của mọi người xa văng vẳng.
Tôi tự giác vớt đồ ăn chín ra một chiếc dĩa sạch cho nó không bị dai.
Trước đây tôi không hay chủ động làm như thế. Hiếm bao giờ nhận trách nhiệm cho những món ăn trên bàn. Tôi sợ đổ bể. Tôi sợ bị người khác đánh giá sự khéo léo của mình. Tôi sợ rơi vỡ đồ ăn và chén dĩa. Nói chung là thà trở nên vô dụng trong mắt người khác còn tốt hơn.
Nhưng đồng thời, tôi thích chăm sóc. Tôi muốn được trở thành một người đáng tin cậy, trong cả những bữa ăn. Cảm giác có thể quán xuyến gọn gàng nhiều việc vì bản thân và vì người yêu thương khiến tôi thấy mình vẫn đáng để tồn tại. Đôi bàn tay này vẫn đang còn tạo ra giá trị. Cơ thể này vẫn còn được nâng niu. Vẫn rất đáng.
Tôi vẫn không nói gì nhiều kể từ lúc ngồi vào bàn ăn. Chuyên tâm vớt ba lượt thức ắn và bị rớt một khoanh mực ra ngoài. Thật tiến bộ, vì trước đây thì tôi sẽ làm rơi vãi tất cả.Nhưng mà, có hay không, khi gán giá trị của mình vào một việc như là vớt thức ăn gọn gàng lên dĩa khiến tôi trở nên mong manh yếu đuối? Có hay không việc tôi trông có vẻ bất lực và phải bấu víu vào từng hành động như vậy để tìm ra động lực tồn tại? Tôi cố không làm nhặng xị đầu óc mình thêm. Tôi biết có nhiều người ngày ngày phải gồng mình chống chọi với giọng nói "mày thật vô dụng" ở bên trong, dù cho họ có đang đứng ở đỉnh cao nào đi chăng nữa. Dù rằng chưa đặt chân lên đỉnh vinh quang của mình, nhưng tôi vẫn không thoát khỏi cảm giác yếu kém ở mỗi sáng thức dậy. Vậy nên, sau một ngày rất dài, tôi lại mong có thể được yên lặng, chăm chú nhìn nồi lẩu đang réo rít sôi sục, và cố tìm một khoảnh khắc đáng sống nhỏ nhoi.
Thế có gọi là dậm chân không?
Thái An.