(bài viết cách đây 2 năm, hồi còn thích nói đạo lí :)) )
Mình đã muốn viết về chủ đề này từ lâu, vì bản thân cũng là một học sinh ở nông thôn. Bảo giỏi thì cũng không phải, vì người giỏi rất nhiều, nhưng sau hơn 10 năm học Tiếng Anh, những gì mình viết trong bài này đều đến từ quan sát cá nhân, mong là sẽ đưa ra được cái nhìn rõ hơn về thực trạng học tiếng anh của học sinh Việt Nam mình.  Nào, bắt đầu luôn.
Đầu tiên để hiểu thế nào là sự thiệt thòi của các bạn học sinh nông thôn trong việc học Tiếng Anh, hãy cùng nhau tìm ra 1 chuẩn mực cho việc giỏi, hoặc khá Tiếng Anh, để dễ dàng so sánh. Theo mình, một người học Tiếng Anh được coi là khá khi trình độ tầm 7,0 ielts ( all band 7,0). Mình lấy thước đo là ielts vì mình… đi dạy ielts. Đùa thôi, lí do chính là ielts là một kì thi đã được chuẩn hóa toàn cầu, và các kĩ năng của ielts mang tính ứng dụng cao, giúp ích rất nhiều trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày. Để rõ hơn, mình sẽ ưu tiên phân tích band 7,0 đối với kĩ năng nói – kĩ năng theo mình là quan trọng nhất đối với hầu hết mọi người. Viết cũng quan trọng, nhưng mình xin để sang 1 post khác.
So how to get speaking band 7,0?
+ Fluency and coherence ( độ trôi chảy): Có khả năng nói liên tục mà không cần phải nỗ lực quá nhiều ( nói cách khác là nói một cách tự nhiên, không cần cố gắng nhiều) ; có thể do dự ở vài chỗ, có thể lặp lại đôi chút hoặc tự sửa khi sai; sử dụng các từ nối và chuyển tiếp giữa các câu một cách linh hoạt.
+ Lexical resource: ( từ vựng): Sử dụng từ vựng một cách linh hoạt để thảo luận về nhiều topic khác nhau; sử dụng ngôn ngữ ít phổ biến( những từ người bản ngữ hay dùng nhưng không phổ biến ở các nước không nói tiếng anh) và các từ vựng mang tính thành ngữ ( gồm phrasal verbs, idioms, …), có thể mắc 1 vài lỗi do không phù hợp; có khả năng paraphrase hiệu quả.
+ Grammatical range and accuracy ( ngữ pháp): Có khả năng vận dụng các cấu trúc ngữ pháp đơn giản lẫn phức tạp, dù có thể không quá linh hoạt; Có thể produce những câu hoàn toàn đúng ngữ pháp một cách thường xuyên ( ước lượng tầm 80% bài nói).
+ Pronunciation ( phát âm): Có khả năng sử dụng các pronunciation feature một cách hiệu quả ( cái này bao gồm rất nhiều thứ, nôm na là nói đúng nguyên âm, phụ âm, âm vô thanh, âm hữu thanh, âm ngắn, âm dài, độ lên xuống-intonation, trọng âm-stress,….); cách phát âm dễ hiểu đối với người nghe, có thể có một vài chỗ phát âm sai hoặc thiếu rõ ràng, accent có thể có có thể không, miễn là không ảnh hưởng đến các yếu tố còn lại.
Trong 4 kĩ năng kể trên, nền giáo dục phổ thông ( được áp dụng ở các vùng nông thôn và một số trường công ở các thành phố ) dường như chỉ trang bị cho học sinh một tiêu chí duy nhất là … ngữ pháp. Tuy nhiên ngữ pháp này cũng chỉ là ngữ pháp dùng để đi thi, học sinh hiếm khi được dạy cách ứng dụng vào việc nghe nói. Về phát âm, hồi mình đi học hoàn toàn không được dạy bảng phiên âm IPA ( cái mà bất cứ ai học tiếng anh cũng cần phải nắm nếu muốn nói được), nên thành ra hồi ấy gặp từ thì cũng chỉ biết đoán mò rồi đọc sai bét hết cả, nên mình nói người đối diện cố gắng lắm cũng chỉ hiểu được 50% là cùng. Về từ vựng, cá nhân mình cảm thấy lượng từ vựng học được từ thời phổ thông có tính ứng dụng khá thấp, nếu có thì cũng chỉ đủ để giao tiếp ở trên bề mặt, không đi sâu vào từng lĩnh vực hay chủ đề của cuộc sống. Nói như vlogger duhocsinhmy thì tiếng anh phổ thông là tiếng anh du lịch. Một điều nữa mà đến mãi sau này mình mới nhận ra là từ vựng học được hồi phổ thông khác rất nhiều so với từ vựng mà người bản ngữ dùng trong phim hay trong các video trên youtube, cái này chắc do sự outdate của sách giáo khoa. Về độ trôi chảy thì khỏi nói rồi, nó là độ tổng hòa của 3 cái kia, phát âm kém, từ vựng sai và ngữ pháp loạn xạ thì tất nhiên là khó mà trôi chảy được. Tóm lại, nền giáo dục phổ thông chính là bước lùi đầu tiên trong việc học Tiếng Anh của học-sinh-không-ở-thành-phố.
Đến đây có thể bạn sẽ thắc mắc là nền giáo dục phổ thông là chung cho mọi đối tượng, kể cả nông thôn hay thành phố, vậy thì sao học sinh ở nông thôn lại thiệt thòi nhiều đến vậy trong khi học sinh thành phố vẫn giỏi bình thường. Theo mình, có 3 lí do giải thích cho điều này:
Lí do thứ nhất là điều kiện sống và tầm nhìn của cha mẹ. Ở các thành phố lớn, nơi mức sống và thu nhập của các hộ gia đình cao hơn, học sinh được tạo điều kiện thuận lợi hơn nhiều trong việc học Tiếng Anh. Những gia đình giàu gửi con vào các trường quốc tế, nơi học phí lên đến vài trăm triệu một năm, nơi các bạn được giao tiếp bằng Tiếng Anh từ bé. Những gia đình khác, thiếu điều kiện hơn một chút thì chọn cách kinh tế hơn, gửi con đi học ở các trung tâm Tiếng Anh cũng từ hồi còn bé luôn. Trong khi đó, những bạn ở nông thôn – nơi bố mẹ ít có điều kiện để làm điều tương tự, hoặc kể cả những người có tiền thì cũng không đủ tầm nhìn để gửi con đi học Tiếng Anh từ bé. ( bố mẹ ở nông thôn hầu hết không ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng nền tảng cho con cái trong việc học ngôn ngữ ngay từ nhỏ, trong khi giáo dục chính quy thì,haiz.)
Lí do thứ 2 là công nghệ. Trẻ em ở thành phố, hầu như nhà nào cũng có … truyền hình cáp. Nghe thì có vẻ chẳng có gì to tát, nhưng chính nhờ việc xem tivi 4-5 tiếng 1 ngày ( Disney channel; HBO; … - những kênh hoàn toàn bằng Tiếng Anh) đã tạo nền tảng cực tốt cho học sinh thành phố trong việc phát triển khả năng nghe nói, và quan trọng hơn là sự hứng thú đối với thứ ngôn ngữ này. Một biểu hiện khác của công nghệ là smartphone. Ai cũng biết smartphone là công cụ học TA cực tốt, nhưng cũng tương tự truyền hình cáp, các gia đình ở nông thôn thường hoặc không coi trọng vai trò của những thứ này, hoặc không đủ điều kiện kinh tế để lo cho con cái. Các bạn thử nhớ lại xem mình được mua cái smartphone đầu tiên năm lớp mấy? Mình chắc là những người cùng thế hệ mình, ở các vùng quê, câu trả lời sẽ rơi vào tầm năm học 11 hoặc 12 – rất muộn nếu so với trẻ thành phố rồi..Bản thân mình, hồi 11 khi bắt đầu đi học ielts đã phải năn nỉ bố mẹ mua cho 1 cái smartphone để tra từ điển, cũng như học TA một cách chủ động hơn qua các app ( chứ dùng 1280 đâu có học TA được). Bây giờ nghĩ lại, đôi lúc mình vẫn thấy may mắn vì hồi lớp 7 đã bắt đầu được cho đi học trung tâm, nhà được lắp truyền hình cáp. Nếu không có những thứ ấy, mình chắc không được như bây giờ.
Sự thiệt thòi thứ 3 đối với học sinh nông thôn là việc thiếu môi trường luyện tập. Điều này quá rõ ràng, số người thích học Tiếng Anh ở một trường cấp 3 ở nông thôn thường chỉ đếm trên đầu ngón tay( phần lớn trong số này được giáo dục theo kiểu … thành phố - gửi đi học thêm trung tâm ở các thành phố lớn lân cận từ nhỏ), và con số này tất nhiên là không đủ để tạo nên một cộng đồng để giúp đỡ nhau trong việc học. Hồi mình còn học cấp 3 số này chắc chỉ tầm trên dưới 5 người!!! Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn hay Vinh( Nghệ An), có những câu lạc bộ Tiếng Anh tổ chức hàng tuần, là môi trường luyện tập tuyệt vời cho người học.Một ví dụ điển hình là các buổi workshop ở ĐSQ Mĩ, nơi sự chênh lệch trong khả năng TA được thể hiện rõ giữa học sinh nông thôn và học sinh ở HN. Hôm trước mình có đến một buổi tên là “ From strangers to familiar” – đại loại là nơi mọi người đến và kết nối với nhau. Những người tham gia đều có khả năng giao tiếp, tuy nhiên hầu hết đều chỉ dừng lại ở mức cơ bản, và sự khác biệt được thể hiện khá rõ giữa những bạn sinh viên ở quê và những bạn ở thành phố. Đặc biệt hôm ấy có 1 em gái nói rất dễ nghe, ngôn ngữ thì tự nhiên vô cùng, accent gần như là american accent – mình thích nghe em này nói hơn cả Thảo Tâm hay Khánh Vy nữa. Em kể về chuyện hẹn hò, rồi khi có người hỏi thì em cũng chia sẻ luôn cách học Tiếng Anh. Mãi sau mình ngạc nhiên quá, kiểu sao nhìn trẻ mà nói chuyện yêu đương thú vị thế này, hỏi em đang đi học hay đi làm mới biết em đang đi học lớp…. 8. Surprise!!!
Tất nhiên, không phải ai ở thành phố cũng có điều kiện và tầm nhìn, cũng như không phải ai ở nông thôn cũng thiếu 2 thứ trên. Tất cả đều có tính tương đối, và với một đất nước phần lớn vẫn là nông thôn như nước mình thì những điều trên lại càng đúng hơn.
Nguyên nhân nôm na là vậy, thế thì giải pháp là gì? Hẹn các bạn ở một post khác. LOL.