Một trong những miếng đánh của những người tự cho là “cánh tả” vào Việt Nam hay những hệ thống như Việt Nam, và tất nhiên là vào cả chúng tôi (cho dù chúng tôi tự biết là chúng tôi nhỏ và không có ảnh hưởng như thế nào) là miếng đánh vào lòng yêu nước, yêu dân tộc. Tất nhiên đây không phải là chiến thuật duy nhất, nhưng nó là một mảng tồn tại chủ đạo trong lý luận của những người này. Họ cho rằng chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa xã hội không thể cùng tồn tại, vì “trong chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, chỉ có một khối đại đoàn kết vô sản, vô sản toàn thế giới phải đoàn kết lại”“tất cả các biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước đều là sô vanh, và là kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản”. Đối với họ, việc vừa yêu nước vừa là người xã hội chủ nghĩa là một sự phản bội giai cấp, tạo ra mối nguy hại trực diện tới quốc tế chủ nghĩa, là xa rời lý luận của Mác-Lê-nin, là Tư tưởng sô-vanh núp bóng chủ nghĩa cộng sản”. Nếu không phải là như vậy, thì chủ nghĩa xã hội có liên quan gì tới chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước?
Cáo buộc của họ cho rằng chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân tộc là rời xa lý luận Mác-Lê-nin, giả bộ “thay đổi để phù hợp với tình hình chính trị hiện tại ở Việt Nam”. Nhưng thực tế - kẻ thù hoàn hảo của những người như thế - thứ mà họ có tiêu tốn một nguồn lực vô hạn cho cũng không đánh lại được - cho rằng:
Xuyên suốt lịch sử từ khi ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học, những người xã hội chủ nghĩa, và các phong trào xã hội chủ nghĩa đã không ngừng và nhất quán tự mình là những người và những phong trào yêu nước, một mực gắn bó một cách sâu sắc cuộc đấu tranh của họ vào thực tế đất nước của họ. Những người “cánh tả” ảo tưởng rằng họ có thể thoát ly khỏi thứ truyền thống đó, và cũng là thoát ly luôn khỏi hiện trạng đất nước, để tự đề cao mình thành tiếng nói đại diện của hình tượng một giai cấp lao động trừu tượng, như cái cây bị đánh bật khỏi rễ của mình, không được vun trồng trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể riêng của mình và không có nền tảng thực tế.
Mác viết ngay trong chương I Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản:
"...Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, dù về mặt nội dung, không phải là một cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc. Đương nhiên là trước hết, giai cấp vô sản mỗi nước phải thanh toán xong giai cấp tư sản nước mình đã..."
Ý tưởng về cuộc đấu tranh giai cấp phải được thực hiện trong nội bộ dân tộc và phải dựa vào bối cảnh lịch sử cụ thể riêng lẻ của từng dân tộc là một ý tưởng chủ đạo trong tư tưởng của Mác, điều này được củng cố và nhắc lại trong ngay phần I của “phê phán cương lĩnh Gotha” của Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), mà Mác cho là bị ảnh hưởng bởi La-san (Ferdinand Lassalle):
" ...Cố nhiên là nói chung, muốn có thể đấu tranh được thì giai cấp công nhân, với tư cách là một giai cấp, phải tự tổ chức lại ở trong nước họ, và vũ đài trực tiếp của cuộc đấu tranh của họ là ở trong nước. Chính vì thế mà cuộc đấu tranh giai cấp của họ có tính chất dân tộc, không phải về mặt nội dung của nó mà "về mặt hình thức của nó" như "Tuyên ngôn cộng sản" đã nói..."
Tất nhiên để tránh bị nói là xuyên tạc Mác và cóp nhặt ý, đây là nguyên văn, về cơ bản Mác chỉ trích chính sự thiếu tinh thần quốc tế trong văn bản của SPD, tức nếu làm theo sẽ khiến giai cấp công nhân bị cô lập trước kẻ thù cũng mang tính quốc tế, nhưng không đằng nào Mác phủ nhận việc đấu tranh giai cấp phải “trực tiếp là ở trong nước” trước:
"...Song bản thân "khuôn khổ quốc gia dân tộc hiện nay", như Đế chế Đức chẳng hạn thì về mặt kinh tế cũng lại nằm" trong khuôn khổ của thị trường thế giới" và về mặt chính trị thì lại nằm "trong khuôn khổ của hệ thống các quốc gia". Bất cứ một thương nhân nào cũng đều biết rằng thương nghiệp Đức đồng thời cũng là ngoại thương và vinh quang của ông Bismarck chính là nằm ở trong loại chính sách quốc tế của ông ta..."
Tạm gác lại Mác, ta đến với Lenin, một lãnh tụ cộng sản khác mà những người “cánh tả” cho rằng chúng ta đã phản bội một cách trơ trẽn.
Trong tập 26, V.I.LÊ-NIN toàn tập, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, đúng sau bài viết về cái chết của chủ nghĩa sô-vanh (mà những người “cánh tả” rất để ý đến), là bài “Về lòng tự hào dân tộc của người Đại Nga”, viết ngày 12 tháng 12 năm 1914. Trong bài, Lê-nin có chỉ trích chủ nghĩa sô-vanh, chủ nghĩa đế quốc, nhưng cùng lúc đây là những luận điệu đanh thép mà chính Lê-nin đã viết ra mà có những người sẽ hoàn toàn bỏ qua:
" ...Đối với chúng ta, những người vô sản Đại Nga giác ngộ, lòng tự hào dân tộc có phải là xa lạ không? Dĩ nhiên là không! Chúng ta yêu mến ngôn ngữ và tổ quốc chúng ta; điều mà chúng ta cố gắng hơn hết để thực hiện là nâng quần chúng lao động của tổ quốc ta (nghĩa là 9/10 dân số của tổ quốc ta) lên trình độ sinh hoạt giác ngộ của những người dân chủ và những người xã hội chủ nghĩa. Điều đau lòng nhất đối với chúng ta là nhìn thấy và cảm thấy tổ quốc tươi đẹp của chúng ta phải chịu biết bao sự ngược đãi…"
Tiếp đến về vấn đề dân tộc, cũng trong bài ấy:
"...Chúng ta đầy lòng tự hào dân tộc, và chính vì vậy mà chúng ta đặc biệt căm ghét cái quá khứ nô lệ của chúng ta (khi bọn địa chủ quý tộc bắt nông dân ra trận để bóp chết tự do của Hung-ga-ri, Ba-lan, Ba-tư và Trung-quốc), và cái hiện tại nô lệ của chúng ta, khi mà chính bọn địa chủ ấy, được bọn tư bản giúp sức, lại đẩy chúng ta ra trận để bóp chết Ba-lan và U-cra-i-na, để đè bẹp phong trào dân chủ ở Ba-tư và ở Trung-quốc, để củng cố bè lũ bọn Rô-ma-nốp, bọn Bô-brin-xki, bọn Pu-ri-skê-vích, là những bọn đang làm nhơ nhuốc phẩm chất dân tộc Đại Nga chúng ta. Đẻ ra đã là nô lệ, thì không có tội tình gì cả;…"
<i>Đế Quốc Nga đàn áp dân Ba Lan nổi dậy</i>
Đế Quốc Nga đàn áp dân Ba Lan nổi dậy
Ở đây, Lê-nin chỉ rõ rằng, các cuộc chiến tranh đế quốc và phong kiến là phản dân tộc, và phản bội tổ quốc. Lê-nin trích lời Mác: “Một dân tộc mà đi áp bức những dân tộc khác, thì không thể là dân tộc tự do được”. Và tất nhiên là ngoài những cáo buộc vô cớ và dốt nát ra, thì chúng tôi chưa bao giờ ủng hộ một thứ chủ nghĩa sô-vanh hay đế quốc nào cả, bất kể công khai hay nội bộ, hay thậm chí là ủng hộ thầm kín trong đầu chúng tôi cũng chưa! Hãy quay lại với Lê-nin:
Lê-nin nói tiếp:
…những công nhân Đại Nga, đầy lòng tự hào dân tộc, chúng ta mong muốn bất luận thế nào cũng phải có một nước Đại Nga quang vinh, tự do và độc lập, tự chủ, dân chủ, cộng hòa, thiết lập quan hệ với các nước láng giếng trên nguyên tắc nhân đạo là bình đẳng…
Lập trường của Lê-nin về vấn đề yêu nước và dân tộc đã là quá rõ ràng. Tác phẩm “quyền tự quyết của các dân tộc” của vị này chính là tiền đề vững chắc để đi đến kết luận khẳng định sự thật lịch sử của dân tộc, nhất là sự thật dân tộc của những dân tộc bị áp bức mà Việt Nam rõ ràng là một trong số đó, khi mà sự thật dân tộc được hiện lên qua sự áp bức từ thực dân và đế quốc. Chính Lê-nin trong bài viết này đã thẳng tay chỉ trích Rosa Luxemburg về niềm tin vào việc “giải phóng dân tộc bị áp bức phải là mục đích thứ cấp so với mục tiêu chủ nghĩa xã hội” của bà, chính Lê-nin cho rằng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đều phải là trọng tâm, vì nó làm lay chuyển hệ thống đế quốc tư bản chủ nghĩa toàn cầu. Chính Lê-nin đã chỉ trích Rosa Luxemburg khi bà nghĩ độc lập dân tộc chỉ có thể được thực hiện dưới chủ nghĩa xã hội, thay vào đó Lê-nin nhấn mạnh về độc lập dân tộc như tiền đề cho một xã hội chủ nghĩa. Các bài viết khác của ông về vấn đề này là nhiều vô kể, hễ tìm là sẽ thấy, mà không thấy thì rõ hoặc là chưa bỏ công sức ra tìm hoặc cố tình bỏ qua. Sở dĩ vốn có sự hiểu nhầm về lập trường dân tộc chủ nghĩa trong chủ nghĩa Mác, là do những người chỉ trích lập trường này không hiểu rõ hay cố không chịu hiểu về khác biệt giữa chủ nghĩa dân tộc được sử dụng bởi giai cấp tư bản, phong kiến, và chủ nghĩa dân tộc được sử dụng bởi những người vô sản nói riêng và các tầng lớp bị áp bức khác nói chung của các dân tộc bị áp bức, hay ngay cả ở những nước bị áp bức, tức họ chưa hình dung ra được tính giai cấp gắn với mỗi loại chủ nghĩa dân tộc là khác nhau. Ta tiếp tục.
Tranh vẽ Lê-nin nói chuyện với nông dân
Tranh vẽ Lê-nin nói chuyện với nông dân
Nếu các bạn không muốn nhắc đến Bác Hồ vì bằng lẽ cớ nào đó, bạn cho rằng Bác phản bội lý luận Mác-Lê-nin (mà cũng dễ hiểu thôi vì trong văn thơ Bác thì mang đậm tính dân tộc một cách xuyên suốt, chắc chắn là bằng cách này hay cách khác cũng bị nhiều người hấp tấp cho là phản bội giai cấp), thì được thôi, chúng tôi sẽ quay sang Mao Trạch Đông. Mao viết ngay trong mấy dòng đầu của bài “Vai trò đảng Cộng sản Trung Quốc trong chiến tranh toàn quốc” (THE ROLE OF THE CHINESE COMMUNIST PARTY IN THE NATIONAL WAR):
“Can a Communist, who is an internationalist, at the same time be a patriot? We hold that he not only can be but must be. The specific content of patriotism is determined by historical conditions. There is the "patriotism" of the Japanese aggressors and of Hitler, and there is our patriotism. Communists must resolutely oppose the "patriotism" of the Japanese aggressors and of Hitler.”
