Để tránh mất thời gian của bạn đọc thì: Nội dung các bài viết của mình thường có nội dung về trải nghiệm cá nhân trong cuộc sống, phân tích nó và đưa ra những kết luận. Nếu bạn thấy phù hợp thì hãy cùng theo dõi bài viết của mình nhé.
Chuyện là mình đang tham gia vào một dự án liên quan đến xây dựng thương hiệu Food&Beverage (F&B) về đồ ăn giao hàng. Bạn biết đấy, để xây dựng một thương hiệu bắt đầu từ con số 0 cho tới khi khách hàng có thể hình dung và cảm nhận thì cần làm rất nhiều thứ.
Nếu như xây nhà cần có bản thiết kế, chọn nhà thầu, chọn gạch, sắt, thép... thì việc thử vị món ăn (test món) là một trong những công việc quan trọng khi mở quán.
Nếu ai chơi với mình thì đều biết, mình là một đứa khá dễ tính trong chuyện ăn uống. Dù mình có ăn ở một quán bao nhiêu lần thì cũng không biết thực sự nó ngon hay dở cho đến khi nghe người khách đánh giá. Trừ khi quán đó hương vị quá xuất sắc.
Mình luôn có định kiến về vị giác của mình là nó không được nhạy bén như người thường, cho đến khi mình tham gia vào một buổi test món của quán mình.
Khi mình không còn ăn để thưởng thức, ăn để vui mà ăn với một cái đầu đầy phán xét, giống như lúc mình ngồi chữa bài viết của các em thực tập sinh hay phân tích một bức ảnh từ anh thiết kế xem nó đã hợp lý hay chưa vậy. Cơ quan vị giác của mình khi đó nhạy bén lạ thường, mình có thể cảm nhận từng hương vị một cách rõ rệt và bắt đầu góp ý từ những chi tiết nhỏ nhất mình chưa hài lòng.
Ôi sao xốt này ngọt thế nhỉ! Hình như khoai tây hơi bở? Sao những nguyên liệu này kết hợp với nhau tui thấy hơi kì, nhưng kì như thế nào thì tui không biết, chỉ biết là kì thôi, bạn sửa lại đi!...
Mình đưa ra hàng tá những lời nhận xét mà bạn của mình (đầu bếp) khi đó chắc chắn đầy khó chịu. Dù bạn có giải thích thế nào thì mình vẫn đề nghị làm lại.
Và kết quả là chúng mình phải test món tới 5-6 lần mà chưa xong chiếc menu khoảng 10 món.
Nghĩ lại vẫn thấy bất ngờ về mình khi đó, tại sao lại có thể khó tính như vậy nhỉ?
Source: unsplash.com
Nguyên nhân do đâu?
Có lẽ là sự kỳ vọng.
Bản thân mình khi làm những thứ liên quan đến công việc, thì luôn kỳ vọng có thể hoàn thiện nó một cách hoàn hảo nhất. Tất nhiên, năng lực mình có thể không đủ giỏi, nhưng kết quả công việc cần đủ hoàn hảo khi so sánh với một chủ thể mẫu nào đấy. Ví dụ như khi tạo một bài đăng chạy quảng cáo trên Facebook cho một sản phẩm, mình luôn đặt ra tiêu chuẩn cần ít nhất có chất lượng tốt tương tự một đối thủ trên thị trường. 
Bởi vậy mà mình luôn phàn nàn với bạn của mình: tại sao hương vị phần này không ngon như bên A, tại sao vỏ bánh không đẹp như bên B,...
Bên cạnh kỳ vọng đó,
Theo mình thì chất lượng và hương vị món ăn là yếu tố quan trọng nhất để giữ chân khách hàng khi kinh doanh ngành F&B (đặc biệt với đồ ăn giao hàng).
Mình cực kỳ vọng: "ngon" sẽ là vũ khí để cạnh tranh của thương hiệu.
Ngoài ra, dưới vai trò là một người làm marketing, mình cần một sự chắc chắn. Mình cần chắc chắn rằng bản thân cảm thấy sản phẩm mình bán thực sự tốt đủ để thấy yêu nó.
Mình vẫn nhớ câu nói của một người chị: "Nếu em yêu sản phẩm 10 phần thì em mới có thể truyền tải tình yêu đó đến khách hàng 6-7 phần."
Chính bởi vậy, mình muốn chắc chắn rằng có thể kết nối những món ăn này đến thực khách một cách đầy tự tin và thoải mái.
Nhưng cuối cùng thì...
Chúng mình cũng đã hoàn thiện menu tới những món cuối cùng.
Quả thực việc tạo ra một thương hiệu F&B hay bất kỳ một thương hiệu nào không hề đơn giản.
Mình vẫn đang trên con đường tìm tòi và học hỏi. Hi vọng có thể chia sẻ nhiều câu chuyện đến các bạn hơn.
Nếu bạn cũng đang trên con đường xây dựng một thương hiệu của riêng mình thì hãy cùng chia sẻ những trải nghiệm hay ho với nhau nhé.