Văn xuôi tai ở đây nghĩa là thứ văn viết kiểu bình dân, mang từ vựng và cấu trúc câu giống với văn nói hàng ngày, do đó bất kì dạng người đọc nào cũng có thể đọc được và hiểu được dễ dàng. Chuộng đọc văn xuôi tai là tâm lí chung của người mới đọc sách, mở rộng ra với một nền văn hoá đọc non trẻ thì sách xuôi tai được chuộng hơn cả âu cũng là tất yếu.
Nhưng nếu chỉ vì một từ vựng ít gặp ở văn nói, nhưng gặp thường xuyên ở văn viết, mà lại khiến văn bản trở thành kén người đọc hoặc cực đoan hơn là không chấp nhận được, thì đây đã trở thành vấn nạn lớn trong cộng đồng người Việt biết chữ, thưa các anh chị.
Chủ đề này đã từng được tôi đề cập trong bài Sự đói khát thứ văn xuôi tai [1], nếu như bài ấy nêu ra hiện tượng và cách giải quyết vấn nạn, thì bài này bước lùi một bước để nhìn vào căn nguyên của vấn nạn này, cùng những hệ luỵ mà nó gây ra. Hiện tượng ở ảnh dưới là ví dụ.

Từ cảm thấy sượng
Cho đến giễu cợt và không chấp nhận
Ta dễ thấy những người trong ảnh đang giãy giụa vì từ sự chết. Và vẻn vẹn trong trường hợp trên ta đã thấy 2 vấn đề ở đây:
    Thứ nhất là khoảng cách giữa văn nói và văn viết ở tâm lí người Việt đang là một vực thẳm khổng lồ, mà nguyên nhân do lười đọc sách. Bởi từ sự chết tuy không gặp trong văn nói, nhưng là từ rất phổ biến trong văn viết. Nó xuất hiện đầy trong tài liệu tôn giáo từ Phật giáo cho đến Thiên Chúa giáo (Hiểu về sự chết – Sherwin B. Nuland), hay trong văn chương cũng có (Veronika quyết chết – Paulo Coelho).
Người ta không lạ với trào lưu “độ ta không độ nàng”, hoặc “bà Yến chùa Ba Vàng”, thế nhưng lạ lẫm với từ sự chết vốn dùng nhiều trong Phật giáo. Hoặc không lạ với tác giả Paulo Coelho nổi tiếng rầm rộ nhờ Nhà giả kim, nhưng người ta nào biết từ sự chết xuất hiện nhiều lần trong Veronika quyết chết – một quyển sách khác của ông. Lí do cho thảy những sự này chỉ có thể là lười đọc sách, thay vào đó lại chăm đọc văn viết hạ cấp như Facebook, báo mạng.
    Thứ hai là vực thẳm đó không thể nào nối liền bởi vì bị tâm lí cực đoan của người Việt ngăn cản. Đã từ lâu họ coi văn nói là chuẩn mực tuyệt đối, dù là văn viết mà đi trái chuẩn mực thì cũng không chấp nhận được. Thật trớ trêu tâm lí ấy còn sống trong nền văn minh của chữ viết bây giờ. Đã hẳn văn nói xuất hiện trước văn viết, nhưng con người phát triển đến ngày nay nhờ ở chữ viết. Hầu hết giao tiếp trên mạng dùng công cụ là chữ viết kia mà.
Mặc dù Việt Nam xoá mù chữ thành công, nhưng phông văn hoá về văn chương của người Việt nay vẫn còn sống ở thời mù chữ. Họ chuộng xuôi tai, dễ nhớ, dễ hiểu vì đây là đặc điểm của văn truyền khẩu. Và họ vẫn chuộng truyền khẩu giữa thời đại chữ viết bởi cả dân tộc đã bị mù chữ quá lâu.
Thưa các anh chị, đây là bi kịch.
Hoặc, theo góc nhìn khác, là hài kịch.


I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA CHỮ VIẾT



Sự ra đời của chữ viết mang tầm quan trọng lớn hơn chúng ta thường nghĩ, chữ viết tạo ra chấn động đến mức cột mốc để giới sử học đánh dấu giữa thời tiền sử (pre-history) và lịch sử (history) chính là thời điểm ra đời chữ viết. Xuất phát từ nhu cầu giao tiếp từ xa trong ngành thương mại, người Sumer tạo ra chữ viết ở dạng tượng hình để biểu hiện những thông tin đơn giản như bao nhiêu lúa được gửi, bao nhiêu bia được nhận.
Mục đích ban đầu là như vậy, nhưng cũng như vô vàn các công cụ trong tự nhiên, sinh vật sử dụng công cụ với bất kì mục đích nào chúng muốn đến mức không ai đoán trước được. Cái miệng ở những sinh vật đa bào đầu tiên đảm nhiệm chức năng để ăn nuôi cơ thể, nhưng con người còn dùng miệng để nói, Pavarotti để hát, Kenny G để chơi xắc-xô-phôn, cá biệt một số “bạn đọc” có thể dùng miệng để gáy.
Chữ viết cũng không nằm ngoài hiện tượng ấy. Rời xa mục đích ban đầu, một số người dùng chữ viết để ghi ra những điều mình tưởng tượng, kể từ khi ấy xuất hiện một trong những nghệ thuật cổ xưa nhất của loài người: văn học viết. Một số người khác nhờ có chữ viết để không những chỉ ghi ra mà còn có thể sắp xếp theo hệ thống và đào sâu vào những suy nghĩ của mình, từ đó triết học ra đời. Mặc dù cũng có những triết gia không viết sách như Socrates, nhưng không phải tự nhiên mà những nền triết học đầu tiên của thế giới xuất hiện ở những quốc gia có chữ viết sớm nhất thế giới: Hi Lạp, Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tư.

Những lợi ích của chữ viết cho văn chương và triết học chúng ta có như sau: Thứ nhất chữ viết giúp ghi ra chính xác suy nghĩ của mình, sẽ tránh được nạn tam sao thất bản xảy ra trong chính bản thân ta, vì tư duy của con người mỗi lúc mỗi khác, trí nhớ lại không thể gọi về tuyệt đối chính xác được.
Thứ hai, chữ viết giúp con người dễ dàng hệ thống lại suy nghĩ và thúc đẩy tư duy trừu tượng cũng như các thủ pháp văn học. Đây là lí do vì sao nhân vật trong các tác phẩm truyền miệng thường chỉ đóng chết một tính cách và cốt truyện không quá quanh co như tác phẩm thành văn.
Thứ ba, quan trọng hơn cả, chữ viết giúp người tiếp nhận kiến thức của người khác được tiếp nhận trong cô độc, điều mà hiển nhiên không thể xảy ra với kiến thức truyền khẩu. Được suy nghĩ trong cô độc là điều kiện tiên quyết cho những ý tưởng đột phá ra đời.


II. DÂN TA VỀ CƠ BẢN LÀ MÙ CHỮ



Có thể nói không ngoa rằng nếu không tính quãng 70 năm gần đây đã tạm gọi là phổ cập chữ viết, thì suốt hàng nghìn năm còn lại dân tộc Việt Nam sống trong đêm dài mù chữ. Theo tài liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào Bình dân học vụ của Phạm Hải Yến, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, trước năm 1945 có đến 95% dân số mù chữ. Nhưng đến phương tiện để xoá mù người ta cũng dùng truyền khẩu, mà hình thức truyền khẩu dễ gặp nhất chính là văn vần. Theo David G. Marr trong quyển Vietnamese Tradition on Trial 1920-1945, phong trào Bình dân học vụ sử dụng bài lục bát sau để người dân dễ thuộc mặt chữ.
i, t (tờ), có móc cả hai.
i ngắn có chấm, t (tờ) dài có ngang;
e, ê, l (lờ) cũng một loài.
ê đội nón chóp, l (lờ) dài thân hơn;
o tròn như quả trứng gà.
ô thì đội mũ, ơ là thêm râu
o, a hai chữ khác nhau
vì a có cái móc câu bên mình.
Đấy là với chữ quốc ngữ, còn hàng nghìn năm về trước, thời hẵng còn dùng chữ Hán-Nôm, ngoài một số nhỏ người được học hành, thì số còn lại của dân tộc là mù chữ. Cũng theo David G. Marr trong quyển Vietnamese Tradition on Trial 1920-1945, có 25% người có thể đọc được vài trăm chữ Hán-Nôm đủ để đọc gia phả và các giấy tờ của việc làng. Nhưng đấy chỉ là biết đọc, còn biết cảm thụ văn chương hay thậm chí sáng tác văn chương thì hiển nhiên phải ít hơn con số 25%.
Nhưng kể cả có sáng tác văn chương, ở đây là người ta sáng tác bằng chữ Hán, đa phần là thế: Lĩnh Nam chích quái, Thiền uyển tập anh, Hoan Châu kí đều viết bằng chữ Hán. Chữ Nôm chưa bao giờ được hoàn thiện và chưa bao giờ được coi trọng, “nôm na là cha mách qué”. Thành thử ra dân tộc Việt nói một thứ tiếng, nhưng sáng tác văn bằng thứ tiếng khác, điều này làm giãn xa khoảng cách giữa văn nói và văn viết ngay từ thuở rất xưa.
Và ngay cả khi đã sáng tác xong, thì việc in ấn để truyền bá vẫn là trở ngại lớn. Theo Tìm hiểu kho sách Hán Nôm của Trần Văn Giáp, thời Lý, Trần, đầu Lê muốn in thơ văn phải xin phép nhà vua. Và ngay cả khi in được thì công nghệ thô sơ thời đó không thể tạo ra số lượng sách đủ lớn cho toàn dân. Nên lẽ tất yếu văn chương đối với người Việt trước thế kỉ 20 là văn truyền miệng, không thể khác.


III. HỆ LUỴ CỦA TRUYỀN KHẨU



Truyền khẩu là một nét đẹp văn hoá, nhưng đói khát truyền khẩu như giôm-bi đói não là một thảm hoạ.

1. Bóp chẹt sáng tạo

Hệ luỵ thứ nhất là nó khiến người dùng coi văn nói là chuẩn mực, văn viết nếu khác văn nói dù không vi phạm qui tắc ngữ pháp thì vẫn bị coi là không chấp nhận được. Ảnh dưới đây chỉ là một ví dụ điển hình, để xem thêm ví dụ các bạn có thể truy cập bài Sự đói khát thứ văn xuôi tai để ở cuối bài này.


Thật sự ban đầu tôi khá bất ngờ vì hoàn toàn không lường được khoảng cách kiến thức của mình với quần chúng lại chênh lệch đến thế. Tôi dùng từ sự chết một cách hết sức tự nhiên và không hề muốn tỏ ra khác người vì với số sách tôi thường đọc thì từ này vô cùng quen thuộc và bình thường.
(Dông dài chút: Điều này càng làm tôi thêm tin rằng giới làm sách không nên chèn chú thích để hỗ trợ người đọc, bởi một khi khoảng cách kiến thức đã quá chênh lệch, ta không hiểu nổi họ cần chú thích ở từ vựng nào. Không lẽ chú thích tất cả từ vựng?)
Chúng ta chưa cần xét đến độ phổ biến của từ sự chết vội, mà trước hết hãy xét xem từ sự chết có vi phạm qui tắc ngữ pháp nào không đã.
Theo Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê:
Sự: danh từ. (nghĩa 2) Từ có tác dụng danh hoá (sự vật hoá) một hoạt động, một tính chất.
Chết: động từ. Mất khả năng sống, không có biểu hiện của sự sống.
Theo ngữ pháp tiếng Việt:
Một cụm danh từ có 3 phần, được kết hợp cố định theo thứ tự:
phần phụ trước + danh từ trung tâm + phần phụ sau
Xác định danh từ trung tâm: Chết
Xác định phần phụ trước, thuộc định tố thứ ba, danh từ loại thể: Sự
Xác định phần phụ sau: không có
Kết quả: Sự chết
Vậy là về ngữ pháp thì sự chết chẳng có gì sai. Còn về độ phổ biến, một cú tra Google sẽ cho thấy nó phổ biến như thế nào, tuy nhiên tôi không thích cách này vì tư duy theo số đông là tư duy nô lệ. Tư duy nô lệ tức là không sáng tạo mà chỉ bắt chước. Trong khi con người đề ra qui tắc ngôn ngữ nhằm hỗ trợ việc sáng tạo từ mới, nếu cần.
Cái “sai” ở đây chỉ là nghe không xuôi tai mà thôi. Nhưng phàm người biết suy nghĩ sẽ đặt câu hỏi “Nếu sự sống là đúng, thì sao sự chết lại sai? Chẳng phải sống và chết đều cùng là động từ và có cùng một công thức cấu tạo với sự sao?”
Tiếng Việt có rất nhiều trường hợp giống như trên. Dân mạng từng phẫn nộ vì từ hòn xôi trong bài ca dao Thằng Bờm, đã hẳn từ đó không sai ngữ pháp rồi, nhưng họ còn không biết Việt Nam có bài vè ngược “Hòn đá dẻo dai, hòn xôi rắn chắc” tồn tại từ rất lâu, hoặc là từ hòn cơm rất phổ biến, dù có cùng một công thức cấu tạo như hòn xôi. 
Đây lại là một sự chênh lệch kiến thức khác giữa giới làm sách và giới bình dân.


Cạnh đó, việc chuộng đến cực đoan sự xuôi tai dẫn đến các thể loại văn chương khác khó được chấp nhận, chẳng thế mà thơ tự do dù đã xuất hiện ở Việt Nam gần một thế kỉ rồi mà đến nay vẫn chưa được công nhận là… thơ. Cũng như số lượng văn vần chiếm áp đảo trong nền văn chương nước nhà trước thế kỉ 20, chẳng phải vì dân ta yêu thơ ca như lầm tưởng, mà chỉ vì văn vần dễ nói, dễ hiểu, dễ thuộc nên dễ được chấp nhận mà thôi.

2. Bóp chết tính văn chương

Hệ luỵ thứ hai là văn truyền khẩu không truyền tải cho người nghe được thủ pháp văn chương cùng những ẩn dụ văn học, vì lẽ đơn giản người ta không thể truyền miệng lại được những thứ bản thân không đủ trình độ hiểu nổi hoặc nhìn ra, trong khi với văn viết, một đứa trẻ miễn biết viết là có thể sao chép đúng 100% văn chương của bậc thầy.
Hãy tưởng tượng tác phẩm Dr Jekyll and Mr Hyde nếu truyền miệng thì thật không thể giữ được bí mật của tác phẩm cho đến trang cuối, hay nếu muốn truyền khẩu vẻ đẹp ngôn từ ở kịch thơ Shakespeare thì người truyền khẩu hẳn phải có trí nhớ thiên tài để nhớ 100% số chữ. Trong khi sự thật là tất cả văn truyền khẩu nội dung đều thẳng tuột không quanh co, ngôn ngữ bình dị dễ hiểu – cả hai đều trái ngược với hai tác phẩm văn chương trên.

Nhưng nguy hiểm hơn ở chỗ truyền khẩu khiến người đọc quen với kiểu cảm nhận tác phẩm qua cốt truyện và phớt lờ đi hình thức nghệ thuật của cá nhân người nghệ sĩ – thứ mà văn truyền khẩu vốn không có. Thành thử tâm lí người Việt với văn chương bây giờ là thứ tâm lí vừa thô thiển, vừa thực dụng. Thô thiển ở chỗ đọc sách chỉ cốt lấy cái cốt truyện, nên đọc càng nhanh và nhiều càng tốt, nét đẹp hình thức bị vứt đi không tiếc tay, nhiều khi cái đẹp với giới hàn lâm trở thành xấu với quần chúng bởi vì nghe… không xuôi tai. Thực dụng ở chỗ nếu đã mù loà trước cái đẹp hình thức thì người ta chỉ còn tìm đến nội dung, và cố vắt kiệt phần nội dung ra bất kì tí ý nghĩa nào mình hiểu được.
Truyện Kiều là ví dụ hùng hồn, SGK luôn luôn dạy học sinh tìm ra ý nghĩa câu chuyện và đức hạnh của nàng Kiều. Thật sai lầm! Và câu trả lời của bao thế hệ học sinh đã cho thấy cách dạy này phản tác dụng ra sao: Lớp trẻ mạt sát rằng Kiều là đĩ, và tất nhiên không học sinh nào nhìn thấy đức hạnh ở Kiều. Trong khi cái cốt tuỷ cần biết là ở hình thức nghệ thuật, Nguyễn Du sử dụng từ ngữ tài tình như thế nào, và ông tạo ra rất nhiều từ mới, từ lạ chỉ có trong Truyện Kiều mà thôi. Nếu có bất kì ai từng đọc hết Kiều hẳn người đó thấy những từ lạ trên mạng e vẫn còn dễ hiểu chán.
Giới bình dân Việt rất rành Truyện Kiều, nhưng là rành cốt truyện và mãi mãi chỉ là cốt truyện mà thôi.

Hoặc trong lĩnh vực dịch thuật, có nhiều trường hợp chỉ dịch nghĩa thôi thì không đủ. Các câu quen thuộc: Traduire, c'est trahir, thường dịch thành Dịch là phản. Freedom is not free, thành Tự do không miễn phí. Make love, not war, thành Hãy làm tình, đừng gây chiến, chẳng hạn. Theo tôi thấy là đều chưa đạt yêu cầu,
Xét theo hình thức, các câu trên nổi bật nhờ ở chơi chữ chứ không đơn giản ở nội dung. Sau đây là phương án dịch của tôi: Traduire, c'est trahir nên dịch thành Dịch là nghịch. Freedom is not free nên thành Tự do không tự có. Make love, not war nên thành Gợi tình đừng gợi chiến. Như vậy thì việc truyền tải sẽ đủ hơn.
Chia sẻ về dịch của một thanh niên mới nhú, tư tưởng vậy là sai, tất nhiên

3. Đồng hoá viết xuôi tai với giỏi văn

Hệ luỵ thứ ba là truyền khẩu dẫn người Việt đến tư duy rất ngô nghê rằng: Xuôi tai là giỏi văn, trúc trắc là dốt văn. Một quyển sách hay cũng như một tác giả giỏi là phải viết văn xuôi tai, thậm chí là phải viết sao cho ai đọc cũng hiểu được. Còn quyển sách trúc trắc thì thường do tác giả hoặc dịch giả kém ngôn ngữ.
Tôi gọi hiện tượng này là “Dê non chưa biết sợ oai hùm”, và điều này chỉ thiệt thân cho loài dê thôi chứ chẳng tổn hại gì đến loài hùm cả.
Ví dụ

Để phản bác ý kiến trên thì rất đơn giản, tôi có thể kể ra đây những tác gia mà tài năng của họ đã là hiển nhiên, và cũng một điều hiển nhiên nữa là văn của họ không phải ai đọc cũng hiểu được: Marcel Proust, James Joyce, Oscar Wilde, Patrick Modiano v.v. Thế là xong.
Nhưng ở đây tôi muốn chứng minh điều khác, đó là ngay cả khi có thể viết xuôi tai chiều lòng độc giả, song người yêu văn chương vẫn chọn viết theo cách khó đọc bởi như vậy gần với văn chương hơn. Không dám tuyên ngôn thay cho ai cả, tôi tuyên ngôn cho chính mình và lấy chính mình làm ví dụ thôi.
Dưới đây là bài thơ dịch tôi đăng trong nhóm QRVN trên Facebook. Nội dung như sau, link để ở cuối bài này.
Bài thơ dịch từ Do Not Stand at My Grave and Weep của Mary Elizabeth Frye.
Xin đừng khóc trước mộ tôi,
Tôi không nằm đấy mà nuôi bụi trần.
Tôi là ngàn gió phù vân,
Là kim cương sáng trắng ngần tuyết tan,
Là giọt nắng đọng lúa mang,
Là cơn mưa nhẹ thắm vàng mùa thu.
Là tôi sáng sớm sương mù
Khẽ nâng giấc tựa tiếng ru ngọt mềm,
Hay là cánh én liệng êm,
Hay tinh tú sáng trời đêm diệu vời,
Xin đừng khóc trước mộ tôi,
Tôi không nằm đấy ngủ đời thiên thu.
Phải nói thẳng rằng tuy tôi là người dịch nhưng tôi không hài lòng với bản dịch trên của mình. Nó chỉ giữ được phần nội dung, nhưng các thủ pháp hay các đặc trưng của thể thơ trong nguyên tác đã bị tôi phá bỏ hết để nhào nặn thành thơ lục bát. Đây là trường phái dịch nội hoá – nếu dịch để in sách thì không bao giờ tôi dùng trường phái này cả.
Sở dĩ lần này tôi dùng vì mục đích dịch cho quần chúng không biết về văn chương đọc. Thơ lục bát tôi dịch đảm bảo là cực kì xuôi tai và gieo đúng vận, nhưng đây cũng là ưu điểm duy nhất bản dịch này có. Và lại một lần nữa phản ứng của quần chúng không nằm ngoài tiên đoán của tôi, chúng ta cùng xem phản ứng của người đọc với bài thơ dịch, mà với tôi là kém chất lượng, như thế nào.
Một phần các lời khen trong bài thơ dịch
Tôi tự nhận mình không phải người giỏi thơ, nếu so với bậc thầy lục bát như Nguyễn Bính, Bùi Giáng thì kém xa, nhưng tôi tự nhận mình thừa trình độ để viết/dịch ra dạng văn thơ xuôi tai khiến quần chúng tán dương và cứ ngỡ là giỏi lắm. Thực tế để dịch được thơ như trên chỉ cần vốn tiếng Anh trung bình và khả năng chọn từ để gieo vần trên trung bình là đã đủ rồi. Và tuy không có số liệu nhưng tôi tin là dịch giả chuyên nghiệp nào cũng có khả năng viết xuôi tai, việc này chỉ cần đọc nhiều văn Việt xưa là có thể làm được.

Bức thư của dịch giả Diệp Minh Tâm (dịch giả của phiên bản Kiêu hãnh và định kiến mà tôi thích) gửi cho Janebookclub. Bức thư được Janebookclub đăng công khai. Tuy nhiên khi dẫn ở đây tôi chưa xin phép ai trong cả hai bên, vậy nên nếu có than phiền thì tôi sẽ gỡ

Một sự thật hài hước nữa là bài thơ ấy được tôi dịch từ nhiều năm trước, thời mà trình độ chưa bằng bây giờ, nếu giờ dịch lại tôi còn có thể dịch xuôi tai hơn thế nhiều nữa, tuy nhiên tôi sẽ không làm. Bây giờ tôi dành toàn bộ thời gian và sức lực cho văn chương, với các nguyên tắc dịch văn chương của riêng mình, mà đưa cho quần chúng đọc thì có thể họ chê dở.
Nhưng đây không phải bài biện hộ cho người làm văn chương, mà cốt là để cho quần chúng thấy rằng viết xuôi tai chẳng có gì là khó cả, và những người viết trúc trắc là ở lựa chọn của họ. Họ chọn văn chương chứ không chọn chiều theo thị hiếu của quần chúng, mà nhiều khi thị hiếu ấy rất nghèo nàn. Thảy là vậy.
Công chúng, ở mọi thời đại, luôn được nuôi dạy một cách tệ hại. Họ không ngừng yêu cầu Nghệ thuật phải trở nên đại chúng, để thoả mãn nhu cầu thưởng thức của họ, để nịnh bợ sự phù phiếm vô lý của họ, để nhắc lại với họ những gì họ đã nghe từ trước, để cho họ thấy những điều họ đã luôn thấy một cách nhàm tẻ, để làm họ khuây khoả khi họ thấy nặng bụng sau bữa ăn, và để đánh lạc suy nghĩ của họ khỏi cơn mệt mỏi trước sự ngu ngốc của chính bản thân mình.

Trích tuyển tập tiểu luận Nghệ thuật và thợ thủ công,
trong tiểu luận Tâm hồn con người.
Oscar Wilde.
Tiếp tục xin dẫn một người viết khác, lần này là văn hào tầm thế giới – Oscar Wilde.


IV. TỔNG KẾT



Ngoại trừ khoảng 70 năm trở lại đây, thì người Việt sống trong đêm dài mù chữ. Việc mù chữ quá lâu thời xa xưa và việc lười đọc sách thời hiện tại khiến cho người Việt chỉ biết cảm thụ văn truyền khẩu. Thảy điều đó chính là nguyên nhân vì sao thị hiếu người Việt chuộng văn xuôi tai đến cực đoan như hiện giờ.
Hệ luỵ của điều trên là (1) bóp chẹt các hình thức sáng tạo ở từ vựng, cấu trúc và thể loại thơ văn, (2) não trạng của thời truyền khẩu khiến người đọc hiện nay vẫn chưa tiếp nhận được các đặc sắc nghệ thuật của văn viết, và (3) là khiến người đọc đồng hoá việc giỏi viết xuôi tai với giỏi viết văn chương.
Viết xuôi tai không có gì là khó hết, viết để cho quần chúng đọc và tán dương cũng chẳng có gì khó. Nhưng khi đã chọn văn chương thì người ta không buồn quan tâm quần chúng nghĩ gì.
Mặc dù Việt Nam xoá mù chữ thành công, nhưng phông văn hoá về văn chương của người Việt nay vẫn còn sống ở thời mù chữ.



Tham khảo:


Văn học trong một nước mù chữ. Nguyễn Hưng Quốc. Tienve.
Vietnamese Tradition on Trial 1920-1945. David G. Marr. University of California, Berkeley.
Nghệ thuật và thợ thủ công. Oscar Wilde. Minh Hùng dịch. Book Hunter phát hành. NXB Hội Nhà Văn. 2019.



TORNAD
13/8/2019