Nguồn: Quotefancy
Bố Atticus bảo tôi bỏ bớt những tính từ và tôi sẽ có các sự kiện.
Đây là một câu văn tôi rất thích trong “Giết con chim nhại” của Harper Lee, khi người cha của Scout dạy cô cách để có được những thông tin cần thiết từ những câu chuyện dài dòng của anh trai mình.
Mấy ngày hôm nay theo dõi những câu chuyện trên mạng xã hội xoay quanh cái chết của quân nhân Trần Đức Đô, tôi bỗng nhận ra khả năng "lọc thông tin" của mình rất tệ hại (hay còn gọi là dễ bị dắt mũi). Tôi tự hỏi, liệu chúng ta biết được gì về cách tạo ra màng lọc thông tin cho riêng mình? 
Bài viết dưới đây trình bày những ý tưởng mà tôi tìm thấy.

I. Chúng ta sống với sự hỗn loạn thông tin

Ảnh: Unsplash
Ô nhiễm thông tin dường như là đặc trưng của xã hội hiện đại. Ở đó chúng ta bị nhấn chìm trong một biển thông tin mà mỗi người đồng thời vừa là nạn nhân và thủ phạm. Nếu như ngày xưa, thông tin hầu hết chỉ được truyền theo chiều dọc từ những cơ quan chức năng có uy tín hoặc thẩm quyền với việc tạo và phân phối nội dung của ngành xuất bản. Thì ngày nay, với những công nghệ mới làm thay đổi cách truyền, xuất và phân phối; thông tin được truyền theo cả chiều ngang từ vòng tròn gia đình bạn bè thông qua mạng xã hội (nơi phần đa người dùng thiếu kĩ năng và phương tiện kiểm chứng thông tin).
Những vòng tròn thông tin này (thường có chung định kiến chính trị, xã hội, văn hoá), thông qua phần thưởng từ sự tương tác hay bày tỏ cảm xúc, được mạng xã hội khuyến khích để không ngừng sản xuất và chia sẻ thông tin (thường nặng về cảm tính). Những cảm xúc mạnh đến từ những cá nhân không trong cuộc là lí do dư luận rất dễ bị dắt mũi (kém trong khả năng chọn lọc thông tin). Cấu trúc của mạng xã hội (một phương tiện truyền thông lạnh cần sự tương tác của người dùng để thông tin trở nên hoàn chỉnh hơn), với thông tin quá nhanh và nhiều làm chúng ta trở nên ít suy nghĩ, cũng góp phần khiến thông tin không được cân nhắc và sàng lọc cẩn thận.
Không khó để hình dung những ảnh hưởng xấu của hỗn loạn thông tin trong xã hội. Nó ảnh hưởng đến việc sinh hoạt dân chủ của người dân; cản trở việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, sức khoẻ, mẫu thuẫn sắc tộc tôn giáo,...; hoặc ít nhất khiến những người như tôi khó khăn khi phải tiếp nhận những thông tin hỗn loạn.

II. Thế nào là những thông tin hỗn loạn?

Ảnh: Unsplash
“Tin giả” hay fake-news có lẽ là thứ đầu tiên chúng ta liên tưởng về những thông tin hỗn loạn. Tuy vậy, khái niệm này không đủ để mô tả về sự phức tạp của những thông tin nhầm lẫn và sai lệch quanh chúng ta. Trong báo cáo “Hỗn loạn thông tin: Hướng đến một khuôn khổ liên ngành cho việc nghiên cứu & xây dựng chính sách” của Claire Wardle & Hossein Derakhshan, 2017 [1], nhóm tác giả phân hiện tượng hỗn loạn thông tin ra làm 3 loại, lần lượt là:
(1) Thông tin gây hiểu lầm [Mis-information]: Thông tin sai lệch, nhưng không được tạo ra với mục đích gây hại.
(2) Thông tin xuyên tạc [Dis-information]: Thông tin sai lệch, được tạo ra để cố ý gây hại cho một cá nhân, nhóm xã hội, tổ chức hoặc quốc gia.
(3) Thông tin ác ý [Mal-information]: Thông tin dựa trên thực tế, được sử dụng để gây hại cho một cá nhân, nhóm xã hội, tổ chức hoặc quốc gia.
Để hiểu rõ hơn từng loại, báo cáo cũng đề xuất 3 yếu tố cần quan tâm của một ca hỗn loạn thông tin, bao gồm:
(1) Tác nhân [Agent]: Ai là người đã tạo / sản xuất / phân phối thông tin sai, và động cơ của họ là gì?
(2) Thông điệp [Message]: Thông điệp đó thuộc loại nào? Thuộc định dạng nào? Có những đặc điểm gì?
(3) Người Diễn dịch [Interpreter]: Những người nhận thông điệp diễn dịch nó theo cách nào? Họ có hành động nào sau đó?
Báo cáo cho rằng cần khảo sát một cách tách biệt các “yếu tố” của hỗn loạn thông tin (gồm Tác nhân, Thông điệp, Người diễn giải). Ma trận sau liệt kê các câu hỏi cần được hỏi với từng yếu tố:
Ảnh: Trích trong báo cáo
Sau khi có được phần nào khung khái niệm về vấn đề phức tạp này, hãy đến với câu hỏi quan trọng nhất:

III. Cần làm gì để tạo ra màng lọc cho riêng mình?

Cá nhân tôi nghĩ rằng, nếu có thể đặt ra những câu hỏi phù hợp cho từng yếu tố và đưa thông tin hỗn loạn sắp xếp vào ma trận phía trên, sẽ không khó để chúng ta hình dung một cách đầy đủ hơn về thông tin mình đang tiếp nhận. Đặt các thông tin cạnh nhau và đối chiếu chúng lại, bức tranh lớn về sự việc sẽ dần hiện ra. 
Tôi cũng xin đề xuất một vài thao tác dưới đây có thể giúp việc “lọc thông tin” trở nên hiệu quả hơn:

1. Rõ ràng - bỏ bớt tính từ để có sự kiện

Khi bỏ đi các tính từ, thông tin chỉ còn lại các sự kiện diễn ra giữa các đối tượng và hoạt động. Đối chiếu các mẩu thông tin, ta sẽ có đánh giá bước đầu về những hoạt động nổi bật (đây là căn cứ đầu tiên để xem xét tính chính xác của thông điệp: chính xác / gây hiểu nhầm / cắt xén / bịa đặt).
Một ví dụ đơn giản trong cái chết của quân nhân Trần Đức Đô, một vài tài khoản đưa tin liên quan vụ việc kèm theo những đánh giá về chính quyền và cơ quan chức năng. Thao tác 1 đề xuất hãy lược bỏ những đánh giá này để làm rõ ràng thông tin về những hoạt động nổi bật.
Các hoạt động nổi bật liên quan đến sự việc có thể giúp chúng ta hình dung thông tin một cách rõ ràng hơn, tuy nhiên, không đảm bảo những thông tin đó là chính xác. Và vì thế chúng ta sẽ cần đến thao tác thứ 2:

2. Kiểm tra - nguồn tin và động cơ thúc đẩy

Những thông tin được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội thường xuất phát từ một bài viết gốc, hãy tìm đến nó và đặt các câu hỏi về tác nhân như: Sự việc trong bài viết có liên quan đến tác giả? Tác giả có thường xuyên đưa tin về chủ đề này? Nguồn tin có được từ đâu?...
Những câu hỏi trên sẽ giúp ta phân loại nguồn tin là có phải chính quy, được tổ chức chặt chẽ, đang muốn hướng đến những khán giả nào và với ý định gây hại, lừa dối hay không.
Cùng với đó, bằng những tính từ được lược bớt ở thao tác 1, chúng ta có thể phỏng đoán đâu là động cơ thúc đẩy tác nhân tạo ra thông điệp này. Các động lực phổ biến có thể kể đến như:
+ Chính trị: Tăng, giảm uy tín của các ứng cử viên trong một cuộc bầu cử chính trị, hoặc các nỗ lực khác để ảnh hưởng đến quan điểm của người dân.
+ Tài chính: Thu lợi nhuận từ tình trạng hỗn loạn thông tin thông qua các hoạt động như bán hàng, quảng cáo, quyên góp…
+ Tâm lý - xã hội: Để có danh tiếng hoặc để kết nối với một nhóm xã hội nào đó.
Ảnh: Unsplash
Đến đây, mỗi cá nhân sẽ diễn giải thông điệp theo nhiều cách rất riêng. Thao tác "lọc thông tin" được đề xuất tiếp theo:

3. Nghi ngờ - chính mình

Khi là người diễn giải thông điệp, đều cần tính đến khả năng những thông tin chúng ta diễn giải đều sai (không phù hợp với kỳ vọng của tác nhân hoặc không đánh giá đúng hạnh động của tác nhân khi tạo ra thông điệp). Thực tế sau khi tiếp nhận thông tin, hầu hết mọi người chỉ thay đổi niềm tin theo hướng củng cố những gì mà họ đã cho là đúng. Bởi vậy, để hạn chế sự hỗn loạn của những thông tin (gây hiểu nhầm / xuyên tạc / ác ý), chúng ta cần đào tạo lại bộ não của mình sao cho nó biết tìm kiếm các góc nhìn khác. 
Nghi ngờ chính mình được hiểu trong thao tác này là đừng hài lòng với nguồn tin hiện có, hãy tìm kiếm thêm những thông tin trái chiều tiếp nhận của bạn.
Sau tất cả, một lưu ý cuối giúp bạn tránh rơi vào những thông tin hỗn loạn:

4. Đề phòng - những chiến lược tạo thông tin hỗn loạn

Các chiến lược như: (1) kích động cảm xúc, (2) hình ảnh ấn tượng, (3) lặp đi lặp lại và (4) cốt truyện ấn tượng, tỏ ra hiệu quả khi tạo thông tin hỗn loạn. Hãy đề phòng khi những thông tin tiếp nhận khiến bạn kích động, ấn tượng hoặc bị lặp lại nhiều hơn mức bình thường. Xúc động và hứng khởi có vẻ không giúp được gì trên con đường tìm kiếm sự thật.

Kết.

Trong khi chúng ta đang phải chạy đua để bắt kịp những dòng chảy thông tin ô nhiễm, những tiến bộ công nghệ trong tương lai có thể khiến tất cả bị tụt lại nhiều hơn trong cuộc đua này. Rất có thể, người dùng trong tương lai sẽ sợ hãi hoặc đánh mất niềm tin vào những thông tin trực tuyến do lo sợ bị cắt ghép hoặc làm giả. Xã hội có thể sẽ trở nên ngày càng phân cực và chia rẽ khi sự hỗn loạn không chỉ dừng ở thông tin.
Cải thiện năng lực đọc hiểu thông tin hay xây dựng một màng lọc thông tin cho chính mình là giải pháp cần thiết nếu chúng ta muốn tiếp tục đọc tin trên những nền tảng trực tuyến như hiện tại.
Rõ ràng - Kiểm tra - Nghi ngờ - Đề phòng nên được thực hiện như những thao tác đầu tiên.
Long Hoàng.