Phải thừa nhận là thời gian qua, tôi sống khá ì ạch. Mười chín tuổi, tôi đứng bên mép vực sâu hoắm, toàn thân khắc khoải những nỗi đau của tuổi trẻ. Phần lớn thời gian tôi cảm thấy như đang leo núi, thực tại thì chật vật và mệt mỏi, tương lai thì lởm chởm và tù mù một cách man rợ và quá khứ thì ôm trong mình bóng tối mê mải. Quá khứ là một thứ gì đấy thật bí ẩn. Nó đã từng là tương lai, đã từng là hiện tại, thế nhưng phải đến hiện tại thì ta mới nhớ ra nó, và cảm nhận về nó một lần nữa theo một cách hoàn toàn khác khi ta cảm nhận nó là tương lai hay hiện tại. Nó ngồi thinh lặng, mỉm cười đâu đó trong căn phòng tối mịt. Và khi một cái công tắc bé nhỏ được bật lên, ánh sáng tràn ngập khắp nơi, vuốt ve hình hài nó. Nó đứng dậy, tiến về phía ta, đưa tay ra và nghiêng đầu :"Xin chào, ấy còn nhớ tớ không?"    
    Đó là một túi phồng tôm sáu ngàn tôi vừa mua ở siêu thị. "Bao lâu rồi mình không ăn phồng tôm nhỉ?" - tôi tự hỏi mình và quơ đại cái túi lạo xạo ấy vào xe kéo. Sau khi đã ngốn sạch cái đống thức ăn hổ lốn vừa vác về, tôi mới chợt nhớ đến nó, túi phồng tôm nằm lăn lóc nơi góc bếp. Và tôi không ngạc nhiên lắm khi nhận ra rằng, tôi biết rán thứ bánh đó dù chưa thử rán bao giờ. Tôi nhún vai: cũng khó mà không biết khi đã đứng nhìn chằm chằm vào cái chảo phồng tôm như thế không biết bao nhiêu lần.    
    Những miếng tròn tròn cứng cáp. nhỏ chỉ bằng đồng xu, sau khi được thả vào cái chảo có tí mỡ thì nở toe toét, rồi chẳng hiểu sao những cái mép bỗng co quắp lại với nhau, như một sinh vật quái đản. Người ta phải dùng đôi đũa tách hai cái mép cuồng dại đó ra, lật ngược miếng phồng tôm lại, dí cái mông kiêu hãnh của nó xuống. Khi nó đã nở đều rồi thì người ta gắp nó ra đĩa: nó nằm đấy, căng tròn, trắng nõn và giòn rụm, không giấu nổi vẻ thỏa mãn. Dưới con mắt hau háu và cái bụng sôi lục sục của một đứa con nít còn học tiểu học thì cái cảnh đó mới thật là quyến rũ. 
    Đây là tôi năm nay bảy tuổi: tóc ngắn cũn cỡn và lởm chởm nhìn từ xa trông y như một thằng con trai mặc váy. Hai má tôi phúng phính với cái mồm sún răng hoặc là đang ngậm kẹo hoặc đang lô ba lô bô nói liên hồi. Tôi đã từng là đứa không chịu ngồi yên bao giờ, có thể tôi lúc này đang nhảy nhót theo một chương trình trên ti vi, hoặc đang chơi với con cún trước hiên, hay đang ngã lăn ra nhà vì bị điện giật. nhưng khi bạn chớp mắt một cái, tôi đã lại chân đất tót ra đầu ngõ mua bánh ăn chiều. Vậy nên hai chân tôi lúc nào cũng trong tình trạng cáu bẩn nhìn phát kinh lên, cùng với đấy là cặp giò loang lổ vết muỗi cắn và những vết có trời mới biết đó là cái vết gì. Ông anh trai lớn hơn tôi hai tuổi cũng không khá khẩm hơn là bao, dù về khoản nhan sắc thì thời đấy ai cũng phải thừa nhận rằng anh tôi xinh xắn, dễ thương và trắng trẻo hơn tôi nhiều - quả thực tôi cũng thấy thế. Nhưng thằng cha này lúc mới chín tuổi đã tỏ ra là một thằng nhóc đáng ghét thượng hạng với những trò bắt nạt em út một cách quá quắt, hoặc quái đản hoặc không (tôi không thể không đề cập đến năm tôi bắt đầu mặc áo lót, hắn ta giăng cái áo con màu trắng tội nghiệp đó chắn ngang lối lên cái gác xép mà tôi chiếm dụng làm phòng, tạo ra một cảnh tượng vừa buồn cười vừa kỳ quặc mà tôi cứ nhớ mãi).     
    Đấy là năm tôi bảy tuổi và anh trai tôi chín tuổi. Chúng tôi tranh giành và hét lên với nhau về việc ai sẽ đọc quyển truyện tranh trước hay ai sẽ ăn miếng bánh cuối cùng, và thường thì ông anh tôi luôn là người chiến thắng hỉ hả với chiến lợi phẩm trong khi tôi là cô em gái vật vã khóc lóc ăn vạ. Có một lần vì quá bức bối bởi cái bản tính khốn nạn và thích trêu ngươi của ông anh, tôi - chẳng biết vớ được ở đâu con dao gọt hoa quả - cầm dao rượt làm thằng nhóc co giò chạy từ đầu xóm đến cuối xóm, không quên quay đầu nhìn ra sau với cái miệng gào rú. Bên cạnh hai đứa nhắng nhít ồn ào kia là một nhân vật có vẻ ít nói hơn: bà chị cả hơn tôi sáu tuổi. Từ hồi đó chị tôi đã thật xinh đẹp và cao ráo và hiền lành, chị ấy có cả tá bạn bè hay ho và đi dự những cái tiệc sinh nhật hào nhoáng làm một đứa nhóc tì như tôi thèm muốn chết đi được và cả tự ước mình sẽ được giống bà chị khi tôi lớn lên. Vì là đứa lớn nhất nhà nên chị tôi phải đảm nhận việc trông hai đứa em quỷ sứ và vô số những việc nhà lặt vặt, và đương nhiên, cả việc rán phồng tôm. Cái rổ con màu đỏ cứ dần dần đầy lên và vơi đi, chị tôi thì đứng cạnh đấy say sưa rán, trong khi tôi và anh trai, mồm bảo chị ăn đi kẻo hết, tay liên tục với lấy một miếng cho vào mồm. Những tiếng nhai lạo rạo. Hai đứa nhóc con với cái bụng thỏa mãn lại tếch ra ngoài chơi.
    Nhà tôi hồi đấy ở trong một cái xóm ngay sát một khu chợ sầm uất, được ngăn cách chỉ bởi một con đường tấp nập người qua lại vào ban ngày và vắng teo vào ban đêm. Tôi cảm thấy thật may mắn vì lúc ấy tưởng như chúng tôi chẳng bao giờ thiếu bạn bè hay thiếu chỗ chơi cả. Đám trẻ con chúng tôi xoắn xuýt lấy nhau hầu như ở mọi lúc mọi nơi, một phần vì bố mẹ chúng tôi đều là dân làm ăn buôn bán, chẳng lấy thời gian đâu mà trông coi, phần nữa là vì chúng tôi đã lớn lên cùng nhau từ nhỏ - khi tôi bắt đầu biết mặc cái quần con bé tí xíu vào bên trong cái váy đỏ, chúng nó đã ở sẵn đấy, chạy nhảy, chòng ghẹo và chí chóe với nhau rồi. Chơi thân với hai đứa bọn tôi nhất là anh em thằng Khánh. Nhà chúng nó nằm bên trái cách nhà chúng tôi hai căn. Thằng Khánh béo trắng, người nó dẻo lắm vì được mẹ cho đi học múa ở nhà văn hóa thiếu nhi. Thằng này tính tình vui nhộn và khả ố không thể tin nổi, lần nào nó bắt chước bộ dạng con đười ươi gập người đi tới đi lui với hai tay lòng thòng ra phía trước là lần ấy chúng tôi lại được một bữa ôm bụng vừa cười vừa cố mà thở. Một lần nó xông vào nhà tắm nơi tôi đang lấy nước xà phòng để thổi bong bóng, thản nhiên bảo "tao tè nhá!" và để mặc tôi đứng đấy ngơ ngác với tiếng xè xè bên cạnh. Nhí nhố là thế nhưng nó là thằng rất biết thương em. Con Hằng từ nhỏ đã là một đứa con gái xinh xắn. Tóc nó màu nâu, mềm và bông lên mỗi khi tôi chạm vào. Và nụ cười với cái lúm đồng xu của nó thì đáng yêu hết chỗ nói. Nó với tôi thân nhau như chị em gái vậy. Hai đứa thường chơi với nhau một trò khá nữ tính: nấu ăn. Chúng tôi kiếm được ở đâu đó một cái lon bia được khoét thủng mặt trên làm "nồi" rồi lén lút thó đủ loại gia vị trong nhà như nghệ, gừng, tỏi, ớt và đương nhiên, không thể thiếu, một ít gạo. Sau đấy, công việc tiếp theo là kiếm chỗ nào ít gió, nhóm lửa lên, cho tất cả các nguyên liệu đã thái nhỏ vào nồi và khuấy hết lên cho đến khi hỗn hợp hổ lốn đó bốc khói. Tôi nghĩ cái mùi kì quặc đó vẫn còn làm tôi hốt hoảng ngay cả những năm tháng sau này. Nhưng nghĩ lại thì cũng vui. À khoan, không chỉ có mình tôi với con Hằng, còn có thằng Khánh nữa. Tôi nhớ ra rồi, ngày xưa thằng Khánh toàn chơi với lũ con gái thôi, nó ít đi lia dép và bắn bi với ông anh tôi hơn. Có lẽ chính nó mới là cái đứa bày ra cái trò nấu ăn này. Thế anh tôi chơi với ai nhỉ. Xem nào, có anh em thằng Hiệp và thằng Sĩ này, thằng Hiệp hơn anh tôi một tuổi, nó lớn tướng và có nụ cười nhiều răng và thằng Sĩ với cái đầu dựng đứng và cái dáng loi choi thích chạy nhảy. Còn có thằng Mậm dai cũng bằng tuổi anh tôi và con Bẹp lép em nó bé tí xíu và trông ngố chết đi được với cái đầu mái bằng. Nhưng thế thì con Bẹp lép chơi với ai?...
     Lũ trẻ con chúng tôi ngày đó luôn biết tận dụng mọi cơ hội để xúm xó lại với nhau quậy phá và cười đùa. Từ việc tụm năm tụm bảy vào nhỏ to về chuyện thằng Sĩ ăn quá nhiều xúp mì tôm để bị xưng chym đến việc chúng nó cổ vũ tưng bừng cho trận đánh nhau sứt đầu mẻ trán giữa tôi và con bé đáng ghét nhà cuối xóm ( mà kết quả là tôi, người chiến thắng trong tiếng reo hò hạnh phúc dốc gói xúp mì tôm vào mồm, sao tôi luôn có cảm giác là lúc nào chúng tôi cũng cầm gói xúp mì tôm trong tay nhỉ ?). Chúng tôi là một xã hội bé tẹo với những thành kiến ngộ nghĩnh và những trò vui bất tận. Mỗi năm Trung thu đến là chúng tôi nổ tung trong vui sướng. Những ánh sáng màu vàng cam lấp lánh trong những đôi mắt ngây thơ đầy háo hức: màu đèn đường ấm áp chiếu rọi, màu nhấp nháy kỳ ảo của những chiếc đèn lồng, màu ngọn nến trên cái bàn cỗ đầy ắp bánh kẹo chờ chúng tôi lao đến, màu chúng tôi trong mắt nhau...
    Trong cái ánh sáng ngọt ngào và bổ dưỡng ấy dường như chúng tôi lớn lên từ lúc nào không hay biết, chân tay chúng tôi vươn dài ra, chúng tôi xấu hổ mới cả tủi thân và, tôi bỗng dưng biết buồn. Ngày hôm ấy có màu xanh ngọc lan nhè nhẹ. Tôi thẫn thờ bước vô định, mắt bị bịt kín, không có cảm giác thực sự nào về không gian, như thể thế giới xung quanh chỉ làm từ một mặt phẳng và một cái lồng bàn kín mít. Phải rồi, đó là trò bịt mắt bắt dê, cái trò mà tôi ghét cay ghét đắng. Tôi đi vòng quanh nhà như thế trong khoảng ba mươi phút, những tiếng cười im bặt, chỉ có tiếng còi và động cơ xe ngoài đường. Khi mở cái khăn bịt mắt ra, ánh sáng xanh ngọc lan chói lòa len vào mắt tôi làm tôi nheo lại: không còn một ai quanh đó cả. Tôi như đi trên mây. Tôi chưa bao giờ thực sự kể cái cảm giác đó ra, hay đến giờ tôi mới tìm được vỏ ngoài ngôn từ cho khớp với nó. Thế giới xung quanh tôi trở nên quá đỗi xa lạ và mờ ảo, cái ánh sáng đó, như thể nó không thật và khoảng trống tối đen kia mới đúng là thế giới thật vậy. Hoặc có thể đấy là cảm giác khi tôi lần đầu tiên trở nên cô độc và câm lặng trong thế giới của chính mình.
    Gia đình chúng tôi chuyển đi vào một buổi sáng tinh mơ, khi nền trời rực lên những khối màu hồng, đỏ và cam ấm nóng. Tôi trèo qua những cái bao tải to tướng xếp đầy quần áo và vật dụng rồi chạy quanh nhà tìm xem cái quần yếm yêu thích của mình ở đâu. Ngôi nhà cũ kỹ của chúng tôi trống vắng và thổn thức. Sau này, khi nhìn lại tấm ảnh chụp ngôi nhà nhỏ bé đó, tôi vẫn cảm thấy như nó còn muốn nói với tôi điều gì, ngôi nhà bé bỏng xinh đẹp với cái sân thượng có mái che đục lỗ thành những hình thù kỳ lạ ấy. Tôi đã buồn một tí tẹo. Chúng tôi không được nuôi dạy để buồn rầu hay khóc lóc vào những sự kiện kiểu này. Gia đình tôi là thế, chẳng ai rơi nước mắt vì những điều nhỏ nhặt. Lúc ngoảnh lại, tôi vẫn còn thấy đôi mắt trong vắt của em Hằng hoe hoe đỏ..
    Một buổi sáng, tôi đột nhiên tỉnh dậy vào sinh nhật thứ mười chín của mình, đầu đau và mồm có mùi ghê tởm. Tôi đã trưởng thành và ươn lên như một con cá chết. Hôm qua tôi nốc quá nhiều bia và chỉ ăn vài miếng trái cây cho bữa tối rồi cuối cùng nôn ra tất tần tật. Mười chín tuổi, tôi bỏ trường đại học và lao ra ngoài khoảng không bên ngoài nó. Không có một ý định gì rõ rệt, tôi lang thang khắp chỗ này chỗ kia, ai hỏi gì cũng không mở miệng. Quá khứ như kết tủa đông đặc dưới đáy dạ dày. Đêm qua tôi đã mơ một giấc mơ lạ lẫm: trong đêm đen lộng gió tôi cùng các bạn nhỏ của tôi rải những mảnh vải vụn màu trắng lên con đường trước nhà vắng lặng, thế rồi tuổi thơ của chúng tôi nhón chân đi đâu mất. Tôi ngồi bên làn nước xanh thẳm và nhìn sang bờ bên kia, mắt biêng biếc hy vọng. Rồi thời gian, trong vòng xoáy bất tận của nó, sẽ lại đưa tôi trở về vùng đất tuổi thơ nơi mọi thứ bắt đầu.