Bài viết trên facebook của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (https://www.facebook.com/t.nguyen.2016) nói về chức vụ/chức tranh giáo sư trong khoa học. 
Đây là một bài hay, chi tiết nên đọc để tìm hiểu về "giáo sư". Mình đã sửa lại đoi chút và thêm headline để tiện theo dõi hơn.
1. Giáo sư là gì?
Giáo sư là một chức vụ. Giáo sư không phải là phẩm hàm hay 'chức danh'. Chức vụ giáo sư gắn liền với công việc của một đại học, không có 'giáo sư quốc gia'. Công việc có thể là nghiên cứu, giảng dạy, và/hoặc quản lí / lãnh đạo.

Để bạt lên chức vụ giáo sư là một hình thức ghi nhận đóng góp của ứng viên trong quá khứ và triển vọng đóng góp trong tương lai. Đề bạt giáo sư cũng có thể xem là một hình thức tưởng thưởng.

Bổ nhiệm chức vụ giáo sư là nhằm nhận dạng nhân tài trong khoa bảng, nhận dạng người có khả năng lãnh đạo. Lãnh đạo thể hiện qua đa vai trò của ứng viên đó: là học giả, là nhà nghiên cứu, là thành viên của cộng hoà học thuật, là người có thẩm quyền, và là người phản biện xã hội. Một người chỉ có công bố khoa học mà thiếu những hình ảnh kia thì vẫn chưa thể là giáo sư. Một người có thể chỉ công bố 1-5 (thậm chí 0) bài báo khoa học, nhưng đáp ứng các hình ảnh trên có thể bổ nhiệm làm giáo sư.

Giáo sư là chức vụ có thời hạn, thường là 5 năm. Sau 5 năm họ phải được xem xét lại, có vài trường hợp phỏng vấn, để xem có còn xứng đáng với chức vụ giáo sư.

Đối với những giáo sư đã nghỉ hưu, một số người có thể dùng danh xưng "Emeritus Professor" (Cựu giáo sư) nếu được sự phê chuẩn của hội đồng khoa bảng của đại học.

2. Làm thế nào để được công nhận là giáo sư?

Ở nước ngoài, các đại học tự tạo ra qui trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm và đề bạt giáo sư. Không có một hội đồng nhà nước hay cấp quốc gia.

Qui trình bổ nhiệm và đề bạt hoàn toàn dựa vào bình duyệt (peer-review) của đồng nghiệp trong chuyên ngành. Hồ sơ của ứng viên được gởi ra ngoài trường và nước ngoài để bình duyệt. Không có hội đồng ngành nào bình duyệt hồ sư của ứng viên.

Người bình duyệt được chọn sao cho họ có quá trình nghiên cứu thâm niên hơn (nói theo tiếng Anh là senior hơn) ứng viên. Chẳng hạn như giáo sư duyệt hồ sơ của phó giáo sư; phó giáo sư không thể duyệt hồ sơ của phó giáo sư.

Tiêu chuẩn khác biệt giữa các đại học. Bởi vì bổ nhiệm giáo sư là cho đại học, mà đại học thì có nhiều đẳng cấp khác nhau, nên tiêu chuẩn bổ nhiệm cũng khác nhau giữa các đại học. Các đại học ít danh tiếng có tiêu chuẩn tương đối thấp hơn các đại học hàng 'top'.

Ở Úc có 4 bậc giảng viên / giáo sư: lecturer, senior lecturer, associate professor, và professor. Ở Mĩ thì đơn giản hơn vì chỉ có 3 bậc và tất cả đều mang danh professor: assistant professor, associate professor, và professor. Các chức vụ danh dự và ngoại giao như 'Honorary Professor' không qua qui trình chung và tiêu chuẩn như các giáo sư chánh thức.

3. Tiêu chuẩn để trở thành giáo sư

Bộ tiêu chuẩn để đề bạt và bổ nhiệm giáo sư khác biệt cho các cấp bậc giáo sư, nhưng tựu trung lại bao gồm 3 trụ cột. Mỗi trụ cột có hàng loại tiêu chuẩn (dài đến 20 trang). Ba trụ cột đó ở trường UNSW (tiêu biểu) là:

• Nghiên cứu khoa học
• Giảng dạy và đào tạo
• Phục vụ: hoạt động chuyên ngành, xã hội, lãnh đạo

a. Nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu khoa học được thể hiện qua (i) quá trình nghiên cứu và công bố khoa học; (ii) phẩm chất khoa học; (iii) và tầm ảnh hưởng. Không có bất cứ một qui định là phải có bao nhiêu bài báo khoa học để được bổ nhiệm hay đề bạt. Không có bất cứ một con số nào về trích dẫn để nói là xứng đáng chức vụ giáo sư, bởi vì đây chỉ là 1 trong nhiều tiêu chuẩn. Không phải có hàng chục bài trên Nature hay Science hay có nhiều trích dẫn là tự động được bổ nhiệm giáo sư; người ta phải xét toàn diện quá trình nghiên cứu.
b. Giảng dạy và đào tạo
Giảng dạy và đào tạo được thể hiện qua các hoạt động như phụ trách các course học, thể hiện sự cách tân trong giảng dạy, kèm theo chứng cớ đánh giá của sinh viên. Giảng dạy còn bao gồm cả soạn sách giáo khoa (mặc dù tiêu chuẩn này không quan trọng cho giáo sư ngạch nghiên cứu). 'Giảng dạy' ở đây cũng có nghĩa là hướng dẫn sinh viên hậu đại học như nghiên cứu sinh, và hướng dẫn postdoc.
c. Phục vụ: hoạt động chuyên ngành, xã hội, lãnh đạo

Phục vụ qua các hoạt động chuyên ngành, xã hội, và lãnh đạo bao gồm rất nhiều tiêu chuẩn về (a) đóng góp cho chuyên ngành; (b) đóng góp cho quốc gia nói chung; và (c) vai trò lãnh đạo về tri thức và khoa học.

Đóng góp cho chuyên ngành thể hiện qua các vai trò tình nguyện trong các hiệp hội cấp quốc gia và quốc tế, qua vai trò bình duyệt và biên tập trong các tập san khoa học chánh thống.

Đóng góp cho xã hội thể hiện qua (i) vai trò trong các hội đồng tư vấn cấp quốc gia cho chánh phủ và các tập đoàn kĩ nghệ; và (ii) tham gia tranh luận các vấn đề xã hội trên các diễn đàn cấp quốc gia và quốc tế.

Lãnh đạo tri thức và khoa học ('intellectual leadership' và 'scientific leadership') rất quan trọng, đặc biệt ở cấp giáo sư thực thụ. Lãnh đạo thể hiện qua các vai trò lãnh đạo trong hiệp hội và tập san khoa học. Lãnh đạo khoa học còn thể hiện qua các bài xã luận và bình luận được các tập san mời viết. Lãnh đạo khoa học còn thể hiện qua các giải thưởng, các fellowship danh giá, và chức danh danh dự từ các đại học khác.
4. Cách đánh giá

Mỗi trụ cột (trong 3 trụ cột trên) được đánh giá một cách bán định lượng qua thang điểm 4 giá trị như sau:

• Outstanding (điểm 3): xuất sắc
• Superior (điểm 2): trên trung bình
• Current performance (điểm 1): trung bình theo như kì vọng
• Below current performance (điểm 0): dưới trung bình, thấp hơn kì vọng  

Một ứng viên phải đạt 6 điểm hay cao hơn sẽ được đề bạt hay bổ nhiệm. Điều này có nghĩa là nếu 3 trụ cột trên có điểm 2 + 2 + 2, hay 3 + 3 + 0, hay 3 + 2 +1, v.v. thì sẽ được đề bạt và bổ nhiệm.

Về công bố khoa học

Không có đại học nào đặt ra số lượng bài báo khoa học phải bao nhiêu để được đề bạt hay bổ nhiệm. Số lượng chỉ nói lên mức độ hoạt động nghiên cứu, không phản ảnh phẩm chất khoa học và tầm ảnh hưởng. Vả lại, số lượng tuỳ thuộc vào chuyên ngành, không thể đưa ra bất cứ con số nào để làm chuẩn.

Phẩm chất khoa học là tiêu chuẩn quan trọng trong xét duyệt đề bạt và bổ nhiệm. Phẩm chất khoa học được thể hiện qua vị thế của tập san khoa học trong chuyên ngành (như impact factor), không phải Q1, Q2, Q3, Q4.

Những bài trên các tập san dỏm (predatory journals) sẽ không được xem xét. Ứng viên sẽ không bị 'phạt' nhưng các bài đó không gây ấn tượng tốt về đạo đức khoa học ở các chuyên gia bình duyệt.

Tầm ảnh hưởng của nghiên cứu thể hiện qua số lần trích dẫn độc lập (không phải tự trích dẫn), số lần được các hồ sơ cục quản lí bằng sáng chế USPTA trích dẫn, số lần được báo chí phổ thông nhắc đến, và chỉ số Almetric.

