Nữ, 23, yêu hòa bình ghét trời mưa, mong muốn tìm trường làm PhD phù hợp.
Nữ, 23, yêu hòa bình ghét trời mưa, mong muốn tìm trường làm PhD phù hợp.

Ngốc nghếch đúng độ tuổi

Trong hành lý của tôi có một cái thớt.
Không phải loại thớt nhựa trắng dùng một vài tháng là ngả vàng, hay là thớt tre đập tỏi mạnh tay một cái là nứt đâu. Đây là một cái thớt gỗ nghiến, dày năm phân, cái loại mà cả tuổi thơ bạn bị ám ảnh sợ nó rơi vào chân ấy. Thứ thớt này có thể dùng để băm thịt chặt xương mười mấy năm cũng không xi nhê gì.
Tôi còn mang cả dao nữa. Một bộ ba con nhé: một con dao phay to bản để chặt xương, một con dao bếp, và một con dao gọt hoa quả. Dao mua ở phố Nguyễn Khuyến, dày khự như vũ khí thời kỳ đồ sắt, và tất nhiên là chẳng có bao bì gì cả, chỉ cuộn giấy báo lớp trong lớp ngoài, chủ yếu là để bảo vệ những thứ khác trong hành lý. Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn ngạc nhiên là hệ thống dao này có thể trót lọt qua tất cả các cửa kiểm tra hành lý của bốn sân bay — Hà Nội, Tokyo, Texas, Missouri — để sang tới nơi nguyên vẹn cùng tôi.
Không phải tôi đi sơ tán đâu, mà là đi du học đấy. Tôi sang học ở trường Đại học Missouri, Mỹ. Tôi mang theo dao thớt là vì trong bản “Hướng dẫn dành cho sinh viên mới” của Hội sinh viên Việt Nam của trường có ghi rõ ràng rằng, bên này dao thớt rất kém, tốt nhất là mang theo sang. Bản hướng dẫn ấy còn nói, bột canh gia vị bên này không đúng vị, khó ăn, vì thế cũng nên mang theo. (Tôi mang theo hai chục gói. Đi năm năm cơ mà, phải mang đủ ăn chứ.)
Tất nhiên là sau khi sang tới nơi thì tôi nhanh chóng hiểu ra rằng việc mang dao thớt và bột canh là hơi ngớ ngẩn. Không chỉ dao thớt và bột canh, mà tôi thấy phần lớn đồ đạc mà tôi mang sang đều là không cần thiết. Vì kinh nghiệm này mà khi một người bạn sang sau tôi một năm hỏi “nên mang gì sang?” thì tôi đã trả lời: “Thích mang gì thì mang, bên này cái gì cũng có, không lo đâu.” Mãi đến năm sau nữa, khi cô bạn ấy Cc tôi trong một email gửi cho một người bạn khác, cũng lại sắp sang và cũng lại hỏi “nên mang gì sang,” thì tôi mới biết lời khuyên của tôi đã gây ra chuyện gì. Trong email ấy, cô bạn viết:
“Nhớ mang quần áo, đồ lót và tất.”
Thế mới biết, không phải lời khuyên nào của những người đi trước cũng nên nghe theo. Người ta rõ ràng là có ý tốt, muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình, muốn bạn không đi vào vết xe đổ của họ, nhưng đôi khi những kinh nghiệm đi trước đó khi áp dụng vào bạn lại không có tác dụng như chủ ý, thậm chí đôi khi còn phản pháo và trở thành một lời khuyên tai hại. Đóng hành lý mang theo chỉ là một chuyện con con, khi những lời khuyên ấy phản tác dụng thì chỉ gây ra một vài chuyện cười để sau này có cái mà kể lại. Nhưng nếu rơi vào một việc quan trọng hơn — như là việc chọn trường để đi du học chẳng hạn — thì những lời khuyên này sẽ dẫn đến chuyện gì?
Để tôi kể ví dụ cho bạn nghe chuyện chọn trường của tôi.
Vài dòng lý lịch: tôi đi du học là ở bậc cao học. Lúc chọn trường là tôi đã được học bổng VEF, một trong những học bổng có tiếng dành cho các ngành tự nhiên và kỹ thuật hồi đó. Vì được đeo cái mác học bổng có tiếng như vậy, nên tôi nộp hồ sơ khá dễ dàng. Tôi nộp vào khoảng một tá trường và được tám nơi gửi thư chấp nhận.
Trong tám trường đó, có ba trường ở California: UC Berkeley, UC Riverside, và UC Davis. Davis có một chương trình hợp tác với trường đại học của tôi, tôi lại còn có một thư giới thiệu rất tốt của một giáo sư trường này. (Mẹo nhỏ: Nếu bạn nộp hồ sơ cao học, hãy liên hệ thật sớm với giáo sư mà bạn muốn làm việc cùng và nếu có thể thì xin bác ấy viết thư giới thiệu cho. Một khi có thư giới thiệu của giáo sư trong trường thì khả năng được nhận là rất cao.) Ngành Sinh thái của Davis xếp hạng nhất nhì trong cả nước Mỹ. Tôi nộp thẳng vào đây và được nhận. Trong thư nhận học, Davis còn hứa cho tôi một cục tiền học bổng khá to. Nhưng khi lấy cục tiền đó so với mức sống đắt đỏ của thành phố này thì tự dưng tôi lại thấy nó nhỏ đi hơi nhiều. Thế là thôi, gạch.
Berkeley là trường có tiếng nhất trong số ba cái UC nhận tôi. Nếu vào đây học thì kể ra cũng oai lắm, đi đâu có thể khoe “Tôi học Berkeley đấy.” Nghĩ thế, tôi cũng liên lạc với giáo sư tương lai mà tôi muốn cùng làm việc ở trường này. Đáp lại tôi là một email lạnh nhạt: “Liên hệ với trường.” Thế là tôi liền giận hờn vu vơ, “Được thôi, người ta đã không cần mình thì mình cũng không ì xèo làm gì.” Tôi vẫn nộp vào Berkeley, vẫn được nhận, nhưng sau đó tôi gạch luôn Berkeley ra khỏi danh sách lựa chọn. Tôi không muốn làm việc cùng một giáo sư như thế. Thấy tôi kiêu chưa? Đã đi xin học mà lại còn chảnh.
Sau này tôi mới biết, không có cách nào biết được một người cho tới tận khi làm việc chung với họ một thời gian kha khá dài. Không thể đánh giá họ qua vài chiếc email, hay qua mấy dòng trên website mà cả tỉ năm họ không cập nhật. Nhưng đó là chuyện sau này. Còn lúc đó, tôi chưa đầy 23 tuổi, tôi đang ngồi giữa một mớ thư mời nhập học, nên tôi kiêu căng và ngốc nghếch cũng là hành vi đúng độ tuổi thôi.
Ngược lại với Berkeley, giáo sư ở Riverside lại rất niềm nở chào đón tôi. Thầy đã có hẳn một đề tài cụ thể, tôi vào chỉ cần thẳng đường làm xong là tốt nghiệp. Vào Riverside, tôi sẽ không cần suy nghĩ chuyện đề tài của mình sẽ là gì, hay lo lắng việc lỡ như giữa chừng đề tài hết tiền thì tôi sẽ phải đi bưng phở kiếm tiền nuôi thân. Mọi thứ bày ra ngon lành như thể ai đấy đã nấu sẵn mâm cơm, chỉ chờ mình về ăn.
Nếu có ai hỏi vì sao tôi không chọn Riverside, thì tôi cũng chịu chẳng biết trả lời thế nào. Chắc là do máu phiêu lưu và lãng mạn của tôi lại nổi lên. Chưa sang đến nơi mà đã bị gắn vào một ông thầy, một cái đề tài, thì nghe chán quá. Cứ như là bị bắt phải ổn định ấy. Mị còn trẻ mà, mị còn muốn tung tẩy cơ.
Thực ra, sợ ràng buộc không có gì là sai cả. Đi làm nghiên cứu sinh tiến sỹ là vùi đầu vào một nơi đến sáu, bảy năm liền. Chưa “sống thử” thì làm sao biết là hợp nhau? Nhiều trường cao học có chương trình luân phiên nghiên cứu (lab rotation) trước khi nghiên cứu sinh chọn vào một giáo sư cuối cùng. Chương trình lab rotation này thường yêu cầu bạn luân phiên qua ba lab, mỗi nơi ba tháng, làm xong là mất đứt gần một năm đầu tiên. Hồi ấy, tôi chưa hiểu cái chương trình sống thử này có gì hay ho. Nhìn bạn bè phải mất thời gian rotate, tôi còn thấy khổ thân cho họ. Sau này thông não xong thì tôi hiểu ra rằng, đổi lại với thời gian bị mất ấy là rất nhiều kĩ năng và trải nghiệm để lựa chọn ra chốn dung thân tốt nhất. Nhưng mà đấy là chuyện sau này.
Còn lúc đó, tôi còn đang bực mình vì Columbia (New York) nhận tôi, nhưng với điều kiện là tôi phải đi thi lại TOEFL. Điểm của tôi là 94/120, và Columbia có lẽ cho rằng vì mình là Ivy League nên mình có quyền kiêu và chỉ nhận sinh viên có điểm từ 100 trở lên. Nhưng chẳng may, Columbia lại ra điều kiện đó với một đứa gàn dở là tôi, thà bỏ qua cơ hội vào Ivy League chứ không chịu bỏ tiền ra đi thi lại TOEFL.
Đề tài tốt cũng chê, Ivy League cũng chê. Thế tóm lại là cái thể loại gàn dở này muốn đi học trường nào?
***

Nam thứ hoàn hảo

Hai cái tên vào chung kết chọn trường của tôi là Fordham và Missouri, Columbia (MU).
Tôi bắt đầu bằng một việc mà sinh viên Việt Nam nào cũng sẽ làm khi phải đứng giữa hai trường: lên mạng xem đánh giá tổng quan và xếp hạng của hai trường này trên các website danh tiếng. Hiệp một này, Fordham thua tơi tả. Fordham chỉ là một trường tư nhỏ ở New York, ít ai biết tới. Còn MU là đại học lớn nhất bang Missouri, với hơn 10000 sinh viên. Ngay cả Hội sinh viên Việt Nam ở MU hồi đó cũng có tới cả trăm người rồi.
Fordham lọt được qua vòng loại để vào chung kết với Mizzou là bởi một giáo sư tôi rất muốn làm việc cùng có liên kết với trường này. Thầy là giám đốc Vườn Thực vật New York — cũng là nơi sẽ chính thức đỡ đầu tôi, còn Fordham chỉ là cơ sở liên kết đào tạo mà thôi. Vườn Thực vật New York đã cho tôi một thư nhận học trong mơ. Ngoài việc được làm việc cùng giáo sư đầu ngành, tôi sẽ được nhận một mức học bổng đủ sống ở thành phố New York (tức là một con số rất gợi cảm), và mỗi năm sẽ có tám tuần nghỉ có lương để dùng vào việc đi nghiên cứu thực địa.
Nhưng trên đời chẳng có gì là hoàn hảo. Vườn Thực vật New York và Fordham nằm rất gần nhau trong khu Bronx của thành phố New York.
Bạn thử đi Google “Bronx” đi. Trong mục Tin mới nhất trên đầu trang kết quả, khả năng cao là bạn sẽ thấy những dòng như thế này:
“Tài xế Uber bị đâm chết ở Bronx.”
“Thiếu niên bị bắt sau khi xả súng trên đường phố đông người tại Bronx.”
“Một người đàn ông 60 tuổi bị cướp và đánh tại Bronx.”
Ngay cả một đứa chưa từng đặt chân ra khỏi đất nước Việt Nam là tôi hồi đó cũng nhanh chóng được Internet dằn mặt rằng Bronx là khu vực lộn xộn và kém an ninh nhất trong thành phố New York.
Không đành lòng từ bỏ lời mời trong mơ của Vườn Thực vật New York, tôi đi hỏi những người bạn đã hoặc đang sống ở Mỹ. Ai cũng nói: “Trời ơi đừng có đi học ở Bronx! Nguy hiểm lắm!”
Vẫn không đành lòng, tôi đi hỏi một người thầy mà tôi rất tin tưởng. Thầy là người đi nhiều, hiểu nhiều. Tôi muốn biết độ an toàn của một khu vực có thực sự quan trọng đến thế không? Thầy đáp rằng có. “Nghiên cứu cao học là phải đi sớm về khuya rất nhiều, con nên chọn chỗ nào mà đi lại an tâm thì hơn.”
Trong khi đó, MU đứng sừng sững như một nam thứ hoàn hảo không tì vết trong tiểu thuyết. Giáo sư mà tôi liên hệ ở MU là một cái tên đình đám trong ngành, website của thầy nhìn rất hoành tráng, còn email thầy gửi thì vô cùng ân cần. Mức học bổng của MU không hề tệ (chi phí sinh hoạt ở đây không cao, có lẽ là thấp nhất so với các trường mà tôi nộp vào). Hội sinh viên Việt Nam rất đông đảo và nhiệt tình giúp đỡ người mới. Giấy tờ, thủ tục qua nhanh như gió. Tôi có đào bới điểm xấu của MU ra cũng không thấy. Duy nhất có một email từ một nghiên cứu sinh sắp tốt nghiệp trong lab tương lai của tôi là nghe có vẻ ngại ngần. Nhưng chỉ là “có vẻ” thôi, không ảnh hưởng gì tới hào quang của MU.
Và thế là tôi chọn MU.
(MU: Tên đầy đủ của trường này là University of Missouri, Columbia. Có thêm cái đuôi “Columbia” là vì trường có vài campus (cơ sở?) nằm ở các thành phố khác nhau thuộc bang Missouri. Campus mà tôi học nằm ở thành phố Columbia. Đừng nhầm với Columbia University, là tên cái trường Ivy League ở New York vừa bắt tôi đi thi lại TOEFL. )
Em có cảm giác như đang chuẩn bị phải lấy một người mà mình không yêu, anh Mizzou ạ.
Anh New York, giàu nhưng xã hội đen, em lại là gái nhà lành, em không có thú chơi nguy hiểm.
Anh Hawaii, đẹp mã nhưng biên giới hải đảo, em chẳng dám lấy chồng xa.
Mấy anh ở Cali, tư chất thông minh ngoại hình đẹp đẽ, nhưng tài chính bấp bênh.
Nên cuối cùng em đến với anh, Mizzou. Anh không quá giàu nhưng đảm bảo cho em một cuộc sống yên ổn. Anh nhốt em trong nhà nhưng em đỡ phải lao động chân tay. Và điều quan trọng nhất là: em cảm động trước tình cảm chân thành anh dành cho em…
Đoạn vừa rồi là tút Facebook của tôi sau khi chọn trường. (Mizzou là tên thân mật của MU.)
Thôi nói luôn cho nó vuông. Tin xấu là tôi đã chọn sai, mở đầu cho con đường cao học đầy chênh vênh. Kết cục là sau đó sáu năm và dăm lần chuyển lab, tôi bỏ ngang chương trình cao học. Cho tới bây giờ, đôi khi tôi vẫn nghĩ, nếu như hồi đó mình chọn Fordham thì bây giờ mình đang làm gì?
Còn tin tốt… Thôi cái này để sau.
***

Chọn con tim hay là nghe lý trí?

MU hóa ra không phù hợp với tôi. Giáo sư hóa ra không như những email ngọt ngào và những dòng lấp lánh trên website. Và phải đến khi có một bạn liên lạc với tôi hỏi về việc vào lab, và tôi viết thư trả lời, tôi mới nhận ra thư của mình nghe y hệt như cái email “có vẻ ngại ngần” mà tôi nhận được hồi còn đang chọn trường.
Bây giờ thì tôi biết vì sao người đó lại không nói thẳng ra, “Đừng vào lab này.” Họ đang là nghiên cứu sinh. Họ mệt mỏi và mơ hồ. Họ nghi ngờ bản thân mình, không biết cảm giác khó ở này là vì lab và vì thầy, hay là vì chính mình không có năng lực. Họ nghĩ rằng, dù sao kia cũng là quyết định của người ta, mình thì đang quá tiêu cực, mình không nên kêu ca, kẻo lại ảnh hưởng tới tương lai của họ.
Nhưng khi tôi đọc email của họ thì tôi không biết những điều này. Tôi đi hỏi xin kinh nghiệm, và ai cho gì, tôi biết nấy. Tôi không biết rằng:
1. Phía sau mỗi lời khuyên là một dòng suy nghĩ của riêng từng người, một cảnh hậu trường mà họ không nói hết với mình; và
2. Lời khuyên đó dựa trên trải nghiệm của họ, và có thể đúng với họ nhưng lại không áp dụng được cho mình.
Quan trọng hơn cả, tôi đã không lắng nghe chính mình.
Lắng nghe bản thân mình dễ bị coi là hành động cảm tính, thiếu lý trí. Nhưng cảm tính ấy từ đâu mà ra? Khi đứng giữa hai lựa chọn, bạn thấy một bên rõ ràng là tuyệt vời hơn bên kia rất nhiều, nhưng bạn vẫn băn khoăn, thế là vì sao?
Liệu có phải vì bạn rất thích lựa chọn không-tối-ưu ấy không?
Đừng vứt chữ “thích” ấy đi. Bởi vì khi việc học hành hay nghiên cứu gặp trắc trở, đấy là thứ khiến bạn đi tiếp. Khi trời mưa dầm dề hay tuyết mù mịt ở một nơi xa lạ, đấy là thứ lôi bạn ra khỏi chăn để bạn mò tới trường, tiếp tục công việc mình đang làm. Khi bạn chẳng may phải làm việc cùng những người khó chịu, đấy là thứ giúp bạn chấp nhận bỏ qua, miễn là bạn được làm điều bạn thích.
Niềm yêu thích của bản thân có thể chỉ là một ngọn lửa bé tí tẹo thôi, nhưng tôi không mang nó theo. Thế là mò mẫm, lạc đường. Chưa tới hai năm thì tôi nhận ra rằng lab đầu tiên không hợp với mình về mọi mặt — giáo sư, hướng nghiên cứu, đồng nghiệp — và tính chuyện chuyển lab. Lần chuyển lab này, tôi vẫn nghe theo lý trí. Nó bảo tôi trụ lại trường, kiếm tạm một cái lab tử tế, làm cho xong PhD đã, rồi tính gì thì tính.
Vào lab mới được đâu một năm thì tôi chán, thế là lại nộp vào hẳn một khoa khác (Khoa Địa lý) và được nhận. Nhưng chủ nhiệm lab giữ tôi lại. Phần vì mủi lòng, phần vì cũng chưa rõ mình muốn làm gì, tôi ở lại. Ngày nào lên lab tôi cũng cảm thấy có gì thiếu thiếu, mà lại không đành nhảy việc vì không hiểu đấy là do cảm tính của mình, do mình cả thèm chóng chán, hay do mình dốt cái món này nên chán. Nhỡ nhảy sang một thứ khác rồi, mình lại vẫn chán như thế này thì sao?
Lại thêm hai năm nữa thì cơn mê ngủ đó mới kết thúc. Tháng Hai năm 2016, tôi “ngứa tay” viết một series blog về hội chứng Marfan. Mười sáu năm trước đó, căn bệnh di truyền hiếm gặp này đã cướp mất mẹ tôi. Đến khi vào học ngành Di truyền rồi nhận ra rằng cái kết đó có thể tránh được, tôi đã tự vác lên vai nhiệm vụ tuyên truyền về căn bệnh này. Những bài viết đó mang tới hai điều bất ngờ: 1) nhiều độc giả yêu thích những câu chuyện khoa học xen lẫn cuộc sống thực tế này, và 2) tôi phát hiện ra mình rất, rất thích viết.
***

Soái ca yêu bánh bèo

Cho tới tháng Hai năm 2016, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ chọn nghề viết. Ừ thì tôi thích viết lách từ nhỏ, nhưng ba mẹ tôi luôn kéo tôi ra khỏi hướng đó vì cái lý do ai cũng biết: “Làm nhà văn thì nghèo lắm.” Thế nên tôi vào học chuyên Sinh từ cấp 3. Sau đó là đoạt giải quốc gia, rồi tuyển thẳng đại học, rồi đi du học. Sau hai mươi mấy năm rèn luyện như thế, tôi giỏi nhất là tiêu diệt cảm tính của mình. Tôi đi đến đâu cũng là do lý trí dẫn đường, hoàn toàn không có chỗ cho những cái lãng mạn như “sở thích” hay “đam mê” xen vào.
Nên khi tôi phát hiện ra là mình thích viết và muốn làm nghề viết thì cảm giác (lại) giống như các soái ca lạnh lùng trong truyện sến khi phát hiện ra mình đã yêu một cô bánh bèo nào đó: “Ôi tôi làm sao thế này? Tại sao tự dưng lại cảm thấy thế này?”
🎵 Nói chung là yêu đó. 🎵
Chiểu theo logic “soái ca tất sẽ yêu bánh bèo,” tôi đã đến với cái việc tôi yêu là viết. Tôi bỏ ngang chương trình nghiên cứu sinh để rẽ sang con đường này. Quyết định này làm tất cả mọi người quanh tôi đều hốt hoảng can ngăn. Những câu tôi thường được nghe là “Em bỏ PhD thật à?” và “Tiếc quá, sao em lại bỏ?” và “Hồi đấy mọi người đều rất kỳ vọng vào em.” Thầy trưởng khoa của tôi còn gọi tôi lên giảng giải một hồi: “Ra trường rồi, không ai biết sáu năm vừa rồi em đã mất bao nhiêu công sức. Cái họ quan tâm chỉ là cái bằng, cái bằng mà em không có.”
Lúc đó, tôi đã ở trường cao học được sáu năm. Sáu năm ấy đã ném tôi qua khá nhiều hố lửa, để tôi phải hỏi chính mình rằng: tôi có thực sự muốn làm việc này không? Phải từng có những sáng thức dậy ngao ngán nghĩ bụng “Lại một ngày nữa, haizz” thì mới có suy nghĩ khác là: tôi sẽ còn muốn sống những ngày như thế này đến bao giờ nữa? Tại sao tôi không sống khác đi? Tại sao tôi không làm việc mình thích?
Nhưng mặt khác, sáu năm thử và toàn sai cũng làm cho tôi cẩn thận hơn trước khi mạo hiểm bắt đầu một thứ mới — nhỡ đâu tôi lại thất bại thì sao?
Thế nên trước khi đi công bố với toàn thiên hạ việc bỏ học của mình thì tôi cũng đã nghĩ đến nát cái đầu rồi. Làm nhà khoa học thì hàng tháng có lương, còn làm nhà văn thì sách viết ra sẽ nằm quạnh hiu trên ngăn dưới cùng trong xó nhà sách. Làm nhà khoa học thì oai, đi đâu có cái bằng tiến sỹ để khoe. Làm nhà văn thì… chỉ há mồm ra nói “tôi là nhà văn” đã thấy ngượng rồi. Làm nhà văn, sẽ không tránh được bị nghèo, bị cô đơn, bị chờ dài cổ cho tới khi sách của mình được đón nhận.
Nhưng không có gì làm tôi hạnh phúc bằng việc viết. Thứ đánh thức tôi và lôi tôi ra khỏi giường vào mỗi sáng là câu chuyện đang viết dở dang. Lúc viết, tôi không cảm thấy mình đang làm việc. Tôi có thể làm việc này liên tục đến lúc nào cũng được, miễn là mắt chưa mỏi, lưng chưa đau, mông chưa ê ẩm. Tôi chưa từng có cảm giác này với bất kỳ công việc nào khác, mặc dù trên con đường ngoằn ngoèo trước đó, tôi đã nhúng tay vào rất nhiều thứ khác nhau. Tôi đã từng làm nghiên cứu về nông nghiệp, dân tộc học, hóa sinh, di truyền học, thực vật học, tin sinh học, giáo dục. Tôi đã từng làm việc trong rừng, trong nhà lưới, trong phòng thí nghiệm, trong phòng máy chủ, trong văn phòng. Chưa có nơi nào làm tôi quên hết mọi thứ xung quanh và chỉ biết đến việc mình đang làm như việc viết.
Và chính con đường ngoằn ngoèo qua sáu năm cao học đã dẫn tôi đến đây. Vì chọn sai trường mà tôi gặp trục trặc trong lab và phải đi dạy kiếm cơm. Khi phải đi dạy môn Di truyền học, tôi mới hiểu thấu đáo về hội chứng Marfan và những căn bệnh di truyền mà sau này tôi thường viết tới. Vì nhảy qua nhiều nghiên cứu khác nhau mà kiến thức khoa học của tôi khá rộng, và nhờ đó mà tôi có thể viết về nhiều chủ đề khác nhau. Nhảy lab và đi dạy là hai việc tôi không hề muốn làm khi bước chân vào trường cao học, nhưng cũng chính hai việc này đã rèn luyện tôi thành một người viết như bây giờ.
Câu chuyện này kết thúc có hậu. Vì chọn sai đường mà tôi buộc phải đi chậm lại để nghĩ xem mình muốn làm gì, và cuối cùng cũng tìm ra nó. Tôi bỏ ngang chương trình cao học để đi làm việc đó. Tôi hài lòng với cuộc sống của tôi bây giờ, và lựa chọn sai lầm ban đầu của tôi đã đẩy tôi vào con đường đi tới cuộc sống này. Dù cho con đường ấy có gập ghềnh và quanh co, tôi cũng đã “tới đích” rồi, nên không thấy hối hận. Chọn sai không phải là dấu chấm hết. Đôi khi câu chuyện bắt đầu từ chính lựa chọn sai lầm đó.
Bài viết này nằm trong cuốn sách Du học ký: Vạn dặm có chi.