Trong bài viết "Suy Nghĩ Đơn Giản Không Giúp Cuộc Sống Của Bạn Đơn Giản", mình có dẫn một đoạn trích từ sách của bác sĩ M. Scott Peck và mình trích lại ở đây:
"Chúng ta không thể giải quyết vấn đề trong cuộc sống trừ khi chúng ta bắt tay vào giải quyết nó".

Điều đó có nghĩa là chúng ta phải thừa nhận rằng đó là một vấn đề và đối mặt với nó. Điều mình quan sát được đó là nguyên nhân số một, nguyên nhân hàng đầu khiến cho số lượng các vụ biểu tình ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây ngày càng tăng về số lượng lẫn cường độ đó là vì: thực sự chính phủ không muốn giải quyết vấn đề này vì họ không đối xử với nhóm người đó như người dân Việt Nam. Và thực sự cả những người phản đối biểu tình cũng không muốn giải quyết vấn đề này. Điều này đang tạo ra sự phân hóa rất lớn trong xã hội Việt Nam.
Và trong bài viết này mình sẽ giải thích tại sao mình nghĩ như vậy và các bạn có thể phản đối một cách lịch sự.

Nếu chúng ta không nhắc đến nó tức nó không tồn tại

Hãy tưởng tượng một doanh nghiệp đang đến kêu gọi đầu tư, hãy gọi là doanh nghiệp ViNa. Doanh nghiệp này đến gặp nhà đầu tư nước ngoài tên Sam. Cả hai cùng bàn luận về chuyện làm ăn. 
Sau 10 phút thuyết trình về cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp ViNa là đến phần trao đổi với nhà đầu tư.
Sam: Cám ơn về buổi thuyết trình rất hấp dẫn, tuy nhiên ở đây chúng tôi thấy có một vấn đề, đó là trong hồ sơ về quý ngài ghi rằng 3 năm trước có nhà đầu tư tố rằng các anh lấy tiền của họ không hoàn trả theo hợp đồng. Vậy chuyện này là sao?
ViNa: Hãy tin tưởng vào chúng tôi, chúng tôi luôn rộng mở chào đón các nhà đầu tư, chúng tôi rất uy tín và luôn quan tâm đến sự an toàn tài sản của nhà đầu tư.
Sam: Khoan nhưng mà vụ kiện tụng 3 năm trước đó là sao? Các anh đã giải quyết thế nào?
ViNa: Quý ngài hãy yên tâm, chúng tôi luôn rộng mở chào đón các nhà đầu tư, chúng tôi rất uy tín và luôn quan tâm đến sự an toàn tài sản của nhà đầu tư. Chúng tôi dốc hết sức để đảm bảo quý ngài có môi trường làm ăn lành mạnh.
Sam: Nhưng mà....
Và cuộc hội thoại cứ bị tắc như thế cho đến khi hai bên ra về vì không còn gì để nói. 
Đó là một câu truyện giả tưởng để nói về cách mà chính phủ và rất nhiều người chọn để giải quyết các vấn đề xoay quanh chuyện biểu tình: hãy đừng nhắc đến nó và coi như nó không tồn tại.
Ngày 10/06/2018 vừa qua là một ngày thú vị khi những người đọc báo mạng ở nước ngoài như mình có cảm giác có hai nước Việt Nam: một quốc gia yên bình thịnh vượng và một quốc gia sôi sục biểu tình. Hàng nghìn tờ báo trong nước "vô tình" coi hàng chục nghìn người xuống đường biểu tình là vô hình. Những tiếng hò hét của đám đông như văng vào trong một không gian khác, nơi mà chúng không thể đến được những quán cà phê sân vườn yên ắng. 
Đừng nhắc đến.
Hãy coi như nó không tồn tại.
Và rồi nó sẽ qua đi.
Và cách đối xử với người biểu tình như vậy cho thấy chính quyền thực sự không coi họ là người Việt. Báo chí là cơ quan ngôn luận của nhân dân, phản ánh đời sống của người dân, nhưng hàng chục nghìn người xuống đường đó không có ai được báo chí phỏng vấn, ghi hình, cho lên truyền hình, vậy chẳng phải đó không phải là nhân dân Việt Nam sao? 
Rõ ràng đây không phải là điều đơn giản bởi vì nếu tin tức này được đưa lên truyền hình, chính phủ bắt buộc sẽ phải chọn: họ ủng hộ hay không ủng hộ việc biểu tình? 
Nếu họ nói rằng đây là bạo loạn, bạo động và nó đang bùng phát ở toàn quốc, chẳng phải như vậy cho thấy rằng họ không ủng hộ và có nghĩa là mấy chục nghìn người kia là phản loạn. Nhưng mà nếu chính phủ Việt Nam được nhân dân chọn ra, bầu lên qua những lá phiếu sáng suốt, thì tại sao lại có phản loạn được, như vậy khác gì nói rằng chính phủ này không được lòng dân? Hay như vậy chính phủ được nhân dân tin yêu, còn đám người kia không phải là nhân dân, chúng là "một thành phần gì đó khác"?
Nhưng chính phủ không thể đối mặt trực tiếp với người biểu tình và nói rằng họ đúng, và chính phủ đã sai, bởi vì điều đó có nghĩa là họ phải thừa nhận rằng trước đó họ đã chẳng thèm đếm xỉa việc người dân nghĩ gì, rằng cách họ đưa ra quyết định đã làm hại đến lợi ích của quốc gia (logic nó như vầy: người dân phản đối đặc khu vì lo ngại an ninh quốc gia, nếu chính phủ đồng tình tức chính phủ đã thừa nhận rằng họ đã không quan tâm đến an ninh quốc gia). 
Và một điều rất quan trọng khiến chính phủ không thể đối thoại công khai với quần chúng biểu tình là vì: hành động đó sẽ phá tan đi bức tranh về một Việt Nam yên bình luôn được vẽ lên bấy lâu. Đó là những đã được vẽ ra liên tục, đó là thứ khiến họ tự hào, là câu chuyện họ kể cho những nhà đầu tư và khách du lịch nước ngoài: con người Việt Nam hiền hòa, yêu hòa bình, xã hội thanh bình, một quốc gia giàu tính nhân văn, người dân Việt Nam rất tin tưởng vào chính quyền. 

Nếu chính phủ đứng lên nói chuyện với người biểu tình, đó là một sự thừa nhận thực tế: rằng người dân đang rất bất mãn và rằng người dân ở đây có thể trở nên hung hãn chứ không hiền lành như báo chí, sách giáo khoa... hay nói.
Đó là một sự xung đột nhận thức.
Và trong rất nhiều lựa chọn, chính phủ đã chọn giải pháp: hãy coi như nó không tồn tại. Hãy coi đó là một bộ phận ngoại lai, một đám người không nằm trong bức tranh "nước Việt Nam yên bình, con người Việt Nam hiền hòa". 
Chúng tôi vẫn lắng nghe nhân dân, nhưng "trừ một số thành phần ra".
Chúng tôi vẫn quan tâm đến đời sống nhân dân, nhưng "trừ một số thành phần ra".
Chúng tôi là chính phủ do dân và vì dân, nhưng "trừ một số thành phần ra".
Sự im lặng của chính phủ đang khiến xã hội Việt Nam ngày càng phân hóa. Sự đối thoại ở Đồng Tâm nhưng là một điểm dị biệt hơn là một điều xảy ra thường xuyên.
Có một bộ phim tài liệu nào đã được làm để cho công chúng biết rốt cuộc chuyện gì đã xảy để dẫn đến vụ bạo động ở Bình Dương năm 2014? Những người tham gia đập phá nhà máy, rốt cuộc tại sao họ làm vậy, có ai ngoài cảnh sát nghe họ nói? Khi bạn nói họ bị kích động, bạn có nghe do chính họ nói hay do "tin đồn trên mạng"? Rồi hàng loạt các vụ biểu tình, bạn đã được nghe một cuộc phỏng vấn người dân nào chưa? Có nghiên cứu nào được thực hiện bởi các nhà khoa học xã hội về việc biểu tình chưa? 
Chính phủ đã chọn im lặng và đó là một hành động rất khôn ngoan: không ai bắt bẻ được gì anh nếu anh không nói gì cả.

Xã hội phân hóa

Một vấn đề cực kì nghiêm trọng đang làm rối tung rối mù nền chính trị Mỹ là sự phân hóa của các đảng phái lãnh đạo. Trong chính trị sẽ luôn có các phe cánh cực hữu hoặc cực tả, những thành phần quá khích (extremists), nhưng đồng thời sẽ luôn có những người giữ cái đầu lạnh, đứng ở giữa (moderatists) và sẵn sàng nhượng bộ để đạt được lợi ích chung. Nhưng trong 15 năm trở lại đây, số người đứng ở giữa ngày càng giảm, mọi người đều bị phân hóa cực kì mạnh, Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ không thể có tiếng nói với nhau nữa, bây giờ cuộc đấu chính trị trở thành: "mày sống thì tao chết", "hoặc là anh nghe theo tôi, hoặc là không có thỏa thuận". Kết quả là 10 năm qua Washington phải mất rất rất rất nhiều thời gian và công sức để thông qua một đạo luật có tác động rất rất rất nhỏ lên đời sống của người dân, vì bất kì một chính sách nào có tác động hơi hơi lớn lên xã hội đều bị đối phương bác bỏ.
Sự phân hóa trở nên tồi tệ vì không có phe phái nào đủ quyền lực để ép đối phương nghe theo mình.
Ở Việt Nam, việc chính phủ im lặng và không đưa ra tiếng nói chính thức về quan điểm của họ về việc biểu tình đã khiến cho sân chơi này là của nhân dân: đúng sai, tốt xấu là do người dân tự định đoạt. Tất nhiên là sẽ có những tiếng nói bóng gió, nói kiểu nhắc khéo trên Quốc Hội như: vừa rồi người dân bức xúc về Luật Đặc Khu, thủ tướng nghĩ sao? Hay như bài báo sau:
Việc không có một người quyền lực đứng giữa đã tạo ra sự phân hóa rất lớn trong hệ tư tưởng chính trị của người Việt. Nếu như khoảng 5 năm trước, bạn có thể thoải mái nói rằng: "Ôi mấy chuyện chính trị nhức đầu, không có xen vào" thì bây giờ mọi thứ càng ngày càng khó hơn, bạn sẽ phải chọn phe: anh chị sẽ đồng tình hay phản đối? Điều đó khiến cho chúng ta càng lúc càng không coi nhau là người Việt, mà là một đám gì đó.
Những bình luận tôi đọc của những người phản đối nhóm người biểu tình đó thường là:
-Lũ lừa bị dắt mũi.
-Đám du côn bị kích động.
-Lũ ngu bị 3 que dụ dỗ.
-Yêu nước không có não.


Đoc thêm:

Nhưng cái lũ lừa, đám du côn, yêu nước không có não đó, họ có nằm trong nhóm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến: 
"Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. 
Làn sóng mà chúng ta thấy hôm ngày 10/06/2018 có phải là làn sóng mà chủ tịch Hồ Chí Minh mô tả, hay chỉ những đợt tuần hành do nhà nước tổ chức, và những đợt "biểu tình chống Mỹ yêu nước ở miền Nam không do Việt Cộng kích động" mới "đạt chuẩn" làn sóng yêu nước, còn làn sóng "điên cuồng" kia là một "thứ gì đó khác"? 
Trong bài Giai điệu Tổ Quốc mà nhạc sĩ Trần Tiến viết có đoạn:
Tôi nghe giai điệu Tổ Quốc tôi  
Dịu dàng trong tiếng ru hời  
Tôi nghe giai điệu Tổ Quốc tôi  
Trầm sâu trong tiếng đất trời  
Tôi nghe trong lời yêu thương nhau  
Tôi nghe trong lời ca tha thiết  
Phút hành quân mẹ tiễn đưa con  
Giai điệu nhớ , giai điệu thương  theo suốt con đường 

Vậy tiếng người dân hô vang trong đợt biểu tình đó, nó có đạt chuẩn để được gọi là "giai điệu tổ quốc", hay đó là "một thứ gì đó khác"?
Tôi rất yêu quê hương, con người Việt Nam thân thiện, nhưng không phải là đám đông hung hãn, đốt xe cảnh sát đó đó. 


Không, đám đó là một 'thứ gì đó khác'. Đây đây, hình ảnh bác nông dân say mê gặt lúa vàng mới là đại diện cho đất nước Việt Nam thanh bình của tôi.


Tình yêu là chấp nhận tất cả

"I love you pretty, I love you ugly".
Trong bài viết mình đã xóa về du học sinh, mình nói rằng tại sao mình không coi những hành động của du học sinh như mặc áo dài giữa phố, mặc áo cờ đỏ sao vàng tập thể nhảy flashmob hay chụp hình là thể hiện lòng yêu nước. Đó là bởi vì những gì mình thấy đó là họ yêu nước Việt Nam "trong trí tưởng tượng" của họ, họ không có yêu nước Việt Nam "ngoài đời". Đó là không phải là lòng yêu nước. Đó là chủ nghĩa dân tộc, một thứ chủ nghĩa chỉ tôn vinh cái đẹp của đất nước mình, đôi lúc đến lúc lố bịch, và coi những thứ xấu xa là vô hình, là một điều gì đó "ngoại lệ", "một nhóm nhỏ", "không đại diện cho con người Việt Nam". Thật thú vị khi nhìn các sinh viên đến từ các gia đình khá giả ở thành thị nhảy múa với nón lá và áo bà ba, những thứ họ chẳng bao giờ mặc và đội, để quảng bá về văn hóa Việt Nam. Hay là bản nhạc kịch À Ố nói về làng quê Việt Nam, trong khi đa số các diễn viên đều không phải là nông dân và chưa đi chăn trâu, chăn bò bao giờ.
Chúng ta yêu mẹ mình và chấp nhận mọi thứ về mẹ, dù mẹ có hay cáu tính, có hay làm phiền con cái vì sự đãng trí, hay nóng nảy và mệt mỏi vì mãn kinh, chúng ta vẫn yêu và chấp nhận. Tình yêu là sự chấp nhận. Bạn không thể nói với người yêu rằng: 
-Trời sao nay em cáu tính, giận dữ vậy, em hãy luôn vui vẻ và tươi cười như người con gái anh hằng biết nào. Người con gái anh yêu đâu có mặt bí xị vậy.
Đó là một kẻ điên, yêu cái người yêu được vẽ ra trong trí tưởng tượng. 
Một biểu hiện khác của yêu "đất nước trong trí tưởng tượng" là việc nói rằng:
-Ông cha ta đã đổ máu giành độc lập, hòa bình, yên bình cho đất nước, để con cháu giờ đây đi phá sự yên bình.
Nhưng mà lứa "ông cha ta" là ai? Đó là Đinh La Thăng, sinh năm 1960, cựu Bộ trưởng Bộ Giao Thông và Vận Tải, đã phá hoại nền kinh tế quốc gia với những vụ tham nhũng nghìn tỷ ở Vinalines. 
Đó là ông Phạm Thanh Bình, sinh năm 1953, từng đăng ngũ làm du kích đi đánh Mỹ, sau này làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Tổng công ty Công Nghiệp Tàu Thủy Việt Nam Vinashin, đã bị bỏ tù 20 năm vì những vụ tham nhũng nghìn tỷ, phá tan ngành công nghiệp đóng tàu của quốc gia. Hay là tướng công an Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng Cục Trưởng Tổng Cục cảnh sát, sinh năm 1955, từng lập bao nhiêu chiến công bắt các nhóm phản động phá hoại. Ông vừa bị bắt hồi đầu năm nay trong vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ ở Phú Thọ.
Và đó chỉ là ví dụ điển hình của mấy nghìn cán bộ bị bắt và bỏ tù vì tội tham nhũng. Nào bây giờ khi bạn nói "ông cha ta" thì bạn có muốn cho họ vào trong danh sách đó không? Hay là họ sẽ vào nhóm thuộc "một thứ gì đó khác"?
Nếu bạn nói rằng "lũ" người biểu tình kia là ngu dốt, bị kích động, bị dắt mũi, thì hãy chấp nhận đi: họ là người Việt, là một phần của Việt Nam, và đó là một phần tính cách của dân tộc Việt. Cái lũ Việt Nam bán nước, ngu dốt, tham lam, tàn ác, xấu xa chạy qua Mỹ năm 1975, chia buồn là họ cũng là một phần của dân tộc Việt. Bạn không thể nói rằng: Người Việt chúng tôi rất khôn ngoan, trừ cái đám kia, tụi nó là "thứ gì đó khác". Người Việt Chúng tôi rất yêu nước, trừ cái đám bán nước chạy qua Cali kia, tụi nó là "thứ gì đó khác".

Bạn tự hào về đất nước Việt Nam ư? Nhớ rằng những người đó cũng là một phần của đất nước đó. Và chính phủ sẽ mãi tiếp tục đương đầu với những cuộc biểu tình mới trong tương lai, những đợt bạo loạn, gây hấn trên đường phố mới, nếu chính phủ tiếp tục phương châm "Không nhắc đến là không tồn tại". Chia buồn, những người đấy tồn tại và khi chính phủ nói rằng họ quan tâm đến nhân dân, đối thoại với dân, thì tức bao gồm cả nhóm người đấy.
Đã đến lúc chúng ta trưởng thành về mặt tinh thần và hiểu rằng tình yêu là sự chấp nhận: chấp nhận sự xấu xí của đất nước mình. Khi chúng ta đã chấp nhận rồi, đã thành thật với chính chúng ta, chúng ta mới có thể bắt tay vào giải quyết vấn đề.
Còn nếu chúng ta tiếp tục coi những người biểu tình hôm 10/06 đó là thuộc "thành phần khác" thì rốt cuộc câu hỏi là: Nếu họ không phải là người Việt, thì họ là ai? Bạn yêu nước Việt Nam trong trí tưởng tượng của bạn hay yêu nước Việt mà bạn đang thực sự sống trong?