Thời những năm 95, gia đình mình quan niệm không đi học thêm, trừ ngoại ngữ để còn xài tiếng Anh cho đàng hoàng và tập võ cho khỏe người. Lúc vào lớp 7, khi mình vào lớp chuyên, mọi thứ đều rất khó khăn, nhất là môn toán hình học. Trong khi các bạn trên lớp đều học thêm, giải toán nhanh như chớp, có lúc, mình không hiểu sao nhỏ hotgirl trong lớp có thể gộp đầu, gộp đuôi lại để tính nhanh như điện. Còn mình, mọi thứ đều phải tự đọc thêm, tự đi hỏi thầy cô tới mức thầy cô quạo mà bật chế độ “xanh lá”. Điểm số mình cũng khá bình thường, không đến nỗi bét lớp nhưng cũng không thuộc top nửa trên, có một số môn điểm khá bèo bọt. Sau nhiều năm khi mình học lên Master, lúc này mình mới hiểu vì sao mẹ mình không cho đi học thêm để đạt điểm cao trước mắt. Những bài test của cuộc đời mình sau này khó hơn nhiều lần, đồng nghĩa với mình chẳng thể có sự chuẩn bị nào khác ngoài việc mang những hiểu biết đã tự trau dồi ra kết hợp với sự sáng tạo làm nền tảng để tìm ra cách giải quyết.
Dạy cách tư duy
You don't know what you don't know
You don't know what you don't know
Đã nhiều lần, mình thấy sinh viên gặp một marketing case study hay, sinh viên rất hứng khởi tư duy ra các lập luận, giả thiết mới. Nhưng thầy lại bảo hãy đợi đến khi dạy tới phần này. Đây là một cách dạy dỗ sai lầm. Điều quan trọng với sinh viên đó là cách tư duy khi gặp vấn đề, chứ không phải ở việc được dạy những công cụ để mang ra xử lý. Khác với con người, AI (trí tuệ nhân tạo) được lập trình sẵn mọi khả năng (possibilities), để khi gặp vấn đề là mang ra đối phó. Nhưng nếu vấn đề không nằm trong những gì đã lập trình, AI sẽ gặp một chút rắc rối, do đó mới có machine learning để AI có khả năng tự trau dồi thêm.
Bài toán gây tranh cãi nhưng rất giản đơn
Bài toán gây tranh cãi nhưng rất giản đơn
Ví dụ như bài toán này khi đưa cho học sinh lớp 5 và 11. Kết quả rất bất ngờ, học sinh lớp 5 lại tính được, còn học sinh lớp 11 thì lại suy nghĩ lâu hơn. Học sinh lớp 5, mặc dù kết quả chưa hoàn toàn thuyết phục nhưng cách làm rất đơn giản, bạn tìm những con số nhân lại với nhau để được 25 (5x5) rồi từ từ suy luận ra độ dài các cạnh để tính ra diện tích hình cuối cùng. Còn ở học sinh lớp 11, cậu trả lời là phải áp dụng hệ phương trình 2 ẩn số, và mất khá lâu chỉ để lục lại trong trí nhớ cách viết nên hệ phương trình đó. Hệ phương trình 2 ẩn sẽ không tồn tại nếu không có phương trình 1 ẩn số căn bản. Phép cộng sẽ thay cho phép nhân nếu như bạn quên mất cái bảng cửu chương. Điều quan trọng nhất là bạn phải có kiến thức cơ bản.
Nuôi dưỡng sáng tạo và nghị lực
Dù người Việt luôn tự hào mình có điểm cao trong các môn tính toán khi sang Úc thì khi qua giai đoạn học foundation - nơi điểm cao luôn thuộc về người Châu Á, tới giai đoạn làm research thì chỉ sinh viên phương tây mới là người sáng tạo ra nhiều thứ mới. Sự sáng tạo không thể phát triển nếu con người luôn giới hạn trong những kiến thức mà họ suốt ngày ngồi học thuộc. Sức sáng tạo luôn tồn tại trong con người từ khi sinh ra. Nó phát triển hay mất dần đều do những người xung quanh ảnh hưởng. Sức sáng tạo và nghị lực luôn giúp bạn chịu tự mở ra một quyển sách để đọc, tự tìm người khác để học hỏi, tự trải nghiệm, và học từ sai lầm. Nó cũng giúp những lúc bạn chán chường không thấy lối thoát, bạn sẽ không phải ngồi than vãn mà biết phải làm gì để bản thân thoát ra khỏi vũng lầy.
Khi một em bé mới nhận thức cuộc sống, bé đặt ra nhiều câu hỏi và cũng trả lời nhiều câu rất hay ho. Mình thích cách các cô giáo mẫu giáo ở Phần Lan hay làm mỗi khi các em bé chỉ vào một thứ và hỏi đó là cái gì, câu đầu tiên là "vậy con nghĩ nó giống cái gì con từng thấy trước đây?". Câu hỏi này nghe đơn giản nhưng giúp gợi mở tư duy rất tốt.
Bướm ăn gì?
Bướm ăn gì?
Có lần mình chứng kiến, một em bé chắc rằng bướm ăn thịt bò và cô giáo của em đã không phản đối, mà hỏi bé tại sao bé nghĩ có chuyện đó. Em bé hào hứng trả lời lại "con thấy nó đậu rất lâu trên miếng thịt bò" và bất ngờ hơn, em bé ấy bắt đầu tự đặt câu hỏi “liệu răng con bướm có cứng không để cắn thịt bò”, “nếu con bướm gặp con bò còn sống, đang gặm cỏ thì nó có dám tới ăn không?”. Một em bé hơn 4 tuổi làm được nhiều điều hơn là học một cái định nghĩa khô khan về con bướm là loài động vật ăn cây cỏ lẫn uống máu mà em chưa thể hiểu ở tuổi đó.
Đặt câu hỏi cho chính mình là sự khởi đầu cho sự sáng tạo và việc tìm câu trả lời. Nơi nào có câu hỏi, nơi đó sẽ câu trả lời rất gần. Có những những ba mẹ luôn mong con thực hiện ước mơ mà họ không thể làm được trước đây, rồi làm dùm con rất nhiều thứ từ bài tập, chăm sóc cá nhân,.... Con người sinh ra, hạnh phúc nhất là được làm điều mình muốn. Vậy, khi bắt con làm theo ý mình, triệt tiêu sức sáng tạo của con, ba mẹ có phải là người luôn mong con được hạnh phúc nhất?