Mình mới chỉ làm trong nghề nhân sự được 2 năm, cũng chỉ được nghe vài ba câu chuyện về việc định hướng cá nhân, chọn nghề, chọn công ty, nên bài viết này có thể phần nhiều từ những chủ quan của bản thân mình, nhưng cũng mong là sẽ có thêm một góc nhìn cho những ai đang loay hoay chọn một công việc ngoài kia.
Bạn có mục tiêu và luôn có tinh thần cầu tiến, trách nhiệm thì dù ở đâu bạn cũng biết cách để đi đến đích.
Bạn có mục tiêu và luôn có tinh thần cầu tiến, trách nhiệm thì dù ở đâu bạn cũng biết cách để đi đến đích.

1. Xác định mục tiêu của bản thân

Việc có một mục tiêu cụ thể cho bản thân sẽ khiến bạn dễ dàng xác đinh con đường mình đi, những điều mình cần chuẩn bị và kể cả khi gặp khó khăn hay thất bại, bạn cũng sẽ có một điểm tựa để đi tiếp.
Việc đi theo mục tiêu của bản thân còn giúp bạn tập trung hơn rất nhiều giữa "những sự thành công xung quanh" vì bạn hiểu rằng mỗi người có một con đường riêng của mình. Đặc biệt, với những bạn sinh viên mới ra trường, thường hay nhìn vào mọi người xung quanh để so sánh, rồi chán nản. Có tinh thần cầu tiến là một điều tốt nhưng đừng đánh đồng.
Vậy đặt ra mục tiêu như thế nào? Hãy phân chia cụ thể mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Để làm được điều đó, bạn cần biết bản thân muốn điều gì, bạn đang có gì?
5 năm sau, bạn muốn trở thành một người như thế nào, ở vị trí nào? Nhìn lại bạn đang có điều gì, kỹ năng gì? Vậy thì trong 1, 2, 3 , 4 năm nữa bạn sẽ phải trang bị cho bản thân điều gì?

2. Tiêu chí để lựa chọn công ty

Thử nhìn vào bức tranh toàn cảnh, các công ty sẽ được người lao động đánh giá ở các điểm nào? - Cơ hội nghề nghiệp: Cơ hội nghề nghiệp ở đây được mình hiểu bao gồm khả năng và cơ hội để phát triển, tính ổn định, đào tạo tại nơi làm việc, phát triển sự nghiệp, cố vấn, đánh giá và phản hồi, v..v. - Môi trường làm việc: Môi trường làm việc được hiểu bao gồm sự ghi nhận, tính tự chủ, thành tựu cá nhân, thử thách, v..v - C&B: C&B bao gồm lương, hệ thống đánh giá năng lực, thăng tiến, sự công bằng, kịp thời, thời gian nghỉ, bảo hiểm, v..v - Định vị/ danh tiếng của công ty: Công ty bao gồm vị trí trên thị trường, danh tiếng, chất lượng sản phẩm/dịch vụ và trách nhiệm xã hội. - Văn hoá doanh nghiệp: Văn hóa tổ chức bao gồm đồng nghiệp, lãnh đạo và quản lý, sự hợp tác và tinh thần đồng đội, v..v
Dựa trên mục tiêu cá nhân, bạn sẽ biết bạn cần những công ty như nào và ưu tiên những công ty có điểm mạnh nào. Dựa trên một khảo sát nhỏ mình được tham khảo và cũng từ phía bản thân mình thì đối với những bạn trẻ như mình, cơ hội phát triển nghề nghiệp được xem là một trong những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến việc ra lựa chọn. Ở nơi làm việc, bạn sẽ có được học hỏi từ ai, điều kiện để phát triển về chuyên môn, sự phản hồi đánh giá như nào để bạn tiến bộ. Có một điều thú vị mình tham khảo được từ tài liệu của leader cũ và mình thấy nó khá đúng: "Nếu nhân sự cảm thấy họ có quyền sở hữu đối với những gì họ có trách nhiệm và tạo ra những tác động có giá trị đến công ty hoặc xã hội thì điều đó có nghĩa là họ đang phát triển". Như vậy, thăng tiến chỉ là kết quả của hiệu suất, điều quan trọng hơn là sự tạo ra giá trị để bạn biết mình đang thực sự ở đâu.
Tất nhiên, những yếu tố còn lại cũng quan trọng, và trên thực tế, các yếu tố trên cũng có sự tương quan nhất định với nhau. Vì thế khi đánh giá để đưa ra lựa chọn, hãy có đánh giá tổng quan, yếu tố nào được ưu tiên thì để trọng số lớn hơn.

3. Sự chuẩn bị và quá trình thực hiện

Hãy thật sự nhìn nhận bản thân, bạn có gì và muốn đi tìm kiếm điều gì (Điều gì quan trọng thì nhắc lại nhiều lần).
Hãy luôn đóng vai trò chủ động trong cuộc tìm kiếm này.
Sau khi tìm hiểu trên thị trường và có danh sách những công ty phù hợp ban đầu, hãy tìm hiểu các thông tin về công ty trước khi ứng tuyển: - Hiểu biết ban đầu về công ty: Có rất nhiều thông tin bạn có thể tìm kiếm trên các kênh truyền thông của công ty. Việc tìm hiểu này thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với những nơi có thể sẽ là công ty tương lai bạn sẽ làm việc đồng thời cũng thể hiện sự nghiêm túc với chính sự nghiệp của bản thân. - Hiểu về vị trí ứng tuyển: Bạn có thể xem xét từ JD và trao đổi thông tin với HR để hiểu mình sẽ làm gì ở vị trí đó. Điều đó giúp bạn biết bạn có đang tìm đúng công việc không và chuẩn bị những điều bạn cần để có thể tăng khả năng ứng tuyển thành công.
Vậy làm sao để bạn đánh giá được công ty mà mình ứng tuyển: - Hỏi và chia sẻ: Đừng ngại ngần đặt những câu hỏi. Với vị trí là HR, từ tiếp xúc với các bạn ứng viên, mình đánh giá rất cao những ứng viên có thể thẳng thắn chia sẻ những băn khoăn của các bạn về vị trí ứng tuyển, và về công ty và về mục tiêu cá nhân. Trong buổi phỏng vấn cũng vậy, xét về góc độ nào đó thì buổi phỏng vấn cũng là là một dịp để bạn chia sẻ cùng công ty, không chỉ là từ phía công ty đánh giá bạn có phù hợp hay không mà bạn cũng đánh giá phía công ty có phù hợp với mình hay không. Qua người phỏng vấn, bạn biết được về nội dung công việc sâu sắc hơn, về những người mình sẽ làm việc cùng và có thể là leader của chính bạn sau này, về quan điểm làm việc, quan điểm đánh giá,... rất nhiều điều khác nữa. Điều bạn chia sẻ với người phỏng vấn cũng là một phép thử, những người phỏng vấn có tâm cũng sẽ cho bạn những lời khuyên với vai trò là người đi trước và có nhiều trải nghiệm. - Hãy tìm kiếm cả những ý kiến khách quan: Điều này bạn có thể tìm kiếm từ nhiều nguồn nhưng hãy luôn nhớ chỉ mang yếu tố tham khảo.
Có một điều mình muốn lưu ý cho các bạn ứng viên đó là hãy luôn là một người trung thực. Có thể các bạn sẽ phản biện điều này với lý lẽ sale bản thân thì trung thực quá sẽ không tốt nhưng với mình trung thực chính là cách bạn tạo cơ hội cho chính mình, cơ hội để một lần nhìn lại bản thân qua buổi phỏng vấn, trung thực để tìm được cơ hội thực sự phù hợp với mình, trung thực là bước đệm để thể hiện sự cầu tiến của bạn.

Sự chấp nhận

Hãy chấp nhận một sự thật là không phải điều gì cũng hoàn hảo, chỉ là phù hợp hay không phù hợp mà thôi. Nếu sai lầm thì bạn vẫn có cho mình bài học nên đừng ngại sai. Sai lầm cũng là một phần để trưởng thành.
Tất cả cũng chỉ mang tính chất tương đối, vì thế hãy luôn chuẩn bị một tình thần nhìn nhận sự việc tích cực. Điều quan trọng ở đây, bạn hãy luôn là người có trách nhiệm, trách nhiệm với lựa chọn của mình, trách nhiệm với công việc. Đôi khi mình nghĩ, học cách yêu công việc, yêu công ty cũng là một loại kỹ năng. Vậy thì công ty cũng như người yêu vậy, nếu một ngày bạn rời đi, thì cũng chỉ là vì nơi đó không còn phù hợp với bạn. Nghe có vẻ đạo lý và hơi sáo rỗng nhưng cách bạn nhìn nhận vấn đề quyết định phần nào bạn là ai, bạn đi đến đâu đó.
Bạn có mục tiêu và luôn có tinh thần cầu tiến, trách nhiệm thì dù ở đâu bạn cũng biết cách để đi đến đích.
Mình vẫn luôn sẵn sàng để lắng nghe và chia sẻ nhiều hơn về việc chọn nghề, chọn công ty đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nếu bạn cảm thấy mình có thể trao đổi cùng các bạn để có thêm góc nhìn hoặc định hướng thì mình cũng rất thoải mái để setup chia sẻ cùng các bạn. Hoặc giới thiệu những người mà mình biết phù hợp hơn.
Mình cũng sẽ cố gắng có những bài viết sâu sắc hơn về chuyện nghề!!!