Chuyện nuôi chó
Mình ăn thịt chó từ nhỏ đến năm lớp 10 thì ngừng. Không phải không ngon hay sợ xui, mà mỗi lần nghĩ đến đĩa thịt chó mình lại nhớ đến...
Mình ăn thịt chó từ nhỏ đến năm lớp 10 thì ngừng. Không phải không ngon hay sợ xui, mà mỗi lần nghĩ đến đĩa thịt chó mình lại nhớ đến con Đô-Ly. Con chó nhà mình nuôi và phải bán để lấy tiền đóng học phí, cho mình.
Con Đô-Ly là giống chó cỏ, vì làng mình hồi đó làm gì có chó lai như bây giờ. Thân nó dài sọc, màu đen, lưỡi có đốm thông minh. Nó là con chó hiền nhất mình từng nuôi, khách đến nhà nó sủa đúng một câu, mình mắng cúp đuôi chui dưới gầm giường nín thinh.
Cái tên Đô-Ly cũng là mình đặt. Chẳng nhớ lý do nữa, chỉ nhớ hồi đó cả làng nuôi chó đều đặt tên. Nhiều nhất là tên Lu, sao đó là Đô-ly, Tồ, hoặc đủ thứ tên sang chảnh khác. Nhớ lại mới thấy, chó ở làng tên có khi còn đẹp hơn tên nhiều đứa bạn (nên một số đứa từng được mình gọi là chó thì phải biết rằng mình quý trọng đến cỡ nào rồi).
Con Đô-Ly sống trong nhà chưa bao giờ gây khó chịu cho một ai, dù là người lạ. Nó chăm chỉ và biết vâng lời, bảo đuổi gà nó đuổi gà, bảo đuổi trâu bò hàng xóm qua phá vườn nó cũng chấp nhận, mặc dù chưa bao giờ những con vật to xác kia sợ nó.
Nó còn là con chó khôn, có đốm ở lưỡi. Bà mình bảo rằng chọn chó để nuôi thì nhìn lưỡi coi có đốm không, nếu có ắt hẳn chó khôn. Sau này nuôi con chó khác mình cứ thế mà chọn. Nhiều khi mình nghĩ vu vơ, không biết chọn người thì chọn như thế nào, chắc chắn không thể xem đốm như chọn chó được.
Con Đô-Ly khôn ngoan trung thành là thế nhưng rồi số phận của nó cũng hẩm hiu như vô vàn con chó khác trong làng: nuôi đủ già là bán. Chó già gà non mà, người ta bán với nhiều lý do khác nhau. Với tôi, phải bán con Đô-Ly để đóng tiền học phí.
Tôi nhớ mãi hôm đó, cái hôm mẹ gọi chú Thịnh đến bắt con Đô-Ly đi. Tôi không muốn bán nó một chút nào, và càng xót khi nghĩ đến cảnh người ta làm thịt nó. Nhưng chuyện đời nhiều khi phải chấp nhận, hồi đó cả làng không bán chó thì bán gà, bán đậu, bán lạc… chỉ để con cái đi học. Chẳng còn đường nào hơn để chọn. Sau này, đọc Nam Cao, mới hiểu hơn về Lão Hạc.
Khi chú Thịnh bước vào nhà, con Đô-Ly như hiểu chuyện. Nó chạy xuống nhà bà, chui vô gầm giường nằm mãi không chịu ra. Đem cơm gọi nó cũng nằm lại, không chịu ăn, mắt nó buồn, miệng ư ử như van lơn đừng bán.
Chú Thịnh lấy đồ nghề ra, đó là chiếc gậy sắt dài có hai móc kẹp lại như chiếc kéo quặc vô cổ con Đô-Ly lôi đi. Nó ẳng ẳng, chân kéo lê dưới đất không muốn bước, cứ chúi đầu phía trước. Ngõ nhà mình hồi đó là con dốc dài, đầy sỏi đá, hình ảnh con Đô-Ly lê chân trên đó ảm ánh mình mãi.
Chú Thịnh đi khuất, mình chạy xuống nhà bà, nằm ôm chăn khóc. Thương cho đời nó và thương cả đời mình.
Sau con Đô-Ly mình nuôi thêm vài con chó nữa. Thực ra, ở làng mình nuôi chó là để nó nuôi lại mình. Thành thử, cuộc đời mỗi con chó nuôi đều buồn. Cũng như chuyện người nhiều khi còn buồn hơn chuyện chó.
Lâu lâu trên báo lại nổi lên câu chuyện người đánh chết trộm chó, trộm chó đánh chết người. Cái vòng luẩn quẩn giữa chó và người nghe mà buồn hiu hắt. Tóm lại, cũng tại miếng thịt chó. Nhưng trách người ta sao được, chó dù mang tiếng trung thành như ngựa thì vẫn là vật nuôi, và một ngày nào đó nếu người ta buồn, vui, thích là đưa lên dĩa thành 7, 8 món. Có lẽ, đời chó chỉ ước mơ được sống và chết đi khi già. Nhưng bắt đầu chớm tuổi, chó thành món ngon.
Nói thiệt lòng, thịt chó thơm và ngon. Hồi nhỏ, lâu lâu anh em họ hàng có làm thịt chó mình khoái nhất món chả chó đùm lá môn đem hấp. Ăn béo béo, bùi bùi, ngọt ngọt đến giờ vẫn nhớ. Nhưng quyết định bỏ hẳn, lâu lâu đám bạn rủ nhậu, câu đầu tiên mình hỏi là “nhậu gì”, nếu thịt chó thì miễn. Riết rồi nhiều khi bọn cờ hó đi nhậu riêng, mình hỏi nó lại bảo “thịt chó” tỉnh bơ. Nhưng thôi kệ. Với mình, đời có thịt heo là đủ rồi, không nhất thiết phải có thêm thịt chó.
Đời chó về cơ bản thì buồn. Nên mình không nuôi chó nữa. Và cũng như bài viết này, mình viết vì nhớ con chó Đô-Ly, chứ không bàn cãi chuyện có nên hay bỏ thịt chó.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất