Chuyện vứt rác ở Đài Loan
Thật ra thì việc để tiêu đề là “Vứt rác ở Đài Loan" có cảm giác hơi thô và tục tĩu, nhưng lại là một sự việc mà phải sống đến hơn 2...
Thật ra thì việc để tiêu đề là “Vứt rác ở Đài Loan" có cảm giác hơi thô và tục tĩu, nhưng lại là một sự việc mà phải sống đến hơn 2 năm ở Đài Loan tôi mới có trải nghiệm thật rõ ràng về nó. Chính vì thế nên muốn viết ra để lưu giữ lại cảm giác cũng như kiến thức này.
Hồi mới sang Đài Loan tôi chỉ loanh quanh sống ở ký túc xá của trường và phòng thí nghiệm của lab, có chỗ tập trung rác riêng nên cũng chỉ có một vài ấn tượng tương đối về việc người dân vứt rác ở hai quốc gia.
Điều thứ nhất đó là việc phân loại rác. Ở đây khác với Việt Nam, rác phải được phân loại khi vứt. Sẽ có từng thùng rác một cho mỗi loại rác với nhãn dán cũng như hình ảnh minh hoạ. Rất may cho một đứa mới sang đây là có lẽ trong trường nhiều sinh viên nước ngoài nên có đề thêm tiếng Anh chứ nếu không chắc phải mở nắp từng thùng để xem. Ở trong trường thì rác sẽ được phân thành bìa (giấy, hộp carton), đồ nhựa dạng PE, các dạng đồ nhựa còn lại, dạng kim loại (lon), hộp giấy nhưng có tráng nhựa bên trong (dùng để đựng đồ ăn, nước uống), đồ ăn thừa (dùng để làm phân bón hoặc nuôi lợn), và các loại rác khác. Vì việc phân loại khá là phức tạp nên khi mới sang đây tôi khá bỡ ngỡ và thường hay vứt nhầm, nên bị mắng khá thường xuyên (buồn lắm). Nhất là hộp giấy đựng đồ ăn, bắt buộc phải rửa sạch trước khi đem vứt nếu không sẽ bị nhắc nhở.
Điều thứ hai thì tôi nhận ra khi đi lang thang ngoài đường chứ không hẳn là ở trong trường. Thay vì như ở Việt Nam sẽ có từng cô nhân công vệ sinh đẩy xe rác qua từng con ngõ đến trước từng nhà gõ kẻng báo hiệu để mọi người vứt rác thì ở Đài Loan lại khác hẳn. Ở đây xe rác (màu cam nha) sẽ chỉ đi ngoài đường lớn nên đến giờ là người dân phải rồng rắn lên mây kéo nhau xách rác ra ngoài mặt đường lớn để vứt. Và một điều đặc biệt nữa là xe rác ở đây không dùng kẻng, mà dùng nhạc (cổ điển hẳn hoi). Không phải một bài nhạc bất kỳ nào mà là một đoạn của Für Elise của Ludwig van Beethoven. Tôi có nghe nói là còn một bản nhạc khác cũng hay được sử dụng đó là Maiden’s Prayer của Tekla Bądarzewska-Baranowska [1], bài này thì tôi chưa từng thấy xe rác nào bật cả, có lẽ là ở Đài Bắc thì người ta không dùng đến. Khá là thú vị vì thay vì nghe tiếng kẻng khá đau tai thì giờ đây ta được nghe nhạc cổ điển khi đi vứt rác, một trải nghiệm rất thi vị. Theo như tôi tìm hiểu thì bộ trưởng bộ Y Tế Đài Loan Hsu Tse-chiu những năm 1980 đã chọn nhạc Beethoven sau khi nghe con gái ông tấu bản nhạc ấy trên đàn piano... [1] Đến giờ tôi vẫn không thể tìm được sự tương quan giữa việc con gái ông chơi đàn và việc vứt rác.
Ở trên là hai điều mà tôi biết khi vẫn còn là sinh viên và chỉ quanh quẩn trong khuôn viên trường học. Và chỉ cho đến gần đây khi chuyển ra ngoài ở và được trải nghiệm việc vứt rác như người dân bản địa thì tôi mới biết thêm được khá nhiều kiến thức chi tiết hơn về việc vứt rác ở đây.
Xe rác ở Đài Loan sẽ đến từng địa điểm cố định trên từng con phố vào từng thời điểm cố định trong ngày, như khu tôi sống thì thật may mắn sao là xe sẽ đến lúc 9h tối và cách nhà khoảng 30s đi bộ, xong việc đi ăn rồi về vẫn còn có thể vứt rác kịp. Và tiếp nối việc phân loại rác ở trên thì việc vứt rác ở xe cũng phải được phân loại. Thường thường sẽ luôn có 2 xe rác xuất hiện, một chiếc màu cam giống kiểu xe rác ở Việt Nam và một chiếc xe tải thông thường. Trên mỗi chiếc xe đều có dòng thông báo là “không được vứt rác nếu chưa phân loại”, và nếu không phân loại thì sẽ bị nhân viên vệ sinh chửi ê chề trước mặt bà con lối xóm. Rác khi đem vứt ở đây thì chỉ cần chia thành ba loại đó là rác tái chế được, rác không tái chế được, và đồ ăn thừa. Rác tái chế còn được phân thành loại nhựa và loại giấy, xe tái chế rác nhựa chỉ đến vào thứ Ba và thứ Bảy còn xe rác giấy sẽ đến vào thứ Hai và thứ Sáu, còn thứ Năm thì hiện tại tôi vẫn chưa rõ là xe gì, và xe không tái chế thì không phân chia. Khá kỳ lạ là sẽ không có xe rác vào thứ Tư và Chủ Nhật, cảm giác như chính phủ cho rằng người dân sẽ không cần vứt rác vào hai ngày này (hoặc là cho nhà dân ngập ngụa trong rác để tự giảm thiểu lượng rác thải XD).
Và hơn thế nữa, để “được" vứt rác không tái chế, ở Đài Bắc (gồm Đài Bắc và Tân Bắc), người dân phải mua loại túi chuyên dụng để có thể vứt rác (hoặc túi nilon đã mua khi đi siêu thị). Ở Đài Bắc sẽ là túi màu xanh và ở Tân Bắc sẽ là túi màu hồng. Loại túi này có bán ở khắp mọi nơi, từ siêu thị (PX mart) cho đến cửa hàng tiện lợi như 7-11 và Family Mart. Giá bán của túi cũng có thể coi là khá đắt, 100 đài tệ hay 80.000 VND cho tầm 10 túi 14L. Việc này một phần để chi trả cho hệ thống xử lý chất thải, một phần cũng hạn chế người dân vứt rác không tái chế trong một nỗ lực nhằm bảo vệ môi trường.
Chính vì những điều trên, kết hợp với ý thức của người dân mà tỉ lệ tái chế rác thải ở Đài Loan từ năm 1998 đến năm 2015 thay đổi từ 5.9% đạt đến ngưỡng 55% [4, 5], chỉ xếp sau các nước châu Âu và Hàn Quốc, một con số đáng ngưỡng mộ. Ngoài ra, việc rác được chuyển thẳng từ nhà dân lên xe rác cũng hạn chế việc để rác ngoài đường, cột điện như ở Việt Nam, giảm ô nhiễm đường phố và đô thị. Đúng là khi đi ngoài đường ở Đài Loan thì gần như không nhìn thấy rác đâu, chỉ đến những khu đông người như chợ đêm thì mới thấy có rác bừa bãi trên đường. Tôi đã từng tham gia một hoạt động của Adidas Runner Taipei, vừa chạy vừa nhặt rác ven đường, và trong cả quãng đường 7km chạy thì thực sự là tôi chỉ nhặt được tầm 5 đến 6 chiếc/món (không rõ nên dùng danh từ gì) rác.
Trong bối cảnh mà Việt Nam đang là một trong những nước thải rác ra biển nhiều nhất thế giới [6] thì thật sự mong rằng một ngày không xa Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng các biện pháp mà Đài Loan đã làm. Mặc dù có một vài điểm tôi cho rằng khá khó đó là việc giảm thải số lượng nhân viên vệ sinh môi trường (thay vì đi từng con ngõ như trước), việc người dân phân loại rác (cần phổ cập kiến thức và nâng cao ý thức người dân), và việc người dân cần trả tiền để vứt rác không tái chế (khả năng cao sẽ bị than vãn).
Đài Bắc, Đài Loan, 21/10/2020.
PDD.
=================================================================
Tài liệu tham khảo
[3] https://english.police.gov.taipei/News_Content.aspx
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất