Chuyện làm nhóm
"Không nên xếp tất cả người giỏi vào một team. Thân thì được. Không thân thì teamwork như hạch á." Này không phải là mình nói đâu,...
"Không nên xếp tất cả người giỏi vào một team. Thân thì được. Không thân thì teamwork như hạch á."
Này không phải là mình nói đâu, là nhỏ bạn mình nói á, sau khi mình than phiền rằng mình nhận ra một team toàn người giỏi chưa chắc đã là một team giỏi. Vì lúc ấy thực sự là mình đang trải qua cảm giác khá là khó chịu với team, người thì chỉ muốn làm cho xong phần mình thật tốt, rồi quăng mọi chuyện còn lại cho ai muốn làm thì làm, người thì không chịu chia sẻ với ai, cứ thích ôm đồm hết về làm một mình (ý là tư tưởng mọi người không làm được thì để tự mình làm cho xong ấy), người thì muốn giúp đỡ thì lại chẳng biết làm sao vì không chen vô được,...Với lại mặt bằng chung của team cũng không hề tệ. Đáng lẽ ra có thể ngồi lại cùng nhau nghĩ cách, người này san sẻ một chút giùm người kia, hoặc nếu làm xong phần mình rồi thì cũng nên quan tâm hỏi han tới tiến độ chung của nhóm một chút. Cơ mà đó là mình nghĩ thế thôi, nhưng người ta thì hông có nghĩ vậy.
Nên là, thấy nhỏ kia tự nguyện ôm hết về nhà làm không cần ai nữa, mình cũng không đành lòng, thế là chủ động được giúp đỡ rồi hai đứa hì hục cả tối, xong gần 12h mình phải đi ngủ vì mai có tiết học sớm, còn nhỏ đó thì thức trắng đêm. Chuyện dù sao cũng đã giải quyết xong rồi, mọi thứ cũng ổn cả rồi, nhưng mình tự dưng muốn viết xuống một điều gì đó với hy vọng nếu ai đọc được thì nên tránh khi làm việc nhóm, để cùng nhau trải qua cảm giác gắn kết khi làm việc cùng đồng đội, và không ai bị bỏ lại phía sau hoặc phải gánh vác quá nhiều việc.
Những sai lầm thường hay mắc phải khi làm việc nhóm
1. "Dạ để em cố xem sao ạ." "Dạ để em mò thử."
Đây thường là những câu nói của những người không có đủ dũng khí để nói lời từ chối với những công việc người khác kì vọng bạn làm nhưng hiện tại bạn đang mơ hồ về khả năng mình có làm được hay không. Nhưng bạn cũng không muốn làm phật lòng người khác, nên cứ trả lời như vậy coi như vừa cho mình thêm thời gian, vừa níu kéo được ấn tượng của người khác về bạn, ấn tượng về một người không ngại khó khăn, dám nhận cả những công việc bản thân chưa đủ khả năng. Cơ mà nếu may mắn bạn làm được thì có thể cho qua, nhưng nếu không làm được hoặc làm không tốt thì sẽ trở thành tâm điểm chỉ trích của mọi người, mặc dù có thể bạn đã thức mấy đêm liền để làm, hao tổn biết bao nhiêu năng lượng.
Làm việc nhóm khác với làm việc cá nhân ở chỗ điểm mạnh và yếu của mỗi người hoàn toàn có thể bù trừ cho nhau. Nếu trong khi làm việc cá nhân, bạn không biết gì đó thì một là chịu bó tay, hoặc hai là kêu gọi sự hỗ trợ dựa vào mối quan hệ, các nguồn tài liệu sẵn có/đi mượn,...Và người khác cùng lắm chỉ có thể giúp bạn, chứ không làm thay bạn được. Còn khi làm việc nhóm, mỗi người đều đóng góp và chịu trách nhiệm những phần nhất định cho công việc của cả nhóm,và tiến độ chung mới là yếu tố quan trọng, nên bạn hoàn toàn có thể nhận những công việc là sở trường của mình, còn những phần bạn không biết/không đủ khả năng thì nên thành thật bày tỏ quan điểm để cả nhóm cùng phân chia lại hoặc tìm cách giải quyết. Nhưng đều cần nhất là bạn hãy trung thực, làm rõ ràng những điểm mạnh/yếu của bản thân ngay trong cuộc họp nhóm. Sự đa dạng các thành viên trong nhóm sẽ giúp ích rất nhiều.
Công sức bạn bỏ ra nên được ghi nhận, cần được coi trọng, đừng tự "mua dây buộc mình" rồi sau đó nhận lại những sự thất vọng hoặc ánh nhìn không mấy thiện cảm của người khác nếu sự việc không diễn ra như ý. Sự thành thật không phải là biểu hiện của sự yếu kém, ngược lại, đó còn là biểu hiện của sự tiến bộ, đóng góp và hợp tác, khi bạn nghĩ về kết quả chung của cả nhóm, thay vì chỉ chăm chăm vào hình ảnh của bản thân trước mọi người.
2. Ôm hết làm một mình khi nhóm vừa gặp phải khó khăn
Người ta gọi đây là biện pháp chữa cháy, thường là khi mà thời hạn deadline gần tới mà đột nhiên nhóm xảy ra sự cố hoặc gặp phải khó khăn phát sinh, thì sẽ có một người "tốt" đứng ra chịu trận. Người này chắc chắn năng lực rất cao, và họ cũng cảm thấy rằng so với việc team ngồi lại bàn bạc rồi cùng nhau giải quyết thì một mình họ làm luôn còn nhanh hơn. Những thành viên khác thường là sẽ đồng ý hai chân hai tay luôn vì còn gì vui hơn khi có người vừa giỏi lại vừa tự nguyện gánh team.
Kết quả là người "tốt" này sẽ phải làm việc hết công suất, thức mấy đêm liền để hoàn thành kịp trước deadline trong khi những người khác thoải mái nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng vào group team than thở vài câu để người ta biết mình làm cực thế nào thì người khác sẽ nhiệt tình nhảy vào nói rằng: "Cố lên X ơi, mình/chị/anh tin tưởng bạn/em lắm!" "Cố lên nào, vận mệnh của team đặt vào em hết đấy", "Cố lên nữa nào, cả team trông chờ vào em cả đấy",...Rồi bạn lại thấy như được quan tâm, an ủi, tiếp thêm động lực để cày tiếp, mặc dù bạn đâu biết rằng nói ra những câu nói đó dễ dàng hơn rất nhiều lần so với việc hỏi bạn xem "có cần giúp gì không, có gặp khó khăn gì không, để anh/chị qua giúp nhé".
Chúng ta suy cho cùng cũng chỉ là con người, năng lực có lớn đến đâu cũng sẽ đến lúc cảm thấy mệt, huống hồ cuộc sống của chúng ta không chỉ có công việc/học tập, chúng ta còn có gia đình, sức khỏe, sở thích để mà phân chia năng lượng nữa. Mọi chuyện cũng chưa chắc đã hết cách giải quyết đến mức một mình bạn gánh cả team, đừng đánh giá quá cao năng lực của bản thân, cũng đừng đánh giá quá thấp khả năng giải quyết khó khăn của mọi người.
3. "Phần của em xong rồi đó ạ. Còn phần của A,B,C nữa thôi."
Ôi, không hiểu sao mình rất dị ứng với câu này. Một phiên bản thật hơn của câu nói này đó là "Em được giao việc X, em làm xong việc X của em rồi, em xong nghĩa vụ rồi đó, còn A,B,C chưa xong thì cũng không liên quan tới em đâu nha." Nếu đây là làm nhóm, bạn biết A,B,C chưa làm xong, người có tinh thần hợp tác và quan tâm tới tiến độ của nhóm sẽ tự động hỏi thăm những người này sau khi đã hoàn thành xong việc của mình. Chứ không phải chỉ báo cáo lên một câu như vậy. Những người này thường sẽ có phần cá nhân của họ rất xuất sắc, chỉn chu, xinh đẹp, nếu tách phần họ ra thì chắc sẽ được điểm tuyệt đối luôn á. Nhưng mà đây là làm nhóm, một phần cá nhân hoàn hảo cũng không thể cứu vớt được mặt bằng chung của cả nhóm. Nó còn khiến cho những người khác cảm thấy khó chịu và không cảm nhận được bất kì sự gắn kết đồng đội nào của nhóm.
Bạn làm xong phần của mình rồi, rất tốt đó chứ, nhưng nếu để ý thấy xung quanh có những người vẫn chưa xong, vẫn còn đang chật vật, một câu hỏi han và đề nghị giúp đỡ có sức mạnh rất lớn, nó tạo nên độ gắn kết giữa các thành viên và sức mạnh của sự gắn kết chắc bạn cũng biết rồi, chúng ta cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ không phải vì được phân công làm ít, được phân công công việc dễ dàng, mà là cảm giác thuộc về, được tôn trọng, được yêu thương và gắn kết.
Biểu hiện rõ ràng nhất của thành công trong việc tạo sự gắn kết lúc làm việc nhóm đó là nó khiến bạn phải thốt lên rằng "Team làm việc giống như một gia đình vậy".
4. Người bạn ghét thì bạn không hợp tác nữa
Sai, rất sai. Bản thân mình đã từng nghĩ như vậy, vì làm việc với người không ưa mình hoặc mình không ưa thì khó chịu và đau khổ không còn gì bằng. Nhưng tin mình đi, có khi đến cuối cùng họ lại là người cứu cả team đấy, hoặc nói đơn giản hơn là bạn sẽ cần đến họ một lúc nào đó. Nhưng vì không tạo thiện cảm trước nên sau này mở lời cực kì khó. Tạo thêm thù/địch không bao giờ là một cách hay, khi làm việc chung, bạn cần sự hỗ trợ của tất cả mọi người, kể cả trong và ngoài nhóm. Mình ví dụ như khi bạn tham gia một cuộc thi làm video gì đó, 70% điểm số đến từ ban giám khảo trực tiếp chấm, còn 30% là phụ thuộc vào lượt view/share/like/comment. Nếu bạn thường ngày có số người bạn ghét/ghét bạn nhiều hơn số người yêu quý bạn thì thôi, toang, chẳng những không tận dụng được 30% điểm này mà có khi người ghét bạn còn nhân tiện lợi dụng lúc này để hạ bệ bạn, khiến cho bao nhiêu công sức của cả team đổ bể.
Hãy giữ một tinh thần trung lập khi làm việc và đừng cho rằng cảm xúc tiêu cực của họ ngay thời điểm đó đại diện cho toàn bộ con người họ. Những người khó tính hoặc gay gắt đôi khi là lại là người đưa ra những ý kiến hữu ích nhất vì họ không ngại nói thẳng, nói thật, họ sẽ không dùng những từ ngữ hoa mĩ hoặc nói giảm nói tránh chỉ để tạo ấn tượng tốt với bạn. Kiên nhẫn cùng họ phân tích những khúc mắc và đi đến được một thống nhất chung sẽ cho thấy tinh thần sẵn sàng hợp tác của bạn thay vì để cảm xúc cá nhân chi phối toàn bộ.
Team mình bây giờ đã cân bằng lại rồi, mình nghĩ là tụi mình sẽ vẫn tiếp tục hợp tác với nhau, bởi mình đã có thể nắm được nhịp điệu của cả nhóm và thời gian lâu dần mọi người cũng đã thân thiết và hiểu nhau hơn (đương nhiên là sau khi rút ra được kinh nghiệm sau những sai lầm bên trên rồi). Nhưng mà bạn không cần đợi phải trải qua như mình mới rút kinh nghiệm, trước khi làm việc nhóm, bạn hoàn toàn có thể search những nguồn tài liệu về kĩ năng làm việc nhóm, có thể share vào group để mọi người cùng đọc, như vậy thì ít nhất bạn cũng đã đánh những tín hiệu tích cực trước rồi, mọi người không biết thì thôi, chứ nếu đã biết và nhận thức được những vấn đề này rồi thì họ cũng không muốn lặp lại những sai lầm đó làm gì đâu.
Cảm ơn mọi người đã đọc bài viết của mình, hy vọng bạn thấy nó bổ ích ! <3 Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ!!!!
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất