Tôi vẫn còn nhớ như in cái đầu máy thu băng của nhà mình rất nhiều năm về trước. Nó màu đen, cũ kỉ và nhuốm màu hoài niệm.
Từ lúc nhỏ, tôi thường sợ những bài hát mà mẹ hay nghe. Đó là những bài hát buồn và dường như mẹ cũng man mác buồn khi nghe những bài hát ấy, những bài hát về thứ tình yêu dang dở, không bao giờ thấp thoáng niềm vui. Trên những chiếc xe đò tàn tàn mỗi lần đi đó đi đây, tôi lại bắt gặp những bài hát ấy. Xe nóng bức, ngoài trời khói bụi, còn tiếng nhạc thì não nề đến chán nản.
Chị tôi thì khác, chị hay cùng mẹ ngồi hát karaoke bằng cái đầu máy thu băng ấy. Lời bài hát của ngày xưa, tôi vẫn còn nhớ trong đầu:
“Ngày nào em tuổi mười lăm, em hay nghe tôi ngồi đánh đàn
Tiếng đàn làm nổi nhớ mênh mang”
Nhưng khi nhìn chị hát, tôi không thấy chị buồn, chị vui và cười.
Rồi chị cũng không còn ngồi hát karaoke cùng mẹ nữa, chị thích cùng tôi nghe ca nhạc trẻ bằng cái đầu DVD mới cóng. Cái đầu máy thu băng bị hư và mẹ cũng không còn thường xuyên nghe những bài hát ấy. Mẹ bận rộn.
Thi thoảng tôi tự hỏi, không hiểu tại sao, người lớn lại thích thể loại nhạc ấy. Tôi nghĩ, có lẽ tuổi trẻ của họ cũng từng trãi qua những chuyện tình buồn như thế. Nhưng bây giờ tôi mới biết, chuyện tình nào cũng buồn như nhau.
Tôi bây giờ, đang sống trong một thời kỳ, gọi vui là thời phục hưng của những dòng nhạc xưa. Tự nhiên, giờ tôi lại thích nghe những bài hát ấy, tôi cảm giác nó rất sâu lắng và nổi buồn hàm chứa trong bài hát rất thật và đầy cảm xúc, không hờ hợt và chóng vánh như nhạc trẻ. Tôi nghĩ đó cũng là lý do dòng nhạc xưa lại tồn tại lâu đến như thế.
Bây giờ mẹ tôi đã có điện thoại, mẹ hay ngồi nghe nhạc một mình, mỗi lần như thế, tôi lại nhớ những buổi chiều ngày xưa, những buổi chiều mẹ và chị ngồi hát karaoke với nhau, bên chiếc đầu máy thu, cũ kỉ và buồn.