Tình yêu đôi lúc khiến ta quên mất con người ta đã từng. Sở hữu một tình yêu đẹp là điều bao kẻ si tình mong ước nhưng tình yêu thế nào mới gọi là đẹp? Quan điểm của mình về tình yêu đẹp chỉ gói gọn trong “điểm tựa”.
Trong cuộc tình giữa hai người, người này sẽ là điểm tựa cho người kia và ngược lại. Chúng ta vẫn luôn muốn phát triển bản thân thành một người mạnh mẽ, bất cần điểm tựa, lờ đi yêu cầu được giúp đỡ, vỗ về nhưng sâu bên trong ta vẫn khao khát được nửa kia trân trọng và yêu thương. Để trở thành điểm tựa của nhau, chúng ta phải học về nhau. Bạn cần hiểu được điều đối phương cần là gì bởi điều bạn có thể cho hay muốn cho đôi khi không phải là điều họ cần. Yêu một người chính là bạn phải học thêm một cách nhìn sự việc nữa trên phương diện của họ.
Đó là lý thuyết mình đã rút ra từ chính những câu chuyện của mình và câu chuyện mà mình nghe người khác kể lại. Một trong những người kể câu chuyện về chủ đề này khá hay là Per J Andersson. Câu chuyện của ông ấy có tên Đạp Xe Vì Tình Từ Ấn Sang Âu, được viết dựa trên chuyện tình có thật của PK – người Ấn, nguyên là Cố vấn Văn hóa và Nghệ thuật cho chính phủ Thụy Điển, Đại sứ Văn hóa của bang Orissa ở Thuỵ Điển – cùng vợ là người Thụy Điển – Lotta.
Sự khác biệt của quyển tiểu thuyết này không chỉ nằm ở cảm hứng mà bản thân chuyện tình PK và Lotta mang lại mà còn là tâm huyết mà Per đặt vào đó khi đã cùng vợ dành 6 năm ở Đông Ấn để phỏng vấn và tìm hiểu về cuộc đời của PK.
PK sinh ra trong một gia đình không được nhận sự coi trọng của xã hội Ấn Độ. Họ thuộc tầng lớp “bất khả tiếp xúc”, là những người có mạng sống và tự tôn không bằng một con bò. Trái ngược với xuất thân của PK, Lotta lại là người con có dòng máu Hiệp sĩ Thụy Điển. Giữa hai con người có bối cảnh xã hội khác nhau này là sợi dây định mệnh được đan kết từ khi họ chào đời.
Trước khi gặp cô, anh chưa bao giờ tự quyết định hay chủ động lựa chọn cho chính mình. Anh để cho mình trôi dạt, cho kẻ khác dẫn dắt. Anh sợ bị nghe thấy, bị nhìn thấy và hiếm khi nói ra suy nghĩ của mình. Anh lắng nghe và làm theo. Anh là một khách trọ trong cuộc đời kẻ khác và là kẻ phục tùng trong cuộc đời của mình. Nhưng Lotta đã thay đổi điều đó. Cô đến và cho anh sức mạnh cùng lòng can đảm để sống cuộc đời do chính anh chọn. Anh biết anh không thể mãi chìm sâu vào tuyệt vọng, anh phải hành động và nếu anh không thể trang trải chi phí đi máy bay, xe ô-tô hay xe máy thì xe đạp là giải pháp duy nhất giúp anh đến với cô. Anh gần như chẳng mất nhiều thời gian để quyết định sẽ một mình đạp xe đến Thụy Điển – một cuộc hành trình kéo dài 4 tháng.
Đây chính là “điểm tựa” mà mình nói. Nó cho bạn sức mạnh làm mọi thứ, cho bạn đủ kiên nhẫn để chờ đợi điều tốt đẹp trong cuộc sống. “Nhiều lúc đời chỉ đáp đền khi ta sắp sa tận đáy vực” – PK nói.
Có người cho rằng vật chất khiến họ thấy an toàn. Số khác chỉ cần những lời nói nhẹ nhàng, chân tình để lòng an yên. Cũng có người lại yêu những hành động tinh tế, chu đáo... Khi hai người hiểu và nỗ lực trao cho đối phương thứ họ cần chính là lúc họ trở thành điểm tựa của nhau. Đó là cách tình yêu tiếp diễn. PK và Lotta kết hôn từ năm 1979 và hiện họ vẫn sống hạnh phúc cùng hai con chính là minh chứng mạnh mẽ nhất cho tầm quan trọng của “điểm tựa” trong tình yêu.
Bạn có thể sợ hãi tình yêu, có thể chán nản khi bắt đầu mối tình mới, thậm chí cho rằng bản thân đã dần chai sạn, dù ở trường hợp nào bạn cũng không thể phủ nhận cảm giác muốn yêu và được yêu. Cơ bản thì nhu cầu được yêu thương và nương tựa đã là bản năng của con người.