Dịch từ bài viết gốc của Rebecca Solnit trên Lithub
---
Ngày nảy ngày nay, có một cậu ấm sinh nhà gia thế chẳng thiếu một tí gì, nhưng lại bị một nỗi thèm khát, đua đòi, ép uổng không thủy không chung, nhức tai đinh óc ám cưỡng, và khi đã có cái cậu muốn trong tay thì chỉ muốn có thêm nhiều hơn nữa. Cậu ấm nhà nọ nom như một cặp càng màu cam cấu cào dưới đáy đại dương, bươi bới, cấu véo, giật giằng không ngớt cho mình, như dã tràng, như tôm hùm, và như cả tôm hùm trong nồi lẩu, như con mối tí hon, là kẻ độc tài trị vì những vương quốc tí hin tí hị của mình. Cậu sinh ra ở vạch đích bởi chỗ của cải được trao tay rồi bước qua giữa hai bên tuyền phường trộm cắp và lũ côn đồ lừa bạn phản thầy nhắm mắt nương tay cho cậu chừng nào cu cậu còn chút ích lợi gì cho chúng, hay có lẽ còn đó chút sơ sẩy nào đó ở nơi mà người ta còn sống dựa vào lòng trung thành cá nhân tới ngày bội phản, và chẳng ràng buộc theo bất cứ lề luật nào, chắc chắn cũng chẳng hề theo luật pháp hay sách vở thánh hiền nào. Thế là suốt bảy thập kỷ qua, cậu ấm ấy cứ ăn dọng thỏa thuê và thi triển cái quyền được nói láo, lừa lọc, ăn cắp, cuỗm chiếm thù lao của kẻ khác, phóng uế tứ lung tung rồi phó mặc cho kẻ khác dọn, vơ vét mớ trang sức rẻ tiền làm đỏm, rồi lại quẳng chúng vô góc chờ hư.
Người ta trông đợi cậu sẽ làm nên chuyện, nhưng kỳ thực việc cậu làm là chuyên nện. Cậu tậu nhà, sắm hết phụ nữ rồi công ty, xong đối đãi tất cả y chang nhau, cho lên voi rồi đạp xuống chó, hết phá sản này rồi ly hôn nọ, giẫm lên luật pháp như cánh thợ xẻ ngày trước nhảy cóc qua lại các thân gỗ trôi về xưởng, nhưng chừng nào cu cậu vẫn còn qua lại trong thế giới ngầm của giới kinh doanh thì luật lệ vẫn còn ngả nghiêng, hành pháp lại càng nghiêng ngả, và cậu ta cứ đánh cược mãi để trở thành kẻ quyền lực nhất thế giới; rồi khi đã chiến thắng, lại chẳng mấy bận tâm tới thứ mình đã ước ao.
Hễ nghĩ về cu cậu, tôi lại nghĩ về truyện cổ Lão đánh cá và Con cá vàng của Pushkin. Sau khi mắc vào lưới người đánh cá già nua, con cá vàng lên tiếng sẽ ban ra nhiều điều ước để đổi lấy tự do được trở về biển cả. Lão đánh cá chẳng đòi gì từ nó cả, mà chỉ đi kể cho bà vợ về cuộc gặp gỡ với con cá có phép thần. Bà lão bảo ông quay trở ra biển và xin một chậu giặt mới, và rồi lần thứ hai xin một căn nhà thay cho túp lều tồi tàn họ đang sống, và khi càng trở nên kiêu hãnh và tham lam hơn, bà đòi ông xin cho bà được biến thành một người giàu có sống giữa dinh thự có đầy tớ để bạo ngược, và vẫn tiếp tục ép ông chồng ra biển. Ông lão ra biển van xin con cá vàng, vừa hổ thẹn trước những đòi hỏi của bà vợ vừa nhận ra sự quá quắt của bà, và thế là bà ta trở thành một nữ sa hoàng ra lệnh cho đầy tớ và quý tộc đuổi người chồng ra khỏi cung điện. Ta có thể gọi ông chồng là nhận thức - ý thức về bản thân và về mối tương quan giữa tha và ngã - còn bà vợ chính là sự thèm khát. 
Cuối cùng, bà vợ ước trở thành kẻ cai trị tối cao của đại dương và của chính con cá thần, không ngừng tuôn ra những điều ước mới, còn ông lão cứ trở lại đại dương để xin con cá - để giãi bày - về loạt điều ước vừa qua. Con cá lúc này thậm chí chẳng buồn nói, chỉ vẫy đuôi, và người đàn ông quay lưng trở lại thì thấy trên bờ biển chỉ còn lại bà vợ với chiếc chậu rửa vỡ trong ngôi nhà tồi tàn ngày trước. Cố quá là quá cố, câu chuyện xứ Bạch dương cho hay; hãy biết liệu cơm gắp mắm. Và thừa mứa cũng chẳng ích gì. 
Cậu bé trở thành kẻ quyền lực nhất thế gian, hay chí ít cũng sở hữu hàng loạt bất động sản như những con người quyền lực tầm đó, từng điều hành doanh nghiệp gia đình và rồi đóng vai chính trong một show truyền hình phi thực tế xây dựng trên huyễn tưởng cậu chính là đế vương, chứ nào phải là một gã hề a dua hưởng sái, và mỗi tập là một căn phòng lắp gương tạo ra nhằm vỗ về cái tôi của cậu, cái bản ngã cũng chính là cái cơ dinh duy nhất cậu cứ đắp xây cao thêm và cao thêm mãi, chẳng bao giờ từ bỏ.

Tôi thường bắt gặp những gã đàn ông (và họa hoằn đôi khi, là những ả đàn bà) trở nên quyền uy tới độ chẳng ai dám bảo rằng họ tàn nhẫn, sai trái, xuẩn ngốc, phi lý, và đáng tởm khinh. Rốt cuộc chẳng còn kẻ nào khác trong thế giới của những con người này, bởi lẽ họ chẳng muốn lắng nghe kẻ khác cảm thấy gì, cần gì, không đoái hoài, chẳng sẵn lòng công nhận ai cả. Cái tột đỉnh cô đơn. Như thể những kẻ độc tài bé mọn ấy sống trong một thế giới chẳng hề có tấm gương nào phản ánh đúng sự thật, chẳng có ai khác, chẳng có trọng lực, và chẳng phải gánh hậu quả khi thất bại. 
“Họ là hai kẻ bất cẩn,” F. Scott Fitzgerald viết về cặp đôi nằm chính tâm quyển Đại gia Gatsby. “Họ phá đổ mọi thứ mọi người rồi lui trở về tiền của hay rúc vào sự bất cẩn to ụ của mình hay bất cứ điều gì khiến họ thoải mái, và phó mặc cho kẻ khác dọn dẹp bãi bầy hầy họ tạo ra.” Vài người chúng ta bị bao quanh bởi những kẻ độc địa ra rả vào tai rằng ta là phường vô dụng trong khi chúng ta vô giá, thấp trí khi chúng ta cao trí, ngã ngựa khi chúng ta vẫn chạy băng băng. Thế nhưng đối nghịch với những kẻ dìm chúng ta xuống chẳng phải là những kẻ nâng chúng ta lên. Mà là nhóm ngang vai phải lứa phóng khoáng nhưng không ngó lơ cái sai của ta, là những tấm gương thật sự phản ánh đích xác chúng ta là ai và đang làm gì.
Chúng ta giữ nhau luôn chân thành, thiện lương bằng động viên tích cực, bằng thái độ bất dung chứa sự xấu xa và sai quấy của nhau, bằng những yêu cầu dành cho những ai ở bên chúng ta phải lắng nghe, tôn trọng và đáp lại - nếu ta được phép, nếu chúng ta tự do và biết trọng bản thân. Trong biện luận xã hội tồn tại một thứ dân chủ, mà ở đó chúng ta được nhắc nhở rằng ta tứ bề vây bủa bởi dục vọng cùng sợ hãi và xúc cảm, và kẻ khác cũng vậy; có một người phụ nữ trong phong trào Occupy Wall Street mà tôi vẫn hay gặp gỡ nói rằng, “Chúng tôi đấu tranh cho một xã hội nơi mọi người ai cũng đều quan trọng.” Đó là hình thù một nền dân chủ của khối óc và con tim, của kinh tế và chính thể.  
Năm nay (ND: 2017), Hannah Arendt đã trở nên quá sức quen thuộc với mọi người, sách của bà vẫn bán chạy, nhất là quyển Nguồn gốc Thể chế toàn trị. Bà là chủ đề của một tiểu luận tuyệt vời trên Los Angeles Review of Books và trong một đối thoại giữa học giả Lyndsey Stonebridge và Krista Tippett trên chương trình đối thoại On Being. Stonebridge cho rằng Arendt cổ vũ tầm quan trọng của một đối thoại tự thân, một thoáng chốc ta tự chất vấn bản thân hết sức thiết yếu - một cuộc đối thoại thật sự giữa ông lão đánh cá và bà vợ, ta có thể nói thế này: “Những ai có thể tự đối thoại với mình có thể tiếp tục đối thoại với người khác và cùng với họ đưa ra phán xét. Và cái mà Arendt từng gọi là 'sự tầm thường của cái ác' chính là sự khuyết đi khả năng lắng nghe một tiếng nói khác, khuyết đi khả năng tham gia đối thoại với chính ta hay với trí tưởng tượng cho phép ta được đối thoại với thế giới, cái thế giới thuận theo đạo đức.”  
Một số kẻ vận dụng quyền lực để nhấn chìm đối thoại ấy và sống trong hố thẳm suy đồi bất diệt, lệch lạc bất diệt nhận thức về bản thân và về ý nghĩa. Cũng tựa như hóa điên giữa một hoang đảo cùng với một nhúm nịnh bợ và những kẻ nước rót cơm bưng. Cũng như có một chiếc la bàn nịnh hót sẵn sàng bảo ta muốn hướng Bắc ở đâu thì nó ở đó. Độc tài của một gia đình, độc tài của một tập đoàn nhỏ hay một tập đoàn kếch sù, độc tài của một quốc gia. Quyền lực làm biến tướng con người, và quyền lực tối thượng thường làm biến tướng cả nhận thức của kẻ sở hữu nó. Hoặc teo giảm nhận thức của y: những kẻ ái kỷ, phản xã hội, và vỹ cuồng chính là những kẻ cho rằng chẳng ai khác ngoài chính mình tồn tại. 
Chúng ta ý thức về chính mình và về kẻ khác thông qua trở ngại và khó khăn; chúng ta dần quen với một thế giới chẳng phải lúc nào cũng xoay quanh mình, và những kẻ không phải đối mặt với thực tế ấy vừa dễ vỡ, vừa yếu ớt, không thể chịu đựng nổi mâu thuẫn với bản thân, vững tin mình luôn luôn đúng. Những đứa trẻ con nhà giàu tôi gặp ở đại học quơ tay cứ như muốn tìm bốn bức tường bao quanh, nhảy bật thật cao như thể chúng mong có trọng lực kéo mình xuống dưới, thậm chí dưới đáy, nhưng cha mẹ và đặc quyền đặc lợi cứ không ngừng tung ra những tấm lưới an toàn, nệm lót, cứ vá sạch những lỗ tường và nhặt nhạnh những mảnh rơi ra, miễn sao tất cả những gì chúng thực hiện đều vô nghĩa, tuyệt đối vô nghĩa. Chúng lửng lơ như phi hành gia trong không gian.
