Cả làng đi nơm. Xóm tôi chừng ba, bốn chục người, xóm ngoài cũng khoảng ấy. Xóm trên đông hơn, chừng năm chục người. Riêng xóm dưới chỉ độ hơn chục.
Trưa tháng sáu âm lịch. Nắng, nóng như luộc! Tôi nơm. Anh tôi kéo vó.
Tôi cẩn thận dắt ngược lạt dang đã vót nhọn một đầu từ chân chì lên, dọc tre nơm, "dún"(xoắn) hai cái lạt dang, thít lại. Dắt thế không phải cầm tay, đỡ vướng.
Cả mấy xóm, hơn trăm con người, đủ lứa tuổi, một trăm phần trăm cởi trần, quần đùi, đầu trần, chân đất, hướng về đập Bãi Vàng.
Nước to. Người nơm ào xuống. Mát rượi ! Người kéo vó còn chờ, còn mắc vó... Nước ngập ngang lưng, rồi ngang ngực, rồi đến cằm. Tay nơm nghiêng xuống, mặt ngửng lên, chân ngập sâu trong bùn.
Lác đác đã có người được cá, cá tràu, cá diếc. Không to. Cứ thế, người nơm đi tới đâu, người kéo vó đi tới đó.
Ông Hoe Xuân cầm cây sắn, chọc dưới nước, chọc vào nơm Hoan Tài, anh ta tưởng cá đóng, nhấn vội. Ông Hoe Xuân ngoảnh mặt như không. Tôi đi cùng tốp cuối, chừng hơn chục người, nghe ông Mại nói: có con chi to, vừa chạm vào gọng vó.
Tôi đi được vài bước, nước chỉ ngang thắt lưng, nghe khục... khục, nơm rung mạnh. Xung quanh chỉ có An Thị, anh Hải. Tôi nhấn mạnh nơm, tay phải bịt miệng nơm, tay trái thò sâu vào nơm... chạm ngày lưng cá. Biết ngày là cá gáy! Tôi hét: cá gáy rồi ! Tôi giữ chặt nơm, nhờ An Thị bắt hộ, ném con cá lên bãi bùn đặc ven bờ đập. Còn cá vật, giãy, trông thật sướng mắt.
Tôi rút sợi dang đôi dưới nơm, xâu ngoàng sau hai mang, siết lại, chắc ăn. Và nghĩ không biết vận may có đến lần nữa không. Ông Mại nói: may rứa! Kính con ông Doạt dẫm được một chú cá gáy, hắn quăng nơm, mắm môi, mắm lợi, dận sâu xuống bùn, rồi mới móc mang, lôi lên.
Anh tôi kéo vó, không may lắm, chỉ được mấy con "cá vặt". Có chừng non nửa số tay nơm, tay vó được cá to. Còn lại được ít. Có người về không.
Đi từ hơn mười hai giờ trưa, mãi đến gần bốn giờ mới về tới nhà. Bụng đói meo, nhưng niềm vui được cá quên cả đói, vì nghĩ đến cơm tối với trách cá gáy kho tương...