Dịch: “Một người cộng sản, một người theo chủ nghĩa quốc tế, có thể đồng thời là một người yêu nước không? Chúng tôi cho rằng anh ấy không chỉ có thể mà còn bắt buộc phải như vậy. Nội dung cụ thể của chủ nghĩa yêu nước do điều kiện lịch sử quy định. Có "lòng yêu nước" của những kẻ xâm lược như của Nhật Bản và của Hitler, và có lòng yêu nước như của chúng ta. Những người cộng sản phải kiên quyết chống lại “tinh thần yêu nước” của giặc Nhật và của Hitler.”
Trong đây, Mao chỉ rõ, tinh thần yêu nước của giặc Nhật và Hitler không phải là tinh thần yêu nước thực sự, vì chiến tranh đế quốc của các thế lực này trực tiếp làm tổn hại đến nhân dân của cả 2 dân tộc kể trên, kết luận này là không khác gì mấy với kết luận của C.Mác và Lê-nin. Cùng với một định nghĩa rõ ràng, nhất quán với tư tưởng Mác-xít xuyên suốt từ thời Mác, Lê: “Nội dung cụ thể của chủ nghĩa yêu nước do điều kiện lịch sử quy định”. Quả là “thay đổi để phù hợp với tình hình chính trị hiện tại ở Việt Nam là phản bội Mác-Lê!”
Một người cộng sản phải yêu nước!
Một người cộng sản phải yêu nước!
Khỏi phải nói, truyền thống yêu nước và yêu dân tộc trong khuôn khổ chủ nghĩa Mác-Lê-nin đã là quá rõ ràng, các ví dụ có thể tìm không hết đếm không xuể ở các nhà cách mạng khác, từ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Phi-đen Ca-xtơ-rô! Không bao giờ có thể tìm thấy được trong một nhà cách mạng chính trực một sự đấu tranh đơn điệu cho một tầng lớp lao động siêu quốc gia, siêu dân tộc, không bao giờ có một nhà cách mạng chân chính nào dè bỉu chính dân tộc của mình, hay của người khác. Đây không nhầm lẫn vào đâu được là điểm mạnh của các phong trào xã hội chủ nghĩa, như chúng tôi đã nói là “cách mạng Việt Nam phải chôn chân của mình vào lịch sử của dân tộc Việt Nam”, sự kết nối ấy chính là điểm mạnh. Sự liên kết của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc, không phải là tình cờ, càng không phải là thủ đoạn, mánh khóe chính trị, mà nó là mối liên hệ trực tiếp đến chính hình thức của chủ nghĩa xã hội. Nếu có gì chúng tôi đã có sơ xuất nào khi viết câu “cách mạng Việt Nam phải chôn chân của mình vào lịch sử của dân tộc Việt Nam”, thì đó chính là việc không! Cách mạng Việt Nam không chỉ đơn giản là phải chôn chân vào đó, mà phải sinh ra từ đó, đắm mình trong đó, tồn tại phụ thuộc vào đó.
Chủ nghĩa xã hội phải đắm mình trong bối cảnh cụ thể của từng dân tộc! Ảnh: Kỳ họp thứ X đảng Cộng sản Hoa Kỳ trước khi biến chất. Ở chính giữa là hình tượng Lincoln, còn to hơn cả ảnh Lê-nin và Xta-lin ở hai bên, cho thấy việc đảng Cộng sản Mỹ thời đó đã "đắm mình trong bối cảnh cụ thể của dân tộc" như thế nào
Chủ nghĩa xã hội phải đắm mình trong bối cảnh cụ thể của từng dân tộc! Ảnh: Kỳ họp thứ X đảng Cộng sản Hoa Kỳ trước khi biến chất. Ở chính giữa là hình tượng Lincoln, còn to hơn cả ảnh Lê-nin và Xta-lin ở hai bên, cho thấy việc đảng Cộng sản Mỹ thời đó đã "đắm mình trong bối cảnh cụ thể của dân tộc" như thế nào
Chủ nghĩa xã hội của Mác, Ăng-ghen, của Lê-nin, Xta-lin, Hồ Chí Minh, Mao,… là chủ nghĩa xã hội khoa học, mà vì thế nó phải bắt đầu từ những thứ có thật, những thứ tồn tại vật chất, chứ không phải một vật thể tưởng tượng. Một người cách mạng phải công nhận sự thật dân tộc, sự thật về đất nước, về non sông và bối cảnh lịch sử thật sự đã nhào nặn ra những con người có thật và sống thật. Trong bài trước, chúng tôi có viết: “một con người được bó vào nhau trong dòng chảy của lịch sử”. Đó là, chỉ khi nhận ra được thực tế này, mà thứ yếu tố tồn tại chung bên trong những con người bị và được gắn chặt vào nhau ấy mới có thể biểu hiện được chính nó, mới có thể nổi dậy. Đây là lý do tại sao chúng tôi nói về sự sống của nhà nước, và về sự tồn tại hữu cơ và vật chất của dân tộc – về dasein lịch sử của dân tộc.
Chủ nghĩa xã hội đã từng là hiện thực chính trị cho phân nửa số quốc gia trên thế giới. Và xuyên suốt đó đã cố gắng để không phải tách rời khỏi chủ nghĩa quốc tế. Tức là: tình anh em hữu nghị giữa các quốc gia dân tộc. Lập trường của chủ nghĩa quốc tế không bao giờ có thể là sự phủ định của các dân tộc nói riêng và các thực tế lịch sử của các dân tộc đó, mà nó là sự thúc đẩy của “đôi bên cùng lợi”, của “hợp tác toàn diện”, của “các dân tộc anh em”, của “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.
“Chủ nghĩa xã hội” của những người “cánh tả” kia không phải là chủ nghĩa xã hội sống, vì nó bỏ qua thực tế thực sự của quốc gia, dân tộc, bỏ qua bối cảnh lịch sử thật sự, và quan trọng là nó bỏ qua CON NGƯỜI thực sự. “Chủ nghĩa xã hội” của họ tồn tại bên ngoài những thứ có thật đó, và đi ngược lại, phản bội với những thứ có thật. Bằng cách áp dụng chủ nghĩa xã hội một cách quá cứng nhắc và giáo điều, thậm chí chính thứ này mới rời xa lý luận của Mác, những người “cánh tả” này đã tạo ra một thứ chủ nghĩa không tưởng, chân cắm lên trời, phi thực tế. Và chẳng bất ngờ khi nó ngược lại với thứ chủ nghĩa khoa học, “chân chạm đất” của Mác.
Điều này mở rộng ra ở cả các phạm vi khác nằm ngoài chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân tộc: Trong khi chủ nghĩa xã hội của chúng ta là chủ nghĩa hướng tới tương lai, là thứ chủ nghĩa của các kế hoạch 5 năm, là thứ chủ nghĩa của công nghiệp hóa, hiện đại hóa tổng thể và diện rộng, của “Chạy qua cả thập kỷ trong một ngày”, thì thứ “chủ nghĩa xã hội” của các anh kia chỉ dừng lại ở một thứ õng ẹo, yếu đuối, mơ mộng… là thứ “chủ nghĩa xã hội” của hàng 7 tỉ giới tính khác nhau cùng yêu nhau, cùng nắm tay cùng hát, cùng tự do khoái lạc, của những người nói ra những câu khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới, hãy đoàn kết lại!” hay “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân!” mà chẳng bao giờ chịu tìm ngữ cảnh. Nó là một thứ chủ nghĩa chỉ giữ được phần giáo điều, mà hình thức tổng thể thì đã biến đi đâu mất, và đến lúc đó thì nó còn được gọi là chủ nghĩa xã hội khoa học nữa không? Nếu các anh vẫn chưa hiểu, thì ở đây chúng tôi đang nói đến việc cái thứ chủ nghĩa xã hội của các anh chẳng có cơ sở thực tế nào cả, và trong lịch sử, nó chưa bao giờ thắng! Xã hội chủ nghĩa của chúng tôi, và của Việt Nam, không phải là con hươu con thỏ ôm nhau nhảy múa!
Chủ nghĩa xã hội của chúng ta là chủ nghĩa hướng tới tương lai, là thứ chủ nghĩa của các kế hoạch 5 năm, là thứ chủ nghĩa của công nghiệp hóa, hiện đại hóa tổng thể và diện rộng
Chủ nghĩa xã hội của chúng ta là chủ nghĩa hướng tới tương lai, là thứ chủ nghĩa của các kế hoạch 5 năm, là thứ chủ nghĩa của công nghiệp hóa, hiện đại hóa tổng thể và diện rộng
Vậy chủ nghĩa xã hội của ta làm gì với cái tính yêu nước và dân tộc ấy? Chúng ta đã chấp nhận thực tế của đất nước, vậy chúng ta sẽ làm gì với nó?
Thưa, chúng ta sẽ không vùi dập nó, chúng ta sẽ cố hết sức để phát huy và thể hiện nó. Chúng ta yêu tiếng Việt như Lê-nin yêu tiếng Nga vậy, vì thế mà chúng ta phải phát triển và làm đẹp nó. Cái thực tế của đất nước, dân tộc không thể bỏ đi được, dù ta có cố, cũng không thể nào đàn áp được cho dù nó có điểm xấu mà ta không thích, không yêu, ta phải nhận thấy cái xấu trong đó mà thổi hồn vào nó, cho nó cuộc sống mới, tạo dựng cho nó một sự tồn tại mới. Nói tóm lại, xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã làm vậy. Đúng hơn là: xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã và đang cố gắng triệt tiêu cái xấu trong thực tế đất nước, xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã phá bỏ đi thứ xã hội cũ, và xây dựng trên chính cái nền đó một xã hội mới tốt đẹp hơn với cùng một cái tên: Việt Nam. Thứ xã hội chủ nghĩa này làm được như vậy nhờ không xa lánh dân chúng, mà hòa mình vào với họ.
Vậy những người “cánh tả mới” kia sẽ làm gì? Họ sẽ phá bỏ những gì? Con người, dân tộc, hay ranh giới quốc gia? Những người đó làm sao có thể hòa mình vào với dân chúng được, khi nguồn gốc của họ chẳng qua là những con người thành thị bị cắt đứt gốc rễ khỏi chính đồng bào của mình? Họ sẽ làm được gì cho người dân thường, khi họ tự loại trừ bản thân khỏi mọi cơ sở văn hóa, dân tộc, gia đình mà những người dân lao động gắn bó và thương yêu. Không, đơn giản hơn là họ sẽ làm được gì cho người dân thường, nếu họ không xem thứ dân xem, làm thứ dân làm, “trải nhiệm văn hóa - kinh tế” – theo cách nói của Xta-lin - cùng với người dân thường? Họ sẽ làm gì được nếu tâm hồn của họ đang để lại nơi khác với đồng bào mình? Tất nhiên, tôi không phải tấn công trực diện các quý vị, mà phải chăng là những người mà quý vị vẫn đang lấy ý tưởng từ và đang bảo vệ chăng? Hay những người đang học từ quý vị? Chúng tôi không thiếu quen biết những người như vậy! Chúng tôi chẳng hề ghét họ, nhưng nói đơn giản, họ khó mà làm đồng bào mình được nữa.

AI PHẢN BỘI AI?