Hôm qua đọc hai bài "Vật liệu phế phẩm sinh học" 
Mình biết được rằng ngay cả khi mình không dùng đồ dùng làm bằng nhựa, túi nilon mà dùng đồ vật được làm bằng vật liệu sinh học như túi vải, ống hút gỗ,.... cũng chưa chắc bản thân mình đang bảo vệ môi trường.
Thế chắc nếu mình không đọc hai bài trên chắc mình vẫn nghĩ sử dụng các đồ vật được làm bằng vật liệu sinh học thay cho nhựa và nilon là bảo vệ môi trường. Vì sao? 
- Rác thải nhựa, túi nilon khó phân hủy
- Xử lý rác thải nhựa, túi nilon gây tạo nên nhiều khí thải.
- Nhựa và nilon được thải ra môi trường khiến động vật ăn nhầm làm chúng bị tắc ruột hay ngộ độc.
Và nếu sử dụng đồ dùng bằng vật liệu sinh học hay vật liệu thay thế thì sẽ tốt hơn với môi trường. Còn vì tại sao thì không biết. 
Rồi tối qua mình đọc lại cuốn "Vương quốc sáng tạo" của Ed Catmull có đoạn:
"Chỉ 40% những gì chúng ta "nhìn thấy" đến từ đôi mắt, phần còn lại được tạo thành từ những ký ức hoặc những khuôn mẫu mà chúng ta nhận ra được từ trải nghiệm quá khứ."
Vương quốc sáng tạo tr.223
Hóa ra việc mình không sử dụng vật liệu từ nhựa mà mình nghĩ là "bảo vệ môi trường" là từ những cảm quan cá nhân của mình kết hợp với những khuôn mẫu mà mình nhận được qua những quảng cáo trên tv, internet về sử dụng vật liệu bảo vệ môi trường. Mình không tìm hiểu bảo vệ như thế nào, tốt hơn cho môi trường như thế nào, vật liệu sinh học tốt hơn nhựa như thế nào,....
Mình nghĩ lại....
Hóa ra trình độ cờ vua của mình lên 1800 không phải là mình thông mình, mà là do mình chơi nhiều nên những motif quen thuộc trong cờ vua dần ngấm vào mình. Mình thắng là nhờ mình biết nhiều motif hơn.
Hóa ra những gì mình post, mình post lên đây về đồ họa, chụp ảnh chưa hẳn là những gì mình hiểu và biết, mà có thể là những khuôn mẫu, ký ức cộng thêm sự ảnh hưởng của việc ham hố nổi tiếng và thích những người thành công?
Thực ra mình viết trên Spiderum có động cơ thật sự là chia sẻ kiến thức để mọi người tốt hơn không hay là do động cơ trải nghiệm "cảm thấy tốt" khi được mọi người chú ý?
Đấy là những việc chỉ tác động tới mỗi mình. Thế còn những việc ảnh hưởng đến người khác thì sao?
Khi mình gặp mấy người đồng tính, mình thực sự không có thiện cảm lắm vì cứ nhìn họ là mình nghĩ ngay tới cà phê đèn mờ hay mấy chỗ tệ nạn xã hội.
Khi mình gặp mấy người mặt khó đăm đăm, mình nghĩ ngay là người này chắc khó tính hay ghét mình.
Khi mình nhìn thấy ai đó hút thuốc hay chửi bậy, mình thường tìm cách tránh xa.
Mình không ưa mấy anh/chị sale vì mình nghĩ họ lắm mồm và toàn nói phét để bán hàng.
Mình không ưa anh, chị nào đầu tóc bóng lộn, trang điểm quá đà, nước hoa nồng nặc,....
....
Những ví dụ nho nhỏ trên để thấy mình bị chi phối bởi rất nhiều những khuôn mẫu, những trải nghiệm từ quá khứ.
Những khuôn mẫu, những trải nghiệm này không phải hoàn toàn xấu, nhờ chúng thì ta mới có thể học thêm những kĩ năng mới, nhưng nếu dựa quá nhiều vào chúng, chúng ta sẽ có những định kiến từ đó dễ dàng đưa ra những phán xét bề nổi dù ta không biết nội tình bên trong như thế nào như những ví dụ ở trên hoặc như những ví dụ rất nhiều trên mạng.
Anh này thành công là nhờ....
Chị kia thành công là do....
Gia đình này li dị vì.....
Bà này, ông kia......vì.........
....
Bắt đầu nghi ngờ bản thân và mọi điều mình biết.