Thật là sướng khi được ngồi lại viết cảm nhận về một cuốn sách, câu chuyện nào đó mà mình thích.

Chỉ có ảnh mèo, không có hải âu. Loài mèo khôn đến mức giấu tiệt chúng ta chuyện chúng có thể nói ngôn ngữ loài người, vì không muốn chung số phận với bầy khỉ bị dòm ngó và chỉ trỏ, hay bầy vẹt bị sỉ nhục khi cứ phải nhại lại tiếng người...

Nếu đọc "Chuyện con mèo dạy hải âu bay" 5 năm trước thôi, mình sẽ chỉ cảm nhận nó là một câu chuyện dễ thương, trong trẻo cho thiếu nhi, hoặc là "câu chuyện cuốn hút về lòng tận tâm và tầm quan trọng của việc giữ lời hứa" như bìa sách có viết. Chỉ có đến lúc này, mình mới xúc động ức nước mắt vì những thông điệp vô cùng tinh tế trong truyện. Là những thông điệp sâu sắc hơn bên trong câu chuyện yêu thương một cá thể rất khác mình nó khó thế nào, và cần phải kiên nhẫn bao nhiêu để một bầy mèo có thể không "xơi" quả trứng hay chú chim, mà còn làm mọi việc để bảo vệ nó, tìm cách dạy nó bay.

Khoảnh khắc khiến mình xúc động nhất không phải là khi cô hải âu lao xuống từ nóc nhà thờ, rồi lượn lên bầu trời đang mưa gió đầy hạnh phúc và tự do, đánh dấu ngày cô thực sự biết bay... mà là khoảnh khắc khi "mẹ" mèo, những người cha nuôi nhận ra cô hải âu bé nhỏ đã lớn, đã khởi lên mong muốn biết bay, đã chấp chới hạnh phúc mơ về bầu trời rộng lớn. Khi cô bé ấy trông thấy những con hải âu bay lượn giữa trời xanh, vô thức cũng dang rộng đôi cánh của mình trong lúc vẫn nhìn theo không chớp mắt. Và dù ngay lúc đó cô bé hải âu ngượng ngùng đã từ chối đề nghị tập bay, cô bé không tránh khỏi định mệnh của mình: là một con chim hải âu, có một đôi cách và cuối cùng rồi cũng sẽ bay.
Bài học 1: Sống là chính mình, dù người xung quanh có nói bạn là ai đi nữa
Nhưng dù kể cả khi đã nhận ra mong muốn thầm kín của bé hải âu, các bác và mẹ mèo cũng không vội vã, hấp tấp, thúc đẩy nhanh quá trình bắt hải âu tập bay nga.Thay vào đó, họ vô cùng tinh tế khi lựa chọn sẽ tôn trọng cô bé khi cô bé chưa sẵn sàng, tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi đến khi mong muốn của cô bé lớn dần và mãnh liệt đến nỗi phải tự mình nói ra "Vâng, xin hãy dạy con bay!". Điều này đọc truyện thì nhẹ bẫng, còn thực tế lại khó cực kỳ. Nhất là với các bố mẹ luôn có chiều hướng đi trước đón đầu, định hướng cho con, thấy cô bảo con có năng khiếu múa thì bắt đi học múa, muốn con tư duy tốt nên thúc con đi học đánh cờ, về nhà thấy con chưa ôn bài thì tiếp tục thúc giục "Con đánh cờ đi, con vẽ đi, con tập đàn đi..." mà thiếu đi sự tinh tế và kiên nhẫn để quan sát, để trò chuyện, hỏi han, để có thể tìm ra cách khác tinh tế hơn để hỗ trợ và khuyến khích con. Hầu hết các phụ huynh khi mình nói chuyện, đều đồng ý rằng khi con họ thực sự ham thích và muốn làm điều gì đó, thì chúng sẽ vô cùng quyết tâm và tập trung để làm được. Những việc khác mà họ muốn con làm nhưng con không làm, đơn giản đó là mong muốn củ bố mẹ, chú không phải của con!
Bài học 2: Tinh tế quan sát, kiên nhẫn lắng nghe, tìm thời điểm thích hợp để đưa ra gợi ý giúp đỡ.
Chi tiết thứ 3 vô cùng ý nghĩa là cô bé hải âu đã thử bay và thất bại đến mười bảy lần. Thử tưởng tượng con bạn cố gắng làm món bánh tiramisu, hay thử chơi bóng rổ và thất bại 17 lần, bạn có chán nản hay là điên lên và muốn con bỏ đi làm việc khác không? Thử tưởng tượng nó khó thế nào để không xen vào lần thứ 7, thứ 8 nào đấy và quyết định thay con? Thế mà mẹ mèo và các bác mèo chứng kiến đứa con cưng của mình, đứa con mà toàn bộ loài mèo ở cảng Hamburg đã thề sẽ bảo vệ, chứng kiến nó ngã dúi dụi xuống đất 17 lần, mà không một lần bảo "con bỏ đi", không đến đánh "chừa" mặt đất vì làm con đau, không nhiếc mắng "sao dốt thế, dạy mãi mà vẫn không bay được?"... Bầy mèo nhận ra chính là người thầy chưa đủ giỏi, chưa biết mình đã sai ở đâu, chưa thể giúp được hải âu con phát huy hết khả năng của mình. Và chúng đã dũng cảm đưa ra quyết định là đi tìm sự trợ giúp ở người có khả năng hơn, chấp nhận sự hạn chế của loài mèo kể cả khi đã đọc hết quyển Bách khoa toàn thư rồi. Trong thực tế đã có được mấy lần ta dám chấp nhận thất bại, chấp nhận giới hạn của bản thân, của con mình như vậy? Điều chúng ta vẫn thường làm là lo lắng và sợ hãi mỗi khi con mình, học trò mình thất bại, mình sẽ bị chỉ trích là người mẹ tồi, giáo viên kém cỏi, là không biết dạy con. ĐIều đó thật kinh khủng khi bạn bị nghi ngờ khả năng. Nên ta dựng lên quan tòa cho chính ta, bảo vệ cái tôi của mình và mắng con của mình, bắt mình phải chịu trách nhiệm cho thất bại của con để rồi cảm thấy bất lực. Nhưng thực tế là, khi ta dũng cảm chấp nhận giới hạn của bản thân và của con trẻ, ta mở được cánh cửa để đến với thế giới rộng lớn hơn, nơi các con có cơ hội học hỏi từ những người thầy vĩ đại hơn và tôi rèn được bản lĩnh, ý chí của mình.
Bài học 3: Thừa nhận giới hạn của bản thân và cho phép con được thất bại.
Bài học thứ 4: Tìm câu trả lời trong những vần thơ.
Thú vị chưa, khi "bậc thầy" quan trọng mà loài mèo tìm tới để nhờ giúp đỡ là một nhà thơ! Cả chuyện chỉ đoạn này làm mình cười khùng khục (các đoạn khác cười vì đáng yêu thôi). Vì mình biết, mình vẫn hay chế giễu các nhà thơ là tâm hồn của họ ở trên mây, xa vời với khoa học và logic, thường kì quái và thích những cái buồn nẫu ruột thê lương. Nhà thơ trong truyện cũng y chang "Có thể ông ấy không biết làm thế nào để bay với đôi cánh của loài chim, nhưng mỗi khi tôi nghe ông ấy đọc tôi luôn cảm thấy ông ấy đang bay bổng cùng với ngôn từ của mình." Và con người đó đã tìm thấy câu trả lời cho bài toán "làm thế nào để cô bé hải âu có thể bay", ông tìm thấy nó trong một bài thơ của Bernardo:
"Nhưng những trái tim nhỏ bé
- Những trái tim của thần bay lượn -
Không khao khát gì hơn
Những cơn mưa hoang dại
Những cơn mưa mang lại luồng gió thổi
Những cơn mưa mang lại ánh mặc trời"
Mình tự hỏi, có phải những tri thức cổ xưa cũng từng được ẩn giấu trong những vần thơ như vậy? Bây giờ khoa học có thể tìm ra rằng hải âu bay tốt nhất trong điều kiện mưa bão. Nhưng trước khi các nhà khoa học tìm cách chứng minh được điều đó, dựa vào cấu tạo cánh, đuôi, sức gió, tốc độ nước rơi... thì từ xa xưa con người đã phát hiện ra điều đó, các họa sĩ đã điêu khắc hình ảnh đàn chim bay trên những vách đá, trống đồng, các vũ công đã múa điệu múa của hải âu để gọi mưa hay cầu nắng, và các nhà thơ đã miêu tả nó trong những bút tích của mình. Trong nghệ thuật ẩn chứa không chỉ tiềm năng sáng tạo, mà còn là thứ tri thức cổ xưa được lưu truyền bằng ngôn ngữ của nghệ thuật, của hình ảnh và của chuyển đông. Khoa học chỉ là thứ đến rất sau.
Vậy bài học cuối cùng mà mình  nhận ra, đấy là hãy để con chúng ta và chính chúng ta tiếp cận với nghệ thuật. Sử dụng nghệ thuật là một công cụ mạnh mẽ trong gíao dục, để nuôi dưỡng và phát triển cái tôi sâu thẳm nhất của mỗi người.