"Chuyện tử tế" của Trần Văn Thủy và điều còn bỏ ngỏ
Nhắc về thời bao cấp vào những năm 80, ta thường nhớ đến hình ảnh đất nước với kinh tế trì trệ, dân chúng đói kém và một làn sóng "mới" bắt đầu nhen nhóm trong số các văn nghệ sĩ dám "tương" thẳng vào những vấn đề đạo đức trong xã hội đương thời.
Nhắc về thời bao cấp vào những năm 80, người ta thường nhớ đến hình ảnh về một đất nước với kinh tế trì trệ, dân chúng đói kém vì chế độ tem phiếu phụ thuộc nhà nước. Nhưng ta cũng không thể không kể đến một làn sóng "mới" đã bắt đầu nhen nhóm trong số các văn nghệ sĩ giai đoạn này, dám "tương" thẳng vào những vấn đề đạo đức, lối sống trong xã hội đương thời, trong đó nổi bật là đạo diễn Trần Văn Thủy với bộ phim Chuyện tử tế, một tác phẩm mà cho đến nay vẫn còn giữ nguyên những giá trị tinh thần cốt lõi và một câu hỏi bỏ ngỏ cho xã hội Việt Nam nhiều thập kỷ sau.
Từ một bộ phim tài liệu thời bao cấp
Nếu như những ai đã xem Chuyện tử tế và hiểu được bối cảnh ra đời của bộ phim mới thấy hết được sự "bạo gan" của Trần Văn Thủy lớn đến mức nào. Năm 1982, ông xuất xưởng bộ phim Hà Nội trong mắt ai, trong đó dùng những câu chuyện, điển tích xưa của Hà Nội để phản ánh tình hình chính trị, xã hội Việt Nam đương thời, không may lại trở thành đối tượng của một thế lực các nhà cầm quyền khi đó; họ cho chiếu đi chiếu lại phim, tổ chức vô vàn các buổi hội thảo chỉ để "vạch lá tìm sâu" hòng cấm phim nhưng tuyệt nhiên không nêu ra được lỗi sai nào. Đến cuối cùng Hà Nội trong mắt ai vẫn bị ngăn trở thông qua những chỉ thị miệng mà chẳng có một văn bản gì, còn tác giả của bộ phim thì bị nghi ngờ là "có ý đồ xấu"; thậm chí bạn bè Trần Văn Thủy lúc nào cũng hỏi "Sao mày chưa bị bắt thế?" vì cái độ tai tiếng, rầm rì mà nó từng gây ra cho tầng lớp lãnh đạo đất nước lẫn dân chúng. Trong tình thế có thể bị "kết tội" bất cứ lúc nào ấy, ông vẫn âm thầm làm tiếp một bộ phim đi từ nỗi đau con người rồi đặt tên nó là Chuyện tử tế. Phim cũng là chủ đề rùm beng một thời và gây cho đạo diễn Trần Văn Thủy không ít khốn đốn trong cuộc sống và sự nghiệp; nếu không nhờ lời gợi mở của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh sau Đại hội VI và không có sự kiện phim đoạt giải liên hoan phim quốc tế thì có lẽ giờ này ông đang phải lưu vong ở đâu đó ngoài Việt Nam và bộ phim sẽ không bao giờ có thể ra mắt tới công chúng.
Vậy tại sao các phim của Trần Văn Thủy, đặc biệt là Chuyện tử tế, lại phải chịu "giày vò" bởi chính quyền "khủng khiếp" đến như vậy? Câu trả lời đơn giản là vì nó nằm ở "sự thật". Có thể không ngần ngại nói rằng ông là đạo diễn đầu tiên và duy nhất khi đó dám động vào những vấn đề "không tiện nói" của các nhà lãnh đạo trong Chuyện tử tế, mỉa mai họ bằng hình ảnh đối lập giữa giàu và nghèo, bằng câu danh ngôn của Karl Max ("Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, mà chăm lo riêng cho bộ da của mình") để tạo nên bức tranh châm biếm về một xã hội thiếu vắng sự tử tế giữa người và người với nhau.
Ngày nay, khi quyền hành đã về một mối, thì những người nghèo khổ, bất hạnh trong văn nghệ bỗng dưng biến mất. Y như đồng bào của chúng ta bây giờ rất xa lạ với sự nghèo khổ, hoặc giả những người nghèo khổ đã chạy sang thế giới bên kia cả rồi.
Trần Văn Thủy sớm hơn cả đã nhận thức được sự xuống cấp, tha hóa về mặt đạo đức của con người và khéo léo lấy "chuyện tử tế" để đưa người xem đi qua những câu chuyện, mảnh đời của lớp người bất hạnh bên lề xã hội khi đó: một bà mẹ mắc bệnh hủi ngày đêm làm gạch giữa đêm đông giá rét để kiếm tiền nuôi con; những người từng có công với đất nước nay lại trở thành người bán rau, đạp xích-lô... và qua đó định nghĩa cho khán giả về "sự tử tế", hay ở tầm vĩ mô là "hiếu với dân" mà không cần bất cứ một câu nói triết lý hay giáo điều nào. Dường như, qua những câu chuyện trên, ông muốn nhấn mạnh rằng tử tế ở xã hội Việt Nam chỉ có ở tầng lớp những người bình dị, không có tiếng nói trong xã hội. Ông cũng đập thẳng vào một thực tế nghiệt ngã lúc ấy mà không mấy nhà lãnh đạo có tư tưởng bảo thủ sẽ chấp nhận: Có thực mới vực được đạo, an sinh xã hội phải bắt đầu từ thỏa mãn những nhu cầu cơ bản cho người dân, sau đó hẵng tính đến cách để vươn xa, vươn cao, hoặc nói cách khác đó là "ăn trước rồi nói sau". Thực tế, trong một cuộc phỏng vấn sau này, chính Trần Văn Thủy đã nhìn nhận rằng "Đổi Mới là gì? Đổi Mới tức là trở lại những cái cũ đã bị vùi dập chớ còn gì nữa".
Và, một cấu trúc nội dung chặt chẽ cùng những lời bình, hiệu ứng đắt giá xuyên suốt thời lượng phim đã thành công truyền tải những tệ nạn của xã hội bao cấp một thời và lý do hiển hiện giải thích tại sao Chuyện tử tế lại bị cho ăn hành "lên bờ xuống ruộng" trong quá khứ. Xem xong phim, ta lại càng thấy khâm phục với độ "tử tế" và "chịu chơi" của Trần Văn Thủy khi dám làm một bộ phim trong tình cảnh kiểm duyệt ngặt nghèo, dám đem nó rộng rãi đến khán giả, và hơn hết là dám "nói thật" – "làm thật" trong một xã hội vốn lắm điều không thật và lắm điều tréo ngoe.
Đến điều còn bỏ ngỏ
Vào năm 2016, Chuyện tử tế bất ngờ nổi tiếng trở lại. Dân chúng xem một bộ phim sản xuất từ những năm thập niên 80 mà cứ ngỡ như mới ngày hôm qua. Và rồi người ta tổ chức hàng trăm buổi chiếu phim, hội thảo trò chuyện cùng đạo diễn. Đúng ra đây phải là một vinh dự với bất kỳ một nghệ sĩ nào, là điều mà ai cũng mơ ước trong đời làm nghề, nhưng đạo diễn Trần Văn Thủy thì lại tỏ ra ngạc nhiên xen lẫn thất vọng:
Lẽ ra bộ phim ấy phải lạc hậu rồi, lẽ ra bộ phim ấy không nên nhắc lại, lẽ ra bộ phim đấy nó phải chết rồi theo đúng mọi nghĩa, nhưng đến bây giờ chiếu ở đâu người ta thấy nó mới tinh, và nó rất thời sự. Đấy là một tai họa cho đất nước chứ không phải là một chuyện hay gì. [Ngày nay] mở mạng lên là thấy đâm, giết, hiếp, cướp... tất cả những việc mua quan bán chức, những việc các cháu bây giờ học hành tốt nghiệp không có công ăn việc làm, mà muốn có công ăn việc làm thì phải... phong bì thật dày. Đau đớn quá, xấu hổ quá!
Nếu ở trong hoàn cảnh của ông và những người sống cùng thời với ông, trải qua nhiều thăng trầm của đất nước, có lẽ ta hoàn toàn có thể hiểu và đồng cảm với những điều Trần Văn Thủy nói, bởi xã hội Việt Nam so với 40 năm trước ngoài giàu hơn, đủ ăn hơn thì cũng chẳng khá là bao, thậm chí còn tệ hơn là đằng khác. Kinh tế đất nước rõ ràng đã đổi mới, đã tiến lên một tầm cao mới, nhưng xã hội thì chưa. Một điều rõ ràng là sự tử tế ngày càng ít đi, còn tệ nạn thì ngày càng nhiều lên. Nó dẫn theo những bất công, dối trá, lừa gạt và là mầm mống nguy hại cho xã hội. Những tiếng nói của tri thức như Trần Văn Thủy thì tiếp tục bị dập tắt, bị gây khó dễ; người có công với đất nước, người tài giỏi thì không được đãi ngộ xứng đáng, dẫn đến chảy máu chất xám ồ ạt sang nước ngoài. Để lại những kẻ táng tận lương tâm, lợi dụng sự tử tế của mọi người để thu lợi cho mình, không chỉ ở người dân mà còn cả những "đầy tớ" của nhân dân. Toàn là những điều đã biết tỏng, nhưng chả làm gì được.
Vậy, điều bỏ ngỏ ở đây là gì? Có lẽ là câu hỏi về sự tồn tại của tử tế ngày nay. Con người thì luôn muốn vươn cao, chạm tới những điều vĩ đại, nhưng nhiều khi không biết rằng những thứ tầm cỡ như vậy phải bắt đầu từ nền tảng giản đơn, cơ bản, và một trong số đó chính là sự tử tế. Điều này đã được đặt ra vô vàn lần bởi các nhà văn hóa lớn ở nhiều thời khác nhau, và từ lúc bộ phim Chuyện tử tế ra đời cho đến nay thì đã tính đến hàng chục năm. Tiếc thay, chúng ta bây giờ chỉ chú trọng giáo dục để lấy thành tích mà vô tình quên đi giáo dục đạo đức, con người; hậu quả là những thế hệ người trẻ ngày càng thờ ơ, vô cảm với tình hình xã hội và đất nước và lạ lẫm với điều tử tế trong cuộc sống. Đó là để nói rằng kinh tế cũng quan trọng đấy, nhưng nếu thiếu vắng sự tử tế, tình thương yêu giữa người với người thì chúng chỉ toàn là điều "vớ vẩn". Bởi thế, thật tường minh để nói rằng học làm người tử tế vô cùng quan trọng, quan trọng hơn cả trước khi học làm người tài giỏi hay bậc siêu phàm. Đây có lẽ là vấn đề mà các nhà hoạch định sắp tới cần đặt trọng tâm để xây dựng, kiến thiết nhằm đưa đất nước tiến xa hơn về lâu dài, thay vì chỉ tiến nhanh ở trước mắt.
Có lẽ, để kết lại bài viết ngắn này sẽ phù hợp hơn cả nếu dẫn câu nói của đạo diễn Trần Văn Thủy về tầm quan trọng của hai chữ tử tế: "Xã hội cần đạo đức à? Cần lập trường? Hay sự trung thành? Cần nhiều thứ lắm, nhưng trên hết cần là sự tử tế".
@Nguyễn My
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất