Chuyện về sư Tuệ Hà
Một mẩu chuyện ngắn về một nhà sư, đọc chơi thôi đừng nghĩ nhiều
Sư Tuệ Hà, tên tự là Trấn, tên chữ là Thắng, là người làng Cót, thuộc Hà Nội. Để gặp được sư thì lâu lâu hãy thử đến Chùa Láng ở quận Đống Đa. Ngôi chùa nằm trên một con phố gần với sông Tô Lịch. Nếu hữu duyên bạn có thể thấy sư ở đó, khi thì đi tản bộ, lúc thì nhận cúng dường, nhưng đa phần là thấy sư đang thiền định.
Sư Tuệ Hà có cái dáng đậm, thấp nhưng dày người. Riêng đôi vai và chân của sư thì đặc biệt to. Dáng đi của sư gồ ghề, chầm chậm nhưng tuyệt nhiên không hề ì ạch. Đặc biệt là tôi cho rằng sư khá khỏe mạnh, dù đã hom hem và có lẽ đã thất thập cổ lai hy rồi. Có lần nọ tôi thấy sư vác trên vai là một hòn đá rất lớn, có lẽ phải đến ba chục cân, tôi không biết sư định làm gì thứ ấy, chỉ thấy là lúc ấy sư đang đi thì giữa đường có một đàn kiến đang tha mồi về tổ. Sư không muốn dẫm lên kiến, thế là đôi chân của sư lúc ấy như thể đang bay, vừa đi vừa tránh kiến trong khi hai tay sau lưng vẫn nâng trọn viên đá. Nhìn sư lúc ấy cứ như thể một hòn ngọc biết đi.
Bất ngờ hơn nữa là sư dùng tốt Hán Văn, tiếng Trung sư rất rành, sư cũng biết cả chữ Nôm. Cuối những năm 2010s, ít nhất là trước khi Covid bùng dịch, sư vẫn thường nhận viết thư pháp. Sư viết không lấy tiền, cũng không nhận cúng biếu, sư bảo là thư pháp của sư không đủ tốt, và rằng miễn mọi người vui thì sư cũng vui rồi. Vào giai đoạn trước dịch, năm 2019 đến 2021, lúc này giới học giả của Việt Nam đang có ý định biên soạn một Bộ đại từ điển dịch thuật tiếng Pali – Tiếng Việt, khi ấy theo tôi biết thì sư Tuệ Hà cũng nằm trong số những cao nhân được mời để tham khảo ý kiến. Nghe người ta kháo nhau là sư có thời gian ở Ấn Độ. Khi tôi hỏi về chuyện này thì sư cười trừ, sư nói là chuyện đã lâu lắm rồi, sư không còn nhớ nữa.
Tôi chưa bao giờ hỏi về quá khứ của sư, tuổi sư bao nhiêu, vì sao sư đi tu, … Tôi chỉ hứng thú đến những chuyện sư kể thôi. Chuyện sau đây là một ví dụ.
Hồi ấy sư Tuệ Hà kể là ông tu trên một ngọn núi. Có một đợt mà trời nổi giông bão mấy ngày liên tục. Tuyết rơi trắng trời. Vì xui rủi thế nào mà sư bị kẹt trên núi ấy vào ban đêm. Lúc ấy trong lúc mò đường về làng thì sư gặp một người phụ nữ. Môi người này xanh xao, da thì nhợt nhạt. Lạ thay là giữa trời rét mà người này mặc cái váy nhìn hơi hơi … trong suốt. Tất nhiên là sư không nghĩ bậy. Sư thấy cô này có vẻ là bị lạc, thế sư ngỏ ý muốn giúp cô ta về nhà. Dù gì thì hai người đi cùng nhau thì vẫn an toàn hơn là một. Khi ấy sư còn khỏe lắm, nhưng người phụ nữ kia thì đã yếu quá, chân người này không còn bước đi được nữa. Lúc ấy sư đang đeo sau lưng một cái bị thực lớn, bên trong toàn sách vở, đồ ăn với mấy thứ lỉnh kỉnh. Đồ ăn thức uống sư cho người phụ nữ kia, còn lại bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh sư quăng hết ra ngoài rồi để người kia ngồi bên trong cho sư cõng. Nếu bạn hỏi vì sao sư không cõng trực tiếp cô gái thì tôi đoán đấy là phép tắc của riêng sư: không đụng chạm vào cơ thể nữ nhân.
Cõng người phụ nữ kia đi không biết trong bao lâu, chỉ biết là càng đi thì trời càng tối. Vì giúp nữ nhân kia mà sư Tuệ Hà buộc phải đi một tuyến đường khác, ngoằn ngèo và hiểm hóc hơn. Rồi có lẽ vì quá tối, khiến người phụ nữ kia càng chỉ đường càng thành ra lạc. Lúc này người yếu mà bị lạnh dẫn đến tụt thân nhiệt thì có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng, dấu hiệu của nguy hiểm là chứng say ngủ, mất ý thức, thế nên sư phải tìm cách mà giữ cho người phụ nữ ấy tỉnh táo. Vậy là cứ lâu lâu sư lại hỏi người kia là đã tỉnh chưa, còn lạnh không? Sắp tới nơi chưa? Hỏi chán thì sư an ủi, dỗ dành, động viên. Lặp đi lặp lại đến lần thứ tư thì người kia trả lời. Giọng thều thào:
– Đến rồi. Cảm ơn.
Nghe giọng thì có vẻ là người kia đã yếu lắm rồi, sư bèn bỏ cái bị xuống mà kiểm tra. Đến lúc gỡ ra thì không thấy ai hết. Nhìn xa xa lúc này thì sư thấy có cái nhà gỗ hai gian, bên trong đang lập lòe ánh nến.
Khi này thì trời đã chuyển màu đen kịt. Vừa lạc đường, vừa gió rét. Sư bèn xin vào tá túc. Vừa chạm nhẹ tay vào cửa thì cửa mở toang như đón sư vào nhà. Vì là khách, sư gọi thật to để chào chủ nhà, xin nương nhờ một đêm. Sư gọi ba lần vẫn không thấy ai. Lúc này nhìn ngó một lúc sư mới thấy bên trong nhà còn tối đen hơn cả bên ngoài. Lần mò trong đêm, sư nhận ra khu nhà này rộng như thể một biệt phủ, to hơn nhiều so với lúc nhìn từ bên ngoài. Sư đi một hồi rồi quyết định quay trở lại gian ngoài cùng, vào trong một căn phòng bé nhỏ nhất rồi như thói quen, sư thiền định.
Sư ngồi được hết canh hai thì nghe ra hành lang có tiếng chân người thùm thụp. Cả mừng vì nghĩ đã gặp được chủ nhà, Tuệ Hà đi ra định nói lời chào thì bên ngoài ấy tuyệt nhiên không hề có ai cả. Thế là sư lại về thiền tiếp. Sư ngồi như thế được thêm hai ba thời thần thì thấy bên ngoài có tiếng trẻ con khóc. Lo cho đứa trẻ, thế là sư ngồi dậy đi kiếm. Sư cứ thế nghe theo tiếng khóc mà đi theo. Đi một hồi lâu thì tuyệt nhiên vẫn không thấy ai. Vậy là sư lại quay về chỗ cũ mà tọa thiền. Ngồi một lúc thì lại nghe thêm tiếng khóc nữa, lần này ai oán hơn. Thế là sư lại trở mình tìm căn nguyên nhưng vẫn không thấy ai cả. Chuyện này cứ thể lặp đi lặp thêm hai lần nữa. Sau mỗi lần như thế sư đều về chỗ cũ mà tiếp tục hành thiền. Hành thiền được một lúc lâu thì sư đi ngủ cũng tại chính chỗ ấy.
Không biết sau bao lâu thì Tuệ Hà nghe thấy tiếng cười nói vui vẻ lắm. Lúc này khi mở mắt thì sư thấy nguyên căn phòng nhỏ bé đang nằm hóa ra lại to hơn, cao hơn, rộng đến trăm thước. Xung quanh là bàn ghế tiệc tùng, đèn đuốc trang trí sáng linh đình. Bàn ghế trong gian ấy thì chất đầy đồ ăn thức uống nhiều đến độ cả làng ăn cũng không hết. Tuy thế xung quanh sư vẫn không thấy bóng người. Thấy chói mắt quá nên sư bèn lấy tay che mắt lại rồi ngủ tiếp.
