Đây là một truyện ngắn bình dị, ấm áp, đưa chúng ta đi qua một hành trình đẹp đẽ với đủ những buồn, vui, tan, hợp. Tác phẩm khiến ta nhớ đến Alphonse Daudet hay Oscar Wilde với những câu chuyện dịu dàng, trong sáng. Đối với nhân vật chính, tớ nghĩ ông ấy đã sống thật ý nghĩa và trọn vẹn.
Dịch từ tác phẩm Monsieur Masson của tác giả Luc Legeais trên Short Edition. Chúc các cậu mạnh khỏe và an nhiên.
“Nhà văn Andersen đã can đảm viết ra những câu chuyện kết thúc không có hậu. Ông không tin rằng chúng ta nên cố gắng trở thành người tốt vì điều đó sẽ được đền đáp, mà vì cái ác bắt nguồn từ sự hạn hẹp trí tuệ và cảm xúc. Nó đích thị là một kiểu nghèo nàn mà chúng ta cần phải tránh xa.” - Wisława Szymborska, The Importance of Being Scared, Hà Thy dịch
Nguồn ảnh: Verywell Mind
Nguồn ảnh: Verywell Mind
Tôi nhớ hồi đó, tôi đã ở cạnh ông Masson trong một thời gian dài. Tiết trời u ám và se lạnh. Mùa đông sắp đến rồi. Ông Masson rất khỏe. Ông có đôi bàn tay to và cứng, luôn bóp nhừ hai bàn tay tôi mỗi khi ông nói xin chào. Ông Masson là thợ sửa giày. Người ông luôn bốc mùi xi đánh giày và đồ da mới. Ông có bộ ria mép hơi ngả vàng rất đẹp, bởi ông thường hút những loại xì gà nhỏ có mùi hắc và hơi ngọt, đôi khi còn có mùi vani nữa. Tôi tin rằng tất cả thợ sửa giày đều để ria mép. Đó chắc hẳn là một truyền thống. Ông Masson có lông mày rậm, rối bù. Nó khiến ông giống như một cây cổ thụ thông thái. Đôi mắt màu hạt dẻ sẫm của ông sáng long lanh khi ông cười. Ông Masson có cả những nếp nhăn. Những nếp nhăn lớn, hằn sâu trên da thịt. Khi ông cười, chúng co rúm lại. Ông thường lớn giọng nói “Cậu nhóc của ta!” và vỗ vào lưng tôi bằng bàn tay to và ấm áp. Ông Masson là người tử tế. Thỉnh thoảng ông để tôi ngồi bên cạnh chiếc bàn và xem ông làm việc. Trên kệ đựng đồ, có một chai rượu whisky màu nâu đã cũ, ông không uống. Ông không muốn nhịn như vậy, nhưng ông nói cái đó để dành cho con trai ông, khi anh ta quay về. Họ sẽ uống cùng nhau.
Con trai ông, anh ta đã ra đi. Anh ta từng nói rằng đợi đến lúc trở về, anh ta sẽ đưa ông đi thật xa khỏi nơi này, du ngoạn muôn nơi. Ông Masson nói nhiều về những chuyến đi. Ông nói rằng mình sẽ đi ngắm biển cả, mua một chiếc thuyền buồm và học cách lái thuyền. Ông muốn chiêm ngưỡng tảng băng trôi ở địa cực. Dường như mọi thứ đều trắng xóa đến tận chân trời. Ông cũng muốn nhìn thấy sa mạc, không thể tin nổi rằng có những quốc gia không bao giờ có mưa. Ở đây, trời mưa thường xuyên. Cứ thế, ông nói rất nhiều về những chuyến đi của mình. Ông muốn nhìn thấy sư tử. Ông giải thích cho tôi về những con sư tử, nói rằng chúng là những con thú tuyệt vời, sở hữu nét riêng không lẫn vào đâu được. Ông kể rằng đôi khi trên biển, mặt trời đỏ rực như than hồng, đến nỗi mặt biển chói bừng lên, và cũng có lúc lấp lánh màu xanh ngọc. Ông cho tôi biết rằng có những ngọn núi cao đến nỗi tuyết trên đỉnh không bao giờ tan. Trên ấy rét run và khó thở. Từ vị trí đó, ông có thể quan sát cả thế giới. Ông sẽ theo dõi tôi như thế. Rồi kế tiếp, ông sẽ lựa chọn một điểm đến khác. Ông nói rằng có những con vật khổng lồ đến mức người ta không dám cho chúng xuất hiện trên đường; có những loài tí hon đến mức tôi nheo mắt hết cỡ cũng không bao giờ nhìn thấy. Ông nói một cách nhẹ nhàng. Tôi cũng nhẹ nhàng lắng nghe ông. Khi ông ngừng lời, sự tĩnh lặng bao trùm, và điều đó thật tốt.
Ông Masson có một chiếc đài radio cũ. Viền của chiếc đài được làm bằng gỗ phủ véc ni, bên trên là ăng-ten lớn. Ngày nay, đài radio không còn ăng-ten nữa. Nhưng ông Masson không thường xuyên nghe đài. Buổi sáng, lúc tám giờ, ông nghe tin tức; buổi tối cũng vậy. Tất cả chỉ kéo dài vài phút. Ông nói rằng cập nhật tình hình thế giới là điều quan trọng. Sau đó, ông nghe dự báo thời tiết và luôn bĩu môi khi người ta nói rằng trời sắp mưa. Khi nghe những tin tiêu cực, ông nói “chà chà” một cách lặng lẽ, hoặc “hừm” trong tiếng thở dài, rồi tiếp tục nghe nốt phần còn lại của bản tin. Cuối cùng ông tắt đài. Ông nói rằng như vậy là đủ. Thi thoảng tôi sẽ nghe đài cùng ông. Tôi bĩu môi giống như ông, và chúng tôi cùng thở dài khi nghe tin trời sắp mưa. Để kết thúc một ngày làm việc, ông mặc chiếc áo khoác da lớn và đóng cửa hàng thật chặt. Ông sẽ về nhà.
Một ngày nọ, một người phụ nữ mang giày của mình đến chỗ ông Masson. Đó là một đôi giày da màu nâu nhỏ với dây buộc màu hạt dẻ, phần gót nhỏ phát ra âm thanh “rắc rắc” khi ông đặt lên bàn. Ông Masson cười rất nhiều. Ông nói rằng giày là ngôi nhà nhỏ của những bàn chân thon. Ông làm cho đôi giày bước đi một cách khôi hài trên mặt bàn để chọc tôi cười. Ông cũng cười. Tiếng “rắc rắc” hòa với đủ thứ tiếng ồn ã, và điều đó khiến ông vui. Ông thậm chí còn bật radio và điều khiển đôi giày sao cho chúng nhảy theo giai điệu của một bản nhạc jazz xưa cũ: ông thọc đôi bàn tay to lớn của mình vào đôi giày nhỏ và lắc lư cái đầu theo nhạc. Phần đế giày đã bị long ra một chút, vậy nên phải thay cái khác. Thao tác của ông Masson rất thuần thục. Bước cuối cùng là đánh xi. Giày sáng bóng. Tôi tưởng rằng chúng là đôi giày mới.
Người phụ nữ quay lại nhận giày vào ngày hôm sau. Ông Masson đã mỉm cười rất nhiều từ buổi sáng. Bà xinh đẹp, trạc tuổi ông; mái tóc nâu dài xõa ngang vai, có cả những sợi tóc màu xám. Bà có những nếp nhăn nhỏ, làm sáng lên đôi mắt màu xám hung khi cười. Bà mặc một chiếc áo sơ mi thêu hoa sáng màu, nổi bật giữa đống đồ gỗ và đồ da màu nâu của cửa hàng. Bà nói xin chào bằng giọng dịu dàng, khiến người ta khẽ mỉm cười trong lòng. Tựa như một viên kẹo dẻo, ngọt ngào và dễ chịu. Ông Masson đặt đôi giày lên quầy, khiến chúng kêu lạch cạch, hệt như một vũ công vừa kết thúc màn biểu diễn của mình. Cả hai đều cười rất vui vẻ. Ông Masson nói chuyện một cách trầm ấm hơn bình thường và mỉm cười rất nhiều dưới bộ ria mép. Bà đã cười rất sảng khoái. Bà nói “Tạm biệt, ông Masson” và bước ra ngoài, trong khi ông đang hát vang khắp cửa hàng. Nhưng bà nhanh chóng quay lại vì bỏ quên đôi giày của mình trên quầy. Họ lại cười. Sau đó bà rời đi hẳn. Ông Masson vẫn mỉm cười.
Hôm sau, bà quay lại cửa hàng để sửa đôi bốt nhỏ bằng da màu đen, cao đến mắt cá chân, phần gót cao vài centimet. Bà đeo đôi giày nhỏ màu nâu mới sửa hôm qua, sáng bóng và kêu lạch cạch theo nhịp bước chân. Đôi bốt không bị hư hỏng nặng, nhưng bà nói rằng chúng cần được tân trang một chút. Chúng cũng đẹp, tinh tế và thanh lịch như đôi giày nâu, cảm giác như đang diễu hành thong dong trên quầy hàng. Người phụ nữ rời đi, trên đầu đội một chiếc mũ duyên dáng màu lam nhạt thu vào hết thảy ánh nắng mặt trời. Lúc ông mỉm cười, tôi nhận thấy ông đã cắt tỉa gọn gàng bộ ria mép của mình vào sáng hôm đó. Trên người ông còn có mùi nước hoa Cologne, thậm chí hơi nồng. Ông mặc một chiếc áo sơ mi mà lẽ ra ông cần phải là ủi một chút (có một nếp gấp lớn ở trên ngực). Ông bỏ đôi ủng to bự chảng của người chủ xưởng sửa chữa ô tô sang một bên và nhẹ nhàng đặt đôi bốt nhỏ dưới ánh đèn của bàn làm việc. Ông khẽ nhoẻn miệng cười.
Bà là giáo viên ở trường tiểu học kế bên, tên là Isabelle, tôi nghĩ vậy. Bà trở lại cửa hàng vào ngày hôm sau. Bà vẫn đội chiếc mũ to, màu lam nhạt, trên người thoang thoảng mùi hương của hoa tử linh lan. Đôi bốt sáng loáng trên quầy. Ông Masson đã tẩy rửa chúng. Sau khi bà trả tiền, ông cười rất tươi, mở miệng một hoặc hai lần nhưng không nói gì, rồi vùi hai bàn tay vụng về vào túi áo. Ông lắp bắp một chút và bà lặng lẽ lắng nghe. Ông đã thử mời bà đi ăn tối vào hôm đó. Bà nở một nụ cười thật tươi và đôi mắt long lanh rạng rỡ. Họ đồng ý gặp nhau lúc sáu giờ rưỡi tại cửa hàng. Ông Masson sẽ bỏ lỡ bản tin lúc mười chín giờ. Tôi nghĩ điều đó thật đáng tiếc, bởi vì tin tức rất quan trọng. Tôi phải thuật lại cho ông nghe vào hôm sau, chắc chắn rồi.
Hôm sau là Chủ nhật nên tôi chỉ có thể gặp lại ông Masson vào thứ Hai. “Cháu đây rồi, cậu nhóc của ta!” Ông thực sự đã cười rất nhiều. Ông thậm chí còn bố trí những bông hoa ở một vài góc của quầy hàng. Ông cười và nói với tôi rằng không cần phải thuật lại bản tin tối thứ Bảy, vì ông nghe bản tin ngày Chủ nhật là đủ rồi. Tôi đáp rằng việc này thật tốt. Ông lại cười. Ông Masson rất vui, và tôi đã cười rất nhiều với ông vào ngày hôm đó. Ông còn giúp tôi sửa lại đế của đôi giày thường đeo ngày Chủ nhật. Ông khẽ phàn nàn vì tôi đã chạy nhảy khắp vườn với đôi giày này. Ông nói chúng là giày của một cậu trai lớn, không phải guốc của người làm vườn. Bên ngoài, thời tiết thật đẹp. Đài dự báo trời đẹp. Nắng chiếu qua cửa kính, sưởi ấm toàn bộ cửa hàng. Tôi ngửi thấy mùi của đồ da; những món đồ gỗ đánh véc ni sáng lấp lánh tuyệt diệu. Buổi chiều, ông Masson nướng hạt dẻ trong bếp, bên cạnh bàn làm việc. Chúng tôi vừa ăn vừa xoa tay vì nóng, cùng nhau cười sảng khoái. Ông pha trà và vui vẻ trở lại làm việc. Ông nói nhiều về bà Isabelle. Bà có một ngôi nhà nhỏ duyên dáng với một cái lò sưởi xinh xắn đầy than hồng và một vườn rau dễ thương. “Ồ, một ngôi nhà nhỏ như vậy thật thoải mái!” Ông thường xuyên lặp lại. Ông còn nói: “Ngôi nhà có một cầu thang gỗ cũ kĩ, kêu cọt kẹt rất nhiều”, đồng thời diễn tả âm thanh ấy bằng cách giậm đôi chân to bành của mình lên sàn để chọc tôi cười. Và tôi cười. Đến mười chín giờ, ông cũng cười khi biết tin ngày mai trời đẹp. Ông Masson rất hạnh phúc.
Vài ngày sau, bà Isabelle quay lại cửa hàng vào một buổi chiều. Mặt trời hé đôi mắt đỏ vào ô cửa sổ. Các tủ kệ đều được phủ lên một lớp màu sống động. Họ đóng cửa tiệm và vui cười rời đi trước bản tin tối. Tôi lấy bút ghi lại thông tin là ngày mai sẽ có mưa nhỏ. Khi tôi gặp lại ông Masson vào sáng hôm sau, ông mỉm cười rất nhiều. Ông bị ướt hết người, nói rằng lẽ ra mình cũng nên nghe đài. Lẽ ra phải mang theo một chiếc ô. Người ông thoang thoảng mùi hương của hoa tử linh lan. Sáng hôm đó, ông dạy tôi gắn những cái khuy kim loại vào đôi giày to mà bác thợ làm bánh Girouin đã đặt mua. Ông thao tác rất chậm. Ông giải thích những công cụ cần dùng và làm mẫu cho tôi. Ông nói rằng tôi làm việc này rất tốt và đặt bàn tay to, ấm của mình lên vai tôi. Tôi rất tự hào. Tôi hy vọng ông sẽ nói với bác thợ làm bánh rằng tôi đã đảm nhận công việc này và tôi đã làm tốt.
Ông nói với tôi rằng hôm sau sẽ đi rạp hát với bà Isabelle. Ông Masson không bao giờ đi rạp hát. Ông chỉ nghe tin tức thôi, vậy là đủ. Ông cảm thấy khó chịu. Ông không rõ liệu mình có phải bận trang phục com-lê không. Tôi khuyên ông rằng nếu muốn đi rạp hát, ta cần phải lịch thiệp và mặc đồ trang trọng. “Cháu nói đúng!” Ông thừa nhận, nhưng vẫn cảm thấy phiền toái vì quả thực ông không biết thắt cà vạt. Nhưng tôi biết, nên tôi quàng một dải vải lớn quanh cổ mình và biểu diễn cho ông xem. Tôi nói với ông rằng bây giờ đến lượt tôi dạy ông điều gì đó. Ông cười rất tươi, bỏ thêm ít củi vào bếp vì trời lạnh, ngồi xuống với tôi trên một chiếc ghế đẩu cao mà chân tôi buông thõng xuống cũng không chạm sàn. Tôi hướng dẫn ông cuộn dải cà vạt xuống dưới, vắt lên trên, rồi xuống dưới, lại lên trên, tạo ra một cái lỗ nhỏ trước khi siết chặt. Ông Masson có đôi bàn tay to lớn, vụng về. Với những món đồ da, ông luôn biết cách xử lý êm đẹp, hiển nhiên là vậy, nhưng những thứ đồ “trang sức lặt vặt” thì không dành cho ông. Tôi nói rằng ông chỉ cần đợi tôi ở cửa hàng vào tối hôm sau, tôi sẽ thắt cà vạt cho ông. “Ông không biết phải làm gì nếu không có cháu!” Ông nói. Không có tôi, ông chắc chắn sẽ đến rạp hát mà không có cà vạt, và vẻ ngoài ngờ nghệch sẽ khiến ông xấu hổ. Ông cười lanh lảnh và công nhận tôi đúng.
Buổi tối hôm ấy, tôi thấy ông chỉnh lại chiếc áo sơ mi trắng nằm giữa bộ com-lê cũ màu nâu. Tôi ngửi thấy mùi băng phiến. Đã lâu rồi ông Masson mới mặc lại bộ đồ của mình. Ông đã ủi chiếc quần và để lại một vết nhăn lớn trên ống chân phải. Ông trông thật hài hước trong bộ trang phục của mình. Ông phàn nàn rất nhiều, cảm thấy không thực sự thoải mái. Tôi cắt một bông hoa trong chiếc bình ở trên quầy và gắn nó lên ngực áo của ông. Tôi nói rằng mình đã xem một bộ phim và thấy người ta ăn mặc quý phái như vậy. Ông ngồi xuống và tôi thắt cà vạt quanh cổ ông. Nó có màu lam đậm, rất tiệp vời bộ đồ. Ông vẫn làu bàu, than rằng cổ áo bị siết chặt như vậy sẽ khiến ông chết ngạt trước khi đến rạp. Bà Isabelle bất ngờ mở cửa ngay lúc đó và bật cười khi thấy chúng tôi trong tình cảnh ấy. Bà thực sự rất đẹp, với chiếc váy dài màu xanh lam, chiếc áo măng tô nhung đen rộng và những nữ trang mạ vàng lấp lánh. Bà đẹp tựa như màn đêm. Bà mỉm cười thật tươi và dịu dàng, nắm lấy tay ông Masson đang đứng dậy, nhanh chóng chỉnh lại áo vest của ông và nói với vẻ hài lòng trên khuôn mặt: “Trông anh thật tuyệt!” Bà nói như vỡ òa trong tiếng cười êm ái. Ông Masson cười rất nhiều với bà, nhưng tôi phải dùng đôi mắt to tròn để nhắc ông quay sang khen bà Isabelle rằng bà cũng thật rạng rỡ. Bà nắm lấy tay ông và họ rời đi. Bà đi đôi bốt nhỏ màu đen lấp lánh trong bóng tối. Bà cao hơn ông một chút, nhưng ông Masson cũng vạm vỡ nên điều đó ổn thôi. Họ cười vang và bà khẽ tựa vào ông. Bà bước đi lặng yên, thanh thoát. Còn ông, ông nhẹ nhàng ôm bà và điều chỉnh cánh tay sao cho thăng bằng khi họ song hành.
Hôm sau, ông Masson cười rất nhiều. Ông kể rằng rạp hát rất thú vị và ông phải đưa tôi đến đó một ngày không xa. Rạp hát có nghệ sĩ, hậu trường, phục trang. Trong khoảng thời gian tiếp theo, ông Masson thường rời khỏi cửa hàng trước mười chín giờ và chúng tôi bỏ lỡ bản tin tối, nhưng điều đó không sao cả. Chúng tôi gặp nhau vào buổi sáng và nghe bản tin lúc tám giờ. Ông pha trà. Đặc biệt, ông còn trồng hoa tử linh lan trong một cái chậu. Bà Isabelle thỉnh thoảng ghé qua vào buổi trưa, mang tới một món thịt và ba chúng tôi cùng nhau dùng bữa quanh lò sưởi. Bà Isabelle rất tử tế. Tôi nghĩ bà quý mến tôi. Ông Masson đã dạy tôi một chút về các công cụ, hướng dẫn tôi cách dùng. Tôi thậm chí còn tự làm cho mình một đôi giày mới.
