Một bài viết hay phản ánh về sự thay đổi "lệch" về một điều đời thường và gần gũi với mọi người dân Việt- Đi chùa.
Bài viết của Ông giáo làng- https://onggiaolang.com/
Ở Việt Nam, làng nào cũng có một ngôi chùa, có làng vài ba ngôi. Dù to nhỏ, ở giữa hay ngoài rìa làng, ngôi chùa rất gần gũi với con người. Mỗi khi tới chùa, cảm giác đầu tiên là sự tĩnh lặng. Mái ngói rêu phong, những mảng tường gạch xây có nơi đã bong lớp vữa ngoài.
Dưới tán cây, ngôi chùa nép mình khiêm nhường như lánh xa cõi đời đầy gió bụi. Phảng phất hương của sói, của ngâu, của mộc, của ngọc lan… những loài hoa ít sắc nhưng đượm hương cùng hương trầm phảng phất. Từ ngoài, bước vào chùa, như bước vào một thế giới khác, lánh xa cõi trần tục đầy bon chen nhiễu nhương xô bồ.
Các sư trụ trì, từ sự cụ, sư ông, sư bác, đến sư thầy hay chú tiểu đều ăn mặc nâu sồng, bước đi lặng lẽ như lẫn vào trong cảnh vật của ngôi chùa bình dị. Dù lúc ngồi niệm Phật đọc kinh hay đi lại, quét tước, làm vườn làm ruộng, tôi đều thấy họ như những cái bóng không tạo nên sự chú ý đặc biệt nào. Chỉ cần bước chân vào chùa, ta đã được chào đón bằng một lời quen thuộc: “A di đà Phật!” của những người cùng ngưỡng mộ Đức Phật Tổ. Rồi dù chỉ mang theo thẻ hương và gói hoa, bạn cũng được tiếp đón ân cần, giúp xếp hoa trên cái đĩa nhỏ, thắp ba nén hương, thỉnh chuông với thái độ trang trọng chuẩn bị chu tất giúp bạn làm việc tin ngưỡng trước Phật tổ.
Các vị sư trụ trì trong mỗi ngôi chùa thường sống dựa vào những hoa lợi do vườn chùa, ruộng chùa mang lại. Để canh tác, các vị dù tuổi đã cao, sức không được khỏe mạnh như trai tráng lực điền cũng phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt”. Chỉ đôi khi vào vụ gặt, các “thiện nam tín nữ” mới giúp nhà chùa một vài buổi cho kịp thời vụ. Các phiên chợ trong làng thường thấy các vị với vẻ ngoài nâu sồng mang hoa trái trong vườn chùa ra bán. (Cũng có khi mấy bà vãi thay nhau bán giúp). Sinh sống bằng mồ hôi đổ ra, nên cuộc sống trong chùa thường đạm bạc. Sân phía sau, không thể thiếu chum tương, vại cà, cùng bên ngoài có ao rau muống hoặc mảnh vườn mùa nào thức ấy. Quan hệ giữa các vị trụ trì cùng dân làng cũng thân tình, gần gũi. Chạy sang chùa, xin sư cụ một lời khuyên cho công việc gia đình, một thang thuốc nam bằng những cây thuốc trồng trong vườn chùa, chạy sang quét đỡ cái sân chùa trong lúc nhà chùa bận bịu, ngày rằm mồng một, hay ngày lễ ngày hội, nhiều người tới làm giúp, tay năm tay mười khiến không khí trong chùa khác hẳn ngày thường, …
 Đó là những việc thường xảy ra trong các ngôi chùa làng trước đây. Đời sông những người trong làng không thể thiếu vắng bóng dáng mái chùa và những con người sống thầm lặng với tấm lòng từ bi hỉ xả.
Người tới chùa ai cũng ăn mặc nghiêm cẩn, dáng đi nhẹ nhàng, nói năng chừng mực. Họ đứng trước bàn thờ im lặng, nhiều lắm cũng chỉ nghe tiếng “xuýt xoa”. Không gian yên tĩnh giúp con người đối diện với Đức Phật, khấn nguyện bằng an, cầu xin được tha thứ vì đã có chút lầm lạc, …. Tất cả đều diễn ra nghiêm trang và thành kính. Để tới khi ra khỏi chùa, con người trở lại với tâm thế thanh thản, nhẹ nhàng, bao nhiêu gánh nặng được trút bỏ.
Nhưng từ vài chục năm nay, những ngôi chùa đã thay hình đổi dạng. Bên ngoài, mái chùa mang dáng dấp của những ngôi chùa phương bắc. Phía dưới, các loại gạch men nhiều màu bóng loáng cùng với những bức tượng sơn son thiếp vàng, những đèn màu xanh đỏ nhấp nháy. Trên bàn thờ Phật, những lon bia ngoại, nước ngọt coca-cola, rồi mâm cao cỗ đầy, đủ loại bày chồng chất, nhất là vào những ngày sóc vọng, rồi xì xụp khấn khứa, bao ước vọng “thích đủ thứ” của các bà các cô “mắt xanh mỏ đỏ” được kêu cầu, người đi lại ra vào chen vai thích cánh như mắc cửi, mùi nước hoa đủ loại nức mũi, cảnh người đứng sau vái lưng người đứng trước … khiến cho người ta không còn cảm giác bước vào ngôi chùa để chờ đợi một sự sẻ chia, tìm được một sự thanh thản. Không chỉ cầu ăn nên làm ra, tiền vào như nước, nghe nói có bà cũng từng du học nước ngoài, học hàm học vị đủ cả, không chỉ cầu xin danh cao lộc hậu, còn xin Phật trừng trị đối thủ đang cạnh tranh cái ghế cao chót vót của đức phu quân. Cuối cùng, không biết có phải do sự trừng trị của Đức Phật mà rồi “thân bại danh liệt”. Trong chùa mà có vẻ như còn xô bồ hơn cả ngoài đường phố nhiễu nhương.
Chùa nào cũng nhiều hòm công đức. Điều này không lạ. Ở Myanmar, một đất nước có truyền thống Phật giáo như nước ta, tôi cũng thấy như vậy. Vấn đề là ở chỗ tiến trong đó được sử dụng như thế nào.
Thay vào màu nâu sồng của quần áo, nét mặt đăm chiêu, lặng lẽ, các vị sư ngày nay mặt mũi phương phi biểu thị một cuộc sống dư thừa, quần áo một màu vàng chóe đến lóa mắt, đi lại hiên ngang như những dũng tướng trên chiến trường. Luôn thấy các vị lần tràng hạt nhưng nhìn vẻ mặt người ta chắc đó chỉ là thói quen của mấy ngón tay. Ngoài đường, các đệ tử của Phật Tổ Như Lai phóng xe máy hạng sang cùng điện thoại loại sành điệu nhất chẳng chịu thua kém những trai thanh gái lịch. Rồi các vị cũng nhận huân chương cũng đăng đàn diễn thuyết nói tới chủ nghĩa xã hội, … Trước sự tấp nập của những người hâm mộ, các vị không còn giữ được vẻ khiêm nhường của những người ăn mày cửa Phật trước đây.
Tờ giấy bạc vốn vẫn được coi là vật uế tạp không được đặt lên ban thờ nay nằm hãnh diện trên đĩa cùng khói hương như hun để hối lộ thánh thần. Sợ chưa tỏ rõ lòng thành, người ta còn nhét từng tờ bạc lẻ vào tay, vào vạt áo, vào bất cứ chỗ nào có thể nhét được trên tượng Phật. Chắc dưới con mắt của những “chúng sinh” này, Phật cũng chỉ giống một quan chức cấp cao, quan chức hạng đặc biệt ở cõi trần thế có thể làm tất cả mọi người toại nguyện miễn là được thỏa mãn cái nhu cầu “đầu tiên”.