Bình đẳng giúp chúng ta thành thật. Bạn bè trang lứa cho chúng ta biết mình là ai, đang như thế nào, cung cấp một dịch vụ cho đời sống cá nhân của chúng ta theo cách báo chí tự do tường thuật về một xã hội vận hành đúng đắn. Bất bình đẳng gây ra những kẻ dối trá và hoang tưởng. Những kẻ yếm thế cần giả lả phục tùng - theo cách mà nô lệ, tôi tớ, và phụ nữ từng bị gán danh dối trá - và kẻ mạnh trở nên ngu độn khi bọn chúng đòi hỏi thuộc hạ phải giả trá tuân tòng và bởi sự khuyết đi cái nhu cầu được biết về những kẻ không danh phận, không quan trọng, những kẻ bị tước đi tiếng nói hoặc được dạy phải phục tùng. Đó là vì sao tôi lúc nào cũng xếp đôi đặc quyền với sự ngáo ngơ; ngáo ngơ chính là thứ túng thiếu đặc quyền. Khi ta không nghe thấy kẻ khác, ta không hình dung ra kẻ khác, họ không còn hiện hữu, và ta trơ trọi giữa một vùng đất hoang cằn của một thế giới chỉ có duy mỗi mình ta, và chắc chắn thực tế ấy khiến ta đói meo, mặc dù ta còn chẳng biết đói điều gì, nếu như ta ngưng không còn hình dung về người khác tồn tại đúng nghĩa. Đó chính là cái nhu cầu mà chúng ta hầu như không có ngôn ngữ để nói về nó hay chí ít đối thoại thường thấy xoay quanh nó.  
ảnh từ series hoạt hình trên Showtime
Hắn ước ao trở thành nhân vật quyền uy nhất thế giới, và do bởi tình cờ và can thiệp và hàng loạt những thảm họa đã nhận được điều hắn ước ao. Rõ ràng hắn ta chắc chắn đã hình dung càng nhiều quyền uy cũng là càng nhiều bợ đỡ, càng to kềnh phì đại, một căn phòng gương càng ngày càng lớn phản chiếu sự vĩ đại của mình. Nhưng hắn hiểu sai rằng quyền lực cũng chính là sự nổi bật. Cái con người đã bắt nạt hết bạn bè tới người thân, vợ con và người hầu, và bắt nạt cả sự thật lẫn chân lý, khư khư rằng mình to khỏe hơn họ, hơn cả quyền lực nên quyền lực buộc phải nuông theo ý hắn. Chẳng hề rồi, nhưng những kẻ mà hắn ta bắt nạt lại vờ là có. Hay có lẽ chính vì hắn ta là một kẻ làm ăn, cứ bêu ra hết kèo này tới món nọ, và lời vừa rời khỏi miệng mình thì cũng xem như vứt đi. Một con ma đói lúc nào cũng muốn ăn thêm, chẳng món nào là chót.  
Hắn mường tượng quyền uy sẽ ngự bên trong mình và khiến hắn ta vĩ đại, một cú chạm của vua Midas biến mọi thứ thành vàng. Nhưng quyền lực của tổng thống bao đời nay vẫn vậy: một hệ thống các quan hệ hợp tác, một quyền lực dựa trên guồng máy sẵn sàng thực thi những yêu cầu của tổng thống, và sự sẵn sàng này đến từ tính thượng tôn pháp luật, chân lý và dân tộc. Ban ra một yêu cầu không được người khác tuân theo giống như đem sự bất lực bày ra giữa chợ. Cách đây ít lâu, một trong những con tốt của tổng thống còn tuyên bố không ai được chất vấn quyền lực của ngài. Có những nhà độc tài có thể bật ra một tuyên bố như thế và gieo rắc khiếp sợ cho những kẻ dưới trướng, bởi họ đã cài cắm sẵn nỗi sợ ấy từ trước.
Tên độc tài đích thực ngự bên kia đại dương trong xứ sở của Pushkin. Kẻ ấy can thiệp vào bầu cử, trừ khử kẻ thù bằng đạn súng, thuốc độc, bằng những cái chết bí ẩn ngụy tạo như tai nạn - kẻ ấy gieo sợ hãi và bắt nạt chân lý thành công, một cách có chiến lược. Mặc dù kẻ ấy cũng vươn vòi can thiệp vào bầu cử Mỹ, và những gì kẻ ấy hy vọng sẽ không ai nhìn thấy lại khiến cả thế giới càng thêm chăm chú vào hắn ta, vào hành vi và lịch sử và sức ảnh hưởng của hắn, trong quan ngại và thậm chí cả phẫn nộ.
Những mệnh lệnh của gã hề nước Mỹ bị bất tuân, bí mật của hắn rò rỉ với vận tốc ngang ngửa nước ở thủy đài tại điện Versailles hay bột qua một cái rây (xuân qua từng có một bài viết xuất sắc trên Washington Post trích dẫn 30 nguồn khiếm diện), mưu toan bị phá bĩnh bởi một đảng thiểu số không có mấy tiếng nói quyền lực, tư pháp không ngừng chặn các sắc lệnh của hắn, và scandal bùng nổ tứ tung. Thay cho hình ảnh kẻ độc tài chốn chợ búa vặt vãnh tại các kỳ thi sắc đẹp, sòng bài, các condo xa xỉ, đại học treo đầu dê bán thịt chó nhưng nợ thì nợ thật, truyền hình thực tế giả tạo mà hắn là bậc thầy trong khoản ngụy tạo số phận kẻ khác, một trọng tài cao trọng, hắn ta trở thành kẻ ngốc đáng thương của số phận.
Khi [tác giả] viết ra những dòng này, hắn ta là kẻ bị dè bỉu nhất thế giới. Sau cuộc biểu tình của phụ nữ ngày 21 tháng 1, người ta nhạo rằng quý ngài bị cánh phụ nữ từ chối nhiều hơn bất kỳ ai trong lịch sử chỉ tính trong một ngày; hắn bị bỉ bai trên báo chí, trên truyền hình, trên tranh biếm, là tâm điểm của hàng triệu câu hài, và mỗi tweet của hắn ngay lập tức bị công kích và sỉ nhục bởi những công dân thông thường đủ sức bóc trần sự thật cay đắng về thứ quyền lực bị tâng bốc.
Hắn ta chính là mụ vợ của ông lão đánh cá ước đòi đủ mọi thứ và chẳng chóng thì chầy sẽ lại trắng tay. Mụ vợ ngồi trước túp lều rách nát còn nghèo nàn hơn trước khi có hàng loạt điều ước, bởi giờ đây mụ không chỉ có cái nghèo mà còn cả những lầm lỗi và cái hão danh tai hại, bởi mụ đã có thể khác đi, nhưng rốt cuộc lại bị quyền lực và hào quang đổ ập lên người, bởi đã có sức chơi cũng phải có sức chịu.
Cái con người ngự ở nhà trắng, trần trụi và thô kệch, một cái tôi mưng mủ, nói toẹt ra là thế, một con người có lòng tham vượt khỏi sự hiểu biết, bởi hiểu biết của hắn bị nuông chiều làm cho đờ đục. Hắn biết rằng đâu đó bên dưới cái bề mặt hắn đang lướt bên trên, hắn đã đập tan hình ảnh bản thân, và như Dorian Gray ngày trước, sẽ bị chính sự mục ruỗng xấu xa chờ ngày nuốt chửng. Cách này hay cách khác nó sẽ giết chết hắn ta, dẫu hắn có thể lôi theo hàng triệu con người xuống cùng mình. Cách này hay cách khác, hắn biết hắn đã lỡ chân khỏi mép vực, tự nhận mình là đức vua của hư không, và đang tự do rơi tòm xuống. Một đống phân khác chờ hắn bẹt vào, của chính hắn chứ chẳng ai khác; và khi đáp xuống nơi đó, cuối cùng hắn cũng là người tự lập.
k.