Lũ trẻ con nhà tôi hay thích chơi một trò chơi ngàn đời có tên là "Tại sao?". Chẳng hạn như tôi nói với lũ nhỏ rằng chúng cần phải ăn nốt bữa sáng đi, và chúng sẽ hỏi tại sao, và tôi sẽ nói rằng để chúng có đủ dưỡng chất, và chúng sẽ lại hỏi tại sao, và tôi sẽ lại nói bởi vì là bố mẹ, bố cảm thấy có nghĩa vụ phải chăm lo cho sức khoẻ của con, và chúng sẽ hỏi tại sao, và tôi sẽ nói rằng một phần vì bố yêu con và một phần bởi vì tiến hoá đã ngấm sau vào trong bố như thế, và chúng sẽ hỏi tại sao, và tôi sẽ nói bởi vì giống loài muốn duy trì chính nó, và chúng sẽ hỏi tại sao, và tôi sẽ ngừng lại một lúc lâu trước khi trả lời, "Bố cũng không biết nữa. Có lẽ bởi vì bất chấp tất cả, bố vẫn tin rằng loài người có giá trị." Và rồi sau đó là sự im lặng. Một sự im lặng thần kì và tuyệt đẹp trải khắp trên bàn ăn. Hình như tôi còn thấy một đứa nhóc cầm lên cái dĩa. Và rồi, vào cái thời khắc mà sự im lặng kia chuẩn bị cởi áo và ở lại đây một lúc lâu, một đứa con của tôi sẽ nói,
"Tại sao vậy ạ?"

Cái đầu tôi cũng thích chơi một trò chơi tương tự. Trò chơi đó có tên là "Để làm gì cơ chứ?" Có một bài thơ của Edna St. Vincent Millay mà tôi đã trích dẫn trong 2 cuốn tiểu thuyết và giờ sẽ trích lại một lần nữa, bởi vì tôi chưa bao giờ gặp được điều gì miêu tả cơn bão tuyết trầm cảm trong mình một cách hoàn hảo như vậy. "The chill is in the air," bài thơ bắt đầu, "which the wise know well and have even learned to bear. This joy, I know, will soon be under snow."
Tôi đang ở trong sân bay khi mà đột nhiên cảm nhận thấy cái lạnh trong không trung. Để làm gì cơ chứ? Tôi chuẩn bị bay tới Milwaukee vào một chiều thứ ba, chuẩn bị nhập đàn với những con vượn có trí tuệ trung bình khác trong một cái ống sẽ tuôn ra một lượng cacbon đioxit thật sự đáng kinh ngạc vào bầu khí quyển để vận chuyển bọn tôi từ đô thị này sang một đô thị khác. Chẳng ai và chẳng cái gì ở Milwaukee có ý nghĩa gì cả, vì thực sự chẳng có gì có ý nghĩa cả. Nỗ lực của con người theo nghĩa lớn nhất cũng chẳng để làm gì cả. Chúng ta sẽ chẳng để lại di sản gì vĩnh viễn trong cái vũ trụ không vĩnh viễn này, và đóng góp sâu sắc nhất cho trái đất sẽ là chúng ta là loài đầu tiên tiến hoá đủ mạnh để làm rối tung cả hành tinh lên.
Mỗi khi tâm trí tôi bắt đầu chơi trò Để-Làm-Gì-Cơ-Chứ, tôi không thể tìm được ý nghĩa gì cho nghệ thuật - việc dùng lượng tài nguyên có hạn của hành tinh này để trang trí, và tôi không thể tìm được một ý nghĩa gì cho việc trồng cây - việc tạo ra lương thực một cách kém hiệu quả để duy trì những cái vỏ vô dụng của chúng ta thêm đôi chút, và tôi không thể tìm được ý nghĩa cho tình yêu - chỉ là một nỗ lực tuyệt vọng để đẩy lùi lại sự cô đơn mà ta không thể thực sự giải quyết được, bởi vì ta luôn luôn cô đơn trong cái mà Robert Penn Warren gọi là, "bóng tối, chính là bạn."
Ngoại trừ đó không hẳn là bóng tối. Nó tệ hơn như vậy nhiều. Nhà văn Jacqueline Woodson từng nói rằng chúng ta phải thật cẩn thận trong việc xây dựng cái gì là bóng tối, và cô ấy nói đúng. Ở trong bóng tối không làm ta đau, nhưng điều này lại có, giống như nhìn thẳng vào mặt trời vậy. Bài thơ của Millay kia có nói tới một "khổ đau chói loà của con mắt." Có lẽ rằng cái khổ đau chói loà kia là ánh sáng đầu tiên ta nhìn thấy được khi ta mới mở mắt khi được sinh ra, cái ánh sáng làm ta rơi giọt lệ đầu tiên, thứ ánh sáng là nỗi sợ đầu tiên và là lớn nhất của ta.
Để làm gì cơ chứ? Tất cả những gian nan và cực khổ này để rồi trở thành vô nghĩa, và sẽ sớm thôi. Ngồi ở giữa sân bay, tôi thấy kinh tởm bởi những cái thừa thãi của mình, những thất bại, những nỗ lực thảm hại cố gắng góp nhặt lại một cái ý nghĩa hay hy vọng nào đó từ nguyên liệu của thế giới vô nghĩa này. Tôi đã tự lừa chính bản thân mình, nghĩ rằng có một lý do nào đó đằng sau tất cả, nghĩ rằng nhận thức là một phép màu trong khi thực sự nó chỉ là một gánh nặng, nghĩ rằng được sống là một điều kì diệu trong khi thực sự nó chỉ là một nỗi kinh hoàng. Khi đầu tôi chơi trò chơi này, nó nói với tôi rằng vũ trụ chẳng thèm quan tâm liệu tôi có đang ở đây không. Màn đêm buông xuống thật nhanh, Millay viết. Ngày hôm nay đã ở trong quá khứ.
Có một điều về trò chơi này là khi nó đã bắt đầu được chơi, tôi không thể nào tìm được cách dừng lại. Mọi nỗ lực phòng thủ tôi cố vun vén đều bị phá huỷ tức thời bởi cái ánh sáng chói loà kia. Tôi cảm thấy cách duy nhất để tồn tại là gây dựng nên một sự xa cách đầy mỉa mai khỏi sự sống. Nếu như tôi không thể hạnh phúc được, thì ít nhất tôi muốn trở nên "cool". Khi đầu tôi chơi trò Để-Làm-Gì-Cơ-Chứ, hy vọng trông thật mỏng manh và ngây thơ - nhất là khi đối mặt với những nhục nhã và kinh khủng của một kiếp người. Có kẻ nào nhìn vào trải nghiệm của một cuộc đời và có thể thốt lên bất cứ thứ gì khác ngoài một nỗi tuyệt vọng hư vô?
Nhưng tất nhiên vấn đề với tuyệt vọng chính là nó không được năng suất cho lắm. Như một con virus, tất cả những gì tuyệt vọng là nhân bản chính nó lên. Nếu như Để-Làm-Gì-Cơ-Chứ khiến tôi trở thành một người bảo vệ cho công lý hay môi trường, tôi sẽ vui lòng chấp thuận. Nhưng ánh sáng chói kia lại biến tôi trở nên bất động và vô cảm. Tôi phải đấu tranh để làm bất cứ một thứ gì. Tôi không thể tìm được một lý do để bước ra khỏi giường vào buổi sáng.
Những câu hỏi triết học - sống để làm gì, chúng ta nên kiếm tìm gì từ cuộc sống, làm sao để biết được chúng ta biết những gì, và chúng ta tìm ý nghĩa ở đâu, như thế nào - thường bị gạt đi và coi là vớ vẩn. Điều khác biệt giữa một tấm bằng triết học và một chiếc pizza là gì? Một chiếc pizza có thể cứu đói một gia đình bốn người, và cứ thế… Nhưng tôi nghĩ rằng những câu hỏi đó thực sự quan trọng, bởi vì tôi cần phải chịu đựng được tâm trí tôi khi chơi trò Để-Làm-Gì-Cơ-Chứ. Tôi không muốn buông xuôi để bị rơi vào trong tuyệt vọng; tôi không muốn trốn trong những câu chế giễu của những cảm xúc chưa kịp bị mỉa mai hoá. Tôi không muốn trở nên "cool" nếu "cool" có nghĩa là sự lạnh giá hoặc xa cách khỏi thực tại của trải nghiệm. Tôi muốn cảm nhận hết những gì có ngoài kia để cảm nhận, khi tôi vẫn còn đây.
Ta không thể chọn khi con cái ta chơi trò "Tại sao?", và ta cũng không thể chọn khi nào đầu ta sẽ chơi trò "Để làm gì cơ chứ?" Nó làm tôi kiệt sức. Việc nghe cái bài diễn văn chính não mình nói với mình rằng mình thật ngu ngốc khi còn dám cố gắng, nó trở nên nhàm chán thật nhanh. Mỗi khi trò chơi được chơi là một cảm giác như nó sẽ không bao giờ kết thúc, giống như là ta đang kháng chiến chống lại tâm trí ta trong suốt quãng đời khổ sở còn lại vậy.
Nhưng không.
KHÔNG.
Khoảnh khắc "ngay lúc này" luôn luôn cảm giác như dài vô tận và cũng không bao giờ như vậy cả. Ta vẫn bước tiếp. Ta tới gặp nhà trị liệu tâm lý. Ta thử những loại thuốc khác. Ta thiền, mặc dù rằng ta ghét thiền. Ta tập thể dục. Ta chờ đợi. Tâm trí ta vẫn tiếp tục chơi trò Để-Làm-Gì-Cơ-Chứ, và ta vẫn tiếp tục từ chối buông lơi, chiến đấu với nó bằng triết học và sách self-help và tôn giáo và bất cứ cái gì có tác dụng. Và rồi một ngày, bầu không khí sẽ ấm hơn một chút, bầu trời sẽ không chói loà như vậy nữa. Trời u ám, và ta đang đi trong một khu công viên trong rừng với lũ trẻ. Đứa con chín tuổi của ta chỉ ra hai con sóc đang đua nhau trèo lên một cái cây sung dâu lừng lững, vỏ cây trắng bong ra thành từng mảnh, lá của nó to hơn một cái đĩa. Ta nghĩ, ôi cái cây này thật là đẹp. Chắc nó phải tới một trăm tuổi, có khi hơn. Sau đó, ta sẽ về nhà và tìm đọc về cây sung dâu và biết rằng có những cây sung dâu vẫn còn sống đã hơn ba trăm tuổi, còn già hơn cả quốc gia này. Ta sẽ biết được rằng George Washington đã từng đo được một cây sung dâu có chu vi hơn mười ba mét. Ta cũng sẽ biết được rằng Herodotus 2400 năm trước đã viết rằng hoàng đế Ba Tư Xerxes khi dẫn quân đội đi qua một lùm cây sung dâu đã bắt gặp phải "một vẻ đẹp khiến ông xúc động tới mức trang trí nó bằng những đồ vàng bạc và để lại một người lính để canh gác nó."
Nhưng bây giờ ta chỉ nhìn lên cái cây đó, nghĩ về cách mà nó đã biến được đất và nước và nắng thành gỗ và vỏ cây và lá, cách mà nó từ không có gì đã tạo được một nơi để cho sóc chơi, và ta nhận ra ta đang ở dưới cái bóng khổng lồ của cái cây khổng lồ này, và đó chính là cái ý nghĩa ta vẫn đợi chờ khôn nguôi.

Dịch từ podcast The Anthropocene Reviewed của John Green