Chauminhhay's Blog
Chuyện đẳng cấp, câu chuyện còn dài!
Kể từ khi xảy ra “sự kiện nổi bật” trong Môn phái, đó là việc Chánh Chưởng quản mang Bạch đai, thì trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến và bình luận trái chiều.
Tất nhiên mỗi người đều được quyền nêu lên ý kiến và nhận xét của mình.
Một số khác, vì nhiều lý do, đã không thừa nhận các ý kiến của nhiều môn đồ Vovinam tâm huyết, trong đó có cả ý kiến của những vị võ sư đáng kính.
Tuy nhiên, những lời lẽ phản bác gay gắt đôi khi vượt quá giới hạn cho phép theo truyền thống đạo nghĩa, của một bộ phận có cái nhìn thiển cận và vị kỷ, chỉ là những hành động “đổ thêm dầu vào lửa” mà thôi !
Trên thực tế, đón nhận sự phản biện từ người khác lại là một cách để chúng ta nhận ra những ‘lỗ hổng” những khiếm khuyết, để kiện toàn.
Những lời lẽ xu nịnh, a dua tâng bốc là thứ vũ khí vô hình cực kỳ nguy hiểm! có thể làm sụp đổ cả một cơ nghiệp mà trong lịch sử các vương triều trên thế giới đã vấp phải.
Bài viết mang quan điểm cá nhân dưới đây đã nằm im trong tập lưu trữ từ hơn 1 tháng qua, nghĩa là ngay từ khi có “sự kiện” nói trên. Tuy nhiên, dư luận đang dậy sóng, tôi đã chờ đợi sự “giảm nhiệt” của nó.
Xin mời quý đồng môn và các bạn xem.
Câu chuyện đẳng cấp!
 Như trong một bài viết gần đây tôi đã đề cập việc đai đẳng.
Như chúng ta đã ít nhất một lần thừa nhận rằng, đẳng cấp chỉ nhằm để đánh dấu  chương trình đã học, chứ không nhằm đánh giá một vị trí và trình độ võ thuật cao hay thấp. Điều này đã chứng minh qua các phân tích trong nhiều bài viết cùng thể loại với một kết luận rất rõ và mang tính khoa học. Đó là quy luật khắt khe của tạo hóa mà người xưa đã đúc kết thành câu “Lão lai tài tận”.
Quả vậy, không ai có thể nói rằng tôi khỏe hơn, dẻo dai hơn, sức bật tốt hơn cách đây 30 năm, 40 năm.
Vì vậy, chuyện đẳng cấp cao thấp trong võ thuật phong cho những người có bề dày cống hiến, không đánh giá thực tế khả năng và trình độ chuyên môn. Mà chỉ nhằm ghi nhận công lao của một võ sư cao tuổi nào đó mà thôi.
Tuy nhiên, tất cả những ghi nhận dưới mọi hình thức đều phải thực hiện đúng lộ trình của nó thì mới mang tính thuyết phục và để không vì thế mà gây nghi kỵ, mất đoàn kết nội bộ.
Quốc gia thì có Hiến pháp. Tôn giáo thì có Giáo luật và tổ chức đoàn thể thì có Nội quy…
Hiến pháp của một nước được quy định chung cho toàn quân, dân, cán, chính. Tức là mọi công dân đều chấp hành theo quy định của quốc gia. Sau Hiến pháp còn có các Pháp lệnh quy định riêng mang tính đặc thù cho từng tổ chức, từng loại hình, từng bộ phận cho phù hợp với hoạt động của tổ chức đó.
Dựa trên nguyên tắc chung này, nhiều tổ chức, đoàn thể đã soạn ra những quy định, quy ước chung cho tổ chức của mình. Và Môn phái Vovinam cũng vậy.
Môn quy được xem như là một “Hiến pháp” của Môn phái. Và Hệ thống Đẳng cấp được xem như một “Pháp lệnh”. Thực hiện các quy định này đều phải tuân thủ theo lộ trình và quy tắc nhất định của nó.
Khi cần bổ sung hay thay đổi Hiến pháp, Pháp lệnh thì Quốc hội phải từng bước chuẩn bị từ việc soạn  các văn kiện dự thảo,  và trải qua các kỳ họp Quốc hội để đưa đến thống nhất trước khi ban hành. Không một ai đủ quyền hạn tự quyết cho dù người ấy là nguyên thủ của quốc gia đó.
Quy lệ của Môn phái Vovinam được xây dựng bởi một Hội đồng võ sư cao cấp và được ban hành từ năm 1964.
Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử và những biến động xã hội cũng như chuyển động tích cực của ngành thể thao nói chung và Môn phái nói riêng có ảnh hưởng lớn từ trong ra ngoài nước, bên cạnh đó với chiều dài năm tháng, các quy định trước đây của Môn phái cũng không tránh khỏi sự chi phối của xã hội mà mất đi tính chất “mặc định” ban đầu.
Để đáp ứng điều này,  Vovinam lẽ ra đã phải làm công viêc cải tổ từ lâu rồi. Tu chính Môn quy (Hiến pháp) tu chính Hệ thống đẳng cấp (Pháp lệnh)…Nhưng điều đó đã không diễn ra!
Việc phá vỡ các quy lệ truyền thống mà không có một văn bản điều chỉnh nào trước đó, đã tạo ra một làn sóng dư luận bất bình trong hàng ngũ võ sư và môn đồ các cấp. Khi một số người được phong cấp mà không qua một kỳ thi cử hoặc đệ trình lên Môn phái được một công trình nghiên cứu hay ít nhất là đóng góp một luận văn nào nhằm cải thiện công tác huấn luyện, công tác phát triển cho phù hợp với trào lưu mới…Thậm chí phong đai không nằm trong phạm vi của một kỳ thi cử hay sự kiện nào cả!
Bên cạnh đó, có một vài cấp đai không nằm trong (hay chưa từng được bổ sung) vào Hệ thống đẳng cấp của Môn phái!
Nếu trước đây, và cả đến nay một số không ít võ sư, HLV không thừa nhận cấp đai Niên trưởng mà Tổng Liên đoàn Vovinam Thế giới (vovinamworldfederation) đã và đang sử dụng. Và cho đó là “đai ngoài luồng”, nghĩa là không có trong Hệ thống đẳng cấp của môn phái. Thì những sợi đai mà chúng ta thấy đâu đó, nếu nhìn vào Hệ thống đẳng cấp cũng không có, thì có gọi đó là “đai ngoài luồng” không?
Theo quan điểm của cá nhân tôi thì, Cần nhìn nhận và đưa vào Hệ thống đẳng cấp của Môn phái thêm vài loại đai nữa. Các loại đai hiện “không có” trong Hệ thống đẳng cấp này sẽ giải quyết được một số vấn đề mâu thuẫn nội bộ!
Loại đai thứ nhất là loại đai đã và đang được sử dụng là Đai Niên trưởng (Đai trắng có lằn đỏ chạy dọc ở giữa, Đai này đã được sử dụng từ nhiều năm qua ở một bộ phận Vovinam Hải ngoại). Theo tôi đó là sự cần thiết và sẽ hóa giải được một số vấn đề có tính cách nghịch lý!
Bởi. trong thực tế ở đâu cũng tồn tại một nghịch cảnh, tuy không nhiều, 2 , 3 thế hệ cùng sinh hoạt trong một nơi, một địa phương.
Đó là cấp đẳng của trò cao hơn thầy! Chúng ta đã biết, theo nghi thức của Môn phái thì khi bước vào võ đường, phòng tập…hoặc gặp người có đẳng cấp cao hơn, thì người cấp thấp hơn phải chào theo lối nghiêm lễ.
Trong một buổi lễ trang trọng nào đó được tổ chức, môn đồ Vovinam đều mặc võ phục, trong đó có cả thầy và trò đều tham dự, thì một cấp đai dành cho những người đã từng đi trước là điều cần thiết, nó hóa giải được sự lúng túng trong cách chào hỏi khi trò có đẳng cấp cao hơn thầy. Nhưng quan trọng hơn cả là sự trân trọng nhìn nhận công lao của người đi trước đã có những đóng góp đáng kể cho quá trình phát triển Môn phái. Nhưng vì nhiều lý do, người đó phải dừng lại ở một đẳng cấp nhất định, trong khi học trò vẫn tiến về phía trước!
Tuy nhiên cần có quy định cụ thể, ví dụ như người trên 60 tuổi, có thâm niên hoạt động trong Môn phái trên 20 hay 30 năm chẳng hạn, không phân biệt đẳng cấp, sẽ được phép mang đai Niên trưởng. Có như vậy thì người thế hệ sau dù cho mang đai cấp cao bao nhiêu vẫn phải chào và tôn kính người đi trước theo đạo lý của Việt Nam nói chung mà võ thuật nói riêng.
Loại đai thứ hai, đó là Đai danh dự.
Khái niệm về cụm từ “cấp danh dự” trong cấp bậc, học hàm, học vị là một vị trí hay danh xưng có trong hệ thống, trong Pháp lệnh. Nhưng dành phong tặng cho người tuy không có trải qua trường lớp đào tạo chính thức nhưng có công lao đóng góp lớn cho ngành này, thì được ngành ấy xét phong tặng danh hiệu, cấp hiệu hay học hàm danh dự.
Học vị và học hàm danh dự, có tính ngoại giao, “hữu nghị”, hơn là những chứng chỉ khoa bảng. Do đó, trong thực tế, phần đông những người Tây phương được trao học vị và học hàm danh dự ít khi nào dùng nó như là một thành tích hoạt động khoa bảng hay trình độ học vấn.
Ví dụ như trường hợp mới đây của bà Nguyễn Thị Kim Tiến, trong vai trò Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Tiến tiếp tục có sự hỗ trợ quan trọng đối với OUCRU và nhiều đối tác quốc tế khác trong việc nghiên cứu nhằm cải thiện sức khỏe và an sinh của người Việt. OUCRU nhận được nhiều lợi ích từ sự hỗ trợ, lời khuyên và hướng dẫn của bà Tiến, và nhiều thành công của tổ chức được xây dựng trên sự hợp tác này. Vì thế, bà được phong tặng danh hiệu Giáo sư danh dự của bộ môn Dịch tễ học của Đại học Oxford”.
Những cấp bậc, hay học hàm, học vị đó đều có nằm trong hệ thống. (Pháp lệnh)
Còn trong Vovinam chúng ta nhiều năm qua đã không ít lần phong tặng một cấp đẳng danh dự cho những người có công đóng góp trong công cuộc phát triển Môn phái, mà cấp đẳng đó lại không có trong hệ thống đẳng cấp! đó là cấp Hồng đai danh dự!
Vấn đề Đai Chánh chưởng quản!
Như trong bài “Suy nghĩ bên lề chuyện chiếc đai”
đăng trên Chauminhhay Blog và tạp chí Vothuat.vn, tôi đã có đề cập đến vấn đề này.
Có lẽ sẽ không ai phản đối việc Chánh Chưởng quản mang một cấp đai đặc trưng. Tuy nhiên cũng cần căn cứ vào điều khoản nào? Quy định ra sao…Như vậy việc Chánh Chưởng quản mang cấp đai mới không bị lúng túng trong buổi lễ “tấn phong”!
“Quân vương có mặc Hoàng bào thì cũng cần chiếu theo quy lệ và nghi thức của của triều đình.”
Năm nay, do sự kiện “đính kèm” này có yếu tố “bất cập”, cho nên lễ tưởng niệm Chưởng môn vào sáng ngày 27/09/2015 cũng bị ảnh hưởng lây!
Chưa có năm nào lễ tưởng niệm Chưởng môn lại tổ chức một cách lặng lẽ như thế! Không có một thông báo nào được đưa ra trên các trang thông tin! Những người tham dự hầu hết được thông báo mang tính “nội bộ” qua điện thoại hay tin nhắn!
Nếu một lễ tấn phong hay nhậm chức… đúng theo quy chế được thông báo công khai thì có lẽ sẽ không ít điện hoa, điện mừng từ đồng môn các cấp, các tổ chức Vovinam trong và ngoài nước gởi đến chúc mừng. Tuy nhiên việc này đã diễn ra khá âm thầm trong một bộ phận “nội đồ” của Chánh chưởng quản! Khi xong việc, hình ảnh được tung lên thì mọi người mới ngỡ ngàng! thật đáng tiếc!
Nếu nói căn cứ vào Quy chế khi Chưởng môn ban hành quyết định thành lập HĐCQ thì không có điều khoản nào nói đến cấp Bạch đai dành cho Chánh Chưởng quản! (văn bản quy chế điính kèm) như bài viết trên trang Website của LĐ Vovinam Việt nam đã đề cập:
(Võ sư Nguyễn Văn Chiếu – Chánh Chưởng quản Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo nhận Bạch đai lãnh đạo Môn phái theo quyết định của cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng. )
Hội đồng Chưởng quản như là một bộ phận “Quốc hội” của một quốc gia, nhóm họp, bàn bạc, ban hành dự luật rồi đem ra thảo luận, đưa vào nghị quyết và cuối cùng căn cứ nghị quyết ấy mà thi hành. Đó là một lộ trình chính quy chứ không phải là mọi việc đều tự phát theo kiểu ngẫu hứng! chưa kể chi tiết trên đai Chánh Chưởng quản không theo thứ tự màu đai như trong hệ thống đẳng cấp.
Ngày xưa, đai chưởng môn có 4 vạch màu xanh, đen, vàng, đỏ (theo thứ tự màu đai trong hệ thống đẳng cấp của Vovinam) chạy dọc theo đai. Còn nay, có thể khác hơn vì đã bỏ bớt màu đai đen thì hệ thống vẫn là xanh, vàng, đỏ, đàng này chiếc đai của Chánh Chưởng quản thì 3 màu này lại là xanh, đỏ, vàng!
Vấn đề phong cấp cho các võ sư.
Trước đây tôi cũng đã có ý kiến đề cập việc nên xét phong cấp đai cho các võ sư cao tuổi. căn cứ về thành tích đóng góp, công trình nghiên cứu hay kinh nghiệm phát triển phong trào…để phong đai thay vì bắt buộc họ thực hiện bài bản mà khả năng của họ thì đã lực bất tòng tâm!
Tuy nhiên việc xét phong cấp cũng cần theo một kế hoạch được xây dựng ngay từ đầu năm. Sau đó gởi thông báo bằng văn bản về các đơn vị, các đơn vị sẽ họp xét và lập danh sách đề nghị kèm theo “luận văn” hay một khóa luận về  “công trình nghiên cứu”, “kinh nghiệm giảng dạy, phát triển phong trào” nếu có,  gởi về Liên đoàn hay HĐCQ. Từ đó tổng hợp và đưa ra hội đồng xem xét.
Có vậy mới công bằng và minh bạch, không bỏ sót ai. Tránh tình trạng kẻ nhớ người quên, quyền lợi cá nhân thiệt thòi đâm ra dè bỉu, nghi kỵ mất đoàn kết!
Trong thể thao nói chung và võ thuật nói riêng thì khi nói đến 2 từ ”đẳng cấp” thường thì người ta muốn đề cập đến “đỉnh cao” một động tác tuyệt vời nhất. Ví dụ như: “cầu thủ A đã sút quả bóng rất “đẳng cấp” làm tung lưới đôi phương!” vì thế cần phải hiểu như vậy về cụm từ “đẳng cấp” để tránh ảo tưởng rằng mang chiếc đai nhiều đẳng, nhiều cấp sẽ đồng nghĩa với trình độ chuyên môn, trình độ kỹ thuật cao nhất !
Trên thực tế, không ít vị võ sư mang nhiều đẳng nhưng khả năng  thực hiện động tác võ thuật không còn chuẩn xác nữa, bởi đơn giản là họ đã đi qua cái thời vàng son của đỉnh cao thể lực và kỹ thuật rồi !
Vậy nên chăng chạy theo cái hào quang ảo để rồi nhận lấy những nghi kỵ về tính trung thực làm rạn nứt mối quan hệ tốt đẹp gọi là Đồng môn?
Quy chế thành lập Hội đồng Chưởng quản do Chưởng môn Lê sáng ký



#Vovinam#FVC<3