Đang ngồi cà phê trà đá cùng lũ bạn, nhìn hai thằng cứ cắm mặt vào cái điện thoại làm Phím cứ thấy khó chịu trong người. Chán đời, sẵn có một câu mà mình cứ nghĩ mãi cả chiều, liền đem ra hỏi tụi nó.
- “Ê, mày tin vào chúa trời, tin vào phật phải không? Kiểu lời họ nói là chân lý, nếu mày nghe theo làm theo thì sẽ được ban phước phần, làm trái thì bị trừng phạt, đúng không?”
- “Ừ, thì đúng”. Phú Thứ Hai bỏ điện thoại xuống, bắt đầu nhìn mình với cặp mắt thăm dò xem thằng này định thở ra câu gì ngu ngu lắm.
- “Chứ ông nghĩ chuyện tâm linh có đùa được không?”. Quản Lí cũng cười và đáp lời.
- “Thế một ngày, thần phật hay chúa hay bất cứ thế lực nào đấy mày tôn thờ, giáng trần, toả hoà quang rực sáng chói cả mắt, bảo rằng các con của ta hãy đi chết hết đi, thì mày có làm theo không?
________________________
Rõ ràng, chuyện tâm linh tôn giáo là một phạm trù khó ai có thể giải thích cặn kẽ được, và Phím cũng chẳng có đủ duyên hay đủ sáng trí để giải thích cho các bạn về cái sự siêu phàm của chuyện tâm linh. Lúc mà Phím hỏi câu đấy với bạn mình, bản thân cũng chẳng tin, thấy nó như giao số phận cho người khác nắm giữ. Nhưng rồi đến bây giờ, Phím hằng ngày vẫn niệm phật, vẫn cố gắng làm theo những lời phật dạy và bắt đầu có được cái mà Phím gọi là “Tín ngưỡng đúng đắn”.

Tín ngưỡng là gì?

“Tò mò một tí, thằng nào cũng tìm vào tín ngưỡng”  – Trích lời của dịch giả Trịnh Lữ trong Podcast Have A Sip.
Phím là người trẻ, lại cũng có chút tò mò, thế nên mình cũng tìm hiểu về tôn giáo tín ngưỡng. Mình đọc một chút sách này sách kia, đi chùa, lạy phật, rồi đọc về triết học, lịch sử,… Suy nghĩ đủ nhiều thì mình nghiệm ra rằng “Phật giáo, Hồi giáo, đạo Chúa hay giáo nào đạo nào, đều chỉ là triết học, và mỗi người đứng đầu đều là những triết gia với tư tưởng tiến bộ về cuộc sống”.
Nếu nhìn nhận theo hướng này thì mọi đều phật dạy, chúa dạy đều là để cho con người sống tốt hơn, sống có ý nghĩa và có ích cho xã hội. Những điều chúng ta học được từ tôn giáo chính là để sống hoà thuận giữa phần con và phần người, không để phần nào lấn át phần nào, bỏ được những tham sân si, cái khổ để đạt được hạnh phúc thật sự.
Nhưng như vậy thì, những cái mầu nhiệm, niệm phật tụng kinh chữa bệnh hay là sống lương thiện thì được nhiều lợi lộc, phải chăng chỉ là chuyện bịa. Cái này, nửa đúng nửa sai, nửa có thật lại vừa là hoang đường. Điều quan trong là:

Đặt niềm tin ở đúng chỗ

Lại trích lời của dịch giả Trịnh Lữ: “Tín ngưỡng là thứ biến con vật thành con người. Tín ngưỡng thật ra là chuyện bịa, con người nó khác là nó chỉ thích nghe bịa thôi, và cứ có chuyện bịa đấy thì mới hợp tác được với nhau”.
Ta có thể thấy tôn giáo tín ngưỡng đóng vai trò quan trọng như thế nào trong suốt chiều dài lịch sử. Nhiều cuộc thánh chiến, thanh trừng, rồi quan niệm tín ngưỡng sai lầm gây ra không ít đau khổ, nhưng cũng nhờ tín ngưỡng mà con người ngồi lại với nhau, hợp tác cùng nhau xây dựng lên cộng đồng, xã hội. Tất nhiên mình không nói đến những cái xa xưa xa vời, mình muốn cho các bạn thấy sức mạnh của tín ngưỡng và niềm tin qua một vài ví dụ nêu trên.
Quay trở về thời hiện đại, chúng ta có thể thấy ảnh hưởng của tôn giáo lên đời sống hàng ngày. Nào là mê tín dị đoan, sùng đạo một cách mù quáng, cúng dường cầu lợi lộc (theo hướng tiêu cực), rồi lợi dụng niềm tin để lừa gạt, gây tội. Hình tượng tốt đẹp bị dùng cho mục đích xấu, khiến cho nhiều người dần mất niềm tin vào tôn giáo. Và nếu không vì bị lừa gạt, thì chính sự đề cao quá mực khiến ta dễ có những ảo tưởng sai lầm về sức mạnh tín ngưỡng. Nhưng mình ở đây không phải là để phê phán hay chỉ trích, mình ở đây là để nói về việc đặt niềm tin đúng chỗ đem lại lợi ích gì?

Vậy còn khía cạnh tích cực thì sao?

Sự cuồng tín có thể gây ra chiến tranh, tàn phá thì niềm tin đặt đúng chỗ có thể giúp chữa lành. Ở quy mô lớn như xã hội, nó làm cho con người ta đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Với từng cá nhân nhỏ lẻ, niềm tin vào tín ngưỡng, vào một đấng siêu nhiên, giúp cho ta có thêm sức mạnh để tự mình vượt qua khó khăn.
Phím không tin vào những câu chuyện như niệm phật giúp ta gặp nhiều may mắn, giàu có, hay cúng dường, thành tâm thành ý sẽ được phù hộ độ trì. Tin vào tín ngưỡng và thực hành những điều được dạy là cách ta tự rèn luyện bản thân ta. Qua việc thiền và đọc kinh, đọc chú, ta học được cách tập trung, bình tĩnh trước những khó khăn. Qua việc sống đúng với những điều răn, những giới luật ta học được cách hoà thuận với tự nhiên, quy luật vũ trụ. Những điều nhiệm màu cũng từ lối sống tích cực mà ra, chứ không từ thế lực siêu nhiên nào.
Bài viết này của Phím không để phê phán ai hay truyền đạt tư tưởng cao siêu gì, nó đơn giản chỉ là góc nhìn của mình về chuyện tâm linh, tín ngưỡng. Phím chỉ đơn giản muốn chia sẻ cái mình gọi là “Tín ngưỡng đúng đắn”, tin vào những điều đúng để sống tích cực và đạt được hạnh phúc của riêng bản thân thông qua những lời dạy dỗ từ người xưa. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này.
Còn bạn, tín ngưỡng tôn giáo của bạn là gì và bạn có tin vào nó không?