Từ xưa đến nay, ham muốn được sống mãi với thời gian có lẽ chỉ thuộc vấn đề của những người giàu có và quyền lực. Sự bất tử, trước khi có sự xuất hiện của khoa học nghiên cứu thì mọi mong muốn hướng đến nó vẫn thường bị cho là chuyện hoang đường. Ngoài nỗi sợ chết vốn đã thuộc bản năng của con người, ham muốn này còn xuất phát từ mong muốn duy trì những tài sản mà con người sở hữu và là công cụ thể hiện đẳng cấp trong xã hội (đơn cử như trong thời Cập cổ đại).
Ở một khía cạnh vi mô hơn, vẫn có một cách để chúng ta có thể tạo ra giá trị lâu dài bằng cách tích lũy mỗi ngày. Những giá trị này, dù bạn có bất tử hay không, chúng vẫn sẽ sống mãi theo thời gian.
Gần đây, mình có xem bộ phim Big fish và càng được đắm mình hơn trong những ý niệm về ý nghĩa thực sự của sự bất tử. Trong phim, người con trai Will Bloom đã lớn lên với những câu chuyện vừa thực vừa hư của người cha Edward Bloom. Đến khi trưởng thành, kết nối của anh và người cha dần mất đi vì mối nghi ngờ về tính chân thực của những câu chuyện. Cho đến khi người cha sắp mất, người con trai vẫn không ngừng nghi ngờ những câu chuyện của cha đều là sản phẩm của bịa đặt và trí tưởng tượng. Tuy nhiên, bộ phim lại kết thúc với cảnh Will đang kể lại cho đứa con trai của mình câu chuyện về con cá khổng lồ – câu chuyện mà anh cho là cha đã bịa ra khi xưa. Đứa trẻ con anh, cũng đặt hoài nghi về sự tồn tại của con cá này. Đó chính cách mà câu chuyện về con cá lớn tiếp tục tồn tại mãi với thời gian. Theo cách hiểu của mình, con cá lớn là hình ảnh hoán dụ cho sự bất tử của người cha.
A man tells his story so many times that he becomes the stories. They live on after him. And in that way, he becomes immortal
Big Fish – Tim Burton
Việc bất tử, sẽ chỉ có ý nghĩa khi những giá trị bạn tạo ra, chúng có tính lưu truyền cho những thế hệ sau.
Viết là một cách để vừa có thể lưu giữ những giá trị của bản thân, mà vừa có thể lưu truyền nó lại cho những thế hệ sau. Thông qua việc viết, hay kể những câu chuyện, tác giả sẽ trở nên bất tử theo thời gian. Người La Mã đã từng xây dựng những công trình tráng lệ. Nhưng rồi cuối cùng, cả họ và những công trình của mình đều đi vào dĩ vãng. Người Do Thái viết một quyển sách, và họ cùng với những quyển sách ấy đã vượt thời gian để tồn tại đến ngày nay.
Một trong những động lực viết gần đây của mình đến từ ý nghĩa này. So với Công nghệ đông lạnh xác phải tốn đâu đó 5 tỉ đồng của Mỹ mà mình nghe ngóng được gần đây, có lẽ mình sẽ chọn cách này để bất tử. Việc viết, với mình không chỉ đơn giản là vài ba lời tự thoại với bản thân, mà còn là những lời tự thoại với tương lai.
Tưởng tượng nếu 100 năm sau, khi có ai đọc được những dòng note này lúc đang mất đi động lực với con chữ, mình mong những dòng chia sẻ này sẽ có ích với bạn.