Chính trị Mỹ là một chủ đề thú vị, giật gân, li kì, và quan trọng hơn chúng ta nghĩ rất nhiều.
(Bài viết từ ngày 30 tháng 04 năm 2023)
If you’ve been following Florida politics, you’re weird. 
Desi Lydic, The Daily Show
Đang xem show hài trên YouTube mà tôi cũng giật mình vì… đúng là tôi cũng có theo dõi tin chính trị ở Florida thật. Nhiều lần tôi tự hỏi vì sao mình lại có niềm quan tâm đặc biệt đến chính trị Mỹ như vậy. Tôi chưa bao giờ đặt chân lên đất Mỹ. Cũng không có mối liên hệ đặc biệt nào với nước Mỹ. Sợi dây liên kết duy nhất của tôi với Mỹ chính là văn hóa và truyền thông Mỹ, một thứ sản phẩm đang lạm phát và bản thân tôi cũng đang ‘nghiện’.

Quan tâm đến chính trị Mỹ không phải vì "cuồng Mỹ"

Tôi có thích Mỹ không? Thích chứ. Trong đời này, chắc chắn tôi muốn được trải nghiệm nước Mỹ một lần để xác nhận và cảm nhận những gì mình được xem, được nghe trong phần lớn cuộc đời mình. Vậy tôi có muốn sống ở Mỹ không? Tôi không chắc. Định cư tại một xã hội cực kì chia rẽ về sắc tộc và chính trị, cộng với hệ thống an sinh không đảm bảo cho người yếu thế, với nền tảng kinh tế gia đình không thật sự chắc chắn tôi sẽ phải cần đến một công việc tốt (thường sẽ đòi hỏi bằng cấp tốt, đồng nghĩa với một khoản đầu tư tài chính lớn cho giáo dục) để có thể sống thoải mái và đóng góp ngược lại cho cộng đồng nơi tôi nhập cư. Nói cách khác thì tôi không mong đến Mỹ bằng mọi giá chỉ để vật lộn để hòa nhập và tồn tại, và tôi cũng đang viết những lời này hoàn toàn không có ý xúc phạm những tầng lớp nhập cư tại Mỹ với mưu cầu chính đáng của họ. Tôi tự hiểu rằng mình không ‘cuồng’ nước Mỹ theo cách mà nhiều người liên tưởng, vì tôi biết ở Việt Nam cũng không thiếu người ‘cuồng Mỹ’. Tôi chỉ là nhận thức được rằng mình cần phải hiểu về nước Mỹ và những thay đổi trong xã hội Mỹ, vì chúng có ảnh hưởng rất lớn đến guồng quay của cả thế giới này.
Từ khi đọc cuốn “Đối thoại với tương lai” của Nguyễn Trần Bạt và xem bộ phim tài liệu “Capitalism: A Love Story” của Michael Moore hơn 10 năm trước, tôi luôn nhìn nước Mỹ bằng một lăng kính đặc biệt. Lãng mạn hóa một chút thì có thể thấy nước Mỹ là một "khái niệm" hơn là một quốc gia. Một nền cộng hòa ra đợi như một cuộc thử nghiệm lớn của nhân loại kéo dài hơn 200 năm qua — không hình thành từ nền tảng chủng tộc mà dựa trên những tuyên ngôn về quyền con người. Không phải hiển nhiên mà Hiến pháp Hoa Kì là một trong những bản hiến pháp có tầm ảnh hưởng nhất và được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử chính trị và lập pháp của Thế giới. Trích dẫn sau đây là một ví dụ khá quen thuộc với người Việt: Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc...
Việc người Mỹ có thực hành thành công bản Hiến pháp nổi tiếng của mình hay không, ở một phương diện nào đó, cũng sẽ là minh chứng cho những giá trị mà bản Hiến pháp đó bảo vệ, từ đó gián tiếp thúc đẩy cho việc tiếp nhận những giá trị này ở các xã hội dân chủ khác. Nhìn vào những sự kiện trong vòng 5 năm trở lại đây từ khi tôi bắt đầu theo dõi chủ đề này, nước Mỹ đang đứng trước những lựa chọn mang tính quyết định tới bản chất của xã hội Mỹ. Theo dõi nước Mỹ ở giai đoạn bản lề này thực sự thú vị và hồi hộp không khác gì một chương trình truyền hình thực tế đầy kịch tính và không có hồi kết.

Chương trình truyền hình thực tế hấp dẫn nhất hành tinh

Tôi bắt đầu để ý nhiều đến chính trường Mỹ từ cuộc lịch sử bầu cử năm 2016 mà kết quả thì ai cũng đã biết. Càng theo dõi, tôi càng bị choáng ngợp trước mức độ hoành tráng, chuyên nghiệp và minh bạch của các chiến dịch tranh cử giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Tôi bị cuốn đi bởi vô số những scandal chấn động bủa vây hai ứng cử viên, những màn tranh luận "phi truyền thống" và đầy những khoảnh khắc giật gân. Tất cả được chốt hạ bằng một kết quả khiến cho cả thế giới phải ngỡ ngàng. Mùa bầu cử năm 2016, và bốn năm sau đó là mùa bầu cử năm 2020 ngay giữa đại dịch Covid, đã biến chính trường Mỹ trong mắt tôi như một show truyền hình thực tế hấp dẫn mọi thời đại. Mà tôi bây giờ thì như một "fan cứng" của show vậy.
Một nước Mỹ đầy chia rẽ của hiện tại
Một nước Mỹ đầy chia rẽ của hiện tại
Với những khám giả mới bắt đầu theo dõi show thực tế "Chính Trường Hoa Kỳ", có thể tạm hiểu luật chơi như sau. Mỗi mùa thi sẽ kéo dài 4 năm bằng với Nhiệm kì tổng thống và kết thúc vào ngày Thứ Ba đầu tiên của Tháng 11, dù giai đoạn căng thẳng nhất thường sẽ vào tầm một năm rưỡi cuối cùng của nhiệm kì. Hai đội thi Dân Chủ và Cộng Hòa sẽ tìm ra ứng viên Tổng thống của đội mình qua vòng bầu cử sơ bộ diễn ra vào đầu năm bầu cử, và triển khai một chiến dịch vận động với ngân sách lên đến hàng tỉ đô. Mỗi chiến dịch như vậy đều là những đại dự án kinh tế-xã hội khổng lồ, được tài trợ và vận hành bởi một lực lượng hùng hậu những nhà những nhà vận động chính sách đại diện cho quyền lợi của các doanh nghiệp, công đoàn, liên đoàn, hiệp hội... - với mục đích cuối cùng là thuyết phục và giành lấy lá phiếu của cử tri.
Hàng chục triệu người đi bầu, nhưng tất nhien đa số cử tri tất nhiên không dư thời gian để theo dõi sát sao những diễn biến và tình hình chính trị của đất nước. Do đó, hai đội chơi sẽ phải xây dựng thương hiệu của đội nhà thông qua những thông điệp truyền thông xoay quanh các nhóm giá trị cơ bản, cùng một vài những chính sách tiêu biểu để đánh vào niềm tin cũng như kì vọng cá nhân của cử tri. Có thể tạm mô tả về hai đội chơi như sau:

Đảng Cộng Hòa

Đảng Cộng Hòa đại diện cho trường phái bảo thủ, bảo vệ quyền tự do dân chủ của người dân thông qua tự do thị trường tuyệt đối và hạn chế vai trò quản lý của nhà nước. Họ không tin vào vai trò can thiệp của chính quyền trong quản lý xã hội, và đặc biệt là không ủng hộ việc đánh thuế như một công cụ điều tiết. Họ ủng hộ việc các tiểu bang tự đưa ra những quy định riêng tại địa phương thay vì tuân theo những quy định chung của Liên bang. Cách tiếp cận chính sách này đã mang lại nhiều thành tựu cho nền kinh tế Mỹ trong thập niên 80 của thế kỉ trước dưới thời Tổng thống Ronald Reagan và đã trở thành một tiêu chuẩn về ‘portfolio chính trị’ cho bất kì chính trị gia Cộng Hòa nào. Tuy nhiên, những chính sách này cũng đã góp phần dẫn đến sự gia tăng về chênh lệch giàu nghèo tại Mỹ, đặc biệt là thu nhập giữa các nhóm sắc tộc, cũng như xem nhẹ những tác động tiêu cực về môi trường. Các chính trị gia cánh hữu thường né tránh những vấn đề về bất bình đẳng thu nhập, đa dạng sắc tộc, xu hướng tính dục, bản dạng giới, biến đổi khí hậu… Họ tập trung bám vào những “quyền” truyền thống mang tính bản sắc của nước Mỹ như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do trong kinh doanh, quyền sở hữu vũ khí và các giá trị truyền thống theo Thiên Chúa giáo… để xây dựng nền tảng của tri của mình.

Đảng Dân Chủ

Đảng Dân Chủ đại diện cho trường phái cấp tiến, hướng đến việc bảo vệ quyền thực hành dân chủ của người dân thông qua đảm bảo các quyền về an sinh xã hội— một xu hướng khiến cho Đảng Dân Chủ thường xuyên bị chỉ trích rằng đang chống lại nền kinh tế tư bản và đẩy nước Mỹ theo đường lối xã hội chủ nghĩa. Phe cánh tả cho rằng nhà nước Mỹ, với nguồn lực khổng lồ của mình, phải có trách nhiệm đảm bảo phúc lợi cơ bản cho người Mỹ như giáo dục, y tế và cần đến sự điều tiết của nhà nước thay vì phó mặc cho "bàn tay vô hình" của thị trường. Họ đề cao vai trò lập pháp của Liên bang để đảm bảo công dân ở khắp các Tiểu bang đều bình đẳng về quyền, đặc biệt đối với các vấn đề dân sự phi truyền thống (như quyền của các nhóm thiểu số, chống biến đổi khí hậu...). Những chính sách như vậy của phe Dân Chủ lại thường đòi hỏi ngân sách khổng lồ, và cần sự đồng lòng phối hợp giữa các cơ quan trong chính quyền, cũng như thời gian đủ dài (hơn hai nhiệm kì Tổng thống) để có thể cho ra được kết quả — những điều kiện gần như là bất khả trong một môi trường chính trị phân cực, và vì vậy thường bị cho là phi thực tiễn.
Sự cân bằng và phối hợp giữa hai trường phái lập pháp này là một mô hình trông vừa vặn nếu nhìn từ khía cạnh dân chủ và quản trị nhà nước. Sự phân chia quyền lực của hai nhóm tả-hữu tại các cơ quan đầu não của tam quyền là Nhà Trắng (hành pháp), Quốc Hội (lập pháp) và Tòa án Tối cao (tư pháp) đã từng được cho là cơ sở đảm bảo cho nền dân chủ của Mỹ. Tuy nhiên, cuộc sống dĩ nhiên phức tạp và chính trị cũng không vận hành theo kiểu âm-dương như theo đạo Lão. Những căng thẳng dồn nén qua nhiều thế hệ, cộng hưởng cùng tác động từ truyền thông và tốc độ lan truyền thông tin ở thời đại mới đã làm cho đứt gãy xã hội trong lòng nước Mỹ diễn ra ngày một trầm trọng giữa các tầng lớp, sắc tộc và thậm chí là thế hệ trong gia đình.
Nhìn vào nước Mỹ hôm nay, bạn sẽ không thấy gì ngoài sự tương phản đến chói mắt. Khi chế độ lưỡng đảng đang từ từ biến thành một lời nguyền xé toạt xã hội nước Mỹ làm đôi. Chính trường Mỹ giờ đây đã trở nên phân cực sâu sắc đến mức các đạo luật được cả hai lưỡng đảng ủng hộ chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Việc cản trở những chính sách của một bên trong nhiều trường hợp lại là thành công của bên còn lại, và kết quả là quá trình lập pháp bị gián đoạn không ngừng. Nước Mỹ như một con tàu phải liên tục rẽ phải rồi lại sang trái mà không thể tiến thẳng. Sau 30 năm kể từ khi Liên Xô sụp đổ, thế giới dường như đang mất đi một đầu tàu lãnh đạo quen thuộc. Thế giới từ đó cũng bắt đầu nhen nhóm một trật tự đa cực mới.

Chuyện ở Mỹ liên quan gì đến chúng ta?

Nhìn vào những gì mà nhân loại đạt được trong một thế kỉ qua, có thể thấy được những thành quả về khoa học, công nghệ và kinh nghiệm quản trị mà xã hội Mỹ đạt được ảnh hưởng mạnh mẽ như thế nào đến phần còn lại của Thế giới. Những phong trào dân sự và văn hóa đại chúng tại Mỹ cũng luôn là niềm cảm hứng mạnh mẽ đến nhận thức của công chúng toàn cầu. Việc nước Mỹ chọn ‘rẽ phải’ hay ‘rẽ trái’ trong giai đoạn đầy biến động này sẽ luôn là chỉ dấu quan trọng cho những xu hướng chính trị toàn cầu. Ngồi ở Việt Nam hóng chuyện chính trường Mỹ, ít nhất là với tôi, sẽ không hề “dư hơi” nếu ta biết vận dụng chính những sự kiện đó để giúp mình tự định vị, phản biện và xây dựng một thế giới quan thú vị cho bản thân.
Tôi bắt đầu bài viết này với nhiều câu hỏi: Mình tìm hiểu nhiều về những chuyện này để làm gì? Liệu có ích kỉ khi không chia sẻ những gì mình tìm hiểu? Liệu có bao nhiêu người quan tâm đến những điều mà mình sắp viết? Hay liệu mình có đủ năng lực để viết hay không?
Tôi đã quyết định vẫn sẽ viết với mong muốn gần gũi nhất là giải tỏa những nhu cầu được chia sẻ với bạn bè tại Việt Nam về một chủ đề mà mình quan tâm nhưng thiếu diễn đàn để trình bày. Tôi không có chuyên môn về chính trị ngoại giao và quan hệ quốc tế nên sẽ không tránh khỏi thiếu sót. Nhưng tôi sẽ cố gắng quên đi xấu hổ và cầu thị khi viết, cũng như cố gắng trích nguồn thật nhiều để khuyến khích mọi người tìm hiểu thêm nếu hấy hứng thú. Rất may, không gian chính trị tại Mỹ có thể nói minh bạch bậc nhất với một hệ thống báo chí đồ sộ. Thông tin và dữ kiện là không hề thiếu và hoàn toàn đủ để chúng ta có thể trao đổi và phản biện.
Tóm lại thì, chính trị Mỹ là một chủ đề thú vị và quan trọng, và tôi mong được phiếm chuyện nhiều hơn cùng mọi người.