Vào lúc 9h kém 10 ngày 19 tháng 8 năm 1999 - đúng 54 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công, cô A chào đời trong niềm hạnh phúc của bố mẹ. Bố cô A xé tờ lịch ngày con gái rượu đến với thế giới đem đi ép plastic. Ông giữ tờ lịch đó như báu vật và đặt tên cho cô với chữ "Diệu" - trong "con gái diệu", và trong "những điều kỳ diệu" - lúc nào có dịp ông cũng nhắc đi nhắc lại điều này. 
- "Diệu" tức là sau này con sẽ làm nên những điều kỳ diệu.

Khi cô A tròn 18, ông trao lại cho cô vì giờ cô đã đủ trân trọng thứ kỷ vật vô giá đó. Cô có một người bố yêu cô hết lòng.
Nhưng đời có là mơ, hay đời vẫn là mơ cứ như một giấc mộng hồ điệp, một ngày không nắng không mưa, cô A đem lòng yêu một người và cô nghĩ: à, chắc người này đối xử tốt với mình nên người đó sẽ không bao giờ làm mình tổn thương. Cô nghĩ gì thế, cô A?
Cũng nhân ngày không nắng không mưa, chẳng có gì làm dấu hiệu cho một bi kịch, đúng cái lúc bệnh trầm cảm của cô A chuyển biến nặng nhất, người cô yêu bảo với cô một câu mà cô không bao giờ quên:
- Em là ác mộng. Em là gánh nặng.
Ôi thế thì hỏng rồi: cô chẳng làm nên điều gì kỳ diệu. Cô làm ác mộng.

Ấy vậy mà cô A không chết. Các bạn đọc truyện tới đoạn cao trào mà nhân vật đã đứt lủng lẳng lại bị thêm một nhát thì thể nào chẳng đứt lìa, nhưng cô A lại không chết. Cô dành nhiều tối để khóc tu tu và khóc ở trong nhà vệ sinh cơ quan nữa - cứ như phim - nhưng cô không chết. Thế mới kỳ cục. Cô A ngoan cố. Phàm khi người ta muốn cô chết, cô lại như cái cây mọc thêm nhiều lá mới, vươn thêm nhiều cành non. Cô cứ đứng đó, lì lợm, trân trân nhìn thẳng vào hai chữ "ác mộng".
EM LÀ ÁC MỘNG.
Cô A vẫn nhớ cái ngày bạn cô lóc cóc đèo cô vào viện đại học Y khám trầm cảm. Ủa, sao giờ ai cũng bị trầm cảm thế? Cô nhớ lại một comment của đứa nào đó. Làm như là bà đây muốn thức dậy từ 5 giờ sáng để lấy số chen chân ngồi chờ tới tận 11 giờ lấy kết quả xét nghiệm rồi lại chờ lấy thuốc rồi nôn đống tiền ra vậy. Cô nghĩ. Cô A nhìn vào mắt bác sĩ và bảo: Bác là hi vọng cuối cùng của cháu. Và đúng thật. Đi nói chuyện với nhà tham vấn không được kết quả gì, bệnh làm cô A khó kết nối với người khác. Cô quen giả vờ, quen bọc đường nỗi đau của mình tới mức nói chuyện với người giúp cô cũng không đặng. Cầm bịch thuốc trên tay, gọi cho mẹ, cô lặng lẽ khóc. Tiên sư cái thằng, dám hạ một đòn nốc ao lên tao. Mày được.

Cô A hay viết mấy cái bài trên diễn đàn đọc lên thì trông như của một con mụ già ghét đàn ông, nhưng cô A mới chưa được 22, mà cũng không ghét đàn ông mấy. Sau vô số vụ đau điếng thì cô vẫn như cái cục bột, vẫn nghĩ ai cũng có lý do riêng để làm này làm kia rồi cho qua. Đêm vẫn mò vào xem trang cá nhân rồi khóc. Nhưng cô không hận. Hận xấu cả người chứ làm gì.
Cô A đọc được ở đâu cái câu mà: Cách trả thù đỉnh nhất là sống thật tốt. Cô làm theo răm rắp. Sau khi bị vứt vào tình huống bạn thân thì bơ, người yêu thì bỏ, cô A nhận ra soulmate chẳng là cái đách gì. Cũng là cái đách, nhưng không phải một người. Thực ra ai cũng có điểm gì đó giống cô, chia sẻ được với cô. Lúc cô đau đớn, cô vỡ vụn, những người đó lần lượt ghép cô lại thành A. Cô không cần tìm sự thấu hiểu từ người khác nữa: càng tìm càng chứng tỏ bản thân không thể cho mình thứ ấy. Cô học được rồi, học được rồi. Học được cái câu mà cô vẫn dè bỉu khinh bỉ: Yêu bản thân trước. Mất 21 năm để học.

Cô A vui. Cô dành tình yêu cho người và cho cây cỏ. Cô A thi thoảng trốn việc ra mấy cái chậu cây trong tòa nhà mà ngắm. "Mình đấy". Cô nghĩ. Cô là cái cây. Cô còn đang mọc. Và cô thấy vui vì cô đang mọc và cô còn ngu. Một sự ngu trìu mến, một sự ngu bình yên. Cô yêu sự ngu của mình, vì sao mà lúc cô ngu, cô đáng yêu và đáng thông cảm. Rất được.