Dạo gần đây, không hiểu vì lí do gì mà tôi lại hay bị hỏi là “Con/ Cháu có bạn trai chưa?”. Tôi không biết cái tuổi này có phải là cái tuổi để hỏi việc yêu đương hay không nhưng tôi chắc chắn đây là cái tuổi để hỏi những câu như “Con học ngành gì?”.
Vì có quá nhiều câu hỏi “có bạn trai chưa?” nên tôi đã ngồi lại suy nghĩ về việc tại sao mình vẫn chưa có bồ. Thế nhưng, tôi đã bị carry away và tôi nghĩ đến vấn đề “ra mắt”, “lấy chồng/ lấy vợ”, “sinh con” của Việt Nam.
Nếu mọi người để ý một chút, việc ra mắt bản chất của nó chỉ là giới thiệu người yêu cho bố mẹ hai bên và tính chuyện kết hôn. Nhưng dần, nó đã bị biến dạng thành “một bài kiểm tra xem người yêu có đạt chỉ tiêu của bố mẹ để trở thành con dâu/con rể hay không”.
Việc ra mắt thực ra là để bố mẹ hai bên xem mặt và xem hai đứa có muốn tính chuyện trăm năm hay không để thương lượng làm việc với thông gia hai bên mà thôi. Vậy mà giờ nó đã trở thành gì?
 Những bạn nữ trước khi được dẫn về đều căng thẳng, “Bố mẹ anh thích ăn gì?”, “Bố mẹ anh thích ăn gì nhất?”, “Em nên mặc gì?”, “Bố mẹ anh có… không?” … Và hàng vạn câu hỏi lo lắng, nghĩ suy khác. Một số người còn sợ đến mức phải “tập duyệt” với người yêu trước khi về ra mắt.
Những bạn nam cũng như vậy, đầu căng như dây đàn, tập duyệt trước sẽ nói gì. Hỏi han người yêu xem bố mẹ cô ấy thích gì, sở thích là gì, làm nghề gì, cấm kị nói về cái gì để còn biết đường bắt chuyện. “Bố em tửu lượng như thế nào?”, “Bác trai thích gì nhất?”, “Bác gái hay làm gì lúc rảnh nhất?”, “Nhà em có phong tục tập quán gì không?”,…
Chọn quà kĩ lưỡng, diễn tập để lấy lòng bố mẹ người yêu, lên đồ trước làm sao cho thật hợp mắt,… Như vậy chẳng phải đã là một vở diễn, một bài kiểm tra mà đôi bên cùng bắt tay nhau làm sao? Như vậy khi cưới về bố mẹ vợ/chồng sẽ nghĩ gì về bạn khi họ nhận ra bạn không tuyệt vời như lúc ra mắt?
Nếu tôi ra mắt nhà người yêu (?) thì tôi cũng sẽ lo chứ. Lẽ đương nhiên rồi mà. Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn bố mẹ anh/chị ấy có thể nhìn thấy con người chân thực nhất của tôi. Vì nếu mai mốt sau này có cưới nhau về, tôi không muốn có những cuộc cãi nhau “đáng lẽ ra sẽ không có” chỉ vì khi ra mắt, bàn chuyện tương lai chưa nói kĩ hoặc bản thân quá phô trương làm cho hai cô chú hiểu nhầm về tôi.
Có một số người còn kì lạ hơn nữa là họ hạ mình xuống, làm những chuyện bản thân không thoải mái để lấy lòng bố mẹ người yêu. Ta sinh ra đã là cành vàng lá ngọc, chưa một lần phải cúi đầu, vậy mà bây giờ lại phải đeo mặt nạ, đầu óc căng như dây đàn để lấy lòng hai người xa lạ sao? Có đáng không? Các bạn tài giỏi, xinh đẹp, thông minh, các bạn hoàn toàn có thể làm cho bố mẹ người yêu thích mình, hoặc quá đáng lắm là chấp nhận mình mà không cần phải phô diễn tất cả điểm tốt, giấu diếm điểm xấu.
Yêu nhau, cưới hỏi là chuyện của hai bạn trẻ. Nhưng buổi ra mắt đó dường như là một bài kiểm tra bắt buộc phải có và phải “đậu/ pass” bài thi đó thì mới được rước nhau về. Tôi biết bố mẹ sau buổi ra mắt đó có khi nhận ra điều gì đó sai sai nên mới cấm cưới, cấm yêu đối phương. Nhưng các bác, cô chú nói vậy con cái có thực sự hiểu được?
Tôi biết buổi ra mắt đầu tiên nó quan trọng như thế nào và tại sao các bạn lại lo lắng. Lo lắng là chuyện bình thường, nhưng đừng cố “diễn” như một nàng dâu, chàng rể hoàn hảo theo ý hai cô chú, đừng cố làm một con người khác, đừng giấu con người thật của mình đi. Nếu như vậy, giả dụ như hai cô chú thật sự mến các bạn, vậy người cô chú yêu quý là ai? Là các bạn hay là lớp mặt nạ đó, hoặc nếu cưới nhau đi, các bạn có diễn được cả đời không?
Và có một số ông bố, bà mẹ rất buồn cười (theo ý kiến riêng của tôi), họ coi buổi ra mắt đó như là một buổi kiểm tra vậy. Nếu là con gái thì xem trình độ nấu ăn có vừa ý bác gái không, ăn nói có đúng ý không, cách ăn mặc có đúng gu không, có gì không vừa lòng là xem thường ra mặt. Nếu là con trai thì kiểm tra tửu lượng, lương tháng, trình độ học vấn, vân vân và mây mây (Con trai tôi không rõ vì tôi không phải trai:D). Tôi cảm giác đó như là tuyển thư kí, trợ lí cho con cái hơn là bạn đời.
Tôi hiểu tại sao lại kiểm tra những thứ trên, nhưng việc “tra khảo” đó có thực sự cần thiết và phù hợp với con cái của mình không? Nếu con dâu không nấu ăn được thì để con trai mình nấu, có sao đâu? Nếu con rể không uống rượu được thì càng tốt, không còn những buổi tụ tập rượu chè nữa?
Kiểm tra như thế giống như đang lấy vợ, cưới chồng cho bố mẹ chứ chẳng phải là gặp mặt, nói chuyện với con dâu, con rể tương lai nữa rồi.
Nếu như trong tương tai (tôi nói “nếu như” nhé:>) tôi có con đi (ew?!). Giả dụ, tôi có con dâu trước đi (chắc chắn tôi sẽ cưng con bé hơn con ruột của tôi haha), tôi sẽ không kiểm tra trình nấu ăn – vì đơn giản tôi không quan tâm, con bé muốn nấu thì nấu, không nấu thì tôi dẫn ra nhà hàng để cả gia đình tìm hiểu về con bé (thực ra tôi ngại dẫn người khác vào nhà mình thôi). Và nếu tôi có con rể (vẫn cưng hơn con ruột haha), tôi vẫn dẫn ra nhà hàng vì tôi lười nấu ăn và tôi muốn xem cách thằng bé ăn uống và đối xử với phục vụ như thế nào:>, và tương tự với con dâu thôi.
Thực ra tôi có hài lòng với con rể/dâu hay không thì kệ tôi, cưới là chuyện của 2 đứa nhỏ, tôi can thiệp vào làm gì? Lười ạ. Nếu con tôi muốn xin ý kiến thì trước tiên tôi đồng ý cho cưới đã, rồi tôi sẽ nói ý kiến riêng của mình về con/thằng bé sau, vì tôi thích thế ehe.
 Yêu ai là quyền của con cái, cưới ai cũng là quyền của họ. Bạn đời của họ có làm sao thì họ sẽ tự chịu trách nhiệm. Tôi biết bố mẹ chỉ là lo lắng, nhưng con cái chúng ta đã đủ 18 rồi, đã đến cái tuổi tự chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình rồi. Việc của con cái, khuyên thôi đừng cấm, đừng lải nhải, đừng khó chịu ra mặt. Những việc đó làm con cái các bác sau chia tay người yêu sẽ đổ mọi tội lỗi lên đầu các bác mà thôi.
 @Nathalie