Kinh, Sử, Tử, Tập là bốn cái chính yếu dựng nên con đường học vấn của cổ nhân. Và thứ tự đó cũng được sắp xếp theo mức độ ưu tiên. Mỗi người bắt đầu sự nghiệp học vấn thì phải học qua Kinh trước, tức là học về đạo đức, luân lý, các lẽ thường, những điều thiên kinh địa nghĩa. Tiếp đó là học về Sử, những sự việc đã xảy ra trong quá khứ, lịch sử. Tử là học về các luận điểm của các nhà hiền triết. Rồi sau cùng là Tập, là các nhóm văn chương nói chung. Chúng ta có thể thấy ngay được sự coi trọng về lịch sử của người xưa. Lịch sử chỉ đứng ngay sau đạo đức và luân lý. Ngay cả những lời dạy của những triết gia chư tử cũng không thể sánh bằng việc biết được một sự kiện đã diễn ra trong quá khứ. Văn chương cá nhân là thứ cuối cùng được nói đến.
Câu chuyện của mấy trăm năm trước: Nếu ai đã biết qua tác phẩm Thủy Hử của Thi Nại Am thì chắc chắn cũng biết đến nhân vật Võ Tòng và người anh trai là Võ Đại Lang. Tóm tắt một chút, Võ Đại Lang được mô tả trong tác phẩm là vừa lùn vừa xấu xí, làm nghề bán bánh bao ở chợ. Vợ của Võ Đại Lang là Phan Kim Liên, một người rất xinh đẹp, được mô tả là lẳng lơ, là một dâm phụ tư thông cùng Tây Môn Khánh và cuối cùng hại chết chồng Võ Đại Lang. Thủy Hử, hiểu đúng theo cái tên nghĩa đen của nó, là câu chuyện chém gió ở bến nước và quán trà đá. Nhưng có ai đó tin theo câu chuyện đó thì sao? Họ sẽ tìm thấy một Võ Đại Lang thật, cùng đúng người vợ thật tên Phan Kim Liên, ở đúng cái huyện Thanh Hà. Và có cuộc đời đúng như mô tả trong sách là sau khi lấy vợ thì thì chuyển sang sống ở huyện Dương Cốc. Toàn bộ chuyện này đã gây nên một nỗi oan uổng cho vợ chồng Võ-Phan suốt mấy trăm năm qua. Và cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến dòng họ Võ-Phan. Đến nỗi con cháu mấy chục đời sau của họ Thi cảm thấy trăn trở và phải đến xin xây dựng tự đường, đề thơ vẽ tranh tạ lỗi với dòng họ Võ-Phan để mong được tha thứ.
Trong hình ảnh có thể có: 7 người, mọi người đang chơi nhạc cụ, râu và văn bản

Học sử là một việc quan trọng. Một khi bắt đầu phải học đến nơi đến chốn, học trên chính sử. Học sử mà lại mong muốn đọc vài ba tác phẩm trà chanh chém gió để tìm hiểu lịch sử là một cách học không ra gì. Và càng không nên trích dẫn từ văn chương như một bằng chứng cho sự biện luận về lịch sử. Như thế chẳng khác nào đi xem dăm ba cái phim trinh thám và gọi đó là để học được sự tư duy suy luận, chưa kể những tình tiết phi khoa học được đưa vào phim. Hoặc đi xem các tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ để học được về trường phái, cách pha màu, bố cục,...
Câu chuyện mấy chục năm trước: Có một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp là Hades. Là vị thần cai quản thế giới trong lòng đất nơi linh hồn người chết tìm đến. Hades là anh trai của thần Zớt, một vị thần tối cao trên đỉnh Ôlympus. Vấn đề về vị thần này nằm ở chỗ là ông ta cai quản thế giới lòng đất, trong đó có cả địa phủ, nơi con người khi chết sẽ phải đến đó. Như các bạn đã biết, Disney là chúa về các phim thần thoại, cổ tích, công chúa, hoàng tử và mụ phù thủy độc ác. Và kể từ khi Disney xây dựng hình tượng của Hades trong phim của mình, họ bắt đầu việc "đầu độc" trẻ con rằng Hades là một tên độc ác xấu xa, đi cùng với hắn là cái chết. Điều này phá hủy hoàn toàn cái nhìn đúng đắng về những vị thần tối cao của Hy Lạp đã tồn tại mấy ngàn năm qua. Hades trong thần thoại thực tế là nhân vật có khuynh hướng nhân hậu, điềm tĩnh, chứ không độc ác, cũng không nhiễu nhương như mấy ông thần khác.

Những câu chuyện truyền lại từ xa xưa rất dễ dàng bị bóp méo, bị sửa đổi để phục vụ lợi ích thị hiếu của con người hiện tại. Chúng ta thực tế không có quyền, và không nên bóp méo đi những câu chuyện đã xảy ra hoặc được xây dựng (sáng tạo) từ ngàn xưa để phục vụ cho mục đích cá nhân như vậy. Sáng tạo ra một câu chuyện mới của riêng mình đâu có khó đến thế.
Câu chuyện mấy hôm trước: Có một nhóm người làm ra một loại board-game thẻ bài và muốn kinh doanh tựa game đó, họ tham gia chương trình gọi vốn trên truyền hình. Và họ nói là họ sử dụng lịch sử để đưa vào trong game. Vấn đề đáng nói là họ muốn dùng một loại hình giải trí để giúp cho giới trẻ được học sử, được yêu sử và yêu văn hóa Việt. Boardgame thẻ bài của họ dưới dạng một lá bài gần như chẳng có gì liên quan tới lịch sử ngoài cái tên nhân vật. Phần còn lại của lá bài là hình ảnh nhân vật không rõ là giống ai và những chỉ số máu, sát thương, chiêu thức,... Tuyệt nhiên không có một dòng chú thích lịch sử nào trong cái thẻ bài ấy. Về boardgame thẻ bài hoặc kể cả ứng dụng game về sử thì chả có gì xa lạ, sẽ không sao cả nếu họ làm game trên các câu chuyện sử. Họ có thể cho Thánh Gióng chiến đấu với Thủy Tinh hay cho nghĩa quân Lam Sơn đánh nhau chí chóe với đội quân Lương Sơn Bạc của Tống Giang... Nhưng xin đừng gắng mác dạy sử, truyền sử, độ sử cho giới trẻ bằng một trò giải trí kiểu này được. Như thế sẽ tạo ra những tiền lệ, để ai cũng nghĩ rằng và tin rằng việc học sử đơn giản nhẹ nhàng như đánh một ván bài tiến lên. Chẳng thà nhịn đói hoàn toàn còn hơn là ăn một bát cơm với rau thịt và cả rác trộn chung trong đó.

Game thì cho ra game, kinh doanh thì cứ nói là kinh doanh. Game có cốt truyện sử cũng chả sai trái gì. Nhưng xin đừng có tư tưởng rằng có thể dạy người ta sử từ trà chanh chém gió, từ phim ảnh lãng mạn, hay từ một trò giải trí lúc nông nhàn.
-ThanhCj-