Đã bao giờ bạn xem một bộ phim, mà nó thật yếu mềm, nhưng lại mạnh mẽ? Thật tĩnh lặng, nhưng lại nhiễu loạn? Thật vô tâm nhưng lại đầy xúc cảm? Thật gần, nhưng lại thật xa? Chưa bao giờ? Hiếm khi? Đôi lúc? Luôn luôn?
Năm 2018, mình đến Từ Dũ và mình nhìn thấy những bé gái với khuôn mặt ngây thơ và bối rối, ôm chặt bụng mình và tránh mọi ánh nhìn bên ngoài. Một số em ngồi cạnh người lớn, một số em ngồi một mình. Và mình cảm thấy một sức nặng khủng khiếp đang đè lấy cả các em lẫn lên mình, đến nỗi mình cảm thấy ngạt thở và chỉ muốn ra khỏi chỗ ấy càng nhanh càng tốt.

Đó là một sự yếu đuối, một cái gì đó quá đỗi dễ tổn thương, của những cô bé bỗng dưng phải đối mặt với việc phải trở thành một người mẹ, khi mà các em vẫn chưa hiểu hết cơ thể của mình. Và còn bi kịch hơn nếu cái thai đó là hậu quả của sự lạm dụng, ép buộc, và những hành vi đồi bại khác mà không đứa trẻ nào nên chịu đựng. 
Nhắc mãi, rồi lại quên, có gì đó luôn khiến mình sợ và chủ động đẩy bản thân xa cách khỏi vấn đề này, có cái gì đó mà mình không dám đối mặt khi nhìn vào đôi mắt của những em bé vẫn đang lớn, mang trong mình vết thương lòng  sâu sắc mà mình sẽ mãi chẳng bao giờ hiểu được, mà giờ đây các em hẳn sẽ nhìn mình ái ngại mỗi khi mình đứng gần. 
Vậy nên, mình luôn tránh Never Rarely Sometimes Always. Cho đến bây giờ
Phim của Eliza Hittman luôn rất mang tính cá nhân sâu sắc, đặc biệt là với phái nữ, nên khoảnh khắc đầu tiên mà nhân vật chính-Autumn bị chửi là con phò, mình dường như nghẹn lại. 
Autumn là một cô bé tuổi teen có chút gì đó xa cách, tách biệt khỏi những người xung quanh em, và dường như là với chính bản thân em. 

Rồi em phát hiện ra mình có thai, và sự tách rời đó ngày càng sâu sắc, em giận dữ, em bối rối, những người xung quanh em im lặng và lãnh đạm với em, và rõ ràng là sự tách biệt của em với cái thai là rõ ràng nhất. Nguyên do của cái thai không bao giờ được làm rõ, chỉ qua những câu hỏi mơ hồ và vô tâm mà Autumn phải trả lời. Bác sĩ của em thì hướng em đến một lựa chọn chả mấy gì thoải mái cho em. Trong sự căng thẳng, mù mịt và tăm tối đó, người em họ Skylar của em phát hiện ra bí mật mà em đang giấu, và cả hai lên đường đến New York để Autumn phá thai.


Câu chuyện phim được kể qua sự im lặng của những nhân vật chính trước sự ồn ào, xô bồ của ngoại cảnh. Người xem có thể cảm thấy mọi âm thanh trên đời đều đang lấn át mọi giác quan, nhận thức của hai cô bé còn chưa đủ 18 ở một nơi hoàn toàn xa lạ, trong sự yếu mềm, tủi nhục và đầy thương tổn. Và sự tương phản này phản ánh sâu sắc nội tâm dường như đang gào thét của Autumn, và khi em cuối cùng được nói ra những gì đang khúc mắc trong tâm trí em, mọi thứ lại im lặng đến đáng sợ, có thể là giờ đây em đã có thể bình tâm, dù là trong những giọt nước mắt em cố kìm lại, có thể là sự lạnh lùng của tất cả mọi thứ với em, với cái thai, và với những tổn thương em mang trong người. 

Màu phim ảm đạm như Autumn, như trang phục của em, như những cơn mưa New York lạnh lẽo đổ xối xả lên đầu em, như những ánh nhìn của những người đứng ngoài phòng khám dành cho em, tay siết chặt cây thánh giá và rủa xả cay độc hai cô bé tuổi teen cô đơn giữa cái mày nghiền thịt New York.


Nhưng may thay, Autumn không chỉ có một mình, bên cạnh em là người em họ lanh lợi Skylar. Skylar yêu thương Autumn hết mình, và luôn để người chị của mình thoải mái và an toàn nhất có thể. Em hiểu những gì đang đè nén Autumn, nên em không trách móc khi Autumn giận dữ, thô lỗ hay khiến cho mọi chuyện trở nên rắc rối hơn, em yên lặng, em nhẫn nhịn em đẩy bản thân ra khỏi những giới hạn để có thể bảo vệ Autumn, vì em biết mọi thứ khó khăn thế nào với người chị của mình, vì em biết rằng em là chỗ dựa cuối cùng trên đời của Autumn. Và tình chị em sâu sắc này được kể qua những cử chỉ nhỏ hai cô bé dành cho nhau trước sự vô tâm của thé giới. Và mình sẽ mãi không bao giờ quên được sự ám ảnh của nụ hôn ấy. 


Có nhiều lựa chọn hết sức thông minh trong cách dẫn truyện và diễn xuất của Sidney Flanigan (Autumn) và Talia Ryder (Skylar). Hai em mặc những bộ đồ sạm màu nhưng với những tô điểm tươi sáng, cố gắng bật lên khỏi ngoại cảnh ảm đạm một cách yếu ớt. Những lời thì thào chân thành của hai em gái nhỏ dành cho nhau của sự vô tình, của sự biến thái trên thế giới này. Mọi lựa chọn dẫn truyện của phim đều hết sức chân thành và gần gũi, nhưng không ngại khiến người xem áp lực và căng thẳng, vì xuyên suốt phim Autumn và Skylar luôn phải đối mặt với những hiểm nguy chờ chực và sự mờ mịt của con đường hai em đang đi.


Phim khám phá những xung đột sâu sắc về lựa chọn sinh nở của phụ nữ và những gì xoay quanh nó, cho người xem thấy việc phá thai thực sự khó khăn như thế nào, đặc biệt là với những người dưới tuổi như Autumn, từ định kiến từ gia đình, xã hội, đến những rào cản sức khỏe, tâm sinh lý. Cho ta thấy một sự thật ảm đạm về những gì mà những cô bé tuổi vị thành niên phải đối mặt nếu mang thai ngoài ý muốn. Mà nguyên do có thể là bất cứ điều gì, 

Never Rarely Sometimes Always là một sản phẩm sâu sắc, khắc họa sự thật trần trụi và ảm đạm về tình dục tuổi vị thành niên bằng sự chân thành và thấu hiểu. Sự yên lặng và gần gũi của phim mang cái nhiễu loạn và xa cách của thực tại đến những người như mình một cách rõ ràng và hiệu quả hơn. Mình thực sự biết ơn phim vì sự quan trọng của phim, và sự yêu thương rất thật của những nhà làm phim với câu chuyện mà họ kể.
Bởi vì khoảnh khắc mà Autumn cuối cùng cũng nở nụ cười, tôi cảm thấy mình được giải thoát.