Một buổi sáng nọ, tôi thấy ông Masson ngồi bên lò sưởi tắt ngấm, trên tay vẫn cầm dụng cụ, hướng ánh mắt có chút lạc lõng lên cái cốt giày. Ông ôm tôi thật chặt. Đó là lần đầu tiên. Tôi nghĩ ông đã khóc. Ông nói rằng bà Isabelle sẽ chuyển đi, bắt buộc phải đi. Ông Masson chưa bao giờ buồn. Bộ ria mép to và ướt bỗng trở nên nặng nề đối với ông, tôi nghĩ vậy. Ông nói rằng bà muốn ông dọn đi cùng. Tôi không hiểu nổi. Tôi nói với ông Masson rằng ông phải đi, rằng bà Isabelle rất tốt. Tôi cũng hơi buồn, tôi không thực sự muốn ông rời đi. Ông chỉ đáp rằng mình không thể đi, rằng mình phải ở lại, rằng con trai ông sẽ sớm quay về. Bởi vậy, tôi để ông ôm tôi, và sau đó tôi nhóm bếp. Trời lạnh hơn khi người ta buồn.
Ông Masson buồn bã trong một thời gian dài. Nhưng khi tôi đến thăm ông, chúng tôi vẫn nghe tin tức, pha trà, vừa ăn hạt dẻ vừa xoa tay vì nóng. Ông mỉm cười hơn đôi chút. Những bông hoa tử linh lan đã tàn từ lâu, nhưng ông vẫn để cái chậu ở đó. Đôi khi ông vẫn nói về những tảng băng trôi. Ông nói về sư tử, bắt chước tiếng gầm “roarrr” của chúng và tôi bật cười. Ông nói rằng muốn đi chiêm ngưỡng những thành phố ở Mỹ. “Ở đó có những tòa nhà cao đến mức chúng được gọi là nhà chọc trời.” Tôi thấy cách gọi này thật khôi hài. Buổi tối, ông ở lại cửa hàng đến mười chín giờ, nhìn đăm chiêu ra cánh cửa, quan sát đường phố. Khi không có ai đến, ông đóng cửa và trở về nhà, buồn bã.
Một ngày nọ, ông Masson bị ốm. Ông tiếp tục công việc thêm một thời gian nữa, rồi người ta đưa ông vào bệnh viện, tránh xa bếp lò và đống hạt dẻ nóng đến bỏng tay. Tôi cũng rất buồn. Buổi sáng, cửa hàng của người thợ sửa giày vắng tanh, tối om; các dụng cụ ngổn ngang trên bàn làm việc. Lò sưởi đã tắt, không cần bước vào bạn cũng biết rằng bên trong rất lạnh. Tôi mang trà cho ông trong bệnh viện. Phòng bệnh trắng bong, sáng rực, nhưng cũng đơn điệu, đầy bóng tối và lạnh giá. Ông nói rằng mình không nên uống trà vì bác sĩ đã cấm, nhưng vì tôi mang đến nên ông sẽ “gian dối” một chút. Ông vẫn giữ trên môi nụ cười gian xảo như thế. Chúng tôi vừa nghe tin tức vừa thở dài cùng nhau. Tôi hỏi ông khi nào quay lại cửa hàng của mình, vì ắt hẳn có rất nhiều đôi giày bị hỏng kể từ khi ông nhập viện. Ông cười nhẹ và đặt bàn tay to lớn lên vai tôi một cách yếu ớt. Tay ông rất lạnh. Ông không trả lời.
Một buổi sáng, ông Masson không còn ở trong phòng bệnh nữa. Trước khi chôn cất ông, người ta mặc cho ông một bộ đồ màu nâu đẹp. Chiếc cà vạt màu lam được thắt lỏng và rối.