Anh mình ở đơn vị về nhà được ba hôm. Mỗi hôm hai bữa, mỗi bữa ăn uống ở một nhà trong họ hàng nội ngoại. Trong đó có một bữa, mẹ con mình xách đồ sang ăn cùng ông bà ngoại, vào chiều thứ Bảy.
Kể từ năm hai mươi tuổi, mình nhận thức được rõ hơn về mối quan hệ gia đình và điều cần thiết mỗi người cần làm để duy trì mối quan hệ gia đình. Mình không sống cùng ông bà nội ngoại nào cả, và lần gặp gỡ chỉ là những bữa ăn giỗ mỗi năm. Thế nên tính trên đầu ngón tay mới thấy sợi dây liên kết của chúng mình và thế hệ trước khá mong manh. Mình hay ngại và định thây kệ, tới đâu thì tới, cũng ngại việc thăm hỏi ông bà với những câu hỏi mang tính hơi xã giao. Nhưng giờ mới biết, với những người ở thế hệ trước, họ mong lắm những câu hỏi ấy. Dù một cuộc gọi chỉ cần bắt máy, nói dăm câu vu vơ và hỏi han liên tục lúc nào cũng thường trực, thì họ cũng có được cảm giác được yêu được thương, cũng như được liên kết trong cuộc đời đã qua.
Và bữa ăn hôm đấy, là buổi gặp mặt lâu nhất trong đời của chúng mình.
Ông mình đã 83, và đã đến tuổi nghễnh ngãng. Ông vẫn đủ khoẻ để tự phi Cub 50 đi khám ở Bạch Mai một mình, không cần bảo con cháu nào cả. Bác sĩ chụp CT và bảo uống thuốc để duy trì cho đỡ lãng đi. Thế là ông uống, còn đâu ông kệ, vì ông nghĩ mình còn khoẻ. Cho tới khi chúng mình ngồi cạnh nhau nói chuyện, còn ông ngồi ngây một mình, thì mới rõ ông nghễnh thật rồi. Tuổi già đã đến và hiển lộ ngay trước mặt mình.
Bà kể những chuyện buồn cười lắm từ ngày ông nghễnh. Bà nói câu trêu cười cười bên tai mà ông cũng cười, được một lúc mới hỏi lại: "Bà cười cái gì thế?". Hay có hôm bà từ chợ về, đập cửa đến bốn lần và bấm chuông tới nát đi rồi, ông mới lò dò từ bếp ra, vì: "Bây giờ mới nghe thấy tiếng". Nhưng hai ông bà không giận gì cả, lại cười hề hề dắt nhau vào. Và mỗi khi mọi người cùng mâm nói chuyện lại hay đùa: "Nói xấu ông đấy nhưng ông không biết đâu. Có nghe thấy đâu mà biết!".
Ông mình làm mình nhận ra dấu hiệu của tuổi già và sự tồn tại của thời gian. Gần như là mình mất khái niệm về thời gian tuổi tác khá nhiều, mình không quan tâm về nó. Mình cũng ít khi gặp ông, nên bữa ấy, mình bàng hoàng nhận ra dòng đời vẫn đang trôi chảy ngay cả khi mình có đứng lại. Rồi việc ông nghễnh làm mình thấy sợ hãi một ngày ông sẽ lãng quên. Những vùng kí ức của ông rồi sẽ mờ dần, ông nhớ ít hơn. Ông quên nhiều thứ từ những việc nhỏ nhặt ngày nào cũng làm, cho tới cả (có thể) là khuôn mặt của chúng mình khi gặp ông không nhiều. Mình sợ ông sẽ lãng quên những gì đã có trong cuộc đời, và một ngày nào đó ông sẽ hỏi: "Mày là con ai?" thay vì cười hề hề hỏi những câu chuyện như ngày trước. Sự lãng quên ấy khiến mình nhớ ra những kí ức bao giờ cũng dễ bị tổn thương, và luôn đứng trên bờ vực của sự lụi tàn tan vỡ. Rồi biết đâu đấy, tính định danh của chúng mình trong trí nhớ của ông chỉ là một màu nhàn nhạt, bảng lảng đâu đó có muốn níu cũng không được. Mình biết đâu...
Và mình vẫn mong, ông còn ở lại cho tới ngày mình mặc váy cưới. Tuy biết rằng còn xa, nhưng vẫn có nghĩa là ông còn ở dài lâu với chúng mình. Ông và mình mỗi người một chiếc Cub chạy bon bon. Ít nhất là hi vọng thế.