Chỉ số H có thể quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định. Trước đây, người ta hay có qui luật bất thành văn là ứng viên chức professor thực thụ phải có chỉ số H 20 trở lên (lấy ngành vật lí làm chuẩn) hay có ít nhứt 1,000 citations thì hồ sơ mới đáng được bình duyệt (cấp giáo sư thực thụ), chưa nói đến xứng đáng giáo sư hay không. Nhưng vì chỉ số này bị lạm dụng nhiều, nên ngày nay nó cũng mất đi cái giá, và nhiều chuyên gia chỉ xem nó như là một yếu tố tham khảo.

Có bài 'highly-cited' là một điểm cộng, nhưng ở Úc nó không bao giờ được xem là yếu tố quyết định trong việc xét duyệt bổ nhiệm chức giáo sư, vì người ta phải xét đến tầm ảnh hưởng của nghiên cứu. Tầm ảnh hưởng được đánh giá qua điểm #23.

Các chuyên gia bình duyệt sẽ không 'ấn tượng' với các ứng viên chỉ công bố trên các tập san trong chuyên ngành. Họ kì vọng ứng viên phải thoát ra được chuyên ngành ra 'biển lớn' qua công bố trên các tập san khoa học cao hơn và ngoài chuyên ngành (như Nature, Science, Cell, JAMA, NEJM, v.v.)

Các chuyên gia bình duyệt sẽ 'ấn tượng' với ứng viên có những đóng góp ngoài chuyên ngành, vì điều đó thể hiện cái mà họ gọi là 'breadth and broad' của ứng viên và khả năng vượt lên chính mình.

Vị trí của ứng viên trong bài báo khoa học đóng vai trò rất quan trọng. Ứng viên phải chứng minh mình đóng vai trò lãnh đạo trong nghiên cứu / bài báo, và đây là tiêu chuẩn quyết định. Vị trí lãnh đạo không phải chỉ là tác giả đầu, mà là tác giả correspondence và chứng thực qua "invited review". Đứng tên trong hàng trăm bài báo mà không có vai trò chủ đạo (nói theo dân khoa học là 'lính đánh bộ') sẽ không được đánh giá cao.

Thời gian công bố khoa học cũng là yếu tố quan trọng. Tuyệt đại đa số đại học chỉ quan tâm đến:

• công bố khoa học trong 5 năm qua;
• 5 bài tốt nhứt trong sự nghiệp; và
• 5 bài tốt nhứt trong 10 năm qua.

Đa số các bài còn lại gần như không xem xét đến. Có những ứng viên có số bài gia tăng nhanh một cách đột biến, và họ phải giải trình rõ ràng (có người không thèm giải trình), nhưng họ không bị 'phạt' vì người ta chỉ xem xét 5-15 bài chánh do ứng viên chọn.

Kháng nghị

Có những ứng viên bị rớt (không được đề bạt hay bổ nhiệm). Nếu họ thấy quyết định của đại học không công bằng hay không thoả đáng, họ có quyền 'kháng nghị', và đại học phải tổ chức đánh giá lại một cách độc lập.

***

Trên đây là tóm tắt những nguyên lí, qui trình và tiêu chuẩn đề bạt và bổ nhiệm chức vụ giáo sư ở các nước như Úc, Mĩ, Anh, mà tôi biết qua. Dĩ nhiên, các bạn nào quan tâm đọc cho biết người ta làm như thế nào thôi, chớ tôi không kì vọng rằng những nguyên lí, qui trình và tiêu chuẩn đó sẽ áp dụng vào Việt Nam, ngoại trừ các đại học được trao quyền tự chủ. Trong khi Tàu đã và đang theo những chuẩn mực đề ra như mô tả trên của Tây, thì Việt Nam vẫn còn đang loay hoay theo cách làm của Tàu của 20 năm trước và pha một chút dấu ấn của Pháp và Nga.

Ở Việt Nam, những tiêu chuẩn về 'phong hàm' rồi 'công nhận' giáo sư cứ thay đổi liên tục. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi tiêu chuẩn thay đổi, nhưng ngạc nhiên là tính cứng nhắc lệ thuộc (đến mức nô lệ) vào con số. Phải đạt bao nhiêu bài này, bài kia thì mới được chức danh này hay chức vụ kia. Đề ra những tiêu chuẩn định lượng có cái hay là nó tương đối khách quan, nhưng cái dở là nó dễ bị lạm dụng. Trong giai đoạn khoa học còn đang phát triển và trong môi trường cạnh tranh, người ta sẽ làm bất cứ điều gì để đạt được con số cần thiết, và cái hi sinh ở đây là phẩm chất.

Nếu xét duyệt để đề bạt hay công nhận giáo sư mà chỉ dựa vào con số, thì tôi nghĩ đó là một sai lầm. Sự nghiệp của một người không thể nào tóm lược qua một con số, hay qua những tiêu chuẩn mang tính đơn biến được.