Tôi muốn viết những dòng này đã lâu, tuy nhiên tôi lại sợ rằng viết đúng thời điểm dịch Covid có thể gây ra những hiểu nhầm và tai tiếng không đáng có, chính vì vậy tôi để dành đến hôm nay và gửi đến độc giả một bức tranh tương đối phiến diện.
Sở dĩ nói rằng bức tranh này phiến diện, vì rằng nó sẽ chỉ chú trọng vào khoa học công nghệ, đặc biệt là những gì liên quan đến y tế mà thôi. Hơn nữa, mặc dù những hệ quả từ bức tranh này hoàn toàn có thể được so sánh với những ngành nghề khác, nhưng sự loại suy đấy sẽ nằm ngoài khuôn khổ bài viết. Vì vậy, rất mong độc giả thứ lỗi cho sự thiếu sót này.
Bài viết này, mặc dù không thể tránh khỏi một số nhận xét mang tính chủ quan, nhưng mục đích tối thượng là để vẽ một bức tranh trân thực về tình hình thầu khoán, cũng như ngành khoa học sự sống. Tôi cho rằng nó sẽ có giá trị tham khảo cho một số bạn bè tìm hiểu về chính sách xã hội nói chung, và chính sách mua sắm nói riêng.
Sở dĩ tôi muốn viết nên bài viết này, vì rằng tôi được tiếp xúc với một nhân sự cấp cao của công ty (xin phép dấu tên) lớn nhất toàn cầu về lĩnh vực công nghệ sinh học, luôn luôn góp mặt trong top 100 của Fortune 500.
Cô (VP) chia sẻ nỗi thất vọng sâu sắc vì không hiểu tại sao ở thị trường Singapore, một thị trường với quy mô dân số 5 triệu người, lại có mức đầu tư gấp 10 lần so với Việt Nam, một đất nước có đến 100 triệu dân.
Nhận định trên cũng đúng với các công ty đứng thứ 3, thứ 5, thứ 6 và thứ 12 trong ngành khoa học sự sống, được tổng kết trong các hội nghị của họ.
Điều nực cười là: Chúng ta có thể giả sử mức đầu tư ở Việt Nam và ở Singapore cho R&D là như nhau vì những lý do sau:
1. Singapore và Vietnam có mức chênh GDP không lớn: GDP Sing chỉ hơn Việt Nam là 20%
2. Singapore và Vietnam cùng cam kết đầu tư 2% GDP cho R&D.
Như vậy, rất khó có thể giải thích được tại sao chỉ vì sự chênh lệch 20% này. Mặc dù đã có những bài báo của chính phủ chỉ rõ tại sao mức đầu tư trên thực tế thấp hơn nhiều so với kế hoạch [1]. Nhưng bài viết này sẽ đi tìm nguyên nhân với một góc nhìn khác.

Đầu tiên: Tại sao trông thì có vẻ như nhau, nhưng thực tế mức độ đầu tư cho KHCN của chúng ta lại thấp?

Trả lời cho câu hỏi này, tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng lại không quá dễ hiểu.
Câu trả lời ngắn gọn là: Việt Nam vẫn nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài và không tự chủ được công nghệ.
Phải phân tích thêm: tại sao nói Việt Nam không tự chủ được công nghệ? Liệu tôi có đang nói sai, chẳng lẽ hàng trăm giải thưởng đổi mới sáng tạo được trao mỗi năm, lại không phải là làm chủ công nghệ hay sao? Tôi cho rằng, chúng ta chưa hiểu rõ bản chất của từ "tự chủ" [2].
Nhiều khi chúng ta chỉ nghĩ một cách đơn giản. Thứ nhất: Tự chủ là làm chủ được quy trình sản xuất, điều này đồng nghĩa với việc chúng ta làm được nguyên liệu đầu vào và kiểm soát được sản lượng đầu ra. Chúng ta cũng kiểm soát được toàn bộ các khâu của quy trình sản xuất.
Tuy nhiên, điều thứ hai cũng rất quan trọng, là tự chủ thì cần phải không phụ thuộc vào công nghệ hiện thời, và có khả năng phát triển thêm công nghệ mới dựa trên nền tảng đã có.
Tôi xin nói một ví dụ trong ngành: Giải trình tự gene. Việt Nam hiện là đất nước đi đầu trong lĩnh vực giải trình tự gene trong khu vực, những giải pháp mà người Việt đưa ra khiến thế giới giật mình, nhiều chuyên gia trên thế giới không thể tin được con người Việt Nam lại có thể có những giải pháp thông minh đến thế. Về quy mô xét nghiệm, công ty Việt mở ra đến đâu, các công ty trong khu vực Đông Nam Á khóc thét đến đấy. Tôi đang nói về công ty GeneSolution. Công ty cung cấp giải pháp giá rẻ, không chỉ giá rẻ, do công ty biết lợi dụng ưu thế cạnh tranh của mình, họ tận dụng tất cả các hạn chế của các nước đã phát triển để làm lợi cho mình. Kết quả, thì như tôi đã trình bày: GeneSolution đi dến đâu, công ty nước ngoài đóng cửa tới đó, ngay cả trên đất nước của chính mình.
Như vậy, rõ ràng phải nói là người Việt làm chủ được công nghệ ư? Sai. Phải nói là người Việt ứng dụng được công nghệ. Hiện chúng ta không hề sản xuất được bất kỳ một loại hóa chất nào cho xét nghiệm gene, kể cả nước rửa máy. Hiện tại vẫn đang nhập khẩu 100%.
Hơn nữa, công nghệ giải trình tự gene cần máy quang khắc 60nm để tiếp tục phát triển. Đây là thứ Việt Nam chưa có.
Ngay cả về việc sử dụng công nghệ, nhiều chuyên gia cũng cho rằng chúng ta đang "tận dụng" và xào nấu lại những gì thế giới đã nói. Nói với cái tên mỹ miều hơn thì là "tự phát triển và tự tối ưu". Như thế cũng không thể nói là ta đã làm được gì quá đột phá và mới mẻ, nhưng phải thừa nhận: Người Việt là bậc thầy sáng tạo dựa trên những gì được cung cấp.
Do vậy, tôi tạm cho rằng ngành khoa học của Việt Nam dựa chủ yếu trên đồ nhập khẩu. Cho dù Mỹ, Âu hoặc Trung, thì vẫn là nhập khẩu. Nhưng như thế thì sao?
Cái tôi muốn nói đến, là thuế nhập khẩu và chi phí logistic.
Khi xem qua một đề tài ở Viện chăn nuôi, tôi thấy thực tế như sau:
1. Chi phí để làm nghiên cứu trên một giống lợn vào khoảng 7.000.000; khoảng 273 đô la cho một con lợn, chưa kể nhân công.
2. Còn mức giá cho một xét nghiệm y hệt như vậy ở Mỹ, là 34 đô la, đã bao gồm các chi phí nhân công. Cả thuế phí (đôi khi rất cao), chi phí cuối cùng mà ta phải trả là khoảng 45 ~50 đô la.
Trẻ con cũng thấy, là với việc này, thì trung bình ra nếu Việt Nam đầu tư một khoản tiền y hệt ở Mỹ, thì hiệu suất chỉ bằng 20%. Chưa kể đến việc có gian lận tiêu cực xảy ra.
Điều tiếp theo, đã bao giờ bạn tự hỏi: Nếu như ta mua máy của Mỹ rồi chuyển về Việt Nam, thì sẽ thế nào chưa?
Hầu hết các công ty khoa học công nghệ đều đã có đại diện tại Việt Nam rồi, và trước đây (có lẽ bây giờ cũng vậy), chính phủ chưa có hướng dẫn cho các đơn vị công lập ký hợp đồng trực tiếp với các đơn vị nước ngoài, do vậy, luôn cần phải thông qua một đơn vị tại Việt Nam.
Về mặt chi phí, tôi vẫn hay nói đùa rằng: Nếu bạn mua máy tại Mỹ, vác trên lưng và đi bộ về Việt Nam, thì chi phí mua máy này vẫn rẻ hơn vài chục phần trăm đến vài trăm phần trăm so với bạn mua tại Việt Nam.
Thoạt nghe qua, nhiều người vẫn cho rằng điều trên là hợp lý, vì có thể được giải thích bằng chi phí logistic, chi phí nhân sự tại Việt Nam bảo trì bảo dưỡng máy, chi phí liên hệ ... Tuy nhiên, một công ty hoạt động thì cần phải có lợi nhuận là điều đầu tiên. Điều thứ hai là: Các doanh nghiệp sẽ cố gắng bán cao hết sức có thể nếu không được quản lý.
Giả sử: Mức giá người Mỹ phải mua là 100 đồng (cả thuế)
Doanh nghiệp này sẽ bán chuyển giao cho Việt Nam với mức giá là 90 đồng, chi phí vận chuyển và thuế nhập khẩu chiếm 15%, thuế VAT chiếm 10% trên mức giá cuối, doanh nghiệp thì phải trả công cho nhân sự, mức tối thiểu có thể chấp nhận được là 20%. Như vậy, tính nôm na thì nhập 90 thì phải bán với giá 150. Đây là một mức "rẻ như cho" nếu như nói theo cách nói của nhiều người làm nhập khẩu. Ở một số ngành đặc biệt, nếu nhập 100 thì phải bán 300 hoặc 400 thì mới có lãi (do chi phí môi giới quá cao).
Vấn đề ở đây là với hệ thống đấu thầu của Việt Nam, thì tiền sẽ không chỉ dừng ở mức 150 đồng.

Thứ hai, những nhiêu khê trong quá trình đấu thầu

Hôm vừa rồi, có một bác đã phát biểu tên thời sự, tôi buồn cười quá và phải trích lại như sau: "Nếu cứ quy định rằng giá thầu năm nay không được cao hơn giá năm trước, thì chẳng lẽ làm thầu vài năm giá phải về mức 0đ à?"
Tôi phụt cười, bởi vì một sự thật hiển nhiên, rõ như mặt trời mà bất kỳ một ai học hết 12 năm phổ thông đều có thể hiểu, nhưng lại được quy định trong luật thầu không biết bao nhiêu năm nay. Đến tận năm 2023, điều này mới được bãi bỏ [3].
Quá trình thầu quá lằng nhằng là một trong những thứ gây ra chậm giải ngân công tại Việt Nam, dẫn đến một nghịch lý là có tiền cũng khó mà mua được món đồ mình muốn. Xin điểm qua một số nghịch lý như sau.

1. Món đồ là độc nhất, nhưng khi mua thì lại yêu cầu 3 báo giá.

Việc có nhiều nhà thầu đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, nhưng không phù hợp, vì thiết bị là đặc thù, thì kiếm đâu ra được 3 báo giá? Như vậy, một công ty sẽ phải tự mở ra 3 chi nhánh, ủy quyền cho cả 3 chi nhánh với cấu hình y hệt nhau, chỉ khác nhau về giá. Chúng ta vẫn hay gọi đây là "quân xanh - quân đỏ".
Việc phải tự mở ra rồi lại tự chế cháo như vậy, kết quả là người tiêu dùng vẫn phải chịu mức chi phí liên quan đến pháp định (thuế môn bài, kế toán, các lệ phí kinh doanh bắt buộc). Trong khi đấy chẳng giải quyết được vấn đề gì, món đồ đấy vẫn là model duy nhất trên thị trường, hoặc là mua, hoặc là nghỉ nghiên cứu.
Có những thứ buồn cười hơn, ví dụ như một linh kiện trong máy hỏng, và hiện chỉ có một hãng duy nhất có thể cung cấp được linh kiện đấy. Chẳng thà cứ bịa ra luôn 3 nhà thầu (quân xanh, quân đỏ) như cách trên thì đã xong rồi, nhưng làm chặt quá, kết quả là không thể trúng thầu được. Do vậy máy đắp chiếu, nằm kho.

2. Chấm thầu "giấy"

Thầu giấy có nghĩa là tất cả quy định chấm thầu đều nằm ở trên giấy. Ví dụ như sau:
- Trong hồ sơ thầu yêu cầu máy có tính năng A, B, C. Nhà thầu chỉ cần chứng minh bằng catalog của sản phẩm có tính năng A, B, C là đủ.
Điều trên không sai, nhưng không có nghĩa là nó đúng. Vì:
- Máy giải trình tự gene hiện đại đều có khả năng giải trình tự gene, kể cả trình tự gene của cổ sinh vật, bao gồm những mẫu lên đến hàng vạn tuổi. Về lý thuyết, máy có thể giải được cả trình tự gene của khủng long.
- Nếu đưa thông số "giải được trình tự gene của khủng long" vào thầu, thì đương nhiên là thông số độc nhất, là cài thầu, và chỉ cần catalog thể hiện là được. Nhưng thông số này lại không có cách nào nghiệm thu được (vì lấy đâu ra DNA khủng long?). Mặc dầu chúng ta đều hiểu rằng máy có thể làm được.
Đáng ra câu trả lời hết sức đơn giản: Chỉ cần hội đồng chuyên gia xác nhận, hoặc người dùng xác nhận đúng máy cần mua, không phải là ổn rồi hay sao?
Nhưng hai câu trả lời trên lại dẫn đến những hệ quả hết sức oái oăm: Nếu hội đồng xét duyệt, thì quyền lực của hội đồng rất lớn, dễ xảy ra tiêu cực. Hơn nữa, do mỗi lĩnh vực chuyên môn đều là đặc thù, chẳng lẽ mỗi thầu lại cần một hội đồng khác nhau? Nếu để người dùng tự xác nhận cũng sẽ có vấn đề, vì như thế hơi giống với tự đá bóng tự thổi còi.
Như vậy, ta đổi tiêu cực loại này, sang một tiêu cực loại khác, cũng đau đầu không kém.
Điều tôi vừa nói ở trên đây còn đem lại nhiều hệ lụy.

