Chuyện "yêu nước"
"Một dân tộc không linh hồn chỉ là một đám quần chúng rộng lớn" - Lamartine
Tản văn Hà Nội, 2015
(Hồi thứ Mười sáu tuổi)
Giữ vững nghìn thu một giống nòi
Trong mỗi người Việt chúng tôi, nói theo cách giảng dạy của bộ môn Ngữ văn trong chương trình của bộ giáo dục và đào tạo, thì đúng, trong tâm hồn mỗi người Việt chúng tôi đều luôn có một tiếng nói mạnh mẽ vang lên cái tinh thần dân tộc. Tại sao ư? Đơn giản và dễ hiểu thôi, mỗi khi thấy bị áp bức đấu tranh, người Việt – hay còn gọi một cách thân thương là đồng bào, đều là những người đầu tiên lên tiếng mạnh mẽ, khi đồng bào mình bị áp bức.
Những trận chiến nghìn năm. Yêu nước. Những cố gắng để đóng góp cho dân tộc. Yêu nước. Bất bình khi thấy người bạn hàng xóm thân yêu với những cái bắt tay cùng chót lưỡi tuôn ra những lời hữu nghị đầm ấm, cam kết giữ đúng chủ quyền biển. Yêu nước. Hay đơn thuần, chỉ là nỗi nhớ nhung quê hương của mỗi du học sinh. Yêu nước. Hay đơn thuần, là rung động khẽ khàng con tim, tự hào khi đứng trước vạn dặm mây mù đường chân trời trên nóc nhà Đông Dương. Hay đơn thuần, đơn giản thôi, cái cảm giác được gào lên một tiếng đến khản giọng trong vui sướng khi đội tuyển Quốc gia Việt Nam có bàn thắng. Đơn giản. Đơn giản lắm. Yêu nước! Mỗi người trong chúng ta, đều chất chứa nỗi niềm yêu nước, mà không thể hiểu nổi tại sao, chúng ta lại yêu mảnh đất này đến thế.
"Yêu nước" từ trước đến nay vẫn là thứ tình cảm độc quyền - chỉ dành cho một và chỉ một nguồn cội
Con người Việt Nam sở hữu đầy đủ thói hư tật xấu trên cái thế giới này. Con người Việt Nam toan tính, khôn nhưng toàn khôn lỏi thôi, khôn một cách thật độc ác, thật khủng khiếp. Người Việt hay xúc động và phẫn nộ với hành động của kẻ khác, nhưng lại ít tự răn mình và phê phán mình. Người Việt gia trưởng, cổ hủ, vũ phu. Người Việt đua đòi, ham bằng cấp, ham danh hiệu. Có cả tỉ dẫn chứng để chứng minh. Có cả tỉ ví dụ để dò xét. Vậy tại sao ? Vậy tại sao chúng ta vẫn cứ yêu cái mảnh đất này?
Thế hệ của tôi – thế hệ trẻ, nhiều khi thực sự, những vị phụ huynh đáng kính, những con người thực sự trưởng thành đều cho rằng hầu hết, chúng tôi chưa thực sự hiểu rõ về mọi thứ. Thế nhưng ai ngờ, lượng thông tin khổng lồ trên mạng xã hội và truyền thông trong cái thời đại này, đã trực tiếp đưa vào trong “khối não ngây thơ, hồn nhiên và đáng yêu” của chúng tôi một tư tưởng cực kì tiêu cực, một cái nhìn tiêu cực đến khủng khiếp đối với đất nước và con người Việt. “Sinh ra là người Việt đã là một gánh nặng”. “Làm người Việt là một định mệnh”. Đúng. Thế hệ của chúng tôi quá tiêu cực, khi nhìn vào thực trạng xã hội Việt Nam, thực trạng của Giáo dục, Giao thông, Môi trường và ý thức. Mớ kiến thức thông tin tiêu cực đó, không hề đến từ sách vở. Nó đến từ hàng ngàn bài đăng, hàng vạn những video, hàng triệu những câu chuyện, bài báo trong thời đại truyền thông này. Chúng tôi có cái nhìn rất tiêu cực về đất nước.
Nhiều khi nghe thằng bạn của mình kể chuyện. Thực sự. Tôi không còn nghĩ rằng nó còn trong mình cái gọi là yêu nước nữa. Yêu sao nổi đây? Khi con người Việt là như thế.. Yêu sao nổi đây khi hàng ngàn du học sinh, hàng ngàn những con người được đào tạo với kiến thức chất lượng hiện đại từ phương Tây, từ các nước tân tiến, đang lần lượt kêu gọi định cư ở nước ngoài. “Du học sinh, đi đi, đừng về”. Vậy tại sao? Có ai có thể giải thích hộ tôi? Bạn yêu nước vì lý do gì không?
Tôi có một người thầy, thầy phụ trách giảng dạy bộ môn Ngữ văn tại trường tôi – trường trung học phổ thông Marie Curie, thầy Minh, trong một lần được phân công dạy thay lớp tôi, thầy có kể một câu chuyện mà tôi vẫn nhớ mãi về một người học trò của thầy. Tôi xin được gọi người học sinh đó là “cô’’. Cô ấy. Cô ấy cũng như chúng tôi, cũng là một phần trong cái thế hệ này. Dân Phố Cổ, cô ấy mang trong mình tư tưởng Tây hóa, cô rất ghét sự bon chen, ích kỉ của người Việt. Nhà cô ấy ở gần một con ngõ nhỏ, nơi mà những gánh hàng rong gắn tâm hồn mình cùng những gói xôi, những quán trà đá giản dị gắn liền những mảnh đời lam lũ, rác chất lề đường với bức tường ghi bên trên to tổ bố được sơn đỏ nguệch ngoạc “Cấm đổ rác”. Bừa bãi và bẩn thỉu. Cô ghét chúng. Cô háo hức vì mình sắp được đi du học. Trong ngày rời khỏi đất nước để đến miền đất mới. Trên chiếc taxi Mai Linh. Trên cây cầu Long Biên. Trên đường tới sân bay Nội Bài cùng gia đình. Qua ô cửa kính. Cô nhìn xuống dòng đỏ nặng phù sa sông Hồng ngàn năm xiết chảy. Cô bỗng thấy nhớ con ngõ nhỏ da diết. Cô nhớ những đoạn đường bẩn thỉu, cùng những con người lam lũ với gánh xôi, thứ quà sáng làm bạn với cô suốt chục năm đi học. Cô bật khóc.
Chủ quyền là một giá trị mà người Việt không bao giờ đánh đổi. Dù cho đất nước ta có như thế nào. Mỗi con người Việt đều không thể dứt nổi tình yêu đối với đất nước. Ai? Có thể cho tôi một lý do không?
Viết cho một sáng trời Việt nhiều mưa.
Một dân tộc không linh hồn chỉ là một đám quần chúng rộng lớn
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất