Đông lại về và tôi lại lười như vẫn luôn lười. Trong cái lười biếng tràn ngập mùi bia hơi và Whisky thì tôi cũng làm được nhiều thứ nhảm nhí nhưng vui vui. Cái vui vui đó làm tôi bận thêm đôi chút. Cứ thế mà bốn buổi một tuần tôi đi học giáo lý ở nhà thờ, hai buổi cho giáo lý hôn phối và hai buổi cho giáo lý dự tòng. Đương nhiên là tôi đi học dự tòng theo kiểu ăn theo thôi vì tôi sẵn đã là người có đạo từ nhỏ. Nhưng những buổi học đó cũng là những buổi học hay ho cho tôi. Đến mức trong đầu tôi vẫn hay nhảy ra cái tiêu đề là "Hãy thử học một khóa dự tòng đi nào anh bạn Kitô hữu lười biếng của tôi ơi". Đương nhiên sẽ chẳng bao giờ có bài viết đó, bởi lẻ tất cả những gì có thể viết đã nằm gọn trong cái tiêu đề cả rồi.
Trong những ngày lười biếng này, như tôi vẫn luôn lười, tôi cũng ngồi đọc sách. Tôi lật giở từng trang trong cuốn Tuyên Xưng (Confessions) của thánh Augustine thành Hippo. Đó là một hành trình thú vị và hay ho với tôi. Có những đoạn làm tôi bật cười, gật gù và cũng có những dòng làm tôi trầm ngâm... Đương nhiên cũng không thiếu những đoạn mà đọc xong thì tôi khép hờ sách và bất giác ngước nhìn lên khoảng không nào đó xa xa trên cao. Cũng có khi tôi lười biếng, như tôi vẫn luôn lười, cái lười của loài thụ tạo... tôi nghe sách nói. Nghe nhiều đoạn cũng hay nhưng rồi quên đi mất, chỉ biết nó hay lắm thôi. Để rồi hôm sau phải ngồi dậy mà cầm lấy sách giấy mà đọc lại, dù rằng có khi cảm giác nó không đã bằng lần đầu nghe qua. Cái lần đầu thoáng qua bên tai, một cái thoáng qua mà chẳng thể nào níu lại. Bởi vì một cú gõ phím để tua lại đoạn âm thanh thì dễ dàng. Nhưng chẳng có phím bấm nào có thể tua lại sự biếng lười của tôi khi đó lẫn khi này.
Song song trong lúc đọc Tuyên Xưng thì tôi cũng vô công rỗi việc, ngoài học kỹ thuật để đi thi (ơn Chúa, con đậu rồi), tôi cũng tranh thủ làm mấy chuyện cỏn con khác. Đó là ngồi dịch cuốn The city of God (Thành trì của Thiên Chúa) cũng do thánh Augustine viết. Đó là một hành trình thú vị khi mà tôi phải lộn nhào qua lại giữa ba phiên bản Anh, Pháp và Latin. Tiếng Anh thì dài dòng, rõ ràng nhưng đôi lúc lại khô khan, ráo hoảnh. Tiếng Pháp thì bóng bẩy hơn, thi vị hơn nhưng đôi lúc thì hơn khó hiểu. Tiếng Latin thì xúc tích, trực diện và ngắn gọn. Cứ thế mà tôi chuyền từ cành ngôn ngữ này qua nhánh ngôn ngữ kia. Trên những cành đó đôi lúc tôi phải dừng lại trước những thứ lạ lẫm, để rồi lại phải chạy qua chạy lại để xem đó là gì. Đó có thể là những vầng thơ của Virgil, những ghi chép của Sallust hoặc là những dòng kinh thánh Cựu Ước đến từ đủ sách, sách Gióp, sách Sáng Thế, sách Ét-ra và đương nhiên không thiếu những sách sứ vụ tông đồ kèm những lá thư của thánh Paul. Kéo theo những câu chuyện tôn giáo thì tôi cũng phải nghía thêm về những biến loạn như câu chuyện của Caesar, Marcus Marcellus, Fabius và những trận chiến trong cuộc chiến Punic. (Tái bút là hiện tại lại phải đụng tới Plato và Socrates, thật đau khổ). Cứ thế mà mỗi ngày tôi ngồi chuyển ngữ được một chương hoặc đôi khi là hai. Có những đoạn khó hiểu thì tôi cũng đành "làm dấu" để lại đó, ít vọng ít hôm nửa sẽ xử lý được. Hy vọng trước Tết có thể xong được cuốn một, hy vọng và hy vọng thế thôi.
Rồi trong những ngày này, tôi cũng vừa rãnh vừa nghèo nên tôi quyết định đi du lịch bằng Google Maps. Tôi về quê. Tôi đọc đánh giá về nhà thờ quê tôi, ngôi nhà thờ mà tôi đã lãnh nhận hầu hết cách Bí Tích trong đời. Nói về giáo xứ này thì có điểm một trong những điểm đặc trưng nhất sẽ là việc các bài giảng đều khá thực tế. Tôi và những người ở trước thế hệ tôi đều rất thích thú việc này. Khi ở Sài Gòn thì tôi thấy nhiều người cũng thích điều đó, một điều mà đôi khi ở giáo xứ của họ hiếm khi thấy được. Quay lại chuyện hồi hương qua Google Map thì tôi cũng tìm được một bình luận khá tức giận của một người "đã đi lễ ở đây từ nhỏ", lý do của sự tức giận đến từ việc những bài giảng của linh mục động chạm đến những điều thế trần, những thứ mà được xem là cá nhân hóa để rồi kết câu là "Muốn đuổi giới trẻ à? Muốn giới trẻ bỏ đạo à?". Trong hai lần tôi về quê đi nhà thờ thì đều nghe được những bài giảng có phần cá nhân thật. Lần đầu là bài giảng về việc những bậc cha mẹ không quan tâm đến lịch học của con cái và tìm cách xin xỏ nhà cha để cho con lãnh nhận bí tích dù chỉ học có vài buổi. Lần kế cũng là bài giảng về chuyện cha mẹ bao che con cái thông qua vở kịch Nhân Danh Công Lý. Lúc tan lễ, tôi có đùa rằng "Giờ còn nhẹ nhàng. Hồi xưa cha sở còn công kích cả việc tiệm sửa xe tăng giá bắt chẹt dịp Tết kìa.". Nhưng có lẻ thời thế đổi thay, "giới trẻ" quê tôi cũng thế. Tôi chẳng muốn làm cuộc so sánh nhưng đúng là ở Sài Gòn thì tôi cảm thấy vui hơn và có nhiều hy vọng hơn. Đúng là cuộc sống luôn khó vẹn toàn khi những thứ ta thích thì khó mà đến cùng nhau, cùng lúc.
Mùa Giáng Sinh này có lẻ sẽ là mùa Giáng Sinh của nhiều thứ đầu tiên. Lần đầu đi xem hoạt cảnh, lần đầu ăn một buổi tối mang tinh thần Giáng Sinh và lần đầu nhà tôi tự làm máng cỏ. À tự pha cocktail trong đêm Giáng Sinh nửa chứ nhỉ.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất