Trong cuộc sống không ít lần ta gặp phải những chuyện mà mình không thích làm, nhưng bởi vì trách nhiệm của bản thân (hoặc do người khác gán cho ta), ta phải đành lòng làm nó trong đau khổ hoặc nhàm chán không thích thú gì. Ví dụ cho chuyện ấy thì nhiều vô kể, nhưng hôm nay mình sẽ nói về một vấn đề cụ thể hơn và phổ thông đến mức mà mình biết chắc là đa số chúng ta cũng từng gian nan trải qua: đó là việc học anh văn.
Ở những năm cấp 3 trở về trước, anh văn là một thứ đáng sợ mỗi khi mình nghĩ đến. Hình dung của mình về tiếng anh là những cuốn sách giáo khoa vô vị, những danh sách từ vựng dài ngoằn cần phải học thuộc, những cấu trúc ngữ pháp được mặc định phải ghi nhớ, những bài test, những trang đề cương, trời đất, còn cả những con điểm kiểm tra chi chít và các bà cô khó ở hay nhăn nhó nữa,…  
Thấy không? Tiếng anh như thể là một cơn ác mộng trong tâm trí của mình, nó luôn xuất hiện cùng nỗi sợ. Mình chưa bao giờ cảm thấy thích tiếng anh như một người bạn, một người đồng hành mà thay vào đó là một tên khốn, một tên khốn khiếp, và mình phải cõng tên khốn ấy trên vai mỗi khi gặp nhau. Có một thời điểm mà khi nhìn vào các đoạn chữ tiếng anh cũng làm mình chóng mặt, việc nghe tiếng anh trở nên buồn nôn và cưỡng ép. Mình sợ chết khiếp khi phải mở miệng ra giao tiếp bằng tiếng anh với giáo viên và cực kì sợ sai lỗi nhỏ nào. Thời ấy, những đứa học giỏi anh biến thành những quái vật siêu nhân trong mắt mình.
Chính vì vậy, mình chưa bao giờ có thể kết nối một cách bình thường (bình thường ở đây nghĩa là lành mạnh) với môn học này. Mình bị ép phải học nó như một nghĩa vụ, một áp lực. Và bạn có thể đã biết, nếu ta trong một mối quan hệ mà hai người không hiểu được nhau, thậm chí là sợ hãi và thù ghét thì sớm muộn gì mối quan hệ ấy cũng chết yểu. Như một bông hoa chưa kịp nở đã phải tàn, chuyện học tiếng anh của mình gặp không biết bao nhiêu là trắc trở và đau khổ. Mình ghét học tiếng anh.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3 và nghỉ đại học, lần đầu tiên trong đời mình không bị ép phải học tiếng anh nữa. Mình cảm thấy như được mở cái xiềng gông suốt bấy lâu nay, mình đã được tự do. Mọi thứ dường như dễ thở hơn, bầu trời đã bắt đầu có nắng, gió đã bắt đầu thổi xoa dịu cho quãng thời gian khốn khổ khi trước.
Nhưng đó chưa phải là kết thúc của một câu chuyện. Sau khi rời khỏi ghế nhà trường, cuộc đời hoang mang và đầy lo lắng, mình biết mình cần phải làm gì đó cho bản thân, mình không thể để bản thân đứng yên trước thế giới đang chuyển động liên tục ngoài kia. Mình bắt đầu làm những việc giúp cho bản thân được tốt hơn như tập thể dục, viết nhật kí, giảm mạng xã hội, lên kế hoạch bớt thủ dâm và phim sex, đọc sách… và yeah, damn it, HỌC TIẾNG ANH!!!
Ơ kìa…
Vì sao mình lại chọn học tiếng anh trong khi mình đã từng rất ghét nó, chẳng phải mình từng choáng váng khi thấy anh ngữ hay sao? Chẳng phải mình thấy đã cảm thấy dễ thở hơn khi đã nghỉ học đấy sao?
Đúng, mình hoàn toàn đã cảm thấy như vậy. Nhưng hãy cùng nhìn thẳng, “thật ra nó cũng không phải là một thứ gì đáng xấu xí như mình hay nghĩ”, tiếng anh, tiếng việt, tiếng nhật, tiếng hàn, học bơi, học vẽ, đi xe đạp hay cả việc chat chit với bạn bè, cũng chỉ là một kĩ năng trong đời. Điều gì khiến mình thích chat chit với bạn bè hơn là ngồi học cấu trúc của thì tương lai tiếp diễn?
Vì không ai ép mình chat chit cả, mình làm nó với sự say sưa tự động, và cũng không ai chấm điểm mình hay trừng phạt mình vì mình chat chit “sai” cách cả.
Đúng vậy, là vì mình bị ép phải học anh văn và không thực sự biết dùng nó để làm gì. Hay nói cách khác, mình thật sự không muốn nó.
Về mặt khách quan, những năm cấp 3 ấy không có chỗ cho sự khuyến khích và động viên đến từ hệ thống nhà trường, thay vào đó là những cuộc chạy đua điểm số, những áp lực từng câu trắc nghiệm và nỗi sợ khi phải làm sai bất cứ lỗi lầm nào. Chính vì thế mình chưa bao giờ có được niềm ham mê và thích thú trong chuyện học tiếng anh nói riêng cả.
Hãy nhìn đứa trẻ mới tập nói mà xem, bố mẹ của nó có chỉ trích nó mỗi khi nó nói sai hay không? Hay họ khuyến khích đứa trẻ tiếp tục nói mặc cho từ “Ba” của nó méo mó như thế nào. (Nếu bạn luôn sợ quá mức khi làm hoặc chán ghét một/ hay mọi thứ trên đời, có khả năng bạn đã từng bị chỉ trích và trừng phạt nhiều trong quá khư)
Và giờ đây, khi đã bước ra khỏi thế giới áp lực ấy. Mình được tự do và bắt đầu có cái nhìn dễ chịu hơn về tiếng anh. Nhận thức được ngôn ngữ quan trọng như thế nào trong cuộc sống, mình tìm đến anh văn một cách tự nhiên nhất, bắt đầu từ những thứ gần gũi với cuộc sống cá nhân hơn. (không phải bắt đầu từ đống bài tập nữa!!)
Mình thích đọc sách của Mark Manson, nếu ai đã từng nghe qua thì hẳn đều biết đó là tác giả của cuốn Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm. Nhân tiện, nếu bạn đang cần một cuốn sách guide life thì hãy đọc nó. Mình thích ông này vì sự thành thật, nếu bạn biết Mark sẽ biết hắn ta thả fuck trong sách của mình quá nhiều. Thứ hai là do các idea mới mẻ của Mark về động lực sống, trái ngược với các self-help thường thấy. Thế là mình chìm đắm và cực mê đọc sách của Mark. Mình đọc đi đọc lại cuốn sách ấy và có ý định mua thêm những cuốn sách khác của Mark thì nhận ra rằng: trong mớ sách ít ỏi của Mark thì chỉ có Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm được dịch ra tiếng việt.
Như bạn có thể đoán, mình bắt đầu học anh văn để đọc sách của anh ta. Dần dần, tiếng anh của mình đã cải thiện. So với một thanh niên hoa mắt trước một văn bản tiếng anh, sợ xanh mặt khi người ông thầy bản xứ nói “hello”, giờ đây mình đã có thể xem phim với phụ đề anh ngữ, dịch các bài blog, dám mở miệng ra nói tiếng anh, thậm chí là thích dùng và không còn sợ sai như trước nữa, mình bắt đầu hỏi mọi người xung quanh và không còn ngại khi viết sai ngữ pháp/chính tả như trước. Trên thực tế mình còn mong rằng ai đó sẽ chỉ ra điểm sai cho mình khi thấy lỗi nữa – một điều mà trước đây mình từng cực kì xấu hổ. (Hell, đó là một bước tiến phải không?)
Chuyện của mình bắt đầu như thế đó, đó là một quãng đường dài nhưng nói tóm lại thì đơn giản như vầy: mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn khi bên dưới có tình yêu. Rõ ràng, khi trước mình từng đồng hành với môn học này như một gánh nặng, đi cạnh đó là sự sợ hãi và căm ghét và rồi mọi thứ không có kết cục gì tốt đẹp. Trường học đã không dạy mình được sự say sưa cố đế của bản thân việc học, nó đã cho mình sự áp lực.
Điều quan trọng nhất mà chúng ta học được ở trường đó là những thứ quan trọng nhất đều không thể học được ở trường” – Haruki Murakami (Tôi nói gì khi nói về chạy bộ)
Dù là gì, học tiếng anh hay buộc bịch nước mắm, mình tin là nếu ta có thể nhìn nó dưới góc độ khác thì thái độ ta dành cho nó sẽ khác đi.
Bạn muốn làm vận động viên bơi lội? Okay khoan nghĩ đến những huân chương lấp lánh đi, hãy hỏi bản thân rằng mình có chịu được những ngày tập luyện chán nản, những bài drill vô vị lặp vòng, những lúc xuống phong độ và còn ti tỉ thứ xấu xí khác xa với cái danh vọng ta hằng ao ước nữa, ta có chấp nhận nổi không? Nếu không, thì bạn chưa thật sự thích bơi lội mà chỉ mê cái hào nhoáng bề nổi của nó mà thôi.
Nó làm mình nhớ đến một đoạn rap.
“Tao biết tụi mày thằng nào cũng muốn được sống như vua Vậy thì công văn sổ sách cũng sẽ một đống như vua Và nhiều thằng gánh không nổi lại cảm thấy giống như thua” - Nah (DMCS4)
Cũng như một người bị dí súng vào đầu bị bắt chạy 42km thì sẽ đau khổ hơn rất nhiều so với người yêu chạy bộ luyện tập hàng tháng trước đó để được chạy cùng số kilomet ấy. Tất cả quy vào câu hỏi, điều này có ý nghĩa gì với ta? Ta phải trả lời câu hỏi ấy trước. Khi cái mục đích cuối cùng đã rõ ràng, thì những khó khăn phía trước sẽ trở nên “đáng yêu” hơn rất nhiều. Những cấu trúc ngữ pháp trở nên thú vị không còn vô nghĩa rỗng tuếch như khi bị ép buộc. Những món rau cũng trở nên dễ chịu hơn và không còn như cực hình nữa nếu ta thật sự có lý do thích nó. Ta phải bắt đầu làm mọi chuyện với tình yêu.
“I can bear any pain as long as it has meaning” Haruki Murakami (1Q84)
Động cơ để ta làm điều gì đó nên xuất phát từ sự say mê, ham thích. Bạn có thật sự muốn điểm cao trong môn anh văn hay không không quan trọng lắm. Câu hỏi ở chỗ bạn có sẵn sàng chịu đựng, thậm chí là thích thú, những khó khăn trong quá trình học đem lại hay không, điều ấy mới quan trọng. Vì nếu không chịu được điều ấy, hẳn bạn đã chưa thật muốn điểm số cao rồi. Hãy tìm cho mình một lý do khác, phù hợp hơn với bản thân, khiến bản thân vui vẻ thực hiện nó. Bằng không, đó sẽ là một hành trình đau khổ vô nghĩa.
Hành động học tiếng anh của mình vẫn giữ nguyên, những áp lực và sự khó khăn trong học ngôn ngữ vẫn còn đó, nhưng thứ thay đổi là động cơ phía sau. Thay vì học vì điểm số, vì áp lực phải lên lớp hãy những thứ tương tự như vậy – những thứ mình không thật muốn. Mình đã học nó vì niềm vui đọc sách, xem phim và nhiều thứ khác trong cuộc sống của mình. Lần đầu tiên tiếng anh trở nên gần gũi với mình như thế. Không còn ai chấm điểm và bắt lỗi, mình tha hồ được sai và sửa – đó là một quá trình dẫn đến thành công trong một lĩnh vực bất kì – cũng là cách mà đứa nhỏ nói vấp hết lần này đến lần khác mà không lo bị mắng.
Để làm được điều đó, trước hết phải hiểu được bản thân mình, hiểu xem mình thích và ghét cái gì, tâm tư mình dành cho thứ gì đó ra sao. Bởi thế mà cụ Nguyễn Duy Cần từng viết: Hiểu mình là cái học trước hết. Mọi thứ phải xuất phát từ bản thân mình, từ tình yêu, có như thế nó mới bền vững được. Nếu ta sống cuộc đời với quá nhiều áp lực của người khác (nhà trường, gia đình, bạn bè) mà quên mất bản thân mình, sớm muộn gì ta cũng tan vỡ, như mình và anh văn. Sức người có hạn. Ta phải hiểu được mình bỏ công ra vì lí do gì.
Haruki từng nói: đau đớn là không thể tránh khỏi, đau khổ là tự nguyện. Mình nghĩ ta nên phải thật biết động cơ của mình trước khi quyết định làm điều gì đó. Thế giới này quá nhiều nỗi đau phía trước (đau đớn là không thể tránh khỏi), vì vậy ta phải biết xem cái đau khổ nào mình chịu đựng được và nó có ý nghĩa gì.
Là vậy.