I, Giới thiệu chung.
Shunji Iwai ( 24/1/1963) là một đạo diễn người Nhật có phong cách làm phim giàu tính tự sự. Thể loại phim của ông không cố định, mà có thể bóc tách, chia ra làm nhiều thể loại riêng. Ông có nhiều bộ phim tình cảm, tâm lý xoay quanh đối tượng chính là lứa tuổi thanh thiếu niên. Mặc dù đa dạng đề tài, phim của ông luôn mang đến một cảm giác nhẹ nhàng, yên bình. Yên bình tới nỗi mọi đau thương đều trở nên thật bình thường. 
Take a Look at Japanese Director Shunji Iwai's Journey to Growth ...

Với mình những bộ phim của ông đã đem lại thật nhiều cảm xúc, cho mình hồi tưởng lại hồi tuổi dậy thì, hay cho mình hiểu cái không hoàn hảo của thế giới này. Cái hay là, xem thấy những mảnh ghép thừa thiếu, đầy khuyết điểm ấy, mình vẫn có thể mơ mộng như đứa trẻ, nhưng tâm trí không đơn thuần chỉ vô tư, mà đã biết suy tính nhiều chuyện khác. 
II, Nhập đề. 
Điều mà Shunji Iwai làm được chính là kể câu chuyện rất bình thường, lại khiến cho nó trở nên thật lớn lao. Ông không dùng ngôn ngữ đao to búa lớn, mà lôi cuốn bởi cái chất bình dị, đời thường. Chính khả năng này đã dẫn người viết đến với quyết định viết một bài cảm nhận.
Nhìn chung mọi người giống nhau, với cái gì đẹp thì biết là nó đẹp, nhưng đẹp thế nào thì không nói ra được. Vì không phải cái đẹp nào cũng tôn trọng những nguyên tắc (nếu có) nào đó mà con người tự đặt ra cho nhau. Có những cái đẹp chỉ toát ra trong im lặng, không cần quá nhiều yếu tố bù đắp, và đôi khi còn đầy khiếm khuyết. Nhưng chính những cái “thiếu” đó đã làm nên sự hoàn thiện của một bức tranh điện ảnh. Đó là cái đẹp mà nhà làm phim nào cũng muốn hướng tới, chạm vào: vẻ đẹp của hiện thực.
III, Vẻ đẹp của điện ảnh Shunji Iwai.
Shunji Iwai vẽ nên những câu chuyện có nhiều gam màu, đổ từ tông ấm áp nhất đến thứ bóng tối lạnh lẽo nhất. Đi cùng nhân vật, người xem thấy đồng cảm vì nhân vật được xây dựng sát với cuộc sống. Nhân vật là những người bình thường, thậm chí tầm thường, vô danh. Ông không cố tạo nên một siêu nhân, hay một người thần kinh lập dị, chính vì vậy nên mỗi người xem đều có thể tìm thấy một mảnh ghép của mình trong đó. Chúng ta yêu, thương và thậm chí sợ hãi vì câu chuyện phim dường như hiểu ta. Tôi, trong “All about Lily Chou Chou” đã nhìn thấy mình của thời học sinh- một đứa con trai nhút nhát và tôn thờ những nhân vật hoạt hình (cũng như cái cách mà Yuichi và nhiều đứa trẻ khác đã đắm mình vào thế giới của Lily Chou Chou, để được cứu rỗi và chữa lành khỏi thực tại khắc nghiệt)
All about Lily Chou-Chou”: Thế giới của những đứa trẻ cô đơn – ĐA-ĐA

Dù có nói là vẻ đẹp tâm hồn đáng quý hơn vẻ đẹp ngoại hình đấy, nhưng nói thật thì yêu bằng mắt là một bản năng, không riêng đối với con người, mà với cả điện ảnh. Và tôi thích phim của Shunji, chính vì nếu lược đi tất cả những yếu tố kể chuyện, lời thoại, phim của ông vẫn đẹp như một bài thơ. Ánh sáng được sử dụng rất có chủ ý. Nhiều đoạn không cần thoại, chỉ có thứ ánh sáng nhờ nhờ phủ bụi chiếu qua cửa sổ, rọi ngược sáng vào nhân vật. 
29th Tokyo International Film Festival | Swallowtail Butterfly

Những khung hình ám màu lạnh, trong cảnh nhập nhoạng của không gian là một bản sắc rất riêng. Nguồn sáng chủ yếu được tận dụng từ tự nhiên: ánh trời chiều, bóng đèn đường, vạt nắng qua cửa sổ,… có đôi khi xem phim mà phải nín thở, chỉ để quan sát cử động của nhân vật chậm rãi, đi qua đi lại trong một thiết kế bối cảnh rất giàu sự tương phản.
All about Lily Chou-Chou (film by Shunji IWAI) | 영화 포스터, 영화 ...
Sheer Curtains. Love Letter (1995) by Shunji Iwai | Love letters ...

Để dễ hình dung, mình sẽ để một trích đoạn phim ở đây. Đây là đoạn mở đầu của bộ phim “All about lily chou chou”, một trong những cảnh mình rất thích. Cậu học sinh đứng giữa cánh đồng bạt ngàn xanh, một hình ảnh rất giàu sức sống, nhưng cậu chỉ đứng im lặng và nghe nhạc. Sự tương phản lập tức xuất hiện, báo hiệu một điều gì đó khác thường. Ngoài ra cũng có những dàn cảnh khác, nhưng mình sẽ có bài riêng nói chi tiết hơn về top những cảnh quay mình ấn tượng trong phim của Shunji Iwai sau.
Vị đạo diễn sinh năm 63 không chỉ viết kịch bản, tự đạo diễn, đóng phim, mà còn là một nhà soạn nhạc tài năng. Năm 1996, khi sản xuất bộ phim Swallowtail Butterfly, với sự cầu toàn ông đã cùng một đồng nghiệp khác đồng sáng tác nhạc phim cũng như các bài hát cho album ( fictional) của nhóm Yen Town. Tương tự vào năm 2001, âm nhạc của Lily Chou Chou cũng thành hình từ sự sáng tạo của ông. 
Mình muốn nói đến điều này để thấy: góc nhìn của một người làm nghệ thuật không chỉ dừng lại ở một mà có thể ở nhiều ngành nghệ thuật, vì chúng luôn bổ trợ cho nhau. Là một đạo diễn, nếu chỉ biết breakdown kịch bản và chỉ tay 2 ngón, thì sản phẩm cuối cùng chỉ là những con rối vô hồn. Thay vì thế, có trong tay những công cụ như diễn xuất, soạn nhạc, biên kịch,… thì việc trình hiện sản phẩm cuối cùng lên trên màn ảnh sẽ có chiều sâu hơn rất nhiều. Không chỉ thế, điều này còn thể hiện sự tỉ mỉ trong làm phim, không nhặt đại một bản nhạc hay chọn bừa một vai diễn. Mọi thứ đều cần qua tuyển lựa kỹ càng.
Thời lượng 1 tiếng rưỡi- 2 tiếng của một bộ phim chỉ là những thứ khán giả có thể thấy được, còn nỗ lực 1 ngày hay vài năm của nhà làm phim, chúng ta hoàn toàn mù mịt. Chúng ta không biết rằng Shunji đã từng mất hơn 10 năm cho kịch bản của “The Case of Hana & Alice”, hay ông đã viết hẳn 1 tiểu thuyết trước khi hệ thống nó thành kịch bản cho “A Bride for Rip Van Winkle”. Chưa nói đến hàng loạt những bản thảo, hay bản cut không chính thức có thời lượng lên đến 3, thậm chí 4 tiếng đồng hồ. Có những hoàn cảnh, khi viết ra hết tính cách của nhân vật, ông mới tìm thấy diễn viên phù hợp, và sau đó ông lại sửa lại và viết tiếp dựa trên cảm nhận về diễn viên đó. Cụ thể trong trường hợp của Cocco- một ca sĩ nhạc pop gây cho ông ấn tượng vì những lời nói truyền cảm, để sau đó nhập vai rất thành công trong tác phẩm chuyển thể “A Bride for Rip Van Winkle”.
Bên cạnh dàn cảnh, âm nhạc, Shunji Iwai biết cách khiến con người trong phim của ông luôn sống động. Có những biểu hiện rất con người, rất đa chiều, chứ không chỉ nằm trong hướng dẫn của kịch bản. Khác với nhiều nhà làm phim hướng đến mô tả câu chuyện, đời sống bên ngoài nhân vật, cái hay của Shunji Iwai chính là diễn đạt được phần bên trong con người. Ông cho thấy sự phức tạp của tâm lý, tính muôn mặt của xã hội khi cái tốt- xấu không rạch ròi, trắng- đen chỉ là tương đối, và những yếu tố xung quanh luôn luôn chuyển động và ảnh hưởng đến các quyết định của nhân vật. Thế giới của Shunji không bao giờ đứng yên. Một cậu bé yếu đuối trở thành kẻ sát nhân, hay gã giang hồ ra tay cứu một cô bé trong khi ngay phân cảnh trước đó vừa ra lệnh chém đầu người không chớp mắt,… những câu chuyện đầy bóng tối, trần trụi nhưng chân thực. Suy cho cùng ai cũng phải trải qua va vấp, sai lầm, ai cũng có hoài bão. Có khác là có người dễ dàng nắm được ước mơ trong tay, có người để vuột mất, có người cho đến sau cùng mới nhận ra trong tiếc nuối về một tình yêu chỉ còn lưu lại trên những dòng thư,…
A Love Letter From Shunji Iwai | ShanghaiEye

Những điều bên trên cho thấy ông là một người rất cầu toàn, phải làm đến cùng ý đồ nghệ thuật của mình. Đó cũng là cách mà nhiều đạo diễn trên thế giới áp dụng, không hề ít. Bởi vì đó như một điều kiện của một nghệ sĩ làm phim: sống với điện ảnh. Họ không làm phim vì một bản hợp đồng hay danh tiếng, mà bởi vì họ muốn làm phim. Có thể viết ra hàng trăm bản thảo, quay lại hàng ngàn take, thậm chí viết hẳn tiểu thuyết để đầu tư cho kịch bản,... nếu cần thiết thì làm thôi, không có ý nghĩa hay thuyết âm mưu gì cả. Mọi sự cầu toàn, nghiêm túc từ đầu sẽ cho kết quả xứng đáng.
Điều gì khó nhất khi làm phim? Thổi hồn cho nhân vật. Khác với nhét thoại vào miệng họ, phải làm cho họ thực sự sống. Shunji Iwai làm được điều đó. Ông khiến mọi diễn biến thật nhẹ nhàng, dễ dàng. Nhưng chính cái đơn giản mà ta nhìn thấy đó, thực chất không hề nhẹ nhàng. Ông đặt diễn viên vào những cảnh quay long take, những cảnh quay nhóm, những trường đoạn không thoại, ngay cả những vết thương bất chợt cũng không được cắt cảnh,... thử thách đối với việc thực hiện những cảnh này so ra với cách đoạn cắt chuẩn mực 4-5s thì như thế nào? Đó là vì sao diễn phim thuần hành động trông thì hoành tráng, nhưng quá trình có thể chỉ mất vài tuần, cho đến vài ba tháng. Còn với Shunji, ông sẵn sàng bỏ ra vài năm cho một tác phẩm của mình. 
 *Bài viết có tham khảo Wikipedia và một số bài báo liên quan.