Sư ngủ đến thêm một lúc thì trở mình tỉnh dậy. Phòng ốc lúc này lại thu bé như ban đầu nhưng bên cạnh sư thì có bóng người bé nhỏ. Có một thằng bé tóc đen đang nhìn sư. Mắt nó không tròng. Tay thì nắm lấy cổ tay sư. Lúc này sư mới hỏi:
– Có việc gì không cháu?
Thằng nhóc trả lời là nó muốn đi đái. Mà buổi tối đêm thế này nó sợ ma, nên nó muốn sư đi cùng. Thế là Tuệ Hà đồng ý. Sư đi với nó đến phòng vệ sinh thì dừng lại. Sư ngồi trước cửa phòng hành thiền để nó vào đái một mình. Thiền mãi thì cũng cảm thấy đã ngồi đủ lâu. Sư mò vào phòng vệ sinh tìm thằng bé thì bấy giờ tuyệt nhiên không có ai. Nghĩ là thằng bé đã tự đi về rồi, sư cũng an chí về chỗ cũ mà nằm ngủ tiếp.
Ngủ thêm độ một giờ đồng hồ thì sư Tuệ Hà lại tỉnh. Lúc này trước mặt sư là một nữ nhân với dáng hình gầy như que củi. Người nữ ấy than lên là đau quá, đau quá. Thế là sư hỏi là thí chủ đau ở chỗ nào? Người kia nghe được trả lời:
– Đau như thế này này.
Vừa dứt lời thì mặt cô kia như bị xé toạc ra làm hai phần. Da thịt trên mặt mọc ra gai nhọn tua tủa. Hai nửa của hộp sọ thì bị nứt ra làm đôi, còn thân thể cô ta, gồm tay với chân, bị vặn xoắn lại. Như thể có một bàn tay khổng lồ vô hình đang giữ chặt lấy thân hình cô ta mà vặn, mà uốn. Lúc sư Tuệ Hà kể cho tôi thì sư bảo tôi tưởng tượng như có bàn tay đang vắt khô áo quần, chỉ trừ một điều là cái vốn là vải vóc, là quần áo thì lúc này là một mớ thịt với xương. Áo quần khi vắt thì ra nước, còn cái thứ này khi vắt chặt thì tóe ra máu.
Trông thấy thế, sư bèn ngồi dậy, quan sát cái hình thù kia, lúc này đã không thể trông ra người. Nhìn mãi, sư bèn nói là sư không biết giúp thế nào, nhưng sư nhớ là đã đọc về y học chỉnh hình. Sư nói rằng nếu qua xứ Kim Chi, ở đó có mấy ông thầy bác sĩ có cái biệt tài phẫu thuật làm đẹp. Biết đâu đấy may mắn giúp được cái mớ thịt kia? Sư thú nhận là phải qua hẳn đó, gặp các ông chuyên gia, khi ấy người ta mới cho lời khuyên hiệu quả. Nhưng cái mớ thịt kia không chịu, nó cứ rên mãi. Thế là sư chỉ cho nó cách hành thiền. Sư dạy sơ sơ về cách hít thở, rồi chỉ cho cách đếm nhịp một nhịp hai. Vì cái thứ kia nói năng còn khó khăn nên sư nhận là sẽ đếm nhịp cho nó. Thế là sư cứ thế nhắm mắt lẩm nhẩm: “một, hai, một hai”.
Bẵng đến một hồi thì sư không còn nghe tiếng ư ử nữa. Sư mở mắt thì thứ kia đã biến mất. Lúc này sư thấy khó ngủ quá, nửa đêm hôm mà bị thức giấc thì đâu dễ về giấc ngủ. Vậy là sư đứng dậy đi dạo xunh quanh, vừa đi vừa thiền, sư gọi phép này là thiền hành. Được mãi một lúc thì sư nằm lại rồi lại ngủ im lìm.
Lần thứ ba thì sư tỉnh dậy lúc trời tờ mờ sáng. Căn phòng vẫn tối đen nhưng xung quanh sư là năm bóng đen cao lớn. Mấy cái bóng nói với nhau bằng đủ loại ngôn ngữ. Sư kể là thứ ngôn ngữ ấy hao hao tiếng Ainu của xứ Phù Tang nhưng sư không chắc. Mấy cái bóng ấy hỏi sư:
– Ông từ đâu đến vậy?
Cả năm cái bóng ấy nói lần lượt tạo thành nguyên câu hoàn chỉnh. Cụ thể thì chữ “ông” là do cái bóng đầu tiên cất tiếng, chữ “từ” thì do cái bóng thứ hai nói, chữ “đâu” thì do bóng thứ ba, cứ thế đến chữ cuối cùng, chữ “vậy” là do cái bóng thứ năm, cũng là cái to nhất, thốt lên.
Lúc này sư Tuệ Hà bắt đầu phân trần. Đầu tiên là sư xin lỗi vì vào nhà gia chủ mà không xin phép. Sư thú thực là mình tự tiện quá. Sư cũng kể thêm là lúc đến đây đáng lẽ là phải có thêm một người phụ nữ sư cõng trên lưng nhưng lúc vừa đến đây thì không thấy đâu. Sư không biết có cái bóng nào thấy người phụ nữ ấy không? Nếu thấy thì phải để ý đến chân bà ta. Sư kể rằng sư thấy đôi chân ấy có dấu hiệu của bệnh cước, để lâu sinh bệnh có thể sẽ phải cắt bỏ. Sư cũng ngỏ ý hỏi thăm đến cậu nhóc nhờ sư dẫn đi vệ sinh, cả cái hình nhân dị dạng vừa nãy, … sư nói cứ thể một hồi. Nói đến đâu thì cả thảy năm cái bóng đều “ừ” lần lượt. Cứ thế mãi, năm cái bóng nhìn nhau và đồng ý bỏ đi, không làm phiền sư nữa. Lúc này trời sắp sáng rồi, sư lại hành thiền một lúc rồi ngủ.
Khi tỉnh dậy thì sư thấy mình đang nằm giữa đất tuyết. Xung quanh thì bão giông đã ngừng, trời ấm lên và lúc bấy giờ chim ca đã vui vẻ cất tiếng hót. Sư lại ngồi thiền định một chốc rồi tìm đường xuống núi. Chuyện của sư hôm ấy đến đây là hết. Sư kết truyện bằng cái giọng nhẹ nhàng:
– Đó! Kết luận cuối cùng của ta là nhờ hành thiền cháu có thể ngủ ngon hơn! Nếu sau này cháu mất ngủ thì cứ đếm một, hai, một, hai, …
Xin đính chính là khi ấy bài nói chuyện giữa tôi với Tuệ Hà là xoay quanh chứng mất ngủ của thế hệ Gen Z. Tôi nghe xong mà toát hết cả mồ hôi hột. Vừa dở khóc dở mếu. Tôi hỏi sư là sao sư hay quá vậy. Sao sư không sợ ma? Thế là sư nghe xong hỏi ngược lại:
– Ma? Thế nào thì gọi là ma?
Tôi lúc này đưa ra các định nghĩa, trích dẫn đàng hoàng các thư viện, cách sách vở từ cổ chí kim. Tuy nhiên tôi cứ trả lời một câu thì Tuệ Hà lại hỏi một câu nữa. Càng câu sau khó hơn câu trước. Ví dụ, tôi bảo: “Ma là linh hồn của người chết”. Thế là sư hỏi luôn:
– Thế linh hồn là gì?
– Là … một dạng năng lượng tâm linh, là sóng, là … từ trường sinh học.
Nói đến đây thì chính tôi còn thấy bí. Sư hỏi miết: “tâm linh là gì?”, “năng lượng là thế nào”, “thế sóng vô tuyến có tính là tâm linh không”? Càng câu sau tôi càng không trả lời được. Thế rồi tôi dẹp hết mọi lý thuyết, mọi định nghĩa lôi thôi mà đi thằng vào vấn đề “Sư không sợ bị ma giết à? Sư không sợ chết hay sao?”. Sư Tuệ Hà nghĩ một chút rồi trả lời:
– Trong đời sư thì sư nghe chuyện người với người giết nhau nhiều hơn là chuyện ma hại người.
Thế rồi tôi á khẩu một lúc. Lúc này may mắn thay là có một ông Cha xứ từ xứ Ái Nhĩ Lan qua gặp thầy Tuệ Hà. Cả hai đang bàn về một bản dịch gì đó của một cuốn Kinh Thánh Tây Phương viết bằng tiếng Hy Lạp cổ. Nói một hồi tôi hóng ra chuyện là hai vị ấy hóa ra đang nằm chung trong một nhóm nghiên cứu về một thứ ngôn ngữ gọi tiếng Ấn-Âu nguyên thủy. Nó là cái gì thì đại khái, theo thầy Tuệ Hà giảng, nó là ngôn ngữ tiền thân của tiếng Sankrit và tiếng Hy Lạp. Cả hai nói về chủ đề này thì tôi tự thấy là mình chỉ là kẻ dư thừa. Để tránh làm phiền hai vị tôi đành chủ động cáo lui, chúc cho hai vị ấy có một ngày thảo luận vui vẻ.
Bẵng một hồi thì dịch Covid đến và từ đó, kể cả khi đã hết dịch thì tôi cũng không còn gặp sư nữa. Lần nói chuyện cuối cùng của tôi với sư, chủ đề khi đó là về cái chuyện … ái tình tuổi trẻ. Lúc này thì câu chuyện xoay quanh chuyện cá nhân nên tôi không dám chia sẻ nhiều. Chỉ nhớ rõ là hôm ấy, tôi đã dốc hết can đảm, hỏi sư vài chuyện liên quan đến đời tư. Tôi hỏi là sư đi tu từ năm bao nhiêu. Lúc ấy sư Tuệ Hà mắt lim dim, sư ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời:
– Năm Trần Phủ thứ tư.
Tôi nghe mà không hiểu. Nhưng lúc ấy sư cũng lắc lắc cái đầu và không nói gì thêm. Lúc ấy sư nói rất nghiêm túc. Quả thực là tôi chưa bao giờ thấy sư nói sai bao giờ nhưng lần ấy thì tôi thông cảm, tôi nghĩ là sư đã già rồi, già nua lẩn thẩn nói nhảm là chuyện bình thường. Đó là lần cuối cùng tôi gặp sư. Sau dịch Covid thì tôi không còn thấy sư nữa, không biết sư thế nào, còn mạnh khỏe hay đã tạ thế.
Mãi đến mấy tuần vừa rồi. Tôi may mắn được gặp một nhóm các bạn gần bằng tuổi. Nhóm bạn ấy có đam mê về học thuật Châu Á. Trong nhóm ấy có anh K, vốn là một thạc sĩ chuyên nghiên cứu lịch sử Việt Nam và Trung Quốc. Sắp tới đây anh K sẽ đi Đài Loan để nghiên cứu đề tài: “Ảnh hưởng của người Hoa Kiều đến lịch sử các nước Đông Nam Á”. Tự nhiên khi đang nhàm đàm, tôi buột miệng hỏi anh “Trần Phủ thứ Tư là năm nào?”.
Anh K cười nghiêng nghiêng:
– Trần Phủ? Đó là vua Trần Nghệ Tông ý em. Năm Trần Phủ Thứ tư? Được được, để anh tra xem. Đợi nhé … đợi nhé … A, ra rồi! Vua Trần Nghệ Tông lên ngôi năm 1321! Vậy năm Trần Phủ thứ Tư là năm … 1325! Ô, lịch sử thời ấy nước ta máu me lắm nhé. Này các chú có biết là lúc ấy nước Việt với Chiêm đánh nhau không? Ô, chú Sơn không biết à … đánh đấm dã man lắm nhé … để anh kể cho … hai vua của hai nước đều vong mạng nhé … đầu tiên thì … sau đó thì …
Anh K có cái khiếu ăn nói hay lắm, đã thế lại còn nhanh nhảu. May cho tôi là lúc ấy anh đang mải vọc vạch cái smartphone, nếu không thì khi ấy anh hẳn đã thấy mặt tôi méo xệch, nửa cười nửa mếu, dở khóc dở cười.
Nguyễn Hoàng Sơn
Ảnh đầu bài được generated bởi AI, playgroundai.com
5/7/2023, Viết trong một tối trời mưa gió bão bùng.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất