Chuyện thằng Đông
Nhà thằng Đông cùng xóm, cách nhau chẳng xa nhưng phải tận lớp 3, lớp 4 gì đấy mới có cơ hội biết ngõ, nhưng chưa...
Nhà thằng Đông cùng xóm, cách nhau chẳng xa nhưng phải tận lớp 3, lớp 4 gì đấy mới có cơ hội biết ngõ, nhưng chưa biết nhà. Hồi ấy, hình như khu vực ngõ nhà nó có chó dữ nên chẳng bao giờ dám bén mảng tới. Bố nó tên Dương, làm công an xã, chuyên gia dẹp trật tự an ninh cho xã, lúc nào cũng thấy bố nó oai như cóc, nhìn vẻ khó tính, mặt mày cau có suốt. Mẹ nó thì lúc nào cũng toe toét, làm nghề buôn bán gì ấy (quên rồi), cứ thỉnh thoảng lại gặp mẹ nó đạp xe về, đằng sau chở cái thúng, mặt suy tư, tập trung kinh khủng. Thằng Đông nghịch như quỷ, lúc nào cũng bị cô giáo mắng, chữ thì xấu như gà bới, đầu sỏ của ti tỉ trò nghịch dại trong lớp, cầm đầu băng nhóm “5-anh-em-siêu-nhân”, chuyên gia bắt nạt các bạn nữ. Được cái tốt tính với vui tính, nên lúc nào cũng thích chơi với nó. Hồi ấy lớp 4, mẹ gửi cho mình một hộp kẹo sô cô la trứng nhân đồ chơi mà tìm cả cái trường tiểu học Đông Xuân đố ai có được, thế là mình nghiễm nhiên thành ngôi sao đồ chơi trong lớp. Bọn con trai điên đảo vì mấy cái hình ô tô với rô bốt nho nhỏ nhưng siêu mê li mà mình sở hữu. Có lần vừa ra chơi chúng nó bâu đen bâu đỏ vào xin, thằng Đông cũng không ngoại lệ, nhưng nhờ có tí cảm tình trẻ trâu hồi ấy, mình quyết định “thuê” nó làm “bảo vệ chánh cung” tạm thời, với tiền lương hậu hĩnh là một cái ô tô đồ chơi, và nhiệm vụ chính là “dẹp loạn quân và thích khách”. Đại ca trong lớp mà, hét một tiếng là chẳng đứa nào dám ho he xin xỏ.
Lại trở về câu chuyện bố thằng Đông làm công an xã. Suốt 5 năm tiểu học đấy, xã mình hầu như năm nào cũng có đoàn xiếc về biểu diễn. Mà nghe tới xiếc thì khỏi phải bàn, đứa trẻ trâu nào không thích. Có cái sân bãi to đùng đối diện ngay trường mình, là nơi diễn ra mọi hoạt động tập thể của cả xã : trung thu, giải bóng đá, đồng diễn, và tất nhiên là biển diễn Xiếc. Và cứ lần nào có đoàn về là cả mấy cái xe tải to đùng từng đoàn từng đoàn đầy màu sắc đỗ kín cả một góc khán đài, làm đứa trẻ nào cũng háo hức nôn nao mong tới tối được bố mẹ dẫn đi xem. Số thằng Đông sướng, nó lần nào cũng được đi xem miễn phí, lại còn ngồi chỗ đẹp, bố nó luôn đảm nhiệm nhiệm vụ bảo vệ các đoàn xiếc nên nó toàn lậu vé vào thoải mái. Một năm nọ, có đoàn xiếc Trung Ương về xã, bắc hàng ghế cao ngút đàng hoàng, nhìn giống hệt trong mấy bộ phim hoạt hình hồi ấy hay xem, vé thì cũng đắt hơn nữa, và nó- thằng Đông, tất nhiên không cần nói cũng biết nó có slot đẹp trong “cái thế giới thần tiên” ấy. Về nhà vo ve tò te xin ông dẫn đi xem, thế mà hôm ấy ông đi đâu về muộn, 3 ông cháu tới nơi thì chả còn vé nữa, hai chị em rưng rưng chực ăn vạ thì thấy bố thằng Đông tiến lại gần hỏi han và bảo 3 ông cháu cứ vào khỏi cần vé. Mình ngó cửa rạp thấy có mấy ông soát vé đang ngồi đấy cũng lo lắng, đánh tiếng ông, sợ bị bắt vô tù vị tội “lậu vé”. Thế rồi vẫn trót lọt khi nhờ cậy sự “quen biết” với công an xã. Mình vẫn hay thắc mắc với ông là : “ Sao ông làm chức to thế mà chẳng bao giờ cháu được xem miễn phí?” mà lần nào cũng chỉ nhận được cái cười trừ.
Có một cái thằng Đông hơn người bình thường, đó là : móng tay nó đẹp. Haha. Lớp 5- “người lớn” rồi, nó bắt đầu dở chứng nuôi bộ móng cách mạng, mà giờ nghĩ lại thấy ba đê kinh khủng. Chẳng hiểu sao lại có lúc mình hâm mộ nó thế. Chưa kể phong trào “ngôi giữa” hoành hành khắp mọi miền quê, nó cũng không ngoại lệ và là thằng con trai đầu tiên trong lớp áp dụng. (sau đấy là thằng Trường Lam hay thằng Sơn Hoài gì ấy để). Đấy, nó chăm sóc bộ nail có khi còn chăm hơn cả học bài.
Thằng Đông, bố tên Dương, hay còn gọi tắt là Đông Dương. Nó là thằng bạn thân nhất hồi còn học tiểu học.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất