Có ai để nhung nhớ?
Khi đã xảy ra cuộc gặp gỡ ấy, một tình cảm dần chớm nở trong tim, chỉ cần ta nghĩ tới người đó một chút thôi cũng rung động không dứt, có lúc ta lại bất giác mỉm cười.
Từng dòng người luân phiên qua lại không dứt. Không khí nơi đây chưa bao giờ hết nhộn nhịp.
Trong căn phòng ám đầy mùi thuốc khử trùng. Cô gái thong thả tựa lưng trên giường, cầm sách lên liếc qua vài dòng chữ rồi lại đặt xuống, ánh mắt mơ màng hướng qua cửa sổ. Thỉnh thoảng vì có hơi mỏi, cô xoay người đổi tư thế. Nhưng khi khẽ động một chút thì cái chân đang bị bó bột thành một cục cứng ngắc lại nhói lên.
Mấy ngày nay Quyên cảm giác mình y hệt mấy vị tiểu thư trong phim cổ đại ngày xưa, cứ ru rú mãi trong nhà. Cả thế giới đều bị thu nhỏ trong căn phòng này khiến cảm giác cô đơn và lạc lõng cứ day dưa bám mãi. Rảnh rỗi thì cô lại ngấu nghiến mấy cuốn sách, lướt điện thoại, hoặc nằm ngửa ra ngắm khung cảnh bên ngoài cửa sổ. Trong phòng vang lên tiếng thở dài chán chường và sầu não.
Cánh cửa nhẹ nhàng mở ra, dì Thơm cùng với tô bún đang bốc khói nghi ngút ở trong tay tiến vào phòng. Trong thời gian nằm dưỡng bệnh ở nhà dì, sự săn sóc của của người phụ nữ khiến trái tim của cô gái ít nhiều được an ủi. Ngày nào dì cũng đều đặn chế biến những món ăn bổ dưỡng. Chốc chốc, bà lại hỏi thăm có cần gì không, có thiếu gì không.
Quyên vừa mới đến Hà Nội thăm dì Thơm vào tuần trước. Cách đây vài hôm, trong lúc mải mê đạp xe băng băng thì một con chó đột ngột chạy ngang qua đường. Cô phản ứng không kịp, cả người lẫn xe liền ngã xuống. Cái xe không sao, nhưng chân trái thì bị bong gân, phải bó bột rồi nằm tĩnh dưỡng vài tuần.
Đặt nhẹ tô bún lên cái bàn gỗ bên cạnh, dì Thơm liếc qua cái chân đang được bọc cứng như cục ram chiên. Bà dịu dàng nhắc nhở:
“Con phải ăn nhiều vô cho có sức, rồi mới mau khỏi bệnh được. Đừng để mặt mày xám xịt thế kia.”
Quyên vâng dạ ngoan ngoãn. Dì Thơm thấy thương cho đứa cháu gái, cũng thấu hiểu được cảm giác của cô. Chân quá đau, lại ở trong phòng như bị cấm cung nên tâm trạng có phần không thoải mái.
“Thấy con buồn quá nên dì có dẫn một người tới thăm con nè.”
Thiếu nữ đưa mắt hướng qua cửa, người vẫn nằm dài trên giường, không hề nhúc nhích. Tiếng bước chân không nhanh không chậm vang lên. Một chàng trai trạc tuổi cô, dáng người cao lớn, mái tóc hơi xoăn nhẹ, trên người khoác chiếc áo phông màu gạch ướt phối với quần jeans rách gối đứng tần ngần ở sát ngoài mép cửa.
“ Toàn, mau vô đây đi con.”
Lúc này, người ở bên ngoài mới chịu tiến vào phòng. Toàn lẳng lặng đưa mắt nhìn Quyên một lát, vẻ mặt chan chứa đầy sự mong chờ khiến cho cô gái có hơi bối rối và khó hiểu. Sau khi thấy đối phương chỉ gật đầu chào lại với gương mặt bình tĩnh, vẻ hụt hẫng vụt qua đáy mắt của anh.
“ Chào cô. Tôi là Toàn. Hàng xóm của dì Thơm. Nghe dì nói cô ngã xe bị bong gân nên đến thăm một chút.”
Dì Thơm vội thêm lời vào, sợ cháu gái cảm thấy ngượng ngùng với người lạ.
“Toàn là con trai hàng xóm của dì. Dì coi nó như con trai mình vậy. Từ đó tới giờ mỗi lúc nhà có bóng đèn điện cháy, ống nước hỏng, điện bị chập,...thì thằng bé hay chạy qua giúp lắm. Nó cũng tầm tuổi con đó, chắc hai đứa cũng có nhiều chủ đề để nói hơn. Toàn còn trẻ mà giỏi giang tháo vát lắm đấy!”
Toàn nghe người phụ nữ bên cạnh tâng bốc mình lên trời mà gãi đầu ngại ngùng. Nhưng mấy lời này chẳng lọt vào tai của Quyên mấy, ánh mắt cứ mơ màng đâu đâu khiến Toàn hơi cứng nhắc. Nhưng dì Thơm không cảm nhận được tình huống lúng túng lúc này, chỉ dặn dò Quyên nhớ ăn táo rồi bước ra khỏi phòng. Cô gái quay qua nhìn bóng dáng dì càng lúc càng xa dần, để lại một người lạ đang cười nhẹ trong phòng.
Toàn không đứng như trời trồng nữa mà kéo một chiếc ghế dựa gần đó rồi ngồi xuống, cách giường cô không xa nhưng cũng chẳng gần. Chắc anh cũng ý thức được cô gái cũng không chào đón mình cho lắm.
“Cô đã thấy đỡ đau hơn chưa?”
Cô hờ hững, vẫn chưa quen mấy với sự xuất hiện của thanh niên lạ mặt.
“Cũng tạm tạm.”
Anh lại an ủi.
“Chắc cũng nhanh thôi, bong gân thì chỉ cần vài tuần là khỏi ấy mà.”
Cô gái đáp nhẹ. Rồi bao quanh hai người là sự im lặng đến nghẹt thở. Toàn vẫn quan tâm cô, lại hỏi tiếp.
“Năm nào cô cũng hay đến Hà Nội chơi à?”
“Không. Hồi nhỏ tôi có đến đây chơi vài tuần. Bây giờ mới có dịp trở lại.”
Chàng trai gật đầu. Câu tiếp theo của anh làm người đối diện có hơi giật mình.
“Thảo nào. Cô chẳng nhớ tôi gì cả. Vậy mà năm nào tôi cũng ngóng cô mãi.”
Thiếu nữ vẫn không hiểu, nghiêng đầu nhìn anh, đôi lông mày thanh tú hơi nhíu lại vì đang cố gắng nhớ một chuyện xa xôi đã bị quên lãng trong quá khứ. Đợi mãi không thấy câu trả lời mong muốn, Toàn giả vờ thở dài, trong túi quần lấy ra một viên đá trong suốt, trên đó nguệch ngoạc chữ “Tặng anh Tủn ròm” rồi thêm một cái mặt hề bên cạnh.
Phải một lúc lâu, vẻ khó hiểu phảng phất từ nãy giờ trên gương mặt của Quyên liền vụt tắt, thay vào đó là mắt chữ a mồm chữ o.
“Anh là Tủn ròm?”
Toàn không đáp lại, nhưng nhìn vẻ mặt tràn đầy hớn hở cũng biết đáp án trúng phóc. Một luồng ký ức về kỉ niệm với người bạn này đột nhiên ùa về trong đầu của Quyên. Hình ảnh cậu bé Tủn ròm cùng cô chạy nhảy quanh con đường nơi có hoa sữa nở trắng trời, những buổi sáng chở nhau đi ăn bánh mì nem khoai, những buổi chiều vừa la cà vừa nhâm nhi chuối nếp nướng, hay là những buổi tối bụng no nê vì mấy cái bánh cốm xanh ngọt đậm đà.
Quyên ngẩn ngơ. Bây giờ trông anh… tuấn tú như thế, đâu giống Tủn ròm xấu như ma lem hồi xưa! Dù sao hồi đó cô chỉ là một cô nhóc mười tuổi miệng còn hôi sữa. Đã lâu vậy rồi sao nhớ được chuyện cũ xa lắc xa lơ chứ.
Năm đó ba mẹ dẫn Quyên lên Hà Nội thăm dì Thơm. Chơi ở trong nhà dì mãi cũng chán, Quyên vọt ra ngoài, rồi nhanh chóng bị cuốn hút bởi con đường ngập tràn hoa sữa. Mùi thơm thoang thoảng như có như không xộc vào khoang mũi.
Sau đó, một thằng nhóc cao dong dỏng lại ốm nhách thình lình xuất hiện trước mặt cô. Nó vỗ ngực xưng tên Tủn, là người ở vùng khác chuyển lên đây sống. Tủn nhìn cô một hồi lâu rồi đưa một nắm tay ra trước, cười hì hì.
“Tao có cái này hay lắm nè. Mày muốn xem không?”
Quyên ngơ ngác gật đầu, rồi hơi cúi gằm xuống. Năm ngón tay nhỏ từ từ hé ra. Khi đã nhận ra được thứ gì đó cựa quậy trong lòng bàn tay. Một tiếng gào cực kỳ to đến nỗi những người quanh đó phải giật mình.
“Con sâu…Cứu con với…Có…Con sâu.”
Quyên vừa ba chân bốn cẳng bỏ chạy vừa la hét bài hãi khiến Tủn cười khoái chí. Ai ngờ chạy chưa được vài bước thì vấp phải cục đá, cô gái nhỏ ngã uỵch xuống, trầy mảng to ở đầu gối. Tủn ở đằng sau thấy vậy thì sửng sốt vội chạy tới. Vết thương bị rướm máu đỏ lòm, Quyên càng lúc càng khóc to làm mặt Tủn tái mét.
“Thôi, thôi. Tao xin lỗi. Định hù cho vui thôi mà. Đừng khóc nữa. Nín đi ha?”
Tiếng nức nở vẫn chưa chịu ngừng. Nước mắt thấm gương mặt phúng phính, rồi lăn xuống cổ áo của cô.
“Ai bảo anh em thích sâu. Đồ Tủn ròm! Em không chơi với anh nữa!”
Cậu bé mang tên Tủn ròm kiêm người gây ra chuyện lè lưỡi lắc đầu, dỗ dành hứa mua bánh cốm thì cô mới chịu nín. Dẫu sao dì Thơm cũng là hàng xóm nhà cậu, lỡ mà dì méc ba mẹ trò quái đản này thì chỉ có nước ăn đòn tét mông.
Duyên phận là một thứ gì đó khiến người ta cảm thấy rất khó hiểu. Từ buổi gặp mặt oái oăm hôm ấy, Tủn ròm trở thành bạn thân của Quyên trong những ngày tháng vui chơi ở Hà Nội.
Viên đá in những dòng chữ trẻ con ấy là cô tặng bừa cho anh trước khi cùng ba mẹ trở về nhà.
“Sao thời gian qua không đến Hà Nội nữa vậy? Lúc nghe dì Thơm bảo cô ghé lên đây đã được một tuần trời, tôi bất ngờ lắm đấy, đã thế còn không thèm qua thăm đứa bạn này một cái”
Câu hỏi bất thình lình của Toàn đột ngột kéo tâm trí đang dạo chơi trong ký ức của Quyên trở về. Thoạt đầu, tâm trạng cô có hơi không tốt vì vừa đau chân lại còn bị người lạ nhìn chằm chằm. Khi biết được đối phương là người bạn thân đã rất lâu chưa gặp lại, nét căng thẳng trên mặt dần tan đi, miệng có hơi nhếch lên vì hoài niệm những chuyện ngày xưa cũ. Nét căng thẳng trên gương mặt dần tan biến. Ngay khi ánh mắt đôi bạn gặp nhau, Quyên cảm thấy một chút ấm áp trong lòng.
Không ngờ thằng nhóc người ngợm ốm nhách cùng với làn da đen nhẻm ấy lại thay đổi đến nhường này, đã thế lại còn nhớ rõ mình. Anh vẫn còn giữ viên đá ấy suốt mấy năm trời.
Thiếu nữ nhổm người ngồi dậy, tựa lưng vào tường, khẽ nhún vai đáp:
“Mấy năm qua toàn là ba mẹ của tôi đến thăm dì. Năm nay hai vị phụ huynh muốn tôi đi đâu đó chơi xa, nhớ lâu rồi không thăm dì Thơm nên tôi mới đến Hà Nội. Đầu óc anh cũng nhớ kỹ quá hen, hồi đó tôi còn nhỏ xíu, sao mà nhớ lâu mấy vụ xa xưa hơn còn cả Trái Đất được?”
Toàn chép miệng:
“Đồ vô lương tâm.”
Quyên trừng mắt. Trong lòng cô cũng không cố ý giữ khoảng cách nữa, lại chủ động hỏi Toàn vài câu. Biết hiện giờ anh đang học Đại học năm Ba ở một trường gần đây. Được một lúc lâu, tâm trạng của Quyên sáng hẳn lên như một đóa hoa được tưới đủ nước.
“Nè ăn đi. Cô phải ăn vào thì chân cẳng mới mau khỏi.”
Toàn vớ lấy dĩa đựng táo, đụng nhẹ vành dĩa vào cánh tay của đối phương. Quyên nhíu mày lắc đầu.
“Tôi không muốn ăn cho lắm. Anh ăn đi.”
“Cô định thi Hoa Hậu à?”
Đôi lông mày thanh tú của Quyên khẽ cau lại, chẳng hiểu mô tê gì. Toàn lại tiếp tục với cái giọng điệu tỉnh bơ:
“Không thì Hoa Hậu mà sao giữ dáng kinh thế? Cái này cũng không ăn, cái kia cũng không chịu uống. Cứ như vậy người cô sẽ teo tóp như con khô, rồi chả có ai ưng, rồi chân cũng không lành nhanh nổi…”
“...Nhớ hồi xưa cái gì cô cũng nhai tuốt. Bánh cốm, bún ốc, bún đậu mắm tôm, mì trộn,...có cái nào cô chê đâu!”
Biết bao nhiêu lời tuôn ra một lèo như nước của chàng trai làm người đối diện mặt đỏ tía tai. Thiếu nữ giơ cái chân không quấn băng đạp vào ghế Toàn một cái làm anh không vững suýt ngã, rồi cầm miếng táo đưa vào miệng. Vị ngòn ngọt men từ đầu lưỡi xuống khoang họng, rồi dần dần lan ra khắp người.
Nắng vàng rải rác khắp nơi, len lỏi theo từng phiến lá cây, qua khung cửa sổ rồi rọi vào căn phòng ngủ làm sáng bừng lên một chút. Tiếng gió lao xao phía bên ngoài hòa lẫn với tiếng kêu ri ri của côn trùng như đang chơi một bản nhạc giao hưởng.
Mấy ngày tiếp theo, Quyên thường xuyên tiếp đón vị khách này. Cho dù mỗi lần đến thăm thì Toàn buông lời không khiến cô tức nghẹn họng thì cũng là muốn đấm đối phương vài cú. Nhưng ít nhất nỗi cô quạnh trong cô cũng thuyên giảm bớt.
“Ra ngoài chơi không? Ở trong này mãi chán thấy mồ!”
“Không.”
Quyên chẳng thèm vắt óc một chút để cân nhắc mà đã từ chối thẳng thừng.
“Chỉ là bị thương ở chân thôi. Sao cô cứ mọc rễ trong phòng mãi thế?Coi chừng có ngày biến thành con lười luôn đấy!”
Vừa mới dứt lời, cú đạp lần hai phóng tới nhưng Toàn đã nhanh chân né đi, mặt tỉnh bơ như không. Bài ca “ra ngoài chơi” vang lên suốt cả buổi sáng như cái máy ra-đi-ô bị hỏng chỉ có thể phát một bản nhạc duy nhất. Cuối cùng, khi hai tai muốn mòn đi, Quyên giương cờ trắng chịu thua.
“Nhưng đi kiểu gì?”
Toàn xua xua tay, giọng chắc nịch khẳng định:
“Cái này tôi lo được. Chiều nay xuất phát luôn nhá. À để tôi xin dì Thơm cho!”
Mang đầy nỗi hân hoan trong bụng, Toàn phóng ra khỏi phòng như tên bắn. Mấy phút sau dì Thơm đã tới phòng dặn dò Quyên vài câu, nào là phải cẩn thận, lỡ đau chân quá thì điện cho bà. Cô gái gật đầu lia lịa.
Khoảng ba giờ chiều hôm sau, Quyên đang thơ thẩn ngắm phong cảnh bên ngoài thì Toàn lại đến. Hôm nay chàng trai ăn mặc bảnh bao thấy lạ, chiếc áo sơ mi phối quần tây thay cho những cái áo phông và quần jeans rách gối. Nhưng nỗi bất ngờ của Quyên không giữ trên người Toàn được lâu, chiếc xe lăn mà anh mang theo mới là thứ khiến cô không dám tin vào mắt mình.
“Anh kiếm đâu ra cái xe lăn vậy?”
“Tôi đi mượn của ông Tư bên cạnh nhà đó. Trước đây con trai của ổng bị tai nạn xe gãy chân nên phải dùng xe lăn mấy tháng trời, giờ khỏi rồi không dùng tới nữa nên tôi hỏi mượn luôn. Vả lại không có xe lăn cô định đi chơi bằng gì? Bằng niềm tin chắc?”
Chưa kịp hết ngạc nhiên vì cái phương tiện di chuyển độc lạ, Toàn đã nhanh nhẹn vòng qua phía sau Quyên. Anh luồn hai cánh tay chắc khỏe qua nách cô, nhẹ nhàng nhích từng tí một đến khi người đã ngồi yên trên ghế xe lăn. Chưa hết, Toàn còn ga lăng lấy cái áo khoác treo ở đối diện phủ lên người cô gái.
“Dì Thơm dặn tôi là phải nhắc cô mặc áo khoác thường xuyên. Chớ người cô ỉu xìu như cọng bún thiu à, ra đường gặp gió một cái là xụi lơ liền.”
Vừa huyên thuyên, anh vừa nhún vai làm tâm trạng xao xuyến của cô gái đột nhiên bay cái vèo.
Hai người cứ đấu võ mồm không ngừng, anh một câu tôi quất lại mười câu. Tia lửa cứ liên tục bắn ra giữa họ. Thế nhưng, khung cảnh ấy trong mắt dì Thơm lại là tình cảm bạn bè thân thiết, vì thân thiết thì mới có thể thoải mái cạnh khóe nhau, trong lòng bà không khỏi hài lòng. Mấy hôm trước vì cái chân quấn bột mà mặt Quyên như đưa đám, nuốt không trôi một miếng cơm.
Chiếc xe chầm chậm lăn hai cái bánh to đùng trên con đường bằng phẳng. Cứ được một đoạn thì Toàn lại quan tâm hỏi cô ngồi có bị xóc không, thỉnh thoảng lại chỉnh ghế xe lăn. Mùi thơm nồng của hoa sữa nhẹ nhàng quyện vào không khí, men theo làn gió mà tan ra khắp nơi. Tán cây tỏa rợp trời, điểm trên đó là từng chùm hoa trắng muốt. Tâm trạng của Quyên đầy xốn xang, khẽ khép mi, chầm chậm cảm nhận bức tranh tự nhiên đầy ảo diệu ấy.
Cả một con đường dài ngập tràn hoa sữa. Cô tưởng mình như đang bước vào một căn nhà với bốn bức tường thay vì xây bằng gạch lại được hình thành nên bởi loại cây này. Lúc trước chỉ mãi đạp xe băng băng lướt qua quá nhanh, không kịp thưởng thức cái vẻ đẹp tinh khôi.
Một tiếng “tách” đâu đó vang lên. Thiếu nữ giật mình dáo dác nhìn quanh, thấy Toàn đang quay lưng điện thoại hướng về phía mình. Anh liền khua tay giải thích:
“Đừng hiểu lầm. Tôi không chụp cô đâu, là chụp mấy cây hoa sữa này nè.”
Cất điện thoại vào túi, Toàn giở giọng trêu chọc.
“Sao? Thấy vui chứ? Vậy mà ban đầu tôi rủ thì cô cứ giãy nãy không chịu đi.”
Quyên trề môi không đáp. Đối phương thì cười cười, có vẻ khoái chí lắm. Đi dạo một hồi lâu, anh bèn hỏi:
“Đi ăn bánh cốm không?”
Không cần đợi Quyên trả lời. Chàng trai nắm chặt hai tay cầm sau lưng xe, quay đầu đi ngược lại theo hướng cũ. Khoảng mười lăm phút sau, hai người dừng lại trước một cửa hàng khá nhỏ. Những ký ức tựa như pháo hoa vụt sáng qua đầu Quyên, lúc trước nhờ vụ trầy gối kia mà Toàn, hay nói cách khác là Tủn “ròm” thường xuyên mua bánh cốm ở đây rồi rủ cô ăn chung.
Toàn nhẹ nhàng đẩy xe cô nép vào một bên vỉa hè.
“Cô đợi ở đây một tí nhé. Tôi vào mua rồi chạy ra liền.”
Nói rồi, anh nhanh nhẹn vào cửa hàng. Có mấy người khách ở bên ngoài tò mò nhìn Quyên ngồi trên xe lăn, tốt bụng đẩy xe cô dưới mái hiên cho mát. Dù không quen biết nhưng họ đối xử với cô rất chân thành.
Toàn trở ra với một giỏ bánh cốm to tướng, gần bằng cái cặp của học sinh cấp Một. Quyên lè lưỡi.
“Khiếp, mua cho ai ăn mà dữ thế!”
“Hồi xưa một ngày cô ních tận năm cái. Chừng này thì chưa đến một tuần đã hết sạch.”
Quyên nhận lấy giỏ bánh rồi cảm ơn, trong lòng tràn đầy sự xúc động vì sự tận tâm của anh. Hôm nay đúng thật là không lãng phí chút nào, được ngắm vẻ đẹp thuần khiết của hoa sữa, được nếm vị ngọt ngào thơm phức của chiếc bánh cốm màu xanh mướt mắt.
Có một người, khi ta chưa từng gặp thì cuộc sống có lẽ sẽ vẫn tiếp tục chạy theo quỹ đạo vốn đã được định sẵn. Nhưng đã khi đã xảy ra cuộc gặp gỡ ấy, một tình cảm dần chớm nở trong tim, chỉ cần ta nghĩ tới người đó một chút thôi cũng rung động không dứt, có lúc ta lại bất giác mỉm cười.
Vài tuần sau, chân của Quyên cũng đã khỏi hẳn. Nhờ có sự chăm sóc chu đáo của dì Thơm, cùng với Toàn thường xuyên đỡ cố đi chập chững từng bước nên Quyên có thể đi lại bình thường rất nhanh. Cho dù như thế, trong thâm tâm vẫn mong ngóng Toàn đến thăm mình mỗi ngày.
Cô gái nhớ những lúc hai người nói chuyện hở chút là cạnh khóe rồi đấm nhau, nhớ những cuộc đi dạo ngắn ngủi. Sự hiện diện của anh đã khiến trong lòng cô dấy lên một chút tham lam, muốn gặp đối phương nhiều hơn. Quyên tự hỏi, liệu khi mình đã rời Hà Nội thì hai người còn có cơ hội gặp lại không.
Chẳng bao lâu thì lại tới ngày về. Trong lúc chờ đợi tàu đến, dì Thơm khịt mũi ôm chầm lấy cô. Dì là người mà tận sâu đáy lòng Quyên cảm thấy rất biết ơn. Dù mấy năm mới gặp lại, nhưng thời gian vừa qua nằm trên giường bệnh, cô cảm nhận được sự chăm sóc từng tí một chẳng khác gì một người mẹ.
Toàn đứng bên cạnh chẳng nói chẳng rằng một hồi lâu, ánh mắt có hơi thoáng buồn. Mấy hôm trước biết người bạn của mình có định trở về nhà, anh thuyết phục cô ở lại chơi vài tuần nữa nhưng không thành. Toàn đưa mắt nhìn Quyên chằm chằm, đưa ra trước một hộp bánh cốm nhỏ.
“Tặng cô đấy! Lúc nào tôi về quê của cô chơi, nhất định phải bỏ tiền gấp đôi mua món khác tặng lại cho tôi đó.”
Quyên bật cười vì giọng nói vừa ngả ngớn lại ngang ngược của Toàn. Trong lòng trĩu nặng một thứ cảm xúc không thể diễn tả thành lời. Cô và anh lặng im nhìn nhau không nói thêm lời nào cho đến khi xe lửa chầm chậm đến.
Ngay lúc thiếu nữ quay lưng chuẩn bị bước vào toa xe lửa. Một giọng nói trầm ấm vang lên làm cô gái thoáng ngoảnh đầu lại, âm lượng bị hạ đến mức cực nhỏ:
“Quyên, hẹn gặp lại.”
Lời nói ấy được thốt ra đi kèm với vẻ mặt mỉm cười dịu dàng của Toàn. Cô gái có chút thất thần nhưng rồi cũng lẹ chân vào toa tàu vì những người khác đang ở phía sau thúc giục.
Nhìn bóng dáng của Toàn và dì Thơm ngày càng khuất dần ở phía xa. Quyên thấy mắt mình hơi cay cay. Cô lấy hộp bánh từ trong túi, phát hiện một bức ảnh được đặt ở phía trên mặt hộp. Bức ảnh chụp góc nghiêng của Quyên đang nhắm mắt lại, tĩnh tâm thưởng thức mùi hoa sữa thơm lừng.
Đằng sau tấm ảnh có còn một dòng chữ rắn rỏi:
“Quyên lưu luyến mùi hoa sữa và bánh cốm xanh. Vậy có ai ở Hà Nội khiến em nhớ nhung không?”
Có những bất ngờ nhân lúc ta không đề phòng thì ập đến, chúng mang những sức mạnh kỳ lạ làm thay đổi một góc be bé, hoặc có khi thay đổi cả trái tim của chúng ta.
Đôi môi của thiếu nữ lặng lẽ mỉm cười. Bàn tay nhỏ nhắn khẽ vuốt nhẹ tấm ảnh rồi áp nhẹ vào ngực, đôi mắt trong veo hướng về phía xa xăm bên ngoài con tàu. Hộp bánh cốm dường như vẫn còn vương chút hơi ấm của người đã tặng.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất