Chuyện cây sen đá của tôi
Xưa giờ, tôi không phải là người gần gũi với cây cỏ. Nhiều khi nhìn cái cây trong vườn, tôi cũng chịu không biết đấy là mùng tơi hay...
Xưa giờ, tôi không phải là người gần gũi với cây cỏ. Nhiều khi nhìn cái cây trong vườn, tôi cũng chịu không biết đấy là mùng tơi hay lá lốt. Vốn liếng duy nhất tôi tích cóp được qua nhiều năm trông ra vườn của bà và hái lá chanh đem rắc lên gà luộc cho mẹ, là cách phân biệt hoa nhài, xương sông, chanh, lộc vừng, trầu không, và hoa hồng – đương nhiên, với điều kiện cây ra hoa ra quả để tôi nhìn.
Vì lẽ đó, khi cầm trên tay một chậu sen đá được tặng vào tháng Bảy năm nay, tôi khá là bối rối. Người tặng có vẻ lường trước được sự bối rối này của tôi (thật thần kỳ, sao lại biết được nhỉ) nên đã gạch ra rất tỉ mỉ những điều tôi cần lưu ý: bao lâu thì tưới nước cho cây, khi tưới thì tưới vào phần nào, bao lâu đem cây ra ngoài phơi nắng,...
Sau một hồi nghiên cứu tờ giấy thì tôi cũng yên tâm. Chắc là sẽ sống sót được qua mùa đông này.
Tuần đầu tiên, tôi hào hứng đặt chuông báo hằng ngày để nhớ đến giờ tưới cây.
Tuần thứ hai, thấy lá cây có vẻ nhũn, tôi trộm nghĩ, hay là thiếu nắng. Suy nghĩ này cũng không phải tự dưng nghĩ ra, mà bởi nơi tôi đặt cây dù gần bậu cửa sổ nhưng bị chắn bởi lớp cửa kính mờ và bóng râm từ trần ban công, nên lượng nhiệt mà cây nhận được khá ít ỏi. Tôi đem chậu cây ra đặt trên bệ đá ban công, được dăm ngày thì thấy cây hom hóp trở lại.
Tuần thứ ba, cây bắt đầu ốm, trông bủng beo y như người mắc bệnh hủi. Đầu lá teo lại, sậm vàng như bị hơ qua lửa. Chỉ cần chạm nhẹ là lá rụng xuống, nom đến tội. Tôi lên mạng tra thì kết quả không khả quan lắm. Cũng không rõ là cây bị bệnh gì. Ôm tâm lý dù chữa lợn lành thành lợn què thì vẫn phải chữa, tôi làm đủ mọi cách tôi biết để níu lấy sự sống cho cây: tưới thêm nước, đem phơi nắng nhiều hơn…
Tuần thứ tư, cây sen đá của tôi chết.
Vâng, đây hoàn toàn không phải là một câu chuyện có hậu. Chỉ là câu chuyện của tôi và cây sen đá thảm hại đã trót bị tôi làm chết.
Tôi học được gì qua chuyện này? Một là không biết thì đừng có mà làm. Hai là nếu đã muốn làm thì phải chuẩn bị sẵn sàng trước những tình huống không mong muốn.
Nhưng tốt hơn hết là tìm một người thật giỏi để làm mentor chăm cây. Và ra vườn nhiều vào.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất