Chuyện cũ Hà Nội – cuốn sách giúp ta thêm yêu Hà Nội của nhà văn Tô Hoài
Cảnh báo : bất kể bạn là ai, một người con sinh ra ở Hà Nội, hay một người đang sinh sống và làm việc tại đây – khi đọc cuốn sách này,...
Cảnh báo : bất kể bạn là ai, một người con sinh ra ở Hà Nội, hay một người đang sinh sống và làm việc tại đây – khi đọc cuốn sách này, hãy cẩn thận vì dễ đắm say Hà Nội ngay đấy nhé!
Chuyện cũ Hà Nội là một tập ký sự lịch sử về Hà Nội đặc sắc của nhà văn Tô Hoài về bức tranh Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX gồm nhiều mảng màu sáng – tối. Qua đó, nhà văn thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về Hà Nội thời Pháp thuộc, khi cái mới và cái cũ giao thoa bằng kiến thức rất phong phú cùng góc nhìn tinh tế, chân thực, hóm hỉnh. Mỗi mẩu truyện ngắn hay bài ký sự đều tái hiện những con người, hoàn cảnh, con đường, làng quê… cụ thể, khiến người đọc ấn tượng bởi tình cảm chân thành, nhân hậu. Giọng văn biến hóa tự nhiên, lúc tình cảm xúc động, lúc lại pha một chút trào phúng nhẹ nhàng. Đọc một cuốn sách giàu giá trị văn học nhưng ta cũng yêu thêm lịch sử, thấy ở mảnh đất ngày nay ta đứng, cha ông ta hay nhiều lớp người thiên cổ – đã sinh sống và suy nghĩ thế nào…
Hà Nội, buổi giao thời, đầy xô bồ và cạm bẫy. Chợ búa đầy cướp giật. Người ta bán người như bán món hàng. Nạn cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê nhan nhản. Tầng lớp thượng lưu sống trên xương máu, mồ hôi của người nghèo. Người lao động chân chính cũng chỉ như con kiến, hạt cát.
Bởi vậy, người lao động Hà Nội lầm than, cơ cực và đói. Người đi vật vờ như bộ xương khô dọc sông Tô Lịch. Người ta muốn đi tù để có người nuôi vợ con ở nhà. Biết nguy hiểm nhưng vẫn cố đóng đinh vào mũi mua vui thiên hạ kiếm tiền. Thậm chí, đói khát, có người coi cái chết mới là điều may mắn, hơn là được sống…
Không chỉ hướng góc nhìn và khơi dậy sự đồng cảm của người đọc vào đời sống xã hội – vật chất của Hà Nội cũ, Chuyện cũ Hà Nội còn là tập ký sự về văn hóa, phong tục với giá trị dày dặn. Một năm khó khăn, nghèo đói, tới cái tết « lo bở cả hơi tai » nhưng vẫn cố cho được miếng thịt cúng tổ tiên tỏ lòng hiếu kính. Trẻ con nghèo ăn nghèo mặc nhưng Tết đến vẫn vui với đôi guốc mộc mới, miếng khế khô lẫn mật gừng hay bánh pháo tép… Rồi lễ hội cờ người ở làng Mọc, hội rước kiệu bò ở Thủ Lệ… gợi ra không gian đậm màu sắc tâm linh và văn hóa đẹp đẽ của Hà Nội.
Đọc Chuyện cũ Hà Nội, mình như bước vào một « cỗ máy thời gian » quay về quá khứ, cùng vui, cùng buồn với người đương thời rồi khi về hiện tại lại « ồ… à… » vỡ lẽ nhiều thứ, thêm yêu Hà Nội hiện tại. Làng Trích Sài ven hồ Tây tấp nập mà mình hay ngồi ăn ốc, hóa ra trước đây là khu rừng rậm rạp, cái tên Trích Sài có nghĩa là đốn củi. Phở/ bún/ mì… chỉ chan nước không, được gọi là « máy bay không người lái », bắt nguồn từ những chiếc máy bay không người lái của Mỹ bay vào trinh sát bầu trời thành phố. Ăn phở Thìn suốt mà tới khi đọc sách, mới biết phở Thìn nổi tiếng tới giờ, là do khi xưa máy bay lao xuống đánh bom cầu Long Biên chỉ có hàng ông Thìn mở bán phở… Đấy, mấy chi tiết nho nhỏ như thế cũng làm mình thấy thú vị lắm!
Thiết nghĩ, để khai sinh cuốn sách này, nhà văn Tô Hoài không chỉ đầu tư thời gian sưu tầm, nghiên cứu, chắt lọc tư liệu mà phải dùng cả một đời yêu thương sâu sắc Hà Nội từ những điều nhỏ nhất, những con người bình dị nhất. Để rồi, thời gian thoi đưa, hôm nay và mai sau nữa, thế hệ nào đọc lại, vẫn yêu đến tận cùng mảnh đất ngàn năm thấm đẫm văn hóa, lịch sử và tình người.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất