Bà Xuân hàng xóm nhà tôi. Bà có tật ăn cắp vặt. Tổ dân phố tăng gia, trồng rau quanh triền đê, bà Xuân cứ khoảng trưa đầu chiều, lựa lúc vắng người, sẽ ra đó vặt trộm. Một lần, bà tôi đi chợ về bắt được, bà Xuân cười hì hì:
“Em nhổ rau đi là làm phước cho nó đấy chị ạ! Em hóa cho nó, người ta cảm ơn em còn chả hết!”.
Bà rì rầm với những khóm rau, rồi tất tả lủi mất.
Mùa xuân, Tết tới. Bà Xuân lang thang trong xóm. Thấy bà tôi vừa đi chơi về, bà Xuân ỏn ẻn:
“Chị T! Chị lì xì cho em, lấy may ấy mà, mai em lì xì mừng thọ chị”.
Bà tôi đưa bà Xuân 50 nghìn. Bao lì xì in hình “Em bé ôm gà” rất kháu. Bà Xuân rối rít cảm ơn. Quá rằm giêng, gặp lại, bà tôi hỏi đùa, thế lì xì của tôi đâu? Bà Xuân bảo:
“Chết, em quên, để em về nhà lấy gửi chị”.
Từ đó bà Xuân tránh mặt bà tôi như tránh tà.
Một dạo, trong phố có đám. Ông H mất, thượng thọ. Ông H sống lành, cả phố đi viếng. Bà Xuân xếp hàng, miệng rì rầm đọc kinh. Hôm sau, nhà ông H có tiếng chửi đổng. Một lúc thấy bà Xuân thất thểu chạy ra. Người làng phong thanh, bà Xuân đến xin lại tiền phúng. Người ta bảo bà nói, cô nhầm, cô nhỡ đưa tờ to quá, cho cô xin lại.
Bà Xuân ở một mình. Cứ vài tuần vào chiều tối, lại thấy một chiếc Grab trắng đỗ trước cửa nhà bà. Anh tài xế trung tuổi cùng một thằng cu mở cửa vào trong. Đèn trong nhà bà cũng chỉ sáng lên đúng khoảng đó. Cu cậu có vẻ dùng dằng. Hai người chỉ ở đó một lúc, rồi lại đi. Đèn tắt phụt. Căn nhà cấp bốn của bà chìm trong bóng tối, chỉ còn tiếng đọc kinh rì rầm.
Bà tôi bảo, đó là cậu con rể. Bà Xuân có cô con gái duy nhất, nhưng giờ từ mặt mẹ. Chồng bà chết, không biết độ mấy chục năm trước. Bà Xuân đi bước nữa, mà đi nhanh quá, thế là con gái giận, từ đó không nói năng gì. Rồi bà Xuân cũng bỏ chồng mới, lại quay về ngôi nhà đầu tiên, từ đó lủi thủi sống vậy.
Bà tôi bảo, ấy thế mà bà Xuân vẫn gửi tiền cho con rể, gom đâu được mấy trăm, góp vào mua cho con rể cái xe ô tô chạy Grab nuôi cả nhà. Thế nên bây giờ mỗi thằng con rể về thăm. Thôi cũng còn tốt, vẫn lo cho con cái, gia đình. Bà tôi chặc lưỡi, mà, chẳng hiểu lấy tiền ở đâu.
Bà tôi thở dài, phải bao nhiêu tiền, bao nhiêu tiếng tụng kinh, bao nhiêu năm cô độc, thì người ta mới tha thứ được cho nhau.
Rì rầm rì rầm tiếng sóng sông Đuống đập vào những triền đê.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất