Tôi nhớ hồi bé khi xem băng VHS album "History", có những trích đoạn các fan ngất lên ngất xuống khi gặp được thần tượng của mình. Nhiều lắm ấy, ngất liên tục! Mặc dù hồi đó nghiện MJ thật nhưng chỉ nghĩ làm quái gì đến mức thế, hay có khi là bọn chân gỗ được thuê để diễn. Bây giờ đi xem concert nhiều, thấy mọi người gục vì kiệt sức thật, thì mới gật gù. Gì thì gì, nhạc của Michael luôn có sức kích động mãnh liệt với người nghe, bắt nguồn chính từ album bán chạy nhất mọi thời đại, "Thriller".
Thế nhưng phát hành album Thriller tháng 11 năm 1982 không chỉ là bước đi khổng lồ của MJ, mà đó còn trở thành một hiện tượng thay đổi lịch sử ngành âm nhạc thế giới.
Mọi người đều biết đĩa Thriller thành công rực rỡ như thế nào. Với 66 triệu bản, đây vẫn là đĩa bán chạy nhất mọi thời đại, và 8 giải Grammy trong một đêm khiến khối kẻ ghen tị. Vấn đề không chỉ đoạt giải hay nhất cho 3 thể loại cùng lúc là pop (bài Thriller), r&b (Billie Jean) và rock (Beat It) , mà MJ còn được cả giải danh giá nhất của Grammy cho Album của năm, Ghi âm của năm (cho bài Beat It). Thị trường âm nhạc năm 1982 hoàn toàn là sân chơi của MJ với sự giúp sức của nhà sản xuất Quincy Jones và kỹ sư âm thanh Bruce Swedien.
Tuy nhiên cái mọi người ít để ý là những gì MJ và team đã làm được khi thay đổi cái nhìn của mọi người về nhạc POP và âm nhạc của người da màu.
Hãy quay về bối cảnh năm 1982, ở cái thời mà heavy metal và glam rock đang làm mưa làm gió; đến đầu thập kỷ 80s, mọi người thậm chí còn không nghe nhạc của người da màu. Mặc dù cho đến năm 1979 khi album “Off The Wall” của MJ còn tung hoành và nhạc của nghệ sĩ da màu còn phổ biến trên các kênh radio âm nhạc thì ngay sau đó xuất hiện các sự chia rẽ rõ ràng. Đó là sự phân khúc của mỗi kênh âm nhạc theo từng thể loại với nỗi lo của nhà đài lúc đó là chỉ cần một thay đổi nhỏ trong định hướng người nghe là họ sẽ mất khách. Với suy nghĩ nhạc người da màu chủ yếu là nhạc disco, thứ nhạc mà nhiều thính giả không khoái dẫn đến việc đa số các kênh ca nhạc này chủ yếu bật nhạc da trắng cho người da trắng nghe. Không còn top 40 các bài hát của tất cả các thể loại mà thay vào đó là top theo từng dòng nhạc riêng. Trên list hot 100 hầu như có rất ít tên của các nghệ sĩ da màu. Hội da trắng vì thế cũng mù tịt chẳng biết hội da màu nghe nhạc gì và ngược lại. MTV thì được định hướng để quảng bá nhạc Rock, nên không có chuyện họ sẽ phát video của người da màu. 
Sản xuất "Thriller" kỳ công là một chuyện, thuyết phục nhà đài phát nó có lẽ còn khó khăn gấp vạn, không, gấp triệu lần.
Chưa kể đến việc, MJ chưa hài lòng với thành công của"Off the wall" và một sản phẩm tương tự như vậy hoàn toàn có thể khiến anh biến mất trong bối cảnh lúc đó, mặc dù con số 6 - 7 triệu album bán được của "Off the wall" đã là mơ ước với bất cứ nghệ sĩ nào. Chỉ có điều, Michael không phải bất-cứ-nghệ-sĩ-nào.
Vì thế, từ việc tính toán xem single nào ra trước ra sau, album phát hành thời điểm nào, lúc nào thì tung ra video clip, và hơn nữa là thuyết phục được MTV phát nhạc của MJ - là một điều gần như không tưởng - đều được Michael và các cộng sự tính toán cực kỳ cẩn thận, cho một hành trình lên đến vài năm. Trước hết, single đầu tay của album Thriller là bài “The Girl Is Mine” có sự tham gia của cái tên ăn khách, Paul McCartney “trắng”. Đối với tôi, bài này hay bét trong đĩa “Thriller”, nhưng tất nhiên tôi không phải hãng đĩa Epic hay thuộc team của MJ, và “trộm vía nhờ Paul”, từ tháng tháng 11 năm 1982 đến Xmas năm đó, "Thriller" bò một mạch lên số 11 Billboard.
Thừa thắng xông lên, single tiếp theo Billie Jean và Beat It với phần video clip cực chất qua màn nhảy điệu nghệ của Michael đã mở thêm cánh cửa vào kênh MTV, để rồi 10 tuần sau đó "Thriller" bò lên vị trí số 1, đá văng một đĩa tôi rất thích là "Business as usual" của Men at work và ngồi đó 37 tuần! “Beat It”, với sự tham gia của Eddie Van Halen và bộ khung của nhóm Toto, đã góp phần giúp nhạc của MJ được bật trên các kênh radio chuyên về nhạc rock, thể hiện ý tưởng của MJ là tạo ra một ca khúc Rock n Roll dành cho người da đen.
Đến đây, nếu là tôi thì tôi đã có thể xoa tay hoan hỉ, nhưng MJ vẫn còn nhiều quân bài giấu trong tay áo. Tháng 5 năm 1983, MJ trình làng thế giới điệu nhảy thần sầu Moonwalk, và lịch sử nhạc Pop đã thay đổi mãi mãi. Thời kỳ đó chưa bao giờ có nghệ sĩ nào vừa biết hát hay và nhảy điêu luyện đến vậy (nhạc Pop thường chỉ nói về chuyện thất tình). Cú đấm KO cuối cùng của hãng đĩa là short movie “Thriller” vào tháng 12 năm 1983, nó thành công đến mức cứ mỗi tiếng MTV lại phát hai lần mặc cho thời lượng lên đến 15 phút.

Vậy đó, chính sự đột phá trong âm nhạc cả về âm thanh lẫn hình ảnh mà MJ đã mang thế giới lại gần nhau hơn, khi không còn ranh giới tách biệt giữa nhạc rock, pop, r&b và các dòng nhạc khác; không còn sự phân biệt màu da trong playlist của các kênh âm nhạc. Cũng chính từ đây, khái niệm dùng video clip để quảng bá album đã được hình thành.
Cơ mà, để có được thành công ngoài sức tưởng tượng này, yếu tố chuyên môn - chất lượng âm nhạc của album Thriller - đóng vai trò quan trọng hơn cả.
Ngoại trừ “The Girl Is Mine” khá là nhạt nhẽo, 8 bài còn lại đều thuộc hàng ngũ classic kinh điển, tạo nên một album đa màu sắc và đa thể loại đến mức hoàn hảo  (từ r&b, pop, rock, funk, disco đến ballad). Có bài thì sử dụng âm thanh sôi động với cấu trúc nhịp phức tạp dù chỉ quay đi quay lại hai hợp âm D và E (Wanna Be Startin’ Something), bài thì sử dụng tiếng bass điện tử và âm thanh robot qua bộ vocoder (P.Y.T.), rồi thì có bài lại sử dụng hiệu ứng âm thanh tiếng động (Thriller), điều chưa từng xuất hiện trong album nhạc pop trước đây.
Tất cả đều đến từ team của Michael Jackson, Quincy Jones và Bruce Swedien, với một điểm chung họ đều là những kẻ cực kỳ cầu toàn. Từng chi tiết nhỏ khi thu âm đều được để ý, đến mức ám ảnh. Ví dụ như khi ghi âm Bruce sẽ luôn đặt bộ trống lên vị trí cao hơn các nhạc cụ và thiết bị thu âm khác. Bằng cách đó tiếng âm trầm của trống sẽ không bị truyền qua sàn nhà và thành tạp âm lẫn vào các mic thu âm của các nhạc cụ khác. Hoặc theo yêu cầu của Michael, khi ghi âm và mixing, phòng studio sẽ được tắt hết đèn và tối hoàn toàn. Nhờ vậy mọi giác quan sẽ hoàn toàn dồn vào đôi tai, âm thanh sẽ hiện lên như thứ hình ảnh đa màu sắc với mỗi nốt, mỗi tiếng nhạc cụ đại diện cho một màu khác nhau. Triệu chứng này gọi là synesthesia mà cả Quincy Jones, Bruce Swedien và hình như Michael đều “mắc” phải. MJ còn nổi tiếng là “ném tiền qua cửa sổ” khi mà anh luôn cho làm nhiều phòng thu bố trí hệt như nhau ở nhiều thành phố khắp nước Mỹ, để anh có thể thu âm bất cứ khi nào có hứng (!) 
Thử tưởng tượng bao nhiêu công sức và tiền bạc cho cả hai năm để ghi âm, khởi đầu bằng việc chọn ra chỉ có 9 bài từ hơn 700 bản demo các bài hát, để rồi sau đó sẵn sàng loại bỏ 4 bài trong đó, để thay thế bằng “Beat It”, “Human Nature”, “The Lady In My Life” và “P.Y.T.”. Riêng bài Billie Jean được mix đến 91 bản khác nhau để rồi chọn một trong những bản thu âm đầu tiên. Thậm chí sau khi tưởng chừng đã có được sản phẩm hoàn thiện, bộ ba này lại quay lại remix toàn bộ album thêm một lần nữa chỉ vì một số điểm chưa hài lòng. Chống lại thế giới âm nhạc ư? MJ thực ra đã chinh phục thế giới.
Kết quả là một series các tuyệt phẩm đi vào sách giao khoa về âm nhạc: bản r&b với câu bass tuyệt vời như “Billie Jean”, bản slow jam tình cảm mượt mà như “The Lady In My Life”, bản hoà âm đa màu sắc huyền ảo như “Human Nature”, hay những bản upbeat cực catchy và lạ tai như “P.Y.T.” và “Wanna Be Startin’ Something”.

Mặc dù có lẽ phải chờ đến lúc chết để có cơ hội đi xem MJ diễn live trên thiên đàng, để biết mình có ngất lịm như hội kia hay không, tôi vẫn thấy mình cực may mắn khi được ngồi cùng hành tinh với MJ đến cả mấy chục năm, nghe và cảm được nhạc của anh (từ xa), và trên tất cả, ngộ ra được phần nào “sứ mệnh trước thế giới” của anh. Thôi thì, có lẽ tôi cũng cố nốt mấy chục năm còn lại cuộc đời, lấy đủ credit để còn được lên đó nghe MJ hát. 
Thiên đàng hẳn là vui đáo để!
Kroon