3. Chuyện tổng thầu và tư vấn thầu

Tiếp theo mục 2, do không thể có hội đồng chuyên môn, nên không có được hội đồng tư vấn, hầu hết các viện sẽ sử dụng công ty tư vấn. Bên công ty tư vấn, 95% trường hợp, không hề có kiến thức gì liên quan đến sản phẩm được thầu (cũng dễ hiểu, như tôi đã nói, làm gì có ai hiểu hết được sự đa dạng của cả một thị trường). Như vậy, họ sẽ phải chấm thầu qua giấy.
Việc chấm thầu này sẽ bắt buộc phải chấm tiếng Việt (có lẽ là nước duy nhất ở Đông Nam Á yêu cầu phải dịch tất cả sang tiếng việt trước khi vào thầu), và chấm đúng theo từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy, chỉ khác (không sai) cũng không được. Đâu cũng là một phần khiến cho chi phí tăng cao, một phần nữa khiến cho tiêu cực xảy ra (cài thầu đến mức chỉ định thầu).
Một hệ lụy nữa cũng khá buồn cười theo phương thức thầu giấy này, đấy là tổng thầu.
Thông thường, nguyên tắc đấu thầu hai thành phần yêu cầu một công ty phải đáp ứng được cả chỉ tiêu tài chính và chỉ tiêu kỹ thuật. Tức nghĩa: thông thường công ty sẽ phải cung cấp một gói như vậy cho các đơn vị khác rồi.
Mà khoa học công nghệ, nhiều khi lại là công nghệ mới, thì lấy quái đâu ra năng lực kinh nghiệm với cả hồ sơ tài chính? Có nhiều cách tiêu cực, nhưng tích cực nhất trong số đó là thông qua một tổng thầu đã có kinh nghiệm làm các gói thầu lớn. Tổng thầu sẽ mua lại máy móc thiết bị vật tư từ công ty phân phối, rồi bán lại.
Tổng thầu, cũng là một công ty, và cũng phải có biên lợi nhuận tối thiểu, thường cũng sẽ là 20% (chưa kể các chi phí khác liên quan đến thầu). Việc mua đi bán lại sẽ làm gấp thếp chi phí. Tức nghĩa: với 90 đồng ban đầu và qua 2 nhà phân phối, khách hàng sẽ phải mua với giá 190 đồng. (Mặc dù từ 90 - 190 đồng này cũng không phải quá nhiều. Tuy nhiên nhiều đơn vị sẽ cố tình lợi dụng mua đi bán lợi qua các công ty ma, nâng giá lên đến x10, x20 lần. Khi kiểm tra, ta có thể thấy những tủ lạnh Panasonic* được bán với giá lên đến 20 tỉ đồng, mà tất cả lại vẫn đúng với quy trình.)

4. Chuyện quy định không rõ ràng

Việc quy định nhập nhằng khiến cho bác Tuấn Tim vào tù, tôi không cần phải đọc cũng có thể hiểu được, ví dụ như sau:
- Do không hiểu về sản phẩm, phải có bên tư vấn thầu, nên giải trình qua lại trượt thầu. Đấy lại là sản phẩm duy nhất có thể đáp ứng điều trị. Vậy bác Tuấn nên làm gì?
A. Chờ 3 - 6 tháng sau cho bệnh nhân chết hẳn rồi thầu lại.
B. Tạo điều kiện cho công ty đặt máy sử dụng trước, khi trúng thầu bệnh viện trả sau và chỉ định cho bên tư vấn bỏ qua một số điều kiện để trúng thầu.
Về việc tại sao lại để trúng thầu với mức giá cao, thì cấu thành giá tôi đã có trình bày sơ lược như trên. Nhưng kể cả khi không có gian lận đội giá, thì hiện tại cũng khó khăn vô cùng trong việc muốn mua sản phẩm đúng như khách hàng mong muốn, vì đúng là thông số trên giấy thì y như nhau, nhưng thực tế thì không như vậy.
Do đó, việc nhận định bác Tuấn Tim chỉ có chuyên môn mà không có trình độ quản lý. Tôi cho rằng người này chưa bao giờ đi làm, chẳng biết gì.

Tóm lại

Mặc dù hiện tại đã có nhiều thay đổi tích cực, nhưng đa phần những gì tôi nói vẫn đang tiếp diễn. Nó đi sâu vào từng quyết định mua sắm của chính phủ, đặc biệt là chính sách càng lớn, thì sai phạm sẽ càng lớn theo (nếu có). Tôi mong rằng gửi đến các bạn được một cái nhìn nào đấy về thị trường liên quan đến khoa học công nghệ này.
*Tên các vật tư đã được thay đổi, chỉ giữ về giá trị để người đọc hình dung.