Phần 1: CLB Sinh Viên Lập Nghiệp – CSS
Phần 2: Sự khởi đầu tại HPEdu
Phần 3: Tôi đã bắt đầu viết như thế nào?
Phần 4: Cơ hội tham gia Team Lãnh Đạo Chiến Lược
Phần 5: Trạm dừng chân Tiếp Thị Thu Hút
Phần 6: Khép lại công việc năm 2019 tại MBM
Người ta từng nói, tuổi 20 là cái tuổi đẹp nhất để những người trẻ bước ra ngoài xã hội, để thử, để trải nghiệm, để sống với những năm tháng rực rỡ. Sau 1 năm 2019 đầy những trải nghiệm mới lạ, tôi muốn qua mỗi năm tôi sẽ viết lại những trải nghiệm của năm đó và coi như đó sẽ là 1 chương của cuộc đời tôi. Mỗi chương sẽ mang một cái tên khác nhau, mỗi năm sẽ là một màu sắc hoàn toàn mới, nối tiếp nhau để trở thành cuốn sách cuộc đời do chính tôi viết lại.
Tất nhiên với một người bình thường như tôi, thì việc đó lại là một điều rất đặc biệt, rất thú vị, nó xuyên suốt và định hướng tôi trở thành một phiên bản tốt nhất của mình trong tương lai. Đó là lý do đủ lớn để tôi có thể thực hiện một cách vui vẻ mà không lo sẽ mất đi động lực bởi vì động lực đó xuất phát từ tâm, làm việc gì cũng vậy “Ta biết vì sao ta làm” thì hãy làm nha.
Lan man thế đủ rồi, nếu bạn đã đọc đến đây thì xin chào mừng bạn đến với hồi ký tuổi 20 của tôi, bây giờ hãy cùng tôi bước vào chương 2 cuộc đời của tôi mang tên “ Tuổi 20 – Những tháng năm rực rỡ”.
Phần 1: CLB Sinh Viên Lập Nghiệp - CSS
Từ ngày lên đại học tôi tôi đã từng nghĩ rằng 5 năm đại học của tôi sẽ vùi sâu vào sách vở và những con chữ. Tôi đã từng nghĩ rằng tôi sẽ không thể tham gia khởi xướng một điều gì đó tốt, điều gì đó mang lại giá trị cho cộng đồng. Mấu chốt là cái bản tánh ngại giao tiếp nơi đông người được bồi đắp từ những ngày học cấp 3, tôi luôn là người khá nhút nhát trong lớp cũng như trong các hoạt động. Điều này thể hiện khá rõ ràng khi ngày đó việc nhìn vào mắt người khác thôi cũng đủ làm cho tôi ngại ngùng thiếu tự tin vào bản thân.
Tôi muốn nói lại về căn nguyên hình thành của CLB từ những ngày đầu tiên.
Một buổi chiều tháng 11 năm đó (2018), sau khi vừa kết thúc 1 công việc tại công trường mà tôi đã gắn bó trong 3 tháng. Tôi ngồi lại với người thầy của tôi, cùng chia sẻ lại những trải nghiệm và đúc rút những bài học mà công việc đã mang lại. Dưới ánh nắng xiên qua lũy tre ngà xuống hàng ghế đá, tôi thổ lộ nỗi niềm chán chường, tâm tư và khúc mắc từ bấy lâu nay về trải nghiệm của tôi.
Tôi của ngày đó khác tôi của bây giờ, trong tâm trí luôn đổ lỗi cho nền giáo dục, cho môi trường đang sống, cho xã hội, thậm chí cả những người xung quanh. Trải qua 3 công việc bán thời gian, tôi chưa học được những kỹ năng bài bản nào cả, đã hơn 1 năm rưỡi đi làm thêm bên ngoài kể từ cái ngày đầu tiên lên đại học mà tất cả vẫn chỉ thật manh mún. Tôi đã từng là một nhân viên nhiệt huyết tại tạp chiếu phim, đã từng là một chú tiNi nhanh nhẹn và yêu quý các cháu, đã từng là một phụ tá quản lý thi công sàn gỗ tất bật.
Tôi sẽ còn là gì, là ai nữa đây? – Đó là câu hỏi mà tôi đang rất băn khoăn thời điểm đó.
Sau những tâm sự của tôi và nhận lại lời khuyên từ thầy, ở cái tuổi của tôi làm gì có mấy người đã rõ ràng về tương lai của tôi, duy chỉ có 5% những người trẻ xuất sắc mới thực sự vượt lên, còn lại tôi và rất nhiều người trẻ bình thường khác cũng chỉ nằm trong 60% những người trẻ đang lạc lối tìm kiếm cho tôi một con đường. Trải lòng với thầy, tôi đôi phần cảm thấy nhẹ nhõm hơn trước cái thực tại vô định của tôi.
Cuối cùng tôi hỏi thầy: Môi trường nào sẽ phù hợp với một sinh viên năm hai như em? Phù hợp cho những người giống như em? Tại sao không có môi trường đủ phù hợp cho những bạn sinh viên mong muốn phát triển bản thân ạ? Tại sao không ai chịu làm?
Thầy có nói một câu mà tôi nhớ mãi cho đến bây giờ: “Nếu không tìm được môi trường phù hợp để rèn luyện thì tại sao không tự xây dựng môi trường cho tôi và những người xung quanh?”
Từ trước đến giờ chưa bao giờ tôi từng nghĩ đến việc tạo ra môi trường mà chính tôi trở thành một phần trong đó. Tôi chỉ là một người sinh viên năm 2 bình thường thôi mà… Suy nghĩ một hồi, tôi cũng nhận lời bắt đầu hành trình khởi xướng một CLB lần đầu tiên trong đời một cách hào hứng và hồi hộp.
Những ngày đầu tiên, tôi được hướng dẫn rất ít bởi nguyên tắc giữa tôi và thầy là tôi phải tự trưởng thành qua từng trải nghiệm, mentor chỉ là người gợi mở con đường.
Lúc đó, CLB chưa có tên? Cấu trúc một CLB như thế nào? Cốt lõi của nó? Giá trị cốt lõi nó mang lại cho cộng đồng cụ thể là gì? Kiếm thành viên ở đâu? Sứ mệnh là gì? Tầm nhìn như thế nào? CLB sẽ chịu chi phối của nhà trường hay doanh nghiệp?... Cả tá câu hỏi ập đến với tôi.
Tôi khá lạc lõng, nhưng tôi cũng nhanh chóng tự tay lập nên bản kế hoạch tất tần tật mọi thứ cho một CLB, tất nhiên trước đó phải tìm kiếm thông tin rất nhiều trên mạng. Tôi tìm đọc rất nhiều tài liệu để thành lập một CLB hoàn chỉnh, từ tên, giá trị cốt lõi, sứ mệnh, tầm nhìn, những ban bệ trong CLB, nội quy, quy trình tuyển thành viên, hoạt động offline, online của CLB,... Về mặt lý thuyết việc xây dựng một CLB cũng tương tự như việc xây dựng một tổ chức, một doanh nghiệp, nhưng thực tế khó hơn tôi tưởng rất nhiều, tôi bắt đầu rối và cần sự hỗ trợ từ mentor là người thầy của tôi.
Việc trao đổi với người mentor khiến tôi dần vỡ ra nhiều điều hơn, CLB sẽ là cầu nối kết nối 3 bên đó chính là sinh viên, nhà trường, doanh nghiệp, nó mang sứ mệnh lớn lao giúp cho mọi sinh viên ra trường đều kiếm được công việc chuẩn mực và bền vững. Điều này cần sự thúc đẩy cả 3 bên phải cùng chung tay hành động, nhưng chính những bạn sinh viên mới là nhân tố khiến CLB phát triển. Đúng! Và tôi cần tìm kiếm những thành viên đầu tiên đặt nền móng cho CLB, hay còn gọi là những Co-Founder.
Tôi nhanh chóng tìm kiếm được những bạn đầu tiên bằng một vài cách như đi comment dạo, đăng bài tuyển người trên nhóm của trường. Sau đó, tôi trao đổi với từng bạn qua tin nhắn để lọc trước những người tiềm năng, cuối cùng chốt lại 5 thành viên đầu tiên, điều trùng hợp là chúng tôi đều là sinh viên Bách Khoa.
Chúng tôi nhanh chóng bước vào những giai đoạn hoạt động gây dựng CLB bằng những cuộc gặp gỡ, những nhóm chat trao đổi. Tôi, ngay sau buổi gặp mặt phổ biến với các thành viên bắt đầu với vai trò là người kết nối cũng là người khởi xướng CLB, tôi vạch ra nhiều quy trình để áp dụng thử cho nhóm, chọn cách phân quyền đều cho những thành viên để không ai cảm thấy thiệt thòi. Sau giai đoạn 1 hoạt động khá năng nổ, nhóm đi đến thống nhất được tên của CLB là CLB Sinh viên lập nghiệp – CSS cùng với giá trị cốt lõi, tầm nhìn, sứ mệnh rất tốt đẹp.
Tiếp sau đó, chúng tôi được gặp gỡ và giao lưu với những doanh nhân trong một buổi thuyết trình trao đổi để đưa ra phương hướng phát triển CLB trong tương lai. Buổi hôm đó tôi không nói được nhiều, nhưng lại đóng vai trò là người ghi chép báo cáo buổi nói chuyện. Tôi chợt nhận ra khả năng ghi chép tốc ký của tôi khá tốt, gần như tôi không bỏ sót bất kỳ lời chia sẻ nào từ phía anh chị chủ doanh nghiệp. Ngày hôm đó nhóm thực sự mở mang đầu óc khi được tiếp xúc với những anh chị có tâm có tầm đang đứng đầu những doanh nghiệp ngoài thương trường khốc liệt, mặc dù kết quả buổi hôm đó không tốt, nhưng chúng tôi ai nấy đều cảm thấy hứng thú và quyết liệt hơn. Cũng là một cái duyên khi tôi gặp được chị Liên, một nhân vật tôi sẽ gặp lại khá nhiều trong tương lai.
Nhưng mọi chuyện tiếp đó không suôn sẻ, nhóm dần tan rã với việc 2 thành viên năm 3 dần lạc nhịp và xin rút khỏi nhóm. Chúng tôi còn lại 3 người và đứng trước nguy cơ giải tán, giải pháp ngay lúc đó là tuyển mộ thêm thành viên phù hợp hơn. Chúng tôi đến giai đoạn 2 với việc kết nạp thêm 3 thành viên mới trong đó có 1 bạn đến từ đại học Kinh Tế Quốc Dân tạo làn gió mới cho nhóm.
Lúc này chúng tôi làm việc hiệu quả hơn, phân đầu việc rõ ràng hơn dần hoàn thiện những mảng việc như nội quy nhóm, xây dựng những hoạt động online và offline cho nhóm, xây dựng quy định thưởng phạt, lên kế hoạch rèn luyện thói quen cho từng người,…
Nhưng cũng chính giai đoạn này, nhóm dần xảy ra xung đột quyền lực giữa các thành viên với nhau, nhiều lúc cũng rất căng thẳng vì quan điểm của người này đưa ra bị người kia phản đối những đầu việc không thể thống nhất, thậm chí nhiều khi chính tôi cũng vướng vào những tranh cãi vì bất đồng quan điểm thay vì đứng giữa để điều phối nhóm.
Những lúc như vậy, tôi chọn cách nói chuyện riêng với từng thành viên trong nhóm, với mỗi người tôi lại có cách nói chuyện khác nhau, mục đích của tôi chính là hiểu về từng người hơn và quy những ý kiến trái chiều thành một hướng. Nếu khó tôi sẽ hỏi ý kiến của mentor để nhận được những lời khuyên và góp ý điều chỉnh. Tôi gọi giai đoạn này là giai đoạn 2, mọi thứ đầy căng thẳng.
Khi mà nhóm đã cơ bản vượt qua những căng thẳng ban đầu, đã xây dựng được những thói quen chung hàng ngày để kết nối với nhau tốt hơn, nhưng nhóm tiếp tục phải chia tay những thành viên không còn phù hợp với văn hóa CLB để kết nạp thêm những thành viên mới.
Nhưng chính lúc này chúng tôi mới đối mặt với thử thách thật sự, nhóm gặp bế tắc trong việc xác định thành viên tiềm năng cho CLB, chúng tôi tìm hiểu rất nhiều, tham khảo những nhóm trong trường để tự xây dựng chân dung thành viên mà CLB hướng tới phù hợp với giá trị cốt lõi, tầm nhìn, sứ mệnh mà chúng tôi vẽ ra. Thêm một vài khảo sát thực tế về nhân khẩu học, thói quen, thời gian biểu và bước vào những vòng thuyết trình phản biện nhau để chọn ra đối tượng mà chúng tôi sẽ hướng đến trong tương lai. Nhưng bước này có vẻ quá sức với nhóm, chúng tôi cứ quẩn quanh xây rồi lại đập qua 2-3 tuần lễ, mọi chuyện dần trở nên căng thẳng. Mentor lúc này chủ động không gợi ý nữa, thầy muốn chúng tôi tự tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đó.
Sau khoảng thời gian bế tắc, thói quen của chúng tôi dần bị phá vỡ, bỏ bê, sự gắn kết của nhóm dần yếu đi, tôi biết đã đến giai đoạn 3, giai đoạn tan giã. Tôi hỏi mentor của tôi về bước tiếp theo, thầy nói rằng đây là lúc thanh lọc ra những nhân tố phù hợp nhất để bước sang giai đoạn mới, hãy mạnh dạn từ bỏ những người không phù hợp với CLB. Điều đó tốt cho tất cả.
Cuối cùng thì, nhóm 7 người trong buổi gặp để đưa ra lựa chọn đi tiếp hay dừng lại, chỉ còn 3 người trong chúng tôi chọn đi tiếp trong đó có tôi, chúng tôi ngồi lại cùng nhau, tâm sự cởi mở với nhau về 4 tháng cùng nhau trải nghiệm xây dựng 1 CLB, rất nhiều cảm xúc, rất nhiều bài học cho từng thành viên, và có lẽ tôi chính là người học được nhiều điều nhất qua mọi chuyện.
Sau rồi, 3 chúng tôi cũng chính là 3 thành viên cốt lõi nhất của nhóm, tiếc thay chúng tôi lúc đó lại có những dự định riêng của bản thân, dự định tiếp tục với CLB bị gác lại cho đến ngày hôm nay, dù không còn hoạt động cùng nhau nhưng chúng tôi vẫn là những người bạn, thỉnh thoảng vẫn nói chuyện với nhau về công việc, cuộc sống.
Phần 2: Sự khởi đầu tại HPEdu
Ngay sau khi dừng lại tại CLB Sinh viên lập nghiệp, tôi cũng chính thức bước vào công việc mới tại HPEdu. Bạn có biết đơn xin ứng tuyển của tôi lúc đó như thế nào không?
Sau đây tôi sẽ gửi đến bạn toàn bộ nội dung Email ứng tuyển của tôi tại HPEdu như sau:
“ Dear thầy Quân.
Em là Đỗ Minh Đạt hiện là sinh viên năm 2 đại học Bách Khoa Hà Nội và hiện đang tham gia đội ngũ coreteam xây dựng CLB Sinh Viên Lập Nghiệp mà thầy đang hỗ trợ ạ. Em có đọc được bài viết của thầy về việc tuyển 2 bạn đồng hành cùng Hp edu trong giai đoạn tới nên em viết bài này mục đích cuối cùng là có thể được tham gia Hp edu và chứng minh cho thầy thấy là em xứng đáng có một vị trí để phấn đấu ạ.
Hp edu với sứ mệnh lớn lao là kiến tạo nên 1000 doanh chủ SMEs trong 10 năm tới cùng nhau hướng đến những giá trị trường tồn là: “ Thượng tôn pháp luật, tuân thủ kỉ luật, phụng sự vì đất mẹ.” Một sứ mệnh lớn lao và vô cùng ý nghĩa cho đất nước, để báo ơn cho đất mẹ Việt Nam, để cho cuộc đời của chúng ta có ý nghĩa và cuối cùng là để con cháu ta có một cuộc sống tốt đẹp và có thể vươn tôi ra thế giới. Hp edu được thành lập từ tháng 10 và chỉ sau 2 tháng với 6 công ty thành viên, 1 quỹ đầu tư, 26 thành viên chung tay thực hiện sứ mệnh thì việc kiến tạo nên 1000 doanh chủ chuẩn mực là điều hoàn toàn có thể thực hiện được. Kết thúc năm 2019 hoàn toàn có thể tăng lên thành 10 doanh nghiệp với tổng tài sản 5-6 tỷ để có thể đứng vững và bắt đầu bước chân vào thị trường Việt. Hp edu vào cuối năm 2019 sẽ trở thành cái nôi để đào tạo và hỗ trợ cho các doanh nghiệp SMEs tử tế và chuẩn mức, cung cấp nhân sự phù hợp cho các doanh nghiệp SMEs và tiếp tục trên con đường tìm kiếm và phát hiện những doanh chủ tương lai phục vụ công cuộc kiến quốc. Ngoài ra còn tổ chức hàng tháng những buổi seminar, workshop, đào tạo chuyên ngành cho sinh viên và người trẻ.
Còn với em thì em đã từng đi tìm kiếm môi trường chuẩn mực như Hp edu để phát triển giá trị của bản thân nhưng chưa được. Em đi làm những công việc làm thêm để có thể tích lũy kỹ năng, trải nghiệm, gọt dũa tinh thần không bao giờ ngừng học hỏi và kiên trì. Em đam mê việc trăn trở suy nghĩ giúp cho doanh nghiệp phát triển. Với tất cả các công việc em làm đều có sự theo dõi lặng lẽ và tìm ra lỗ hổng trong quy trình hoạt động và vấn đề đang tồn tại của họ. Từ tất cả những trải nghiệm mà em từng nói với thầy thì em tự tin khi tham gia Hp edu em có thể tham gia với vai trò thư ký trong những buổi nói chuyện hay hội thảo, hoặc có thể tham gia đàm phán và tương tác với doanh nghiệp, em lúc đó có vai trò hỗ trợ, phối hợp tổ chức những buổi workshop, seminar và đào tạo cho các doanh nghiệp SMEs, ngay sau đó là việc giữ tương tác liên tục với những doanh nghiệp SMEs tiềm năng. Từ việc tiếp xúc với nhiều người em có thể đánh giá tâm, thể, chí của những thành viên Hp edu cần tìm hiểu để có thể tham gia thuyết phục và kêu gọi họ về Hp edu cùng chung tay thực hiện sứ mệnh. Em có sự kiên trì, dám thất bại, có ý chí phấn đấu và có tâm thế học hỏi bất kể trong hoàn cảnh nào. Triết lý sống của em là: “ Muốn sống cuộc đời thành công thì hãy sống mỗi khoảnh khắc thành công.” Dám thử và dám thất bại thì đã là một thành công lớn với mỗi người. Mong rằng chúng ta có thể có một cơ hội được làm việc với nhau trong thời gian tới ạ.”
Đó là nguyên văn bài luận xin ứng tuyển của tôi vào HPEdu lúc đó, đầy sự ngây ngô, nhưng cũng không kém phần quyết liệt để được trở thành nhân sự đầu tiên bước vào một vị trí đầy thử thách và tôi đã được nhận.
Tôi nhận vị trí Trợ lý HĐQT với vai trò chính là tổ chức những sự kiện kết nối những diễn giả, chuyên gia với cộng đồng doanh nghiệp SMEs. Văn phòng đại diện của tôi lúc đó là 1 bàn làm việc tại không gian làm việc chung, đặt tại không gian café kiến trúc tại 12 Hòa Mã, Hai Bà Trưng.
Ngay từ ngày đầu tiên tôi nhận nhiệm vụ tổ chức 1 buổi hội thảo cho 60 người với giá 500,000 VNĐ/ 1 vé trong khi đó tôi gần như không kinh nghiệm gì với đầu việc đó, cùng với đó, tôi phải nhanh chóng hoàn thành những thủ tục tài chính của bản thân về hợp đồng chỗ ngồi hay hợp đồng lao động.
Thời gian đầu, tôi luôn trong trạng thái rối bời bởi báo cáo, những cuộc họp để đưa ra kế hoạch tổ chức một sự kiện hoàn chỉnh, văn hóa tại đây là làm rồi mới rút ra kinh nghiệm. Chình vì điều đó, tôi phải sửa đi sửa lại bản kế hoạch của tôi, có lẽ ngoài 20 lần, may thay tôi học được cách áp dụng kế hoạch 5W1H từ hồi còn hoạt động CLB để lên kế hoạch hiệu quả hơn.
Sau đó là giai đoạn khó nhất, kiếm người tham gia buổi workshop, tôi lên nhiều kịch bản truyền thông, khổ nhất là tôi lúc đó không có kỹ năng viết, phải nhặt chỗ này chỗ kia vá vào làm bài truyền thông cho sự kiện. Nhưng mà cũng phải sửa lên sửa xuống quá 10 lần rồi mới được thông qua, sếp tôi khó tính vậy đó, thậm chí trước khi đăng tôi vẫn phải đọc lại cả chục lần để rà soát lại những lỗi nhỏ nhất.
Rồi telesale, khoản này càng là điểm yếu của tôi, tôi mới chỉ đứng bán hàng đối diện khách hàng chứ bán hàng qua điện thoại thì tôi mù tịt, cũng chỉ biết soạn sẵn kịch bản ra đấy mà gọi thôi, qua mỗi lần gọi thì tôi lại khá hơn một chút, thỉnh thoảng gặp phải những lời nói không hay từ người nghe khiến tôi rất ngại gọi, phải để chị hỗ trợ tôi gọi cùng.
Deadline trồng deadline, càng sát ngày, các đầu việc càng rối tung rối mù, tôi lúc nào cũng trong trạng thái suy nghĩ về các đầu việc nhưng không làm việc nào ra hồn, năng suất thấp lắm. Sợ nhất là khi sếp hỏi tiến độ các đầu việc là lại cuống cuồng check và báo cáo, những lúc như thế tôi thường bị nói bởi deadline cận kề. Đêm trước ngày diễn ra buổi Workshop tôi vẫn chưa xong việc, tôi nhớ là một buổi tối cuối tháng 3, tôi rời khỏi văn phòng lúc 9h30 tối, về nhà vẫn chuẩn bị mọi thứ đến hơn 12h mới ngủ.
Mọi chuyện rồi cũng ổn thỏa, ngày diễn ra buổi Workshop, không có điều gì vượt ngoài tầm kiểm soát của tôi, cuối cùng tôi cũng hoàn thành một dự án đầu tiên, mệt nhưng mà vui. Nhưng mọi chuyện chưa kết thúc, ngay sau đó là báo cáo tổng kết, báo cáo thu chi rồi tung, tôi mất thêm 1 tuần để sắp xếp cho ổn thỏa.

Tiếp theo là tổ chức đồng thời 2 sự kiện là một lớp đào tạo 2 ngày về tài chính đi kèm một buổi workshop, hai sự kiện song song càng khó hơn, tôi vẫn tiếp tục rối bời trong cái mớ deadline để cho kịp tiến độ 2 dự án, giờ còn bận rộn hơn khi phải làm báo cáo hàng ngày, báo cáo hàng tuần, tôi nghĩ không có nhiều người thích làm báo cáo giống như tôi. Nhưng công việc là công việc, điều đó phần nào giúp tôi học được cách sắp xếp công việc sao cho hiệu quả.
Sau 3 sự kiện, tôi dần cứng cáp hơn qua nhiều sai lầm, sếp đưa xuống nhiệm vụ tổ chức chuỗi sự kiện hàng tuần mang tên Café Talk với quy mô nhỏ, nhưng diễn ra đều đặn hàng tuần. Khó ở chỗ phải tổ chức rất tinh gọn mỗi sự kiện bởi tôi chỉ có 2 đến 3 ngày cho một buổi café talk hoàn chỉnh, càng khó hơn khi đây là những buổi trò chuyện về tài chính và tôi phải ghi chép lại tư liệu để làm nội dung truyền thông bằng email cho những sự kiện tới. Tôi vẫn là một đứa viết rất chán, phải phối hợp cùng bạn cùng làm mới có thể hoàn thành kịp tiến độ, đôi khi vẫn trễ deadline như thường và bị sếp mắng cho.
Trong khi đó tôi lại có thêm trải nghiệm đàm phán để đạt được thỏa thuận tổ chức sự kiện Café Talk thường kỳ tại đây, tôi từng viết bài về trải nghiệm đó, bạn có thể đọc thêm tại đây: https://bom.to/qnM3a
Ngoài việc tổ chức những sự kiện hàng tuần như vậy, tôi đảm nhiệm thêm những đầu việc như làm hợp đồng đối tác chiến lược, soạn thảo profile công ty để chào mời hợp tác với những doanh nghiệp khác, lên kế hoạch tổ chức sự kiện lớn hàng tháng cho cộng đồng doanh nghiệp SME để gửi lên sếp duyệt.
Khoảng thời gian đó tôi mắc rất nhiều sai lầm, chưa kịp sửa lỗi sai này lại vấp phải những lỗi sai khác, thời gian làm việc có hôm quá nửa đêm, đến 1-2h sáng vẫn trao đổi công việc là điều bình thường.
Nhưng không thể mãi bỏ qua những lỗi sai lặp lại nhiều lần. Tôi vẫn nhớ đó là một buổi tối, tôi giải trình lại toàn bộ quá trình làm việc trước người sếp của tôi, sau một chuỗi những kết quả không tốt từ sự mất tập trung của tôi, tôi chính thức bị cho thôi việc sau 3 tháng. Nếu để nói buồn thì tôi lúc đó buồn lắm, luôn day dứt tại sao tôi không làm tốt hơn, cố gắng hơn, tập trung hơn thì tôi không để tuột mất cơ hội của tôi.
Dù sao 3 tháng đó cũng là 3 tháng khiến tôi lột xác, tôi cứng rắn hơn, chịu áp lực tốt hơn, hiểu biết hơn, kinh nghiệm hơn, trưởng thành hơn. Hơn cả, tôi được gặp và kết nối với những anh chị tiền bối đi trước là những doanh nhân, được chỉ bảo và giúp đỡ rất nhiều. Chắc chắn những mối quan hệ tốt và chất lượng như vậy sẽ đem lại nhiều giá trị trong tương lai cho tôi.
Em xin cảm ơn thầy Quân Lê – Cũng chính là người sếp của em đã giúp em trưởng thành lên rất nhiều qua sự rèn giũa nghiêm khắc và kỷ luật.
Em xin cảm ơn anh Nam Thái – Một người tiền bối có tâm và có tầm luôn tận tâm với thế hệ trẻ và tương lai của đất nước
Em xin cảm ơn anh Đặng Duy Linh đã giúp đỡ em rất nhiều trong công việc
Xin cảm ơn Ánh Ngọc là người đồng nghiệp của tôi tại HPEdu đã hỗ trợ tôi những lúc khó khăn
Em xin cảm ơn chị Hải, chị Chi, anh Tuấn Anh, chị Huyên, anh Phúc tại AGOhub đã tạo điều kiện rất nhiều cho em trong thời gian làm việc tại đây
Em xin cảm ơn rất nhiều anh chị kết nối với Đạt để giúp em hoàn thành những dự án trong thời gian làm việc tại HPEdu
Xin cảm ơn những bạn cộng tác viên đã hỗ trợ cho tôi trong những sự kiện đã qua
Tôi bước tiếp sang một phần không kém phần thú vị.
Phần 3: Tôi đã bắt đầu viết như thế nào?
Việc đột ngột bị nghỉ việc như thế khiến tôi suy nghĩ thật nhiều, suy nghĩ về những thất bại, về những bài học sẽ hằn sâu vào tâm thức của một người trẻ tuổi đầy hoài bão. Hai sự trải nghiệm trước đây với CLB, với HPEdu đã phần nào giúp tôi học được cách viết, giúp tôi học được cách đánh máy mười ngón (nói ra hơi ngại nhưng hồi cuối năm 2018 tôi vẫn đánh máy mổ cò).
Cũng chính từ HPEdu tôi mới nhìn thấy cái tâm của thế hệ đi trước với lớp trẻ chúng tôi như thế nào, điều đó thúc đẩy tôi phải làm điều gì đó, dù chỉ là rất nhỏ thôi, là đem lại giá trị cho cộng đồng và những người xung quanh. Tất nhiên với một người còn trẻ, giá trị chưa có thì tôi cần cho đi những điều phù hợp với giá trị mà tôi đang có. Đó là lý do lớn khiến cho tôi chọn viết lách, để con chữ của tôi có thể kết nối và lan tỏa những thông điệp, những trải nghiệm mà tôi đã may mắn có được.
Tôi đã viết bài khá dài chia sẻ gần như là mọi thứ về quá trình viết lách trong suốt 8 tháng như thế nào, bạn có thể tìm đọc tiếp tại đây: https://bom.to/wY6NAG
Viết lách bây giờ đã trở thành thói quen của tôi, trở thành một công cụ để tôi có thể kết nối và xây dựng cộng đồng. Vừa hay ngày hôm nay nhóm Viết lách mỗi ngày mà tôi khởi xướng đã chạm mốc 1500 thành viên sau 18 ngày, blog nơi tôi viết đạt hơn 500 lượt theo dõi tự nhiên. Từ viết lách, tôi đã có thêm rất nhiều bạn trẻ theo dõi và kết bạn, tăng gần 1500 người trong 8 tháng, 1000 người trong 2 tháng cuối năm (là lúc tôi đầu tư hơn vào bài viết). Những con số còn thật khiêm tốn nhưng đó với tôi đều là những khởi đầu tốt, mong rằng trong năm tới, tôi sẽ còn mang đến nhiều giá trị hơn với những người biết đến tôi qua những con chữ tôi chia sẻ. Chờ nhé bạn của tôi.
Phần 4: Cơ hội tham gia Team Lãnh Đạo Chiến Lược
Sau khi kết thúc học kỳ, từ chị Liên (Kết nối từ buổi gặp mặt của CLB và quen biết trong thời gian làm tại HPEdu) đã giới thiệu đến với thầy Vũ Minh Trường – Chuyên gia về đàm phán đang nghiên cứu tiến sĩ tại Mỹ. Tôi nhanh chóng gửi email xin vào team Lãnh đạo chiến lược để thực hiện những dự án trong tương lai.
Vào team, chúng tôi nhanh chóng có dự án đầu tiên là tổ chức lớp đào tạo về đàm phán trong 2 ngày tại Hà Nội và HCM, dưới sự hỗ trợ từ chị Liên chúng tôi bắt tay vào làm.
Phần lớn thời gian nhóm bàn công việc online bằng những cuộc gọi mess. Team có 5 người nên những đầu việc không quá áp lực, chỉ là có đủ kinh nghiệm để đạt được hiệu quả cao nhất hay không. Với tôi, đã từng có kinh nghiệm tổ chức những sự kiện tương tự nên không gặp phải vấn đề gì, hơn nữa tôi cố gắng để nhận những đầu việc khó để thử thách chính tôi. Đó cũng chính là 1 trong những nguyên tắc làm việc của tôi trong tương lai, muốn trưởng thành nhanh thì phải chủ động nhận việc để làm, không đùn đẩy cho người khác.
Sau sự kiện tại Hà Nội, tôi học được cách chụp ảnh sự kiện từ hướng dẫn của anh Long trong team, nhưng điều khiến tôi cảm thấy giá trị nhất chính là được trải nghiệm thêm cách đóng gói toàn bộ quy trình tổ chức lớp để gửi vào team miền Nam, chỉ cần áp dụng tối đa bảng 5W1H là được thôi mà (Tôi đã được trải nghiệm tại HPEdu). Trước lời đề xuất của chị Liên với team Hà Nội, tôi không ngại ngần một phút nào khi xung phong nhận đầu việc này và tôi biết tôi đã quyết định đúng, đúng với tinh thần chủ động nhận việc khó của tôi.
Những thời gian sau, thầy trường bay về Mỹ tiếp tục việc học, team hoạt động qua nền tảng Online để trao đổi công việc xây dựng kênh Lãnh đạo chiến lược, tôi đóng vai trò là admin trang để soạn và tìm bài đăng hàng ngày, một công việc đơn giản với tôi.
Nhưng tôi cần tìm công việc để kiếm thêm thu nhập cho tôi, một thời gian sau tôi tạm dừng công việc với nhóm để tiếp tục hành trình của mình, hẹn ngày gặp lại những người bạn, người anh, người chị và đặc biệt là thầy Trường.
Phần 5: Trạm dừng chân Tiếp Thị Thu Hút
Tham gia vào team Tiếp Thị Thu Hút cũng là cái duyên, lại được làm cùng đứa bạn làm chung qua 2 công việc trong năm 2018 (Đây là công việc thứ ba 2 đứa làm cùng nhau trong 6 công việc tôi từng làm)
Bắt đầu công việc với trải nghiệm gần như bằng không, những công việc trước đây chỉ đem lại cho tôi tư duy và thái độ làm việc chứ kinh nghiệm cũng không có nhiều, ngoài khả năng viết lách được rèn luyện qua vài tháng hè. Một lý do nữa khiến tôi được nhận là bởi trước khi phỏng vấn chị quản lý đã check trang cá nhân của tôi, đó là nơi tôi bắt đầu xây dựng thương hiệu bằng những bài viết nên không lý do gì mà chị từ chối tôi cả, tất nhiên là tôi cũng cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản của nhà tuyển dụng trước đã (Những bạn đi xin việc nên lưu ý khoản này để bớt chia sẻ những điều tiêu cực lên đó)
Tôi tham gia không phải chỉ để kiếm thêm thu nhập, tôi tham gia với tâm thế để học, để tiếp xúc với ngành Marketing mà tôi đang mù mờ. Khoảng nửa tháng đầu tiên, tôi phải làm quen với rất nhiều kiến thức của ngành tiếp thị, với những hệ thống chăm sóc khách hàng tự động, tất nhiên tôi luôn phải chủ động hỏi mọi người thì mới bắt kịp được nhanh.
Sau 1 tháng tôi trở thành Leader của nhóm bằng những kinh nghiệm được chứng minh và từ sự tin tưởng của chị Hà, tôi áp dụng rất nhiều những tư duy làm việc từ công việc trước để lại như lên mục tiêu, kế hoạch cho cả nhóm, với làm việc nhóm tôi sử dụng kinh nghiệm từ hồi xây dựng CLB để áp dụng. Đến đây tôi mới nghiệm ra là chẳng có điều gì vô nghĩa trong những trải nghiệm đã qua cả, tất cả đều sẽ giúp bạn làm việc tốt hơn trong tương lai.
Làm việc tại đây, tôi học thêm được thói quen ứng dụng sách vào thực tế, trước đây tôi không thường xuyên áp dụng trực tiếp kiến thức từ sách vào công việc, nhưng ở đây, chúng tôi chọn đúng những cuốn sách về email về hệ thống chăm sóc khác hàng tự động để xây dựng nội dung. Công việc của tôi là kiểm soát tiến độ của cả team, xây dựng nội dung cho hệ thống email ngầm, một đầu việc quan trọng và đầy thú vị.
Nhưng để áp dụng mà đạt được hiệu quả tối đa thì là điều không thể, luôn phải linh hoạt và thay đổi từ con số phản hồi lại của thị trường. Tôi tiếp tục học được cách đọc những con số từ báo cáo Analytic, về luồng khách hàng trên nền tảng webside. Ngoài ra tôi có thêm kinh nghiệm training những bạn mới, phổ biến văn hóa làm việc, làm họ hiểu về những điều chúng tôi đang làm, đến đây tôi mới thấy mình có khả năng truyền tải tốt nếu trao đổi 1:1.
Sau gần 3 tháng, tôi gặp lại chị Liên, chị đưa ra đề xuất về một cơ hội công việc tốt, một vị trí trợ lý cho chị với nhiều cơ hội được phát triển bản thân với ngành tài chính và nhiều mảng khác nếu làm tốt. Sau buổi nói chuyện tôi suy nghĩ một tối và quyết định đã đến lúc mình dừng lại tại Tiếp Thị Thu Hút để thử thách bản thân hơn nữa. Sau 1 tháng bàn giao lại công việc, training một người leader mới, tôi chính thức dừng công việc với nhóm.
Phải nói rằng 3 tháng đó tôi đã học được thật nhiều điều, có thêm những người bạn rất tích cực và vui tính, có những người anh, người chị tốt luôn cởi mở chia sẻ kinh nghiệm sống. Em xin cảm ơn chị Hà, anh Thanh, 2 người chủ doanh nghiệp rất tâm huyết đã truyền lại nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu cho em. Dừng lại không phải kết thúc, mà là để tạm biệt nhau, một ngày nào đó gặp lại, em muốn được là người chúc mừng cho sự thành công của anh chị. Hẹn gặp lại tất cả team Tiếp Thị Thu Hút.
Phần 6: Khép lại công việc năm 2019 tại MBM
Một công việc mang nhiều dáng dấp với công việc tại HPEdu, vẫn là tổ chức lớp học về Tài Chính Ứng Dụng, tôi đã từng một lần phối hợp tổ chức lớp cho thầy khi còn làm tại HPEdu. Đúng là những mối quan hệ xung quanh tôi đã dần kết nối lại thành một mạng lưới, cho nên một điều tôi luôn phải ghi nhớ đó chính là làm không tốt cũng được, làm sai cũng được, nhưng luôn phải làm với tâm thế chủ động, chính trực nhất với công việc của mình, bởi vì để lại tiếng tốt thì đi đâu cũng được thuận lợi.
Với công việc này tôi kết nối thêm được với những anh chị doanh nhân, học được từ họ tinh thần luôn sẵn sàng học hỏi, bởi cuộc chiến kinh doanh ngoài kia không dành cho kẻ khờ dại. Tôi học được thêm kỹ năng làm việc giữa người với người, bởi khi tôi làm việc với chị Liên, điều gì chưa hợp lý chị sẽ nhắc và giải thích ngay. Lần đầu tiên làm việc dưới một sếp nữ tôi học được thêm sự tinh tế từ chị. Và đặc biệt là tư duy phản biện, một thương hiệu nổi bật của chị Liên, từ tư duy đó chúng ta có thể mổ xẻ vấn đề tận gốc rễ, đến tôi còn e ngại mỗi khi chị hỏi dồn nhiều câu hỏi một lúc =))
Bạn có thể đọc thêm về tư duy phản biện tôi từng viết tại đây: https://bom.to/po4yr7
Một bài viết sau 1 buổi tôi gặp và nói chuyện với chị Liên: https://bom.to/jUd5Zb
Sau đây tôi xin chia sẻ một bài học lớn đáng nhớ trong công việc này của tôi.
Cẩn thận không bao giờ là thừa
Đúc rút từ những câu chuyện đơn giản và đời thường nhất.
Trong một sự kiện gần đây, tôi có cơ hội đảm nhiệm vị trí tổ chức, điều phối trực tiếp cho một lớp đào tạo chuyên môn diễn ra trong 2 ngày. Vị trí này tôi đã từng làm kha khá lần trước đây, nên coi như đã có kinh nghiệm và không còn bỡ ngỡ như những lần đầu nữa.
Thế nhưng buổi sáng hôm đó không suôn sẻ khi một vài đầu việc bị delay, một vài trang thiết bị do chưa kịp kiểm tra đã xảy ra trục trặc làm tôi khá bối rối.
Lúc rảnh tay thì tôi tranh thủ lướt facebook, lúc thì tranh thủ nghe giảng ké nên đâm ra quên mất nhiệm vụ chính của tôi.
Dần về trưa thì cũng là lúc nhận ra địa điểm đi ăn cho cả đoàn chọn ngày hôm trước đã đóng cửa, không dấu gì đó là thương hiệu Món Huế (Vụ lùm xùm của một chuỗi F&B lớn nhất năm). Do chủ quan không check lại nên tôi quên mất điều đó, nhưng lại chỉ nhớ ra khi mà giờ nghỉ trưa còn cách 2h.
Tôi cuống cuồng kiếm những địa chỉ ăn uống trong khoảng 500m xung quanh lớp học trên Google, Foodie, rồi Facebook. Không hiệu quả lắm khi mà những quán ăn, nhà hàng tầm trung vẫn chưa cập nhật thường xuyên thông tin trên internet để mà dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn.
Sau một hồi, tôi vẫn có trong tay một vài địa chỉ, nhưng tôi biết rằng không thể tin tưởng hoàn tòan vào Rating và Review thưa thớt trên đó được. Phải trực tiếp đến khảo sát chất lượng, giá cả, không gian, phục vụ, địa điểm rồi mới được lựa chọn.
Đợi lớp nghỉ giữa giờ, tôi nhanh chóng xin phép ra ngoài để Check một vài địa điểm tôi tạm ưng.
Đảo xe lượn một vòng, khá là khó, lớp học nằm cách khá xa khu vực có quán ăn, nhà hàng. Tôi đi xa hơn đến khu chung cư cách đó khoảng 300m đi bộ. Vòng vào trong, đi xung quanh chân tòa nhà và dừng lại tại một địa điểm nhà hàng.
Nhanh chóng vào check, tôi tạm ưng ý với dịch vụ và không gian, rồi nhanh chóng chốt địa điểm và về lớp, không quên đặt bàn trước cho cả đoàn.
Đến trưa, cả đoàn đi ăn, tôi phải ở lại cuối cùng để khóa cửa phòng, khá yên tâm vì đã gửi hướng dẫn đến địa điểm ăn trưa cho thầy bằng hình ảnh vẽ nguệch ngoạc chụp từ Google map. Nhưng từ đây tôi mới dần thấy cái sai của tôi.
Tôi ra sau cả đoàn, đến đó thì thấy anh chị vẫn đang hoang mang đứng chờ để hỏi tìm địa điểm, thầy không hiểu cách chỉ dẫn của tôi! Hơn nữa chỉ dẫn của tôi sai, bởi lúc đó tôi đi xe máy chứ không phải đi bộ.
Đành nhanh chân ra hỏi bảo vệ thì biết phải đi vòng xung quanh chân tòa. Đến bây giờ mới thấy sai sai, lúc đó đi xe máy thì nhanh còn bây giờ là đi bộ, rất khác nhau, hơn nữa trong đoàn còn có một chị mang bầu đi lại khó khăn hơn, để cả đoàn đi bộ xa thế này là do sự cẩu thả của tôi.
Đi cùng thầy, thầy nhắc nhở tôi: “Mang trách nhiệm điều phối và tổ chức lớp thì phải là người chủ động nhất, đi trước đoàn 50m để hỏi đường và hướng dẫn mọi người, hơn nữa phải cẩn thận, tâm lý hơn bởi trong đoàn có người bầu bí, họ đã không quản bất tiện đi học rồi thì làm gì cũng phải chỉnh chu và chi tiết, không được qua loa”. Lúc đó tôi chỉ biết gật đầu nhưng lòng day dứt không xuôi về cái sai này.
Vậy đó, quá tin tưởng vào kinh nghiệm trong quá khứ để rồi làm việc cẩu thả trong hiện tại là điều khó tránh khỏi của mỗi người, tôi là một ví dụ. Làm việc qua loa, thiếu chủ động cũng là lý do chính cho những cái sai dù là nhỏ nhất. Nếu tôi chủ động rà soát lại địa điểm đi ăn từ ngày hôm trước thì đâu phải cuống cuồng đi check sát giờ ăn, tôi đâu có nghĩ thầy sẽ hiểu cách chỉ dẫn bằng kí hiệu nguệch ngoạc của tôi, tôi đâu có nhớ đến trong đoàn có người bầu bí khó đi lại và đi bộ sẽ lâu hơn đi xe máy rất nhiều. Một chuỗi sai lầm dù rất nhỏ nhưng sẽ mang đến những kết quả tệ hại khó lường.
Cũng may mắn là không làm ảnh hưởng quá nhiều đến đoàn, nhưng đây cũng là kinh nghiệm xương máu để rút ra cho bản thân tôi:
“Luôn phải cẩn thận và chỉn chu với mọi việc, làm từng việc nhỏ thật tốt rồi mới mơ làm việc lớn và luôn phải luôn chủ động khi bản thân là người chịu trách nhiệm dù là nhỏ nhất.”
Đến bây giờ tôi cũng đã kết thúc công việc tại đây và hứa hẹn sẽ có những cơ hội mới, những sân chơi mới nhiều thử thách hơn. Có lẽ để một thời điểm thích hợp tôi sẽ bật mí cho bạn sau. Thế nhé!
Kết thúc năm 2019, tôi vẫn còn trượt môn, tất nhiên rồi với một đứa chẳng học hành gì nhiều mà chỉ luôn trải nghiệm bên ngoài trường học như tôi, đơn giản bởi tôi biết mình không hợp với nghề kỹ thuật. Nhưng để đổi lại với rất nhiều những điều bên trên, tôi vẫn hoàn toàn hài lòng với những kết quả của mình. Đến với Bách Khoa là một cái duyên, nếu được chọn lại tôi vẫn sẽ mạnh dạn điền 8 nguyện vọng từ cao đến thấp vào trường mà không suy nghĩ. Bởi mọi điều trong đời đều mang một ý nghĩa để kiến tạo nên giá trị cuộc sống của mỗi người. Tôi đã bước qua tuổi 20 với những điều như thế đó, mỗi điều lại đem lại cho tôi những cảm nhận hoàn toàn riêng biệt và sâu sắc, làm cuộc sống của tôi đa dạng và nhiều màu sắc hơn, trọn vẹn hơn là tôi đã có người yêu rồi các bạn ạ. Dẫu biết những điều tôi trải qua chưa là gì, đúng rồi, tôi là một người rất bình thường, bình thường như bao người xung quanh. Nhưng cách tôi sống phải đúng với những điều tôi thích, tôi hứng thú thì đó mới thực sự là sống cuộc sống của tôi phải không ông giáo? Ai đó đủ kiên nhẫn đọc được hết bài này chắc không vượt qua con số 10 bởi bài này là để dành cho tôi, để kỷ niệm một năm nhiều biến động đã qua, để tôi có thể giữ vững những giá trị của mình suốt nhiều năm về sau.
Nếu bạn đọc đến đây, tôi xin chân thành cảm ơn bạn, bạn rất kiên nhẫn mới có thể đọc hết bài này của tôi và tôi tin thành công sẽ đến với bạn sớm thôi.
Chúc bạn năm mới vui vẻ và may mắn!