““Chuyện cũng đã qua rồi!” hay “Lẽ ra bạn nên làm như thế này, thế kia!”?!
Thực tế đã nhiều lần chứng minh rằng không ai có thể biết chính xác trong cái vòng quay vô thường của cuộc sống chứa đựng những vận...
Thực tế đã nhiều lần chứng minh rằng không ai có thể biết chính xác trong cái vòng quay vô thường của cuộc sống chứa đựng những vận may và điều xui rủi nào đang đợi mình. Dù vậy, mỗi lần phải đối mặt với chúng, đặc biệt là những điều không may, hầu như ta đều vượt qua được bằng cách này hay cách khác. Thế nhưng, khi chứng kiến một người khác vừa trải qua điều tương tự, ta dường như quên mất đi cảm nhận của chính bản thân mình khi rơi vào trường hợp đó. Và rồi, những lời khuyên, nhắc nhở tưởng chừng được nói ra với mục đích động viên và an ủi đối phương, thì chúng lại có thiên hướng trách móc hoặc cố thể hiện sự “biết tuốt” của chủ nhân. Điều này chủ yếu bắt nguồn từ việc chúng ta đánh giá vấn đề của người khác chỉ SAU KHI NÓ ĐÃ XẢY RA.
Hầu hết các vấn đề của mỗi người đều có khả năng được giải quyết một cách dễ dàng khi họ nắm rõ được bản chất của chúng. Và việc này càng đơn giản hơn đối với những cá nhân có cơ hội quan sát và tiếp nhận vấn đề một cách tổng thể. Ta có thể gọi họ là những người ngoài cuộc, những người chỉ chứng kiến, nghe kể về các trài nghiệm của đối phương. Vì sự việc đã được trình bày hoặc diễn ra ngay trước mắt, và bản thân cũng không phải là người liên quan trực tiếp đến câu chuyên nên họ thường có cái nhìn (theo nhiều người vẫn nghĩ) khách quan hơn.
Khi một người bạn tìm tới mình để tâm sự hay chia sẻ về một vấn đề của bản thân, trước khi đưa ra những lời khuyên, giải pháp cụ thể đối với vấn đề trước mắt, đa phần chúng ta có xu hướng “lên lớp” họ với các kiểu câu như: “Tại sao bạn lại hành động/suy nghĩ như thế để sự việc trở nên như hiên tại?!”, “Sao bạn có thể làm điều đó chứ, chẳng ai như bạn cả!”, “Lẽ ra bạn không nên…” hoặc “Nếu tôi là bạn tại thời điểm đó, tôi sẽ…!”,… Dù chúng ta cố tình chê trách, hạ thấp hay thật lòng có ý tốt, muốn giúp đỡ bạn mình thì những lời “dạy bảo” kia vẫn luôn khiến họ ít nhiều cảm thấy thất vọng, khó chịu, thậm chí là nổi cáu với người đối diện, và tất nhiên, đó cũng chính là những gì mà bản thân mỗi người trong chúng ta sẽ trải qua nếu phải nghe những điều tương tự.
Khi biết được nguyên nhân và kết quả thuộc về những vấn đề của đối phương, đa phần chúng ta sẽ hợp lý hoá một cách vô thức mọi giải pháp mà mình đưa ra. Dù trên thực tế bản thân chúng ta không hề có cơ sở để đảm bảo tính hiệu quả của chúng. Những gì ta nói chỉ dựa trên một cảm giác rằng trong trường hợp tương tự, nhiều người cũng sẽ làm như vậy.
Ngoài ra, không nhất thiết phải đến khi ai đó cần đến lời khuyên giúp đỡ thì chúng ta mới "lên lớp" họ. Mọi người thường bắt đầu "bài giảng" của mình ngay khi biết về một sai lầm hay một thất bại nào đó của đối phương.
Đối với môi trường học đường, những tờ giấy kiểm tra luôn là một phần không thể thiếu trong hệ thống giáo dục của hầu hết các loại hình trường lớp. Những cuộc thảo luận luôn xuất hiện sau mỗi bài kiểm tra dù ít hay nhiều. Nếu như đề kiểm tra không quá khó và bạn có thể vượt qua rất dễ dàng với số điểm cực kì cao (hay ít nhất có thể chấp nhận được với năng lực của bản thân) thì khả năng cao sẽ chẳng ai để tâm đến điều đó. Trong trường hợp bạn đạt kết quả không tốt, thậm chí đáng thất vọng so với kỳ vọng của bản thân và cả những người xung quanh thì bạn sẽ nhận lại những mẫu câu "góp ý" như: "Bài này rất đơn giản, chỉ cần áp dụng cái này rồi làm thế kia là đáp ứng được yêu cầu của đề nhưng mình không ngờ bạn lại không làm được tốt hơn!", "Hầu như ai cũng hoàn thành bài kiểm tra với kết quả cao, đến cả người kém thông minh hơn bạn vẫn có thể làm tốt!", "Nếu tôi là bạn thì tôi sẽ làm cái này, việc kia, chuyện nọ để bản thân không phải nhận về một kết quả yếu kém như vậy!",... Và tất nhiên, những trường hợp tương tự cũng thường xuyên diễn ra trong công việc hay các lĩnh vực khác trong cuộc sống.
Sẽ rất khó để có thể giấu đi sự thất vọng và hụt hẫng khi bản thân vừa mới trải qua một điều gì đó tồi tệ thì lại phải đối mặt thêm với những lời "khuyên" không mấy dễ chịu thế kia. Có lẽ, phải đến khi đã thử nhiều cách khác nhau nhưng không vẫn không thể tìm ra lời giải cho vấn đề của mình thì người ta mới tìm đến một ai đó khác. Hơn nữa, đôi lúc đối phương không cần hoặc chẳng muốn cố gắng xử lí mớ hỗn độn ấy, những gì họ cần nhất khi ấy nhiều khi chỉ là một người có thể lắng nghe mình.
Không phải cứ hết mình làm mọi thứ để giúp người khác "sửa chữa" những câu chuyện của họ thì thực tế sẽ tốt đẹp hơn. Thay vì "khuyên" đối phương phải làm hay không nên làm cái này hoặc cái kia, một lời an ủi kiểu như: "Tôi rất tiếc về những gì vừa xảy đến với bạn nhưng dù gì thì mọi chuyện đã qua rồi, và bạn cũng đã rất nỗ lực để có thể chia sẻ với tôi những chuyện này!" thật sự sẽ khiến người đối diện cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng, thậm chí có thể giúp họ suy nghĩ thấu đáo hơn về các quyết định tiếp theo. Hoặc đơn giản chúng ta chỉ cần im lặng và lắng nghe, không